Chúa nhật, 12/01/2025

Thư Đức Thánh Cha Phanxicô Gửi Các Linh Mục Nhân Kỷ Niệm 160 Năm Thánh Gioan Vianney, Cha Xứ Ars, Qua Đời

Cập nhật lúc 20:58 08/08/2019
 
THƯ ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
GỬI CÁC LINH MỤC
NHÂN KỶ NIỆM 160 NĂM
THÁNH GIOAN VIANNEY, CHA XỨ ARS, QUA ĐỜI
 
Mến gửi
Các Anh Em Linh Mục của tôi 

Anh em thân mến, 
Một trăm sáu mươi năm đã qua kể từ khi cha xứ thánh thiện của xứ Ars qua đời. Ngài đã được Đức Giáo Hoàng Piô XI phong làm quan thầy các cha xứ trên khắp thế giới. [1] Vào lễ mừng kính ngài hôm nay, tôi viết thư này không chỉ cho các cha xứ nhưng cho tất cả các anh em linh mục của tôi, những người đã âm thầm “từ bỏ mọi sự” để dấn thân vào đời sống hằng ngày của các cộng đoàn của anh em. Giống như cha xứ Ars, anh em phục vụ “ở các chiền hào”, vác gánh nặng cả ngày dưới cái nắng thiêu đốt (x. Mt 20:12), liên lỷ đối diện với vô vàn tình huống khác nhau để chăm lo cho dân Chúa và đồng hành với họ. Tôi muốn ngỏ lời với từng người trong anh em, là những người không ồn ào khoa trương, nhưng sẵn sàng chấp nhận hy sinh bản thân, chịu đựng những mệt mỏi, yếu đau và buồn phiền để thực thi sứ mạng phục vụ Thiên Chúa và dân của anh em. Bất chấp những vất vả của hành trình này, anh em đang viết lên những trang đẹp nhất của cuộc đời linh mục.
Ít thời gian trước, tôi từng chia sẻ với các giám mục Ý mối lo lắng của tôi rằng, ở không ít nơi, các linh mục chúng ta đang cảm thấy mình bị công kích và chê trách vì những tội họ không phạm. Tôi đã nói rằng các linh mục cần phải tìm được nơi giám mục của họ một người anh và người cha giúp họ an tâm trong những thời khắc khó khăn, cổ vũ và nâng đỡ họ trên đường.[2]
Là người anh và người cha, tôi cũng muốn lợi dụng lá thư này để cảm ơn anh em nhân danh Dân thánh thiện và trung thành của Thiên Chúa vì tất cả những gì anh em đã làm cho họ, và khuyến khích anh em đừng bao giờ quên những lời Chúa đã nói với chúng ta trong ngày thụ phong, với tấm lòng trìu mến tuyệt vời của Người. Những lời này là nguồn niềm vui cho chúng ta: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa… Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15:15).[3] 
ĐAU KHỔ
“Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta” (Xh 3:7) 
Những năm gần đây, chúng ta đã chú ý nhiều hơn tới tiếng kêu, thường là âm thầm và bị kìm nén, của các anh chị em chúng ta, những nạn nhân của sự lạm dụng quyền bính, lạm dụng lương tâm và lạm dụng tình dục từ phía các thừa tác viên có chức thánh. Đây là một thời gian vô cùng đau khổ trong cuộc đời của những ai phải chịu sự lạm dụng ấy, nhưng cả trong cuộc đời của gia đình họ và của toàn thể Dân Chúa.
Như anh em biết đấy, chúng ta kiên quyết dấn thân thực hiện những cải cách cần thiết để cổ vũ ngay từ đầu một văn hoá chăm sóc mục vụ, không để cho cái văn hoá lạm dụng có đất để phát triển hay tiếp tục nữa. Đây không phải một nhiệm vụ mau chóng hay dễ dàng: nó đòi hỏi sự dấn thân của mọi người. Nếu trong quá khứ, sự thiếu sót có thể tự nó đã là một thứ phản ứng, thì hôm nay chúng ta muốn rằng sự hối cải, sự minh bạch, thành thật và liên đới với những nạn nhân phải trở thành cách thức cụ thể để chúng ta tiến tới phía trước. Và điều này sẽ giúp làm cho chúng ta càng thêm chú ý hơn tới mọi hình thức đau khổ của loài người.[4]
Đau khổ cũng ảnh hưởng đến các linh mục. Tôi đã nhìn thấy điều này trong các cuộc thăm viếng mục vụ trong giáo phận của tôi và các nơi khác, trong các cuộc gặp gỡ và nói chuyện riêng tư với các linh mục. Nhiều linh mục chia sẻ với tôi sự tức giận của họ trước những gì đã xảy ra và nỗi thất vọng khi thấy rằng “bất chấp mọi lao nhọc của họ, họ phải đối diện với sự thiệt hại đã gây ra, sự nghi ngờ và hoang mang nó đã gây ra, và những mối hoài nghi, sợ hãi và chán nản mà không ít người cảm thấy”.[5] Tôi đã nhận được nhiều thư của các linh mục diễn tả những cảm giác ấy. Đồng thời tôi cũng được an ủi bởi các cuộc gặp gỡ với những vị mục tử biết nhìn nhận và chia sẻ sự đau đớn và khổ cực của các nạn nhân và của dân Thiên Chúa, và đã cố gắng tìm ra những lời lẽ và hành động để khơi dậy niềm hy vọng.
Trong khi không phủ nhận hay bác bỏ sự thiệt hại gây ra bởi một số anh em của chúng ta, sẽ là không công bằng khi không nói lên lòng biết ơn của chúng ta đối với tất cả các linh mục đã trung thành và quảng đại tiêu hao đời sống mình để phục vụ tha nhân (x. 2Cr 12:15). Họ là hiện thân cho một tình phụ tử thiêng liêng có khả năng khóc với người khóc. Vô số linh mục biến cuộc đời mình thành một công trình của lòng thương xót trong những khu vực hay những hoàn cảnh thường thù nghịch, bị cô lập hay lãng quên, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tôi nhìn nhận và đánh giá cao gương can đảm và kiên cường của các anh em. Trong những thời buổi nhiễu loạn, tủi hổ và đau đớn, anh em chứng tỏ anh em đã vui vẻ đặt đời sống mình nơi tiền tuyến vì Tin Mừng.[6]
Tôi tin chắc rằng, nếu chúng ta tiếp tục trung thành vâng theo ý Chúa, những thời kỳ thanh luyện Hội Thánh hiện nay sẽ làm chúng ta vui tươi và khiêm tốn hơn, và sẽ cho thấy rất hiệu quả trong một tương lai không xa. “Chúng ta đừng nản lòng! Chúa đang thanh tẩy Hiền Thê của Người và cải hoá tất cả chúng ta để trở về với Người. Người đang để chúng ta chịu thử thách hầu làm chúng ta hiểu rằng không có Người, chúng ta chỉ là cát bụi. Người đang cứu chúng ta khỏi thói đạo đức giả, khỏi cái linh đạo bề ngoài. Người đang thổi Thần Khí Người vào chúng ta để khôi phục vẻ đẹp của Hiền Thê của Người bị bắt phạm tội ngoại tình. Chúng ta có thể tìm được lợi ích khi đọc lại chương 16 sách ngôn sứ Êdêkien. Đó là lịch sử của Hội Thánh, và mỗi người chúng ta có thể nói đó cũng là lịch sử của chính chúng ta. Cuối cùng, nhờ tính liêm sỉ của mình, anh em sẽ tiếp tục hành động như là một mục tử. Sự sám hối khiêm nhường của chúng ta, được diễn tả bằng những giọt nước mắt âm thầm trước những tội ác ghê tởm này và trước sự cao cả khôn dò của ơn tha thứ của Thiên Chúa, là khởi đầu cho một cuộc canh tân sự thánh thiện của chúng ta”.[7] 
LÒNG BIẾT ƠN
“Tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em” (Ep 1:16). 
Hơn là một chọn lựa cá nhân, ơn gọi là lời đáp của chúng ta cho tiếng Chúa gọi không phải vì công trạng gì của chúng ta. Sẽ ích lợi nếu chúng ta thường xuyên đọc lại những đoạn Tin Mừng mô tả việc Chúa Giêsu cầu nguyện, chọn và gọi các môn đệ để họ “ở với Người và được Người sai đi rao giảng Tin Mừng” (Mc 3:14).
Ở đây tôi nghĩ đến một bậc thầy vĩ đại của đời sống linh mục tại chính đất nước của tôi, Cha Lucio Gera. Nói truyện với một nhóm linh mục vào một thời kỳ nhiễu nhương tại Châu Mỹ Latinh, ngài bảo họ: “Luôn luôn, nhưng đặc biệt vào những lúc gặp thử thách, chúng ta cần phải trở về với những giờ phút sáng lạn khi chúng ta trải nghiệm tiếng Chúa gọi chúng ta dâng hiến đời sống để phụng sự Người”. Cá nhân tôi thích gọi trải nghiệm này là “ký ức thứ luật về ơn gọi của chúng ta”; nó làm mỗi người chúng ta trở về “với cái ánh sáng chói loà mà ơn sủng của Thiên Chúa đã chạm đến tôi lúc tôi bắt đầu cuộc hành trình. Từ ngọn lửa ấy, tôi có thể đốt lửa cho ngày hôm nay và mỗi ngày, và đem hơi ấm và ánh sáng đến cho các anh chị em tôi. Ngọn lửa ấy làm bừng cháy một niềm vui khiêm nhường, một niềm vui không thể bị xua tan bởi buồn sầu và đau khổ, một niềm vui tốt lành và êm dịu”.[8]
Một hôm, mỗi người chúng ta đã lên tiếng và nói “vâng”, một tiếng “vâng” sinh ra và lớn lên trong lòng của cộng đoàn Kitô hữu nhờ những “vị thánh ở hàng xóm”,[9] bằng đức tin đơn sơ của họ, họ cho chúng ta thấy rằng thật đáng để hiến mình hoàn toàn cho Chúa và Nước của Người. Một tiếng thưa “vâng” với những hệ luỵ vô cùng nghiêm trọng khiến chúng ta thường cảm thấy khó hình dung nổi tất cả những điều tốt đẹp mà nó tiếp tục tạo ra. Đẹp biết bao cảnh một linh mục già gặp hay được viếng thăm bởi những đứa trẻ ấy―bây giờ đã là những người lớn―mà ngài đã rửa tội từ rất lâu và bây giờ họ đến thăm ngài để tỏ lòng biết ơn và giới thiệu với ngài gia đình của chính họ! Vào những lúc như thế, chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã được xức dầu để xức dầu cho những người khác, và việc xức dầu của Thiên Chúa không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Tôi muốn nói cùng với Thánh Tông Đồ: “Tôi không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì anh em” (x. Ep 1:16) và vì mọi điều thiện hảo anh em đã làm.
Giữa cảnh thử thách gian nan, yếu đuối và ý thức về những giới hạn của chúng ta, “cái cám dỗ tệ hại nhất là day dứt về những rắc rối của mình”[10] vì khi ấy chúng ta đánh mất tầm nhìn, phán đoán đúng và lòng cản đảm của mình. Những lúc ấy, điều quan trọng―tôi thậm chí muốn nói là cốt yếu―là coi trọng ký ức về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta và cái nhìn từ bi của Người, nó truyền cảm hứng để chúng ta đặt cuộc đời mình ra tiền tuyến vì Người và vì dân của Người. Và tìm thấy sức mạnh để kiên trì, và cùng với Thánh Vịnh gia, xướng lên bài ca ngợi khen của chính chúng ta, “vì tình thương của Người tồn tại đến muôn đời” (Tv 136).
Lòng biết ơn luôn luôn là một vũ khí mạnh mẽ. Chỉ khi chúng ta biết chiêm ngắm và cảm thấy lòng biết ơn đích thực vì tất cả những cách thức chúng ta đã trải nghiệm về tình thương, lòng quảng đại, tình liên đới và tin cậy của Thiên Chúa, cũng như sự tha thứ, nhẫn nại, chịu đựng và cảm thông của Thiên Chúa, chỉ khi ấy chúng ta mới có thể để cho Thần Khí ban cho chúng ta sự tươi mới có sức canh tân (và không chỉ sửa chữa) cuộc đời và sứ mạng của chúng ta. Giống như thánh Phêrô vào buổi sáng đánh được mẻ cá lạ lùng, chúng ta hãy để cho việc nhìn nhận mọi phúc lành chúng ta đã nhận được đánh thức nơi chúng ta cảm giác kinh ngạc và biết ơn để chúng ta có thể nói: “”Xin Thầy xa con ra, vì con là kẻ tội lỗi” (Lc 5:8). Chỉ khi ấy chúng ta có thể nghe Chúa lặp lại lời kêu gọi của Người: “Đừng sợ, từ nay các con sẽ là những ngư phủ chài lưới người ta” (Lc 5:10). “Vì tình thương của Người tồn tại đến muôn đời.”
Anh em linh mục thân mến, tôi cám ơn anh em vì lòng trung thành của anh em với những cam kết anh em đã làm. Đó là một dấu hiệu cho thấy rằng, trong một xã hội và một nền văn hoá tôn vinh những cái phù du, vẫn còn có những con người không sợ tuyên những lời hứa suốt đời. Thực vậy, chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta tiếp tục tin Thiên Chúa, Đấng không bao giờ phá bỏ giao ước của Người, cho dù chúng ta đã phá vỡ nó hết lần này đến lần khác. Bằng cách này, chúng ta ca mừng lòng trung tín của Thiên Chúa, Đấng tiếp tục tin cậy chúng ta, tin chúng ta và mong đợi ở chúng ta, bất chấp mọi tội lỗi và thiếu sót của chúng ta, và Người mời gọi chúng ta đáp lại bằng sự trung thành của chúng ta. Nhận ra rằng chúng ta giữ kho báu này trong những chiếc bình sành (x. 2Cr 4:7), chúng ta biết rằng Chúa chiến thắng qua sự yếu đuối (x. 2Cr 12:9). Người tiếp tục nâng đỡ chúng ta và lặp lại lời kêu gọi của Người với chúng ta, và ban lại cho chúng ta gấp trăm lần (x. Mc 10:29-30). “Vì tình thương của Người tồn tại đến muôn đời.”
Cám ơn anh em vì niềm vui dâng hiến đời sống của anh em, nó bộc lộ một trái tim mà năm này qua năm khác vẫn kiên trì không chịu bị đóng kín và chua chát, nhưng đã lớn lên hằng ngày trong tình yêu đối với Thiên Chúa và dân của Người. Một trái tim, giống như rượu ngon, đã không trở thành chua nhưng trở thành phong phú hơn cùng với tuổi tác. “Vì tình thương của Người tồn tại đến muôn đời.”
Cám ơn anh em vì luôn làm việc để kiện cường mối dây huynh đệ và tình bạn với các linh mục anh em và với giám mục của anh em, cống hiến cho nhau sự nâng đỡ và khích lệ, chăm sóc những anh em yếu đau, tìm kiếm những anh em sống xa cách, thăm viếng những anh em cao niên và hưởng nhận sự khôn ngoan của họ, chia sẻ cho nhau và biết cùng khóc cùng cười với nhau. Chúng ta cần những thứ này biết bao! Nhưng cũng cám ơn anh em vì sự trung thành và kiên trì của anh em trong việc cáng đáng những sứ vụ khó khăn, hay vì những lúc anh em buộc phải kêu gọi một người anh em linh mục tuân giữ kỷ luật. “Vì tình thương của Người tồn tại đến muôn đời.”
Cám ơn anh em vì chứng tá của anh em về sự kiên trì và nhẫn nại chịu đựng (hypomonè) trong thừa tác vụ mục vụ. Nhiều lần, với parrhesía [sự mạnh dạn] của người mục tử,[11] chúng ta thấy mình đang tranh cãi với Chúa khi cầu nguyện, giống như ông Môsê đã can đảm cầu giúp nguyện thay cho dân (x. Ds 14:13-19; Ex 32:30-32; Dt 9:18-21). “Vì tình thương của Người tồn tại đến muôn đời.”
Cám ơn anh em vì cử hành Thánh Thể hằng ngày và là những mục tử của lòng thương xót trong Bí Tích Hoà Giải, không nghiêm khắc cũng không buông lỏng, nhưng quan tâm sâu xa đến giáo dân và đồng hành với họ trong hành trình hoán cải của họ về với đời sống mới mà Chúa ban cho tất cả chúng ta. Chúng ta biết rằng trên cái thang của lòng thương xót, chúng ta có thể đi xuống đáy sâu của cảnh huống con người―gồm sự yếu đuối và tội lỗi―và đồng thời trải nghiệm những đỉnh cao của sự trọn lành của Thiên Chúa: “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha là Đấng thương xót”.[12] Bằng cách này, chúng ta “có thể sưởi ấm con tim của dân chúng, đi bên cạnh họ trong đêm tối, nói chuyện với họ và thậm chí đi vào đêm tối và bóng tối của họ, mà không đi lạc con đường của chúng ta”.[13] “Vì tình thương của Người tồn tại đến muôn đời.”
Cám ơn anh em vì anh em xức dầu và sốt sắng rao giảng cho mọi người, lúc thuận cũng như lúc nghịch” (x. 2Tm 4:2) Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, thăm dò trái tim cộng đoàn của anh em, để khám phá ra ở đâu lòng khao khát Thiên Chúa của trái tim ấy sống động và nồng nhiệt, cũng như ở đâu sự đối thoại ấy, trước kia đã từng có lúc yêu mến, bây giờ đã thui chột và khô cằn”.[14] “Vì tình thương của Người tồn tại đến muôn đời.”
Cám ơn anh em vì những lần, với đầy xúc động, anh em đã ôm ấp những người tội lỗi, chữa lành những vết thương, sưởi ấm những con tim và chứng tỏ sự dịu dàng và cảm thương của Người Samaria Nhân Lành (x. Lc 10:25-27). Không gì cần hơn điều này: dễ đến gần, thân thiện, sẵn sàng chạm vào xác thịt của những anh chị em đau khổ của chúng ta. Mạnh biết bao gương lành của người linh mục hiện diện và không xa tránh những vết thương của các anh chị em mình![15] Nó phản chiếu trái tim của một người mục tử đã phát triển một sở thích thiêng liêng là trở nên một với dân của mình,[16] một người mục tử không bao giờ quên rằng mình đã xuất thân từ họ và bằng việc phục vụ họ, mình sẽ tìm thấy và diễn đạt được căn tính tinh tuyền và đầy đủ của mình. Và điều này sẽ dẫn họ tới chỗ chấp nhận một lối sống đơn sơ và thanh đạm, từ chối những đặc quyền chẳng có liên quan gì đến Tin Mừng. “Vì tình thương của Người tồn tại đến muôn đời.”
Sau cùng, chúng ta hãy biết ơn vì sự thánh thiện của Dân trung thành của Thiên Chúa, những người mà chúng ta được kêu gọi chăn dắt và nhờ họ mà Chúa cũng chăn dắt và chăm sóc chúng ta. Người chúc phúc cho chúng ta bằng ơn được chiêm ngắm Dân trung thành ấy “nơi những bậc cha mẹ đang nuôi dạy con cái họ bằng tình yêu vô biên, nơi những người nam người nữ đang làm việc vất vả để nuôi sống gia đình họ, nơi những người yếu đau bệnh tật, nơi những tu sĩ cao niên không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trì của đời sống hằng ngày, tôi thấy sự thánh thiện của Hội Thánh chiến đấu”.[17] Chúng ta hãy tạ ơn vì mỗi một người trong số họ, và tìm được sự nâng đỡ và khích lệ nơi chứng tá của họ. “Vì tình thương của Người tồn tại đến muôn đời.” 
SỰ KHÍCH LỆ
“Tôi muốn tâm hồn [anh em] được phấn khởi” (Cl 2:2) 
Ước muốn lớn thứ hai của tôi là, nói như Thánh Phaolô, cống hiến cho anh em sự khích lệ khi chúng ta nỗ lực canh tân tinh thần linh mục của chúng ta, nó là hoa quả trước hết của hành động của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Đối diện với những kinh nghiệm đau thương, tất cả chúng ta cần được an ủi và khích lệ. Sứ vụ mà chúng ta được kêu gọi thực hiện không miễn chước cho chúng ta khỏi những nỗi đãu đớn, khổ cực, thậm chí bị hiểu lần.[18] Đúng hơn, sứ vụ ấy đòi chúng ta đối diện thẳng với chúng và chấp nhận chúng, để Chúa có thể biến đổi chúng và làm cho chúng ta trở nên đồng hình dạng với Người hơn. “Suy cho cùng, sự thiếu thành tâm nhìn nhận trong kinh nguyện các giới hạn của chúng ta khiến cho ơn Chúa không thể hoạt động hiệu quả hơn trong chúng ta, vì không còn chỗ nào để tạo nên điều tốt lành tiềm năng vốn là thành phần của một hành trình tăng trưởng chân thành và đích thực”.[19]
Một cách tốt để trắc nghiệm tâm hồn mục tử của chúng ta là hỏi xem chúng ta đối diện với đau khổ thế nào. Chúng ta có thể thường hành động giống như thầy lêvi hay tư tế trong dụ ngôn, tránh sang một bên và không ngó ngàng gì tới người bị cướp bên đường (x. Lc 10:31-32). Hay chúng ta có thể lại gần không đúng cách, nhìn các hoàn cảnh một cách trừu tượng và viện cớ để tránh né theo thói thường, chẳng hạn như: “Đời là vậy..”, hay “Không thể làm được gì”. Bằng cách này, chúng ta chiều theo thuyết cam chịu của định mệnh. Hoặc chúng ta có thể lại gần với một thái độ kẻ cả chỉ tạo ra sự cô lập và loại trừ. “Như tiên tri Giôna, chúng ta thường xuyên bị cám dỗ trốn tránh vào một cái hang an toàn. Nó có thể mang  nhiều tên gọi khác nhau: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy linh, sống trong một thế giới nhỏ bé…”[20] Thay vì làm chúng ta biết thương cảm, thái độ này ngăn cản chúng ta đối diện với những vết thương của chính mình, vết thương của người khác và cuối cùng là vết thương của chính Chúa Giêsu.[21]
Theo cùng một triền suy tư này, tôi muốn nhắc tới một thái độ tinh vi và nguy hiểm khác, mà như Bernanos thích nói, nó là “thức uống quí nhất của ma quỉ”.[22] Nó cũng là thái độ tai hại nhất cho những linh mục chúng ta muốn phục vụ Chúa, vì nó nuôi dưỡng sự chán nản, cô đơn và thất vọng.[23] Thất vọng với cuộc đời, với Hội Thánh hay với chính mình có thể cám dỗ chúng ta đeo đuổi mộtmối sầu ngọt ngào hay sự buồn phiền mà các Giáo Phụ phương Đông gọi là acedia, thờ ơ, vô cảm. Hồng Y Tomáš Špidlík mô tả nó như sau: “Nếu chúng ta bị tấn công bởi sự sầu đời, bên cạnh những người khác hay chỉ cô đơn một mình, đó là vì chúng ta thiếu đức tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa và các công trình của Người… Buồn sầu làm tê liệt ước muốn kiên trì của chúng ta trong lao động và cầu nguyện; nó làm chúng ta khó sống với… Các tác giả tu đức viết nhiều về tật xấu này thì gọi nó là kẻ thù tệ hại nhất của đời sống thiêng liêng.”[24]
Tất cả chúng ta ý thức rằng buồn sầu có thể biến thành thói quen và dần dần đưa chúng ta tới chỗ chấp nhận sự dữ và sự bất công bằng cách âm thầm bảo chúng ta: “Nó vốn luôn luôn là thế mà!” Một sự buồn sầu bóp nghẹt mọi cố gắng thay đổi và hoán cải, bằng cách gieo sự oán giận và thù nghịch. “Đó không phải là cách để sống một cuộc sống xứng đáng và viên mãn; nó không phải là ý của Thiên Chúa cho chúng ta, cũng không phải là sự sống của Thần Khí, vốn bắt nguồn trong trái tim của Chúa Kitô phục sinh”,[25] mà chúng ta đã được kêu gọi để sống. Anh em thân mến, khi mối sầu ngọt ngào ấy đe doạ kìm hãm cuộc sống chúng ta hay các cộng đoàn của chúng ta, chúng ta không nên sợ hãi hay bối rối, nhưng với quyết tâm vững chắc, chúng ta hãy cùng nhau nài xin Chúa Thánh Thần “đánh thức chúng ta khỏi cơn mê ngủ, giải phóng chúng ta khỏi tình trạng ù lỳ. Chúng ta hãy suy nghĩ lại cách chúng ta có thói quen làm; chúng ta hãy mở to mắt và tai chúng ta, và trên hết là trái tim chúng ta, để không tự mãn về những gì đang có, nhưng được khuấy động bởi lời sống động và hiệu quả của Chúa phục sinh”.[26]
Tôi muốn lặp lại: vào những lúc khó khăn, tất cả chúng ta đều cần sự an ủi và sức mạnh của Thiên Chúa, cũng như của các anh chị em chúng ta. Tất cả chúng ta có thể được hưởng nhờ những lời cảm động của Thánh Phaolô nói cho các cộng đoàn của ngài: “Tôi xin anh em đừng nản chí khi thấy tôi phải gian truân vì anh em” (Ep 3:13), và “Tôi muốn tâm hồn [anh em] được phấn khởi” (Cl 2:22). Bằng cách này, chúng ta có thể thi hành sứ vụ mà Chúa ban cho chúng ta một cách mới mẻ mỗi ngày: công bố “tin mừng trọng đại cho toàn dân” (Lc 2:10). Không phải bằng việc trình bày những lý thuyết trí thức hay những nguyên tắc đạo đức về cách mọi sự phải như thế nào, nhưng như là những con người mà, sống trong đau khổ, đã được Chúa làm cho biến đổi và biến hình, và có thể thốt lên như ông Gióp: “Trước kia, con chỉ được biết về Ngài nhờ người ta nói lại, nhưng giờ đây, chính mắt con chứng kiến” (G 42:5). Không có trải nghiệm nền tảng này, mọi công việc cực nhọc vất vả của chúng ta sẽ chỉ dẫn đến thất vọng và chán chường.
Trong cuộc đời của chính chúng ta, chúng ta đã thấy rằng “với Đức Kitô, niềm vui mới không ngừng được sinh ra” như thế nào.[27] Mặc dù có những giai đoạn khác nhau trong kinh nghiệm này, chúng ta biết rằng, bất chấp những yếu hèn và tội lỗi của chúng ta, “với một sự dịu dàng không bao giờ gây thất vọng, nhưng luôn luôn có khả năng khôi phục niềm vui của chúng ta, Thiên Chúa làm chúng ta có thể ngẩng cao đầu và bắt đầu làm mới lại”.[28] Niềm vui ấy không phải là kết quả của các tư tưởng hay quyết định của chúng ta, nhưng là kết quả của sự tin cậy phát sinh từ việc biết sự thật vững bền của các lời Chúa Giêsu nói với ông Phêrô. Vào những lúc hoang mang chao đảo, hãy nhớ những lời này của Chúa: “Thầy đã cầu nguyện cho anh, để anh khỏi mất lòng tin” (Lc 22:32). Chúa là người đầu tiên cầu nguyện và chiến đấu cho anh em và cho tôi. Và Người mời gọi chúng ta hoàn toàn đi vào lời cầu nguyện của chính Người. Có thể có những lúc chúng ta cũng phải đi vào “lời cầu nguyện trong vườn Ghếtsêmani, những lời cầu nguyện nhân loại và bi thương nhất của Đức Giêsu.. Vì ở đó chúng ta tìm thấy sự cầu khẩn, sự sầu não, lo lắng và thậm chí sự kinh hoàng (Mc 14:33tt.)”.[29] 
Chúng ta biết không dễ để đứng trước mặt Chúa và để cho cái nhìn của Người dò xét cuộc đời chúng ta, chữa lành các vết thương lòng của chúng ta và rửa chân chúng ta sạch tính thế tục đã tích tụ trên đường đi và bây giờ ngăn cản chúng ta tiến tới phía trước. Trong cầu nguyện, chúng ta trải nghiệm sự “bất an” thánh thiện, là cái nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là những môn đệ cần được Chúa giúp, và nó giải thoát chúng ta khỏi khuynh hướng tự cao tự đại của “những người cậy vào sức riêng của mình và cảm thấy hơn những người khác vì mình tuân giữ một số luật nào đó”.[30]
Anh em thân mến, hơn bất cứ ai, Đức Giêsu biết các cố gắng và các thành tích của chúng ta, các yếu hèn và các lầm lỗi của chúng ta. Người là người đầu tiên bảo chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gáng nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28-29).
Trong việc cầu nguyện này, chúng ta biết rằng mình không bao giờ cô độc. Lời cầu nguyện của người mục tử bao gồm cả Thần Khí kêu lên “Ábba, Cha ơi!” (x. Gl 4:6), và những người đã được trao phó cho người ấy coi sóc. Sứ vụ và căn tính của chúng ta có thể được định nghĩa bằng cái biện chứng này.
Kinh nguyện của người mục tử được nuôi dưỡng và được nhập thể vào trong trái tim của Dân Thiên Chúa. Nó mang dấu vết những đau khổ và niềm vui của những giáo dân của họ, những người mà họ thầm lặng giới thiệu cho Chúa để được xức dầu bởi ơn Chúa Thánh Thần. Đây là niềmhyvọng của một người mục tử, là người tin tưởng và kiên trì cầu xin Chúa chăm lo sự yếu hèn của chúng ta như là những cá nhân và như là một đoàn dân. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu ra rằng chính trong kinh nguyện của Dân Thiên Chúa mà trái tim của người mục tử mặc lấy xác thịt và tìm được chỗ riêng của nó. Điều này giúp chúng ta thoát khỏi thái độ tìm kiếm những câu trả lời nhanh, dễ và có sẵn; nó để cho Chúa―chứ không phải các công thức và mục tiêu của chúng ta―là người chỉ cho chúng ta một con đườnghyvọng. Chúng ta đừng quên rằng vào những lúc khó khăn nhất trong đời sống của cộng đoàn Hội Thánh sơ khởi, như chúng ta đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ, cầu nguyện đã xuất hiện như là sức mạnh hướng dẫn đích thực.
Anh em thân mến, chúng ta hãy thực sự nhìn nhận sự yếu đuối của mình, nhưng cũng hãy để cho Đức Giêsu biến đổi chúng và lại sai chúng ta đi thi hành sứ vụ. Chúng ta đừng bao giờ để mất niềm vui của việc biết rằng chúng ta là “những con chiên của đoàn chiên của Người” và Người là Chúa và Chủ Chiên của chúng ta.
Để tâm hồn chúng ta phấn khởi, chúng ta không được quên cái biện chứng xác định căn tính chúng ta. Trước hết là mối quan hệ của chúng ta với Đức Giêsu. Mỗi khi chúng ta quay lưng lại với Chúa Giêsu hay quên lãng mối quan hệ với Người, sự cam kết của chúng ta sẽ từ từ nhưng chắc chắn bắt đầu phai nhạt và đèn của chúng ta hết dầu cần thiết để thắp sáng lên cuộc đời chúng ta (x. Mt 25:1-13): “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy… vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:4-5). Về phương diện này, tôi muốn khuyến khích anh em đừng bỏ việc linh hướng. Hãy tìm một người anh em mà mình có thể nói chuyện, suy tư, thảo luận và phân định, chia sẻ với tất cả sự tin tưởng và cởi mở về hành trình cuộc đời của mình. Một người anh em khôn ngoan để chia sẻ kinh nghiệm làm môn đệ. Hãy tìm người ấy, gặp người ấy và vui hưởng sự hướng dẫn, đồng hành và lời khuyên của người anh em ấy. Đây là một sự trợ giúp thiết yếu để thi hành thừa tác vụ của anh em theo ý Chúa Cha (x. Dt 10:9) và để cho tim của mình đập với “lòng trí ở trong Đức Giêsu Kitô” (Pl 2:5). Chúng ta có thể tìm được lợi ích từ những lời của sách Giảng Viên: “Hai người thì hơn một… Người này ngã đã có người kia nâng dậy. Nhưng khi chỉ có một mình mà bị ngã thì thật là khốn, vì chẳng có ai nâng dậy cả!" (4:9-10).
Khía cạnh thiết yếu khác của biện chứng này là mối quan hệ của chúng ta với giáo dân. Hãy vun trồng mối quan hệ này và mở rộng nó. Đừng sống xa cách giáo dân, các cộng sự và các cộng đoàn của anh em, càng không được tìm sự náu ẩn trong một nhóm tinh hoa đóng kín. Rốt cuộc, cách sống như thế bóp nghẹt và gây độc cho linh hồn. Một mục tử có “trái tim phấn khởi” là một mục tử luôn luôn chuyển động. Khi chúng ta “đi ra”, chúng ta “khi thì ở phía trước, khi thì ở giữa, khi thì ở phía sau: ở phía trước để hướng dẫn cộng đoàn; ở giữa để khích lệ và nâng đỡ; và ở phía sau để giữ sự hiêp nhất, để không ai bị tụt lại quá xa ở đàng sau.. Còn có một lý do nữa: vì giáo dân của chúng ta có một “cái mũi” để đánh hơi các sự việc. Họ đánh hơi, phát hiện các lối đi mới; họ có sensus fidei,“cảm thức đức tin” (x. Lumen Gentium, 12)… Có cái gì có thể đẹp hơn chăng?”[31] Chính Đức Giêsu là mẫu mực cho chọn lựa rao giảng Tin Mừng này để dẫn chúng ta đến với trái tim của giáo dân. Tốt biết bao cho chúng ta khi được thấy Người trong sự chú ý của Người tới mọi người! Hy tế của Đức Giêsu trên thập giá không là gì khác hơn là tột đỉnh của phong cách rao giảng Tin Mừng đánh dấu toàn bộ cuộc đời Người.
Anh em linh mục thân mến, nỗi đau đớn của biết bao nạn nhân, nỗi đau đớn của dân Thiên Chúa và nỗi đau đớn của bản thân chúng ta, không thể là vô ích. Chính Đức Giêsu đã vác gánh nặng thập giá của Người và bây giờ Người xin hcúng ta canh tân sứ mạng của chúng ta trong việc đến gần những người chịu đau khổ, đến gần nỗi thống khổ của loài người, và thật sự biến tất cả những đau đớn này thành những trải nghiệm của chính chúng ta, như là Thánh Thể.[32] Thời đại chúng ta, được ghi dấu những vết thương cũ và mới, đòi hỏi chúng ta phải là những người xây dựng các mối quan hệ và hiệp thông, cởi mở, tin tưởng và mong đợi niềm hy vọng về sự mới mẻ mà Vương Quốc của Thiên Chúa muốn thể hiện ngay cả hôm nay. Vì đó là một vương quốc của những tội nhân đã được tha thứ và được kêu gọi làm chứng cho lòng nhân từ luôn luôn là hiện tại của Chúa. “Vì tình thương của Người tồn tại đến muôn đời.”
 NGỢI KHEN
“Linh hồn tôi tán dương sự cao cả của Chúa” (Lc 1:46)
Làm sao chúng ta có thể nói về lòng biết ơn và sự phấn khởi mà không nhìn lên Đức Maria? Mẹ, người phụ nữ với trái tim bị đâm thâu (x. Lc 2:35), dạy chúng ta bài ngợi khen có khả năng nâng cao cái nhìn của chúng ta hướng về tương lai và khôi phục niềm hy vọng của chúng ta cho hiện tại. Cả cuộc đời Mẹ được gói trọn trong bài ngợi khen của Mẹ (x. Lc 1:46-55).
Mỗi khi đến viếng một Đền Đức Mẹ, tôi thích dành thời gian ngắm nhìn Đức Mẹ và để Đức Mẹ nhìn tôi. Tôi cầu xin được sự tín thác của những trẻ thơ, sự tín thác của những người nghèo và người đơn sơ biết rằng mẹ của họ đang ở đó, rằng họ có một chỗ trong trái tim của mẹ. và khi nhìn lên Mẹ, tôi một lần nữa được nghe, giống như chàng thanh niên Da Đỏ Juan Diego: “Con út của mẹ, con có chuyện gì? Đừng để nó làm tim con bối rối. Mẹ vinh dự được làm mẹ của con, mẹ lại không ở đây sao?”[33]
Chiêm ngắm Đức Maria là “một lần nữa tin vào bản chất cách mạng của tình yêu và sự dịu dàng. Nơi Mẹ, chúng ta thấy rằng khiêm nhường và dịu dàng không phải là nhân đức của những kẻ yếu đuối nhưng của những người mạnh, không cần đối xử tệ với những người khác để tự mình cảm thấy mình là quan trọng.”[34]
Có lẽ thỉnh thoảng cái nhìn của chúng ta có thể bị chai cứng, hay chúng ta có thể cảm thấy rằng sức quyến rũ của sự vô cảm hay sự thương hại bản thân sắp sửa mọc rễ trong trái tim chúng ta. Hay sự ý thức của chúng ta rằng mình là một thành phần sống động và trọn vẹn của dân Thiên Chúa bắt đầu làm chúng ta mệt mỏi, và chúng ta cảm thấy bị cám dỗ theo một chủ nghĩa tinh hoa nào đó. Những lúc như thế, chúng ta đừng sợ chạy đến với Đức Mẹ và hát lên bài ca ngợi khen của Mẹ.
Có lẽ đôi khi chúng ta có thể cảm thấy bị cám dỗ rút lui vào trong bản thân và công việc của mình, tránh khỏi những con đường bụi bặm của cuộc sống hằng ngày. Hay những tiếc nuối, những phàn nàn, những lời chỉ trích hay châm biếm lấn lướt và làm chúng ta mất đi ước muốn chiến đấu, hy vọng và yêu thương. Những lúc như thế, chúng ta hãy nhìn lên Mẹ để Mẹ có thể giải thoát cái nhìn của chúng ta khỏi mọi “móng vuốt” cản trở chúng ta chú ý và cảnh giác, và nhờ đó có thể nhìn thấy và mừng Đức Kitô sống động giữa dân Người. Và nếu chúng ta thấy rằng mình đang lạc đường, hay đang thất bại trong các cố gắng hoán cải, lúc ấy chúng ta hãy nhìn lên Mẹ giống như một cha xứ tuyệt vời của tôi trong giáo phận xưa kia của tôi, ngài đồng thời cũng là một nhà thơ. Ngài đã xin Mẹ, với một cái gì giống như một nụ cười: “Tối nay, Mẹ thân yêu /lời con hứa chân thành; /nhưng để cho chắc ăn, xin đừng quên/ để chìa khoá bên ngoài cửa”.[35] Đức Mẹ “là người bạn hằng lo cho cuộc đời chúng ta không bao giờ thiếu rượu. Là mẹ của mọi người, Mẹ là dấu hiệu hi vọng cho các dân tộc đang chịu những cơn đau vượt cạn của công lý.. Là người mẹ đích thực, Mẹ đi bên cạnh chúng ta, Mẹ chia sẻ những cuộc chiến đấu của chúng ta và hằng bao bọc chúng ta bằng tình thương của Thiên Chúa”.[36]
Anh em thân mến, một lần nữa, “tôi không ngừng tạ ơn Chúa vì anh em” (Ep 1:16), vì sự dấn thân và thừa tác vụ của anh em. Vì tôi tin tưởng rằng “Thiên Chúa lấy đi cả những viên đá cứng nhất mà các niềm hy vọng và trông mong của chúng ta vấp phải: sự chết, tội lỗi, sự sợ hãi, tính thế tục. Lịch sử loài người không kết thúc trước một tấm bia mộ, vì hôm nay nó gặp được “viên đá sống” (x. Pr 2:4), Đức Giêsu phục sinh. Là Hội Thánh, chúng ta được xây dựng trên Người, và cả khi chúng ta trở nên ngã lòng và bị cám dỗ phán đoán tất cả dựa theo các thất bại của chúng ta, Người vẫn đến để làm mới mọi sự”.[37]
Chúng ta hãy để cho lòng biết ơn của chúng ta khơi dậy lời ngợi khen và niềm phấn khởi mới cho sứ vụ của chúng ta là xức dầu hi vọng cho các anh chị em chúng ta. Chúng ta hãy là những người sống chứng tá cho lòng trắc ẩn và lòng thương xót mà chỉ mình Đức Giêsu có thể ban cho chúng ta.
Xin Chúa Giêsu ban phúc lành cho anh em và xin Đức Trinh Nữ gìn giữ anh em. Và xin anh em vui lòng đừng quên cầu nguyện cho tôi.
                                                                                                                                            Thân ái,
                                                                                                                                        PHANXICÔ 
Rôma, tại Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô,
Ngày 4 tháng 8, 2019
Lễ nhớ Thánh Gioan Vianney, Cha Xứ Ars
 

Chú thích 
[1]   Xem Tông huấn Anno Iubilari (23-4-1929): ): AAS 21 (1929), 312-313.
[2]   Diễn Từ cho Hội Đồng Giám Mục Ý (20-5-2019). Tình phụ tử thiêng liêng đòi hỏi một giám mục không được bỏ các linh mục của mình mồ côi; điều này có thể cảm thấy không chỉ trong việc ngài mở rộng cửa cho các linh mục, nhưng cũng tìm kiếm họ để chăm sóc và đồng hành với họ.
[3]   Xem THÁNH GIOAN XXIII, Thông điệp Sacerdotii Nostri Primordia về Kỷ Niệm Một Trăm Năm Cha Xứ Thánh Ars qua đời (1-8-1959): AAS (51 (1959), 548.
[4]   Xem Thư gửi Dân Chúa (20-8-2018).
[5]   Gặp gỡ các Linh Mục, Tu Sĩ, các Người Thánh Hiến và các Chủng Sinh, Santiago de Chile (16-1-2018).
[6]   Xem Thư gửi Dân Lữ Hành của Thiên Chúa tại Chilê (31-5-2018).
[7]   Gặp gỡ các Linh Mục Giáo Phận Rôma (7-3-2019).
[8]   Bài giảng Vọng Phục Sinh (19-4-2014).
[9]   Tông huấn Gaudete et Exsultate, 7.
[10] Xem JORGE MARIO BERGOGLIO, Las cartas de la tribulación (Herdre, 2019), 21.
[11] Xem Diễn từ cho các Linh Mục Chánh Xứ của Rôma (6-3-2014).
[12] Tĩnh tâm cho các Linh MụcBài Suy Niệm I (2-6-2016).
[13] A. SPADARO, Phỏng vấn ĐGH Phanxicô, trong La Civiltà Cattolica 3918 (19-9-2013), tr. 462.
[14]  Tông huấn Evangelii Gaudium, 137.
[15] Xem Diễn từ cho các Linh Mục Chánh Xứ tại Rôma (6-3-2014).
[16] Xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 268.
[17] Tông huấn Gaudete et Exsultate, 7.
[18] Tông huấn Misericordia et Miseria, 13.
[19] Tông huấn Gaudete et Exsultate, 50.
[20] Ibid., 134.
[21] Xem JORGE MARIO BERGOGLIO, Reflexiones en esperanza (Vatican City, 2013), tr. 14.
[22] Journal d’un curé de campagne (Paris, 1974), tr. 135; xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 83.
[23] Xem BARSANUPH OF GAZA, Letters, trong VITO CUTRO – MICHAŁ TADEUSZ SZWEMIN, Bisogno di paternità (Warsaw, 2018), tr. 124.
[24] L’arte di purificare il cuore, Rome, 1999, tr. 47.
[25] Tông huấn Evangelii Gaudium, 2.
[26] Tông huấn Gaudete et Exsultate, 137.
[27] Tông huấn Evangelii Gaudium, 1.
[28] Ibid., 3.
[29] JORGE MARIO BERGOGLIO, Reflexiones en esperanza (Vatican City, 2013), tr. 26.
[30] Tông huấn Evangelii Gaudium, 94.
[31] Gặp gỡ các Linh Mục, các Người Thánh Hiến và các Thành Viên Hội Đồng Mục Vụ, Assisi (4-10-2013).
[32] Xem Tông huấn Evangelii Gaudium, 268-270.
[33] Xem Nican Mopohua, 107, 118, 119.
[34] Tông huấn Evangelii Gaudium, 288.
[35] Xem AMELIO LUIS CALORI, Aula Fúlgida, Buenos Aires, 1946.
[36] Tông huấn Evangelii Gaudium, 286.
[37] Bài giảng Vọng Phục Sinh (20-4-2019).
 
Bản dịch tiếng Việt:
Lm. Đaminh Ngô Quang Tuyên
hdgmvietnam.com
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log