Những điểm mới của Văn Kiện
Qua văn kiện này, ngài thiết định các qui luật và thủ tục mới về việc trình báo những vụ xách nhiễu và bạo hành tính dục trẻ vị thành niên, đồng thời cũng đảm bảo sao cho các GM và các Bề trên dòng tường trình trách nhiệm về hoạt động của các vị. Tự sắc ấn định nghĩa vụ buộc các giáo sĩ và tu sĩ phải trình báo các vụ lạm dụng. Mỗi giáo phận phải có một hệ thống có thể được dân chúng lui tới, liên lạc dễ dàng để đón nhận những lời tố giác lạm dụng.
Phần dẫn nhập
”Vos estis lux mundi” (Các con là ánh sáng thế gian). Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta kêu gọi mỗi tín hữu hãy nêu gương sáng ngời về nhân đức, liêm chính và thánh thiện”. Tựa đề và những lời đầu tiên của Tự Sắc mới của ĐTC Phanxicô rút từ Tin Mừng theo thánh Mathêu nói về cuộc chiến chống nạn giáo sĩ và tu sĩ lạm dụng tính dục, cũng như về những hành động hoặc sự quên sót của các GM và các bề trên dòng ”nhắm can thiệp hoặc tránh né” những cuộc điều tra về các vụ lạm dụng. ĐGH nhắc nhở rằng ”các tội ác lạm dụng tính dục xúc phạm đến Chúa, gây ra những thiệt hại về thể lý, tâm lý và tinh thần cho các nạn nhân và làm thương tổn cộng đồng các tín hữu”. Ngài đề cập đến trách nhiệm đặc thù của các vị kế nhiệm các Tông Đồ trong việc phòng ngừa các tội phạm này. Văn kiện mới của ĐTC tạo thêm một thành quả do cuộc gặp gỡ hồi tháng 2 năm nay (2019) tại Vatican về việc bảo vệ các trẻ vị thành niên. Tự Sắc ấn định các qui tắc mới để bài trừ những lạm dụng tính dục và làm sao để các GM và các Bề trên dòng trả lẽ về hành động của mình. Đây là một qui luật phổ quát, được áp dụng cho toàn thể Giáo Hội Công Giáo.
”Một Văn phòng tại mỗi giáo phận để nhận những lời trình báo”
Trong số những điều mới mẻ được dự trù, có qui định tất cả các giáo phận trên thế giới, từ nay cho đến tháng 6 năm 2020 phải thiết lập ”một hoặc nhiều hệ thống vững bền và dễ lui tới để công chúng có thể trình báo những lạm dụng tính dục do giáo sĩ và tu sĩ, việc sử dụng các tài liệu dâm ô trẻ em và sự che đậy các vụ lạm dụng. Qui luật không xác định các hệ thống ấy là gì, và để cho mỗi giáo phận chọn lựa thi hành, có thể khác nhau tùy theo các nền văn hóa và hoàn cảnh địa phương. Điều mà Tự Sắc muốn ở đây là những người đã bị lạm dụng có thể tìm đến Giáo Hội địa phương và biết chắc mình sẽ được đón nhận, tin chắc mình sẽ được bảo vệ chống lại những hành động trả đũa và những lời tố giác của họ sẽ được cứu xét hết sức nghiêm túc.
Nghĩa vụ phải trình báo
Một điều mới mẻ khác, đó là nghĩa vụ tất cả các giáo sĩ và tu sĩ nam nữ phải ”trình báo kịp thời” với giáo quyền tất cả những tin tức về những vụ lạm dụng mà họ biết được cũng như những quên sót, che đậy trong việc xử lý những vụ lạm dụng. Cho đến nay, nghĩa vụ này theo một nghĩa nào đó chỉ liên hệ tới lương tâm cá nhân, nhưng từ nay trở thành một giới luật được qui định chung cho toàn thể Giáo Hội. Nghĩa vụ này chỉ được qui định cho các giáo sĩ và tu sĩ, nhưng tất cả các giáo dân cũng có thể và được khuyến khích sử dụng hệ thống để báo cho nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội về những vụ lạm dụng và xách nhiễu.
Không phải chỉ có những vụ lạm dụng trẻ vị thành niên
Tự Sắc không phải chỉ nói đến những vụ xách nhiễu và bạo hành trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương, nhưng cả những vụ hiếp dâm và xách nhiễu do sự lạm dụng quyền bính. Nghĩa vụ này cũng bao gồm bất kỳ vụ giáo sĩ nào hãm hiếp nữ tu, cũng như trường hợp những vụ xách nhiễu chủng sinh hoặc tập sinh đã đến tuổi trưởng thành.
”Những vụ che đậy”
Trong số những yếu tố đáng kể trong Tự Sắc, có sự xác định thái độ che đậy, như một loại hành động đặc thù, nó hệ tại ”hành động hoặc bỏ sót nhắm can thiệp vào hoặc tránh né những cuộc điều tra dân sự hoặc điều tra theo giáo luật, hành chánh hoặc hình luật, đối với một giáo sĩ hay một tu sĩ về các tội ác ”lạm dụng tính dục”. Đây là trường hợp những người có vị thế trách nhiệm đặc thù trong Giáo Hội, thay vì truy tố những lạm dụng do người khác phạm, thì lại che giấu, bao che kẻ bị coi là có tội, thay vì bảo vệ các nạn nhân.
Bảo vệ những người dễ bị tổn thương
Tự Sắc mới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các trẻ vị thành niên - tức là những người dưới 18 tuổi - và những người dễ bị tổn thương. Thực vậy, ý niệm ”người dễ bị tổn thương” không còn chỉ giới hạn vào những người không sử dụng lý trí một cách bình thường, nhưng còn được nới rộng tới cả những trường hợp không thường xuyên và nhất thời không có khả năng hiểu và muốn, cũng như những khuyết tật thể lý. Tự Sắc mới này phản ảnh luật mới đây tại Vatican (Luật số 297 ngày 26-3-2019).
Tôn trọng các luật lệ của quốc gia
Nghĩa vụ trình báo với Bản quyền địa phương hoặc Bề trên dòng tu không xen mình và cũng không thay đổi bất kỳ nghĩa vụ buộc phải tố giác theo các luật lệ của mỗi quốc gia liên hệ: thực vậy, nhưng qui luật ”được áp dụng không gây thiệt hại cho các quyền và nghĩa vụ được luật pháp quốc gia thiết định tại mỗi nơi, đặc biệt liên quan đến nghĩa vụ phải trình báo với nhà chức tránh dân sự có thẩm quyền”.
Bảo vệ người trình báo và các nạn nhân
Cũng thật có ý nghĩa các đoạn nói về việc bảo vệ những người lên tiếng trình báo. Tự Sắc qui định rằng những người kể lại tin tức về những vụ lạm dụng, ”không thể bị trả đũa hoặc kỳ thị” vì những gì họ trình báo. Cũng cần chú ý đặc biệt đến vấn đề các nạn nhân, trong quá khứ, đã phải im tiếng. Tự Sắc trù định rằng ”không thể áp đặt cho họ sự im lặng nào về nội dung việc trình báo”. Dĩ nhiên bí mật tòa giải tội vẫn là điều tuyệt đối và bất khả xâm phạm, và vì thế không hề được bàn đến trong qui luật này. Ngoài ra Tự Sắc ”Các con là ánh sáng thế gian” này qui định rằng các nạn nhân và gia đình họ phải được đối xử xứng đáng và tôn trọng, cũng như phải được trợ giúp thích hợp về tinh thần, y tế và tâm lý.
Những cuộc điều tra về các Giám Mục
Tự Sắc thiết lập qui luật điều tra các GM, các Hồng Y và các Bề trên dòng và những người, với danh nghĩa khác nhau, dù chỉ là tạm thời, điều khiển một giáo phận hoặc một Giáo Hội địa phương khác. Kỷ luật này cần được tuân hành không những khi đương sự ấy bị điều tra về những vụ lạm dụng tính dục trực tiếp, nhưng cả khi họ bị tố cáo vì che đậy hoặc không muốn truy tố những vụ lạm dụng mà họ biết được, và họ có nhiệm vụ phải chống lại.
Vai trò của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh
Điều đặc biệt mới mẻ trong Tự Sắc liên quan đến sự can dự của vị TGM đứng đầu giáo tỉnh vào cuộc điều tra sơ khởi, vị này được Tòa Thánh ủy thác sứ mệnh điều tra trong trường hợp người bị cáo là một GM. Vai trò này, theo truyền thống trong Giáo Hội, được củng cố hơn và chứng tỏ ý muốn đề cao giá trị của các nhân sự địa phương về vấn đề điều tra các GM. Người được giao phó nhiệm vụ điều tra, sau 30 ngày, phải chuyển cho Tòa Thánh ”thông tin về tình trạng điều tra” và phải kết thúc trong vòng 90 ngày, - có thể gia hạn vì những lý do chính đáng-. Điều này thiết định những thời gian chắc chắn và lần đầu tiên yêu cầu các Bộ liên hệ hoạt động mau chóng.
Sự can dự của giáo dân
Trưng dẫn khoản giáo luật nhấn mạnh sự đóng góp quí giá của giáo dân, các qui luật của Tự Sắc dự trù rằng vị TGM đứng đầu giáo tỉnh, khi điều tra, có thể sử dụng sự giúp đỡ ”của những người có khả năng” theo nhu cầu tùy trường hợp, và đặc biệt để ý đến sự cộng tác mà các giáo dân có thể cống hiến. ĐGH khẳng định nhiều lần rằng những chuyên môn và khả năng chuyên nghiệp của giáo dân là một nguồn quan trọng đối với Giáo Hội. Nay các qui luật dự trù rằng các HĐGM và các giáo dân có thể chuẩn bị danh sách những người có khả năng sẵn sàng cộng tác, nhưng trách nhiệm cuối cùng về cuộc điều tra vẫn được ủy thác cho vị TGM đứng đầu giáo tỉnh.
Giả định vô tội
Tự Sắc tái khẳng định nguyên tắc giả định vô tội của người bị điều tra, họ được thông báo về chính cuộc điều tra khi điều này được Bộ có thẩm quyền yêu cầu. Thực vậy lời cáo buộc chỉ phải được thông tri trong trường hợp chính thức mở cuộc điều tra, và nếu thấy là thích hợp để đảm bảo sự toàn vẹn của cuộc điều tra hoặc những bằng chứng, thì có thể bỏ qua trong giai đoạn sơ bộ.
Kết thúc cuộc điều tra
Tự Sắc không thay đổi những hình phạt dự trù cho những tội ác, nhưng thiết lập thủ tục để trình báo và thi hành cuộc điều tra sơ khởi. Khi kết thúc cuộc điều tra, vị TGM chính tòa (hoặc trong một số trường hợp vị GM thâm niên nhất trong giáo tỉnh) chuyển kết quả tới Bộ có thẩm quyền tại Vatican và chấm dứt nhiệm vụ của mình. Bộ thẩm quyền tiến hành theo qui định của luật như đã trù định cho trường hợp đặc thù, hành động dựa trên các qui tắc của giáo luật hiện hành. Dựa trên căn bản kết quả của cuộc điều tra sơ khởi, Tòa Thánh có thể tức khắc đề ra các biện pháp phòng ngừa và hạn chế đối với người bị điều tra.
Dấn thân cụ thể
Với văn kiện pháp lý mới này, do ĐTC Phanxicô mong muốn Giáo Hội Công Giáo thi hành một bước tiến mới mẻ và quyết liệt trong việc phòng ngừa và hành động chống lại những vụ lạm dụng, bằng những hành động cụ thể. Như ĐGH đã viết vào đầu Tự Sắc: ”Để những hiện tượng ấy, dưới tất cả mọi hình thức, khỏi xảy ra nữa, góp phần vào việc hoán cải liên tục và sâu xa trong tâm hồn, được chứng thực bằng những hành động cụ thể và hữu hiệu, có liên hệ tới toàn thể Giáo Hội.”
(G. Trần Đức Anh OP chuyển ý)