Thứ ba, 26/11/2024

Nội dung mới của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo về án tử hình: “Án tử hình là điều không thể chấp nhận”

Cập nhật lúc 08:32 04/08/2018
Sau buổi yết kiến Đức giáo hoàng Phanxicô hồi đầu năm nay, và sau khi được Đức giáo hoàng phê chuẩn, Bộ Giáo lý đức tin cho biết Bộ đã sửa đổi nội dung giáo lý về án tử hình trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, theo đó án tử hình là điều không thể chấp nhận được.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn nội dung mới của số 2267 trong Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, theo đó “đã có một hiểu biết mới về ý nghĩa của án phạt hình sự của nhà nước”, nên “án tử hình là điểu không thể chấp nhận”.
Quyết định này được Bộ Giáo lý Đức tin công bố trong “Thư gửi các Giám mục” đề ngày 1 tháng Tám 2018, do Đức hồng y Bộ trưởng Luis Francisco Ladaria ký tên.
Nội dung của số 2267 mới
Án tử hình
2267. Việc chính quyền hợp pháp áp dụng án tử hình, sau một phiên toà công bằng, từ lâu đã được coi là một giải pháp xác đáng đối với tính chất nghiêm trọng của một số tội ác và là giải pháp chấp nhận được, mặc dù mang tính cực đoan, để bảo vệ công ích.
Tuy nhiên, ngày nay người ta ngày càng ý thức rằng phẩm giá của một người không bị mất đi ngay cả sau khi người ấy phạm những tội ác rất nghiêm trọng. Ngoài ra, còn có thêm hiểu biết về ý nghĩa của các án phạt hình sự do nhà nước tuyên án. Cuối cùng, các hệ thống giam giữ hiệu quả hơn đã được phát triển, nhằm bảo đảm cho các công dân sẽ được bảo vệ, nhưng đồng thời không nhất thiết phải tước mất khả năng đền tội của kẻ phạm tội.
Vì thế, trong ánh sáng của Tin Mừng, Giáo hội dạy  rằng “án tử hình là điều không thể chấp nhận được vì nó tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người”, [1] và Giáo hội quyết tâm đấu tranh để hủy bỏ án tử hình trên toàn thế giới”.
[1] Đức giáo hoàng Phanxicô, Huấn từ cho các tham dự viên Hội nghị do Hội đồng Toà thánh Cổ võ Tân Phúc âm hoá tổ chức, ngày 11 tháng 10 năm 2017: L’Osservatore Romano, ngày 13 tháng 10 năm 2017.
Nội dung của số 2267 cũ
Số 2267 cũ của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nói rằng Giáo hội không loại trừ việc áp dụng án tử hình trong những trường hợp “rất hoạ hiếm, nếu không muốn nói là không có trong thực tế”:
2267. Giáo huấn truyền thống của Hội Thánh, sau khi đã xác minh đầy đủ căn tính và trách nhiệm của phạm nhân, không loại trừ việc kết án tử hình, nếu đây là con đường khả thi duy nhất để bảo vệ hữu hiệu mạng sống con người khỏi bị xâm phạm cách bất công.
Tuy nhiên, nếu các phương tiện không đổ máu đã đủ để bảo vệ và che chở sự an toàn của các nhân vị khỏi kẻ xâm phạm, thì nhà cầm quyền chỉ nên dùng những phương tiện này, vì chúng đáp ứng tốt hơn cho những hoàn cảnh cụ thể của công ích và phù hợp hơn với phẩm giá của nhân vị.
Thật ra, trong thời đại chúng ta, vì Nhà Nước có nhiều khả năng để chế ngự tội ác cách hữu hiệu, làm cho kẻ đã phạm tội không còn khả năng tác hại, mà không tước đoạt cách vĩnh viễn khả năng chuộc tội của họ, nên những trường hợp tuyệt đối cần thiết phải khử trừ phạm nhân, “từ nay sẽ rất hiếm, nếu không muốn nói là trong thực tế không còn nữa”.
(Bản dịch của Uỷ ban Giáo lý Đức tin / HĐGMVN)
Vẫn có tính liên tục với Huấn quyền trước đây
Trong Thư gửi các Giám mục, Đức hồng y Ladaria giải thích rằng nội dung đã sửa đổi nơi số 2267 của Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo “thể hiện sự phát triển đích thực của giáo lý vốn không mâu thuẫn với Huấn quyền trước đây”; và nói thêm rằng “những điểm giáo lý này, trên thực tế, có thể được giải thích dưới ánh sáng trách nhiệm trước hết của cơ quan công quyền để bảo vệ công ích trong bối cảnh xã hội, mà trong đó người ta hiểu khác nhau về các án phạt hình sự, và các án phạt này đã phát triển trong một môi trường vốn gặp nhiều khó khăn hơn để bảo đảm rằng kẻ phạm tộisẽ không tái phạm”.
Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi bãi bỏ án tử hình
Đức hồng y Ladaria nhắc lại rằng Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã yêu cầu trình bày lại giáo huấn về án tử hình để phản ánh tốt hơn sự phát triển của giáo lý vốn tập trung vào việc Giáo hội nhận thức rõ phải tôn trọng sự sống của mọi người, khi khẳng định rằng “Ngay cả kẻ sát nhân cũng không bị mất phẩm giá của mình, và chính Chúa cam kết bảo đảm điều ấy”. Đức hồng y Ladaria nói rằng trong nhiều dịp, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã can thiệp để loại bỏ án tử hình mà ngài mô tả là “tàn nhẫn và không cần thiết”.
Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI
Trong Thư nói trên, Đức hồng y Ladaria cũng nhắc đến Đức Bênêđictô XVI là người đã kêu gọi “các nhà lãnh đạo xã hội quan tâm đến nhu cầu, để cố gắng hết sức để loại bỏ án tử hình” và khuyến khích “các sáng kiến ​​chính trị và luật pháp đang được cổ võ ở một số quốc gia ngày càng nhiều để loại bỏ án tử hình và tiếp tục những tiến bộ thật sự, được thực hiện phù hợp với luật hình sự cho cả nhân phẩm của tù nhân và việc duy trì trật tự chung một cách hiệu quả”.
Chính quyền có trách nhiệm bảo vệ sự sống của công dân
Đức hồng y Ladaria nói rằng nội dung số 2267 mới của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo - được Đức giáo hoàng Phanxicô phê chuẩn - có sự liên tục với Huấn quyền trước đó bằng cách phát triển giáo lý Công giáo một cách mạch lạc”, và có quan tâm đến hiểu biết mới về án phạt hình sự do Nhà nước hiện đại xét xử”.
Nội dung mới này, Đức hồng y nói tiếp, “muốn gia tăng động lực cho một phong trào hướng tới quyết tâm ủng hộ một quan điểm nhìn nhận phẩm giá sự sống của mỗi con người và, trong khi đối thoại với các cơ quan dân sự một cách tôn trọng, khuyến khích việc tạo thêm điều kiện cho phép bãi bỏ án tử hình ở nơi nào vẫn còn đang áp dụng”.
hdgmvietnam.com
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log