Ngày 13 tháng 3 năm 2013, Đức Hồng Y Bergoglio được mật nghị Hồng Y bầu làm giáo hoàng, lấy hiệu là Phanxicô. Đến nay, chẵn 5 năm.
Nhân dịp này, ngoại trưởng Rex Tillerson, đại diện chính phủ Hoa Kỳ gửi điện chúc mừng: “Nhân danh Chính Phủ Hiệp Chúng Quốc, tôi gửi lời chúc mừng đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân dịp kỷ niệm năm thứ năm ngày ngài được bầu vào Tòa Rôma.
“Cùng nhau, Hiệp Chúng Quốc và Tòa Thánh là một lực lượng phi thường tạo điều thiện khi chúng ta làm việc để thăng tiến tự do tôn giáo và các nhân quyền.
“Và đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực, chiến đấu chống nạn buôn người, ngăn cản việc lan truyền bệnh tật, và tìm các giải pháp hoà bình cho các cuộc khủng hoảng khắp thế giới”.
Ngoại trưởng Tillerson nói rằng cuộc gặp gỡ có tính lịch sử của Tổng Thống Donald Trump với Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhân chuyến công du ngoại quốc đầu tiên của ông tháng Năm năm 2017 làm nổi bật tầm quan trọng của sự hợp tác này.
Ngoại Trưởng Tillerson nói: “tôi tham gia với hàng triệu người Hoa Kỳ trong việc chúc mừng Đức Thánh Cha nhân dịp kỷ niệm này và mong được tiếp tục làm việc với nhau để cổ vũ hoà bình, tự do, và nhân phẩm khắp thế giới”.
Trong khi ấy, nhận định về triều giáo hoàng Phanxicô, sau 5 năm trị vì, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, trong một cuộc phỏng vấn của VaticanNews, công bố ngày 13 tháng Ba, 2018, cho rằng “đặc điểm nền tảng của triều giáo hoàng này chính là niềm vui, một niềm vui hiển nhiên không phát sinh từ sự bất cẩn, mà từ sự kiện biết rằng mình được Chúa yêu thương”.
Các đặc điểm khác là lòng thương xót và phúc âm hóa. Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh tới phương thức “nhìn ra ngoài” của Giáo Hội ngày nay và cho rằng phương thức này “có thể gây nên những phán đoán khác nhau, mâu thuẫn nhau và đôi khi chống đối nhau” dẫn đến phê bình chỉ trích.
Đức Hồng Y nói thêm rằng “Theo một nghĩa nào đó, việc ấy bình thường thôi, tôi nghĩ vậy, thực tế là mọi triều giáo hoàng đều bị chỉ trích cả. Còn đối với sự chỉ trích, tôi muốn phân biệt giữa các lời chỉ trích phá hoại, gây hấn, thực sự xấu xa... và những lời chỉ trích xây dựng”.
Ngài cho rằng ta cần chấp nhận các lời chỉ trích phá hoại, gây hấn “in Cruce” (bằng Thánh Giá): “hãy coi chúng như một phần của mão gai mà chúng ta phải đội, nhất là những ai có trách nhiệm trong Giáo Hội và do đó cũng có một vai trò công cộng”.
Còn đối với các lời chỉ trích xâu dựng, “Tôi tin rằng ta cần lưu ý vì nó có thể hữu ích, như một khí cụ để cải tiến, thậm chí cải tiến việc phục vụ của ta. Tôi cho rằng về nền tảng, lời chỉ trích xây dựng là lời chỉ trích phát xuất từ một thái độ yêu thương và nhằm xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội”.