Hội nghị năm 2018: Đền thánh cánh cửa mở rộng cho công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng
Hội nghị đầu tiên được tổ chức vào năm 2018 với chủ đề “Đền thánh cánh cửa mở rộng cho công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng”. Trong dịp đó, Đức Thánh Cha đã có buổi tiếp kiến dành cho các tham dự viên. Ngài đề cao tầm quan của việc đón tiếp dành cho các tín hữu hành hương, kể cả những tín hữu đi trong nhóm nhỏ hoặc không thuộc đoàn nào, làm sao để họ cảm thấy như “ở nhà”, như một người thân thương được chờ đợi từ lâu và nay đã tới.
Đức Thánh Cha cũng nhận xét đền thánh là nơi cầu nguyện và phần lớn các đền thánh liên hệ tới lòng sùng kính Đức Mẹ. Vì thế, mỗi người phải được giúp đỡ để biểu lộ kinh nguyện riêng của họ. Nhiều người đến các đền thánh vì họ cần được lãnh nhận một ơn, và họ trở lại để cảm tạ sau khi cảm nghiệm được ơn ấy, nhiều khi vì đã nhận được sức mạnh và an bình trong thử thách.
Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến việc làm sao tại các đền thánh không ai bị cảm thấy mình là người xa lạ, nhất là khi họ đến đền thánh với gánh nặng của tội lỗi. Do đó, đền thánh phải là nơi ưu tiên để cảm nghiệm lòng thương xót vô biên. Cụ thể cần có những linh mục thánh thiện, được huấn luyện kỹ lưỡng, có lòng thương xót để ban bí tích hòa giải tại các đền thánh.
Hội nghị năm 2023: Đền Thánh: nhà cầu nguyện. Tiến về Năm Thánh 2025
Tại Hội nghị vào tháng 11 tới với chủ đề “Đền Thánh: nhà cầu nguyện. Tiến về Năm Thánh 2025”, trong số các diễn giả sẽ có: Cha Ermanno Barucco, Dòng Cát Minh nhặt phép (OCD), giáo sư tại Giáo hoàng Học viện Teresianum, nói về “Kinh nguyện chuyển cầu”; Cha Paul Murray, dòng Đa Minh, giáo sư Đại học Angelicum, trình bày về đề tài: “Kinh nguyện của người tội lỗi”; Đức ông Marco Frisina, nhà sáng tác nhạc và Quản đốc vương cung thánh đường thánh Cecilia ở Roma, nói về chủ đề: “Làm thế nào cầu nguyện với âm nhạc và thánh ca”; Nghệ sĩ đương đại David Lopez Ribes, người đã nhận giải thưởng Hàn lâm viện Toà Thánh 2012, sẽ nói về đề tài “Kinh nguyện trong nghệ thuật”; “Cầu nguyện bình dân” sẽ là đề tài được trình bày bởi cha Daniel Cuesta Gómez, đang làm mục vụ giới trẻ và đại học Santiago de Compostela.
Đặc biệt, vào ngày cuối của hội nghị, Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin mừng, là vị điều hành công cuộc chuẩn bị và tiến hành Năm Thánh 2025, sẽ trình bày về đề tài: “Các đền thánh trước Năm Thánh Hy Vọng”. Sau cùng, các tham dự viên sẽ được Đức Thánh cha tiếp kiến.
Liên quan đến Hội nghị quan trọng này, Vatican News đã có cuộc phỏng vấn dành cho Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Quyền Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng.
Thưa Đức Tổng Giám Mục, cách đây 5 năm, vào năm 2018 đã có cuộc gặp gỡ quốc tế dành cho các quản đốc và các chức sắc của các đền thánh, tại sao cần cuộc gặp gỡ tiếp theo?
Cần phải lặp lại cuộc gặp gỡ này bởi vì các đền thánh là một nơi đặc biệt cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Tôi phải nói rằng từ khi Đức Thánh cha Phanxicô trao cho Bộ Loan báo Tin Mừng thẩm quyền về các đền thánh, thì sự năng động liên quan đến các nơi thánh này ngày càng phát triển. Đối với chúng tôi, những cuộc gặp gỡ này rất quan trọng bởi vì qua cuộc gặp gỡ, chúng tôi có thể gặp gỡ trực tiếp những người có trách nhiệm của các đền thánh quốc tế và như vậy không chỉ mang lại một cái nhìn thực tế, cụ thể về cuộc sống của các đền thánh, nhưng trước hết là có cơ hội cung cấp cho tất cả mọi người những dòng suy tư để học hỏi và có một sự chăm sóc mục vụ thống nhất.
Có phải cầu nguyện sẽ là trung tâm của cuộc gặp gỡ?
Đúng vậy. Chúng tôi đang chuẩn bị một dự án đào tạo cho các quản đốc các đền thánh. Chủ đề lần trước là “Đền thánh, nơi đón tiếp”, bởi vì phản ứng đầu tiên mà những người đến đền thánh cảm nhận đó chính là được chào đón, và vì thế tìm một không gian để có thể sống trực tiếp trải nghiệm đức tin. Chúng ta đừng quên chính Đức Thánh Cha, trong những chuẩn bị cho Năm Thánh 2025, đã mong muốn rằng năm 2024 sẽ là năm dành riêng hoàn toàn cho cầu nguyện. Cuộc gặp gỡ những người có trách nhiệm ở các đền thánh diễn ra vào tháng 11, và như thế chúng ta đã bước vào năm thứ hai chuẩn bị Năm Thánh. Và như thế điều này chắc chắn dẫn chúng tôi chọn cầu nguyện cho chủ đề của cuộc gặp gỡ. Mặt khác, đối với những ai đã có những trải nghiệm ở đền thánh, thì những địa điểm thánh này thực sự là nơi chúng ta cầu nguyện. Có nhiều hình thức cầu nguyện trong các đền thánh: cầu nguyện thinh lặng, cầu nguyện chiêm ngắm hình ảnh Đức Trinh Nữ và các thánh. Các tín hữu đến đền thánh và ra đi với niềm vui, mong đợi, đau khổ và như thế đền thánh phải có khả năng bước đi vào cuộc sống của mỗi người hành hương trong trải nghiệm thân mật mà họ có trước Chúa. Đó là lý do tại sao đền thánh trở thành không gian trong đó mọi người có thể tìm lại sự thanh thản, an ủi.
Các đền thánh có vai trò và tầm quan trọng như thế nào trong Năm Thánh, và đặc biệt trong Năm Thánh Hy vọng sắp tới?
Về bản chất, các đền thánh đóng một vai trò nền tảng trong đời sống Giáo hội. Bởi vì các nơi này giúp thực hiện một sự chăm sóc mục vụ thường bổ sung cho những gì được sống trong các cộng đoàn giáo xứ. Sự bổ sung này được thể hiện qua việc trở thành một nơi đón tiếp đặc biệt, một nơi trước hết là để cầu nguyện, nhưng cũng là nơi những người hành hương được gặp gỡ, mang lại những trải nghiệm phong phú và như thế trở lại ý nghĩa xưa của hành hương, trực tiếp chạm đến Năm Thánh. Cuộc hành hương là một con đường và biểu tượng đời sống cá nhân của mỗi người chúng ta. Vì thế trong hành trình này chúng ta gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với nhau. Cuộc hành hương trở thành nơi của sự khám phá bởi vì biểu lộ sự mong đợi gặp gỡ và do đó là một cuộc gặp gỡ với cái đẹp. Chúng ta đừng quên rằng phần lớn các đền thánh của chúng ta được xây dựng ở những nơi mà chính thiên nhiên thể hiện vẻ đẹp, nơi các tác phẩm nghệ thuật, chính việc xây dựng các tòa nhà, là những công trình nghệ thuật không gì khác hơn là một biểu hiện đức tin của các thế hệ đi trước chúng ta. Chiều kích này là một sự chuẩn bị đích thực cho Năm Thánh, bởi vì Năm Thánh có ý định diễn tả khoảnh khắc gặp gỡ đặc biệt này với Chúa, Đấng ở đỉnh điểm trong cuộc hành hương qua việc bước qua Cửa Thánh.
Trong cuộc họp tháng 11, cũng sẽ có phần trình bày dự án dữ liệu thống kê các đền thánh hiện có ở Ý do giáo sư Giustina Aceto, giảng viên tại Phân khoa Thần học Giáo hoàng Marianum thực hiện. Đức Tổng Giám Mục có thể cho biết thêm điều gì đó về dự án này không?
Đây là một sáng kiến rất đáng khen và do đó chúng tôi đã yêu cầu dành một không gian nhỏ cuộc gặp gỡ cho việc thống kê này, trên hết là để giúp các Hội đồng Giám mục khác trên thế giới tìm ra những cách tương tự để cố gắng hiểu được sự hiện diện của các đền thánh trong lãnh thổ của mình. Tôi phải thú nhận rằng mỗi khi chúng tôi tiếp các giám mục trong chuyến thăm ad limina, một trong những sự chú ý của chúng tôi là việc xác minh có bao nhiêu đền thánh trong mỗi giáo phận và tôi phải nói rằng đó là một sự hiện diện ấn tượng. Có thể nói rằng trong tất cả các giáo phận trên thế giới đều có sự hiện diện của một đền thánh.
Có phải từ số liệu thống kê này cũng sẽ cho biết số lượng các tín hữu đến với các đền thánh. Có phải vẫn còn đông tín hữu đến với các đền thánh không?
Khi họ nói với tôi rằng các nhà thờ của chúng ta trống không, tôi thường nói: các nhà thờ của chúng ta có lẽ trống không, nhưng các đền thánh thì có nhiều các tín hữu, và đây là một thực tế khách quan vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày tại các đền thánh. Các đền thánh là nơi hành hương, các tín hữu đến xưng tội. Đây là một trong những lý do tại sao chúng tôi yêu cầu tại các đền thánh luôn có sự hiện diện của các Thừa sai Lòng Thương Xót, là những linh mục nhận trực tiếp từ Đức Thánh Cha tất cả các năng quyền tha tội được dành riêng cho Đức Giáo Hoàng, cho Toà Thánh. Thống kê có một giá trị tương đối. Tuy nhiên, tôi chắc chắn ở những đền thánh mà chúng tôi biết, những nơi quan trọng nhất, con số là hàng triệu người đến hành hương trong một năm, nhưng ngay cả những đền thánh không nổi tiếng ở Ý, tôi có thể nói rằng số tín hữu đến hàng năm vượt quá nửa triệu. Vì vậy, các đền thánh vẫn là nơi đặc biệt để cầu nguyện.
Tương quan của Đức Thánh Cha Phanxicô với các đền thánh như thế nào?
Chúng ta biết rằng Đức Thánh Cha Phanxicô rất yêu thích lòng đạo đức bình dân, bởi vì đó là hình thức thiêng liêng dành riêng cho dân chúng. Các hình thức này được tìm thấy trực tiếp trong đời sống của các đền thánh. Ở các nơi này rất dễ gặp gỡ các huynh đoàn, với các nghi thức, buổi rước kiệu và nhiều hình thức khác, là những biểu hiện điển hình của lòng đạo đức bình dân. Trong chương trình của Ngày Giới trẻ Thế giới ở Lisbon trong vài tuần tới, Đức Thánh Cha đã muốn dành một ngày để viếng thăm Đền thánh Fatima. Điều này nói lên ý nghĩa mà đền thánh có đối với Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài coi đó là nơi ưu tiên của lòng đạo đức bình dân và do đó cũng là nơi của đức tin được sống, một đức tin xuất phát từ trái tim, đức tin có được bằng cách chạm vào hình ảnh và bằng cảm nhận một sự gần gũi rất đặc biệt với hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria hay các thánh. Và trong tất cả những điều này, tôi muốn nói rằng đền thánh, một lần nữa, trở thành một biểu hiện đích thực của việc truyền bá đức tin một cách sống động và năng động.
Ngọc Yến
Vatican News