‘Bất kỳ lúc nào chúng ta nhận của đút lót, nhét vào túi mình, là chúng ta hủy hoại tâm hồn, hủy hoại nhân cách và cả đất nước mình. Xin các con, đừng có thích vị ngọt của tham nhũng! Tham nhũng không chỉ có trong chính trị, mà nó tồn tại trong mọi tổ chức, ngay cả trong Vatican! Tham nhũng ngọt như đường vậy, chúng ta thích nó, thật là chuyện dễ dàng, nhưng cuối cùng chúng ta rơi vào đường xấu xa. Chúng ta bị tiểu đường, hay quốc gia chúng ta bị tiểu đường.’
Đức Phanxicô dùng ẩn dụ này trong bài nói chuyện hoàn toàn tự phát bằng tiếng Tây Ban Nha với 70.000 thanh niên Kenya quy tụ ở sân vận động Karasami ở Nairobi.
Các thách thức cuộc sống
‘Tại sao trong những người trẻ, lại có rạn vỡ, xung đột, chết chóc, chiến tranh, cuồng tín, và hủy hoại?’ Đức Phanxicô nhắc nhở giới trẻ hiện diện về chương đầu Kinh thánh, khi người anh Cain giết em của mình. ‘Tinh thần sự dữ dẫn dắt chúng ta đến hủy hoại, chia rẽ, óc bè phái, tham nhũng, nghiện ngập và cuồng tín. Một người mất đi phần hiện hữu tốt đẹp nhất của mình, khi người đó quên mất cầu nguyện, bởi vì người đó cảm thấy mình toàn năng, bởi không cảm thấy mình cần được giúp đỡ dù đứng trước quá nhiều bi kịch.’
Đức Phanxicô tiếp tục mời gọi người trẻ, “Đừng xem các khó khăn trong đời như ‘một sự kéo con lùi lại, hủy hoại con, giam cầm con, nhưng hãy thấy đó là một hi vọng. Chúng ta không sống trên thiên đàng, nhưng là trên trần gian này. Và trần gian thì đầy rẫy vấn đề. Không chỉ đầy rẫy vấn đề mà còn đầy cám dỗ sự dữ. Nhưng là những người trẻ, các con phải có năng lực chọn lựa. ‘Tôi có muốn để các khó khăn áp chế mình, hay tôi muốn xem đó là một cơ hội để tiến lên giành chiến thắng?’ Mà các con thích làm những vận động viên, đến sân vận động để chơi và giành chiến thắng, hay cách con muốn bán độ, bán chiến thắng của mình mà lấy tiền đút túi?‘
Chống lại chủ nghĩa bộ lạc
Đức Phanxicô tiếp tục nói về tai ương của chủ nghĩa bộ lạc, về sự chia rẽ sắc tộc và bộ lạc. ‘Chủ nghĩa bộ lạc hủy hoại một quốc gia, nó nghĩa là ai cũng cầm cục đá sau lưng, sẵn sàng ném vào người khác!’
Đức Phanxicô giải thích rằng, ‘Chủ nghĩa bộ lạc sẽ bị đánh bại, nếu như chúng ta biết lắng nghe, biết hỏi anh chị em mình tại sao lại làm thế rồi nghe câu trả lời. Các con sẽ thắng bằng tâm hồn, bằng một ý chí đối thoại. Nếu các con không dấn thân đối thoại, nếu các con không lắng nghe nhau, thì sẽ luôn có chủ nghĩa bộ lạc sẽ xóa mòn xã hội.’
Rồi Đức Giáo hoàng mời vài người trẻ đến gần ngài, và mời toàn thể 70.000 người hiện diện, kể cả tổng thống Kenyatta của Kenya và các quan chức, hãy đứng dậy và cầm tay nhau, ‘như một dấu chỉ chống lại chủ nghĩa bộ lạc, tất cả chúng ta là một quốc gia và lòng chúng ta sẽ gắn bó với nhau như thế này! Để chiến thắng chủ nghĩa bộ lạc cần phải có nỗ lực hằng ngày. Cần có lắng nghe, cần có tấm lòng mở ra với người khác, cần có đôi bàn tay những đôi bàn tay biết nắm lấy nhau.’
Chiến đấu với tham nhũng
‘Có thể biện minh cho việc mình tham nhũng bằng cách chỉ ra rằng có những người khác cũng tội lỗi và tham nhũng hay không? Làm sao để sống đời Kitô hữu và chiến đấu với sự dữ tham nhũng đây?’ Đức Phanxicô kể lại chuyện một thanh niên Argentina, rất nhiệt tình chính trị và đã tìm được việc trong một bộ của chính phủ. Đến lúc quyết định những thứ cần cho văn phòng của mình, anh nhận được 3 mức giá, và đã chọn cái cao giá nhất. Nhưng sếp của anh bảo, ‘Sao lại chọn cái này. Anh nên chọn cái nào với giá thấp hơn để có cái đút vào túi.’
Tham nhũng không chỉ có trong chính trị, mà nó tồn tại trong mọi tổ chức, ngay cả trong Vatican! Tham nhũng ngọt như đường vậy, chúng ta thích nó, thật là chuyện dễ dàng, nhưng cuối cùng chúng ta rơi vào đường xấu xa. Chúng ta bị tiểu đường, hay quốc gia chúng ta bị tiểu đường.
Bất kỳ lúc nào chúng ta nhận của đút lót, nhét vào túi mình, là chúng ta hủy hoại tâm hồn, hủy hoại nhân cách và cả đất nước mình. Xin các con, đừng có thích vị ngọt của tham nhũng! Và nếu chúng ta thấy những người khác quanh mình đang tham nhũng, thì điều cần làm, là chúng ta phải là người đầu tiên thay đổi, nếu con không muốn tham nhũng có mặt trong đời mình, trong đất nước mình, thì hãy bắt đầu với bản thân mình trước. Nếu con không bắt đầu, thì người bên cạnh con cũng vậy.
Tham nhũng cướp đi chúng ta niềm vui, cướp đi bình an. Người tham nhũng là người không sống trong bình an.’ Đức Phanxicô kể câu chuyện về một ông vừa mất, và khi đi chôn, không thể đóng được nắp quan tài, bởi ông ta muốn đem tất cả tiền bạc ông đã trộm cướp được theo xuống mồ. Đức Thánh Cha nói thêm, ‘Những gì các con trộm cướp được bằng tham nhũng, nằm ở đó đấy.’
‘Nhưng tham nhũng gây ra những hậu quả về lâu về dài nơi tâm hồn những người bị tổn thương vì cái gương tham nhũng. Tác hại do những gì các con làm vẫn còn đó. Nó vẫn còn nơi những đứa trẻ bị bệnh bị đói, vì tiền vốn dành cho các em là tiền mà các con đã tham nhũng đút túi mình. Tham nhũng không phải là đường của sự sống, mà là đường đến với sự chết.’
Dùng các phương tiện truyền thông để rao giảng Tin mừng
‘Những phương tiện truyền thông trước hết là lời nói, là cử chỉ, một nụ cười, sự gần gũi, kết bạn. Nếu các con ân cần với nhau, cười với nhau như anh chị em, nếu các con gần gũi nhau dù cho khác bộ lạc, và nếu các con đến với người nghèo, người bị bỏ rơi, người già đang cần bầu bạn, thì những hành động này có sức tỏa lan hơn bất kỳ kênh truyền hình nào khác.’
Vấn đề khủng bố tuyển binh
Trả lời câu hỏi của Manuel về phương cách để giúp những người bị chủ nghĩa chính thống cực đoan chiêu mộ, Đức Phanxicô nói: ‘Chúng ta cần phải hiểu những gì khiến một người trẻ bị những thứ này chiêu mộ, hay cố gắng tìm cách gia nhập. Người trẻ này tách mình khỏi gia đình, khỏi bạn bè, bộ lạc, đất nước, khỏi cuộc sống, và học chuyện giết người. Đây là câu hỏi mà các con nên đặt ra với mọi nhà chức trách, nếu một người trẻ không có công ăn việc làm, hay không được đi học, thì người đó có thể làm gì? Thường là bị rơi vào nghiện ngập, hay tự vẫn. Ở châu Âu, người ta không dám công bố tỷ lệ tự vẫn. Hay những người trẻ này dính vào các hoạt động dấn họ sâu vào con đường dối trá.’
Điều đầu tiên cần làm để ngăn cản một người trẻ đi theo chủ nghĩa khủng bố, là giáo dục và cho họ công việc. Nếu một người trẻ không thể làm việc, thì còn tương lai gì nữa? Và chính đó là khi ý tưởng gia nhập khủng bố len lỏi vào. Nếu một người trẻ không có cơ hội học hành, thì họ làm gì nào? Mối nguy hại nằm ở đó. Một mối nguy vượt ngoài tầm của chúng ta và ngoài cả tầm của quốc gia, bởi nó do bởi một hệ thống quốc tế bất công và đặt tiền tài, chứ không phải con người, vào vị trí trung tâm.
Tôi có thể làm gì để đưa những người này trở lại? Trước hết, hãy cầu nguyện, cầu nguyện hết sức, bởi Thiên Chúa mạnh hơn bất kỳ loại chiêu mộ nào. Rồi, hãy nói chuyện với người đó trong yêu thương, làm bạn với họ, mời họ vào nhóm của mình, đừng để họ cô đơn.’
Bàn tay Thiên Chúa và các bi kịch cuộc đời
‘Làm sao chúng ta biết trong các bi kịch cuộc đời có Thiên Chúa, Cha chúng ta? Con người trên khắp thế giới đã tự hỏi mình câu này và không tìm được câu trả lời. Không có câu trả lời nào cả ngoại trừ một con đường duy nhất, là nhìn lên Con Thiên Chúa. Thiên Chúa ban Con của Ngài cho chúng ta. Chính Thiên Chúa đã tự đi vào bi kịch, và để mình bị hủy hoại trên thập giá. Khi các con tuyệt vọng, hãy nhìn lên thập giá, nhìn lên sự tàn phá mà Thiên Chúa đã chịu, và đây cũng là một thách thức với đức tin, đức cậy của chúng ta. Bởi vì lịch sử không dừng ở đây, nhưng tiếp theo là sự phục sinh đổi mới tất cả chúng ta.’
Rồi Đức Phanxicô giãi bày tâm tình, ngài rút trong túi ra hai vật và nói, ‘Trong túi của cha, luôn luôn có hai vật này: một tràng chuỗi mân côi để đọc kinh, và một vật nữa có vẻ hơi lạ, hình ảnh cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Đây là một Đàng thánh giá nhỏ. Chúa Giêsu chịu đau khổ, ngay từ phút bị kết án tử hình, cho đến khi được chôn cất. Cha làm mọi việc có thể với hai vật này, và nhờ đó mà cha không bao giờ mất hi vọng.’
Giúp đỡ những người chưa biết đến tình yêu gia đình
Cuối cùng, Đức Phanxicô nói về những người trẻ không được cảm nhận hơi ấm gia đình. ‘Có những đứa trẻ bị bỏ rơi, các bé bị bỏ rơi khi mới sinh, và bị tước mất tình cảm gia đình. Phải bảo vệ gia đình, luôn luôn bảo vệ gia đình. Chúng ta thấy khắp nơi, không chỉ là các trẻ em bị bỏ rơi, mà còn người già bị bỏ rơi, những người không bao giờ được ai viếng thăm. Làm sao để vượt qua được cái cảm nghiệm tiêu cực của bị bỏ rơi và thiếu tình thương này?
Chỉ có một phương thuốc. Cho đi những gì bạn chưa được nhận. Nếu các con chưa được thông hiểu, thì hãy hiểu cho người khác. Nếu các con chưa nhận được tình thương, thì hãy yêu thương người khác. Nếu các con cảm nhận nỗi đau cô đơn, hãy đến với những ai đang cô đơn. Xác thịt được chữa lành bằng xác thịt! Và chính Thiên Chúa đã mang lấy xác thịt con người!’