Ở quốc gia đa số theo Hồi giáo này, do đại dịch, số người nghèo mới gia tăng, gần 30 triệu người, khoảng 20% dân số, trong đó 8,2 triệu không được trợ cấp xã hội. Những người nghèo mới bao gồm những người không có quốc tịch, lao động nước ngoài, người tị nạn, những người không có giấy tờ cá nhân, những người vô gia cư.
Cha Charles Bertille, Thư ký điều hành Caritas Malaysia cho biết: “Trong bối cảnh này, Giáo hội Malaysia cung cấp các nguồn lực vật chất và tinh thần, các viện trợ nhân đạo cho người nghèo và những người đau khổ giữa cuộc khủng hoảng sức khỏe do sự lây lan của Covid-19. Tổ chức Caritas, biểu hiện cho sự hiện diện của cộng đoàn Công giáo ở Malaysia, muốn tỏ cho quốc gia đa sắc tộc này thấy được khuôn mặt của một Giáo hội ‘bệnh viện dã chiến’, chăm sóc những người rốt cùng và đóng góp điều tốt cho xã hội”.
Theo cha Thư ký Caritas, trong sứ vụ của Giáo hội, đã đến lúc phải ưu tiên cho những khuôn mặt người nghèo mới, những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Vì thế, sau hội nghị toàn quốc, Caritas đã quyết định xác định và tiếp cận các khu vực có những nhóm người đang gặp khó khăn nhiều nhất.
Một ưu tiên khác được tổ chức Công giáo xác định là tăng cường quan hệ và hợp tác với các nhóm và tổ chức phi chính phủ, hoạt động trong một mạng lưới đạo đức, để nâng cao các kỹ năng và nguồn lực. Theo cách này, hiệu quả của các can thiệp đạt được nhiều hơn, đáp ứng nhanh hơn, mở rộng phạm vi hành động, và phát triển tâm thức ủng hộ đa nguyên và chia sẻ.
Cha Bertille lưu ý: "Dấn thân này phù hợp với thông điệp mới của Đức Thánh Cha ‘Fratelli Tutti’, gợi lên một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại mang tính xây dựng và hòa nhập giữa tất cả các thành phần văn hóa của xã hội, mời gọi tất cả những người thiện chí xây dựng. Trong một bối cảnh đa văn hóa như ở Malaysia, Giáo hội phải nhận thức được sự đa dạng của văn hóa, ngôn ngữ và nhu cầu địa phương. Vì vậy, cần phải thiết lập các cơ cấu Giáo hội linh hoạt, thúc đẩy môi trường làm việc rộng rãi nhất có thể, theo nguyên tắc bổ trợ”.
Cha Thư ký kết luận: "Với sự gia tăng của các thảm họa thiên nhiên và khủng hoảng xã hội như Covid-19, chúng ta cần phát triển các mô hình mạng lưới và cộng tác, trao quyền cho các cộng đoàn địa phương, để trở thành một Giáo hội gần gũi với dân chúng, với mùi chiên".
Nhờ tổ chức bác ái mới ra đời, Giáo hội Công giáo Malaysia muốn đóng góp vào sự phát triển, công lý, hòa bình và thịnh vượng của quốc gia. Vào tháng 01/2020, Hội đồng Giám mục Công giáo Malaysia, Singapore và Brunei, thành lập Caritas Malaysia tại quốc gia có đa số là người Hồi giáo.
Malaysia là một quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo, có 32,7 triệu người, trong đó 60% theo Hồi giáo. Người Công giáo chỉ chiếm 4% dân số.