Đức Thánh Cha Tiếp Ngoại Giao Đoàn Cạnh Tòa Thánh
Trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh sáng ngày mùng 7 tháng Giêng, Đức Thánh Cha đã kiểm điểm tình hình thế giới, kêu gọi chấm dứt xung đột tại nhiều nước, bênh vực quyền sống của con người và chống phá thai. |
Hiện diện tại buổi tiếp kiến trong dinh Tông Tòa có đại diện của 179 quốc gia có quan hệ cấp đại sứ cùng với đại diện của chính quyền Palestine, đến chúc mừng ngài nhân dịp đầu năm mới. Buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cũng là dịp để Đức Thánh Cha kiểm điểm tình hình thế giới đồng thời bày tỏ lập trường của Tòa Thánh đối với các vấn đề thời sự.
Sau lời chào mở đầu của vị Niên trưởng ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, là Ông Alejandro Lalladares Lanza, Đại sứ nước Honduras, Phó niên trưởng là Đại Sứ Jean-Claude Michel của Tiểu vương quốc Monaco, đã nói đến những biến cố nổi bật trong năm 2012, những cuộc xung đột quốc tế, chiến tranh huynh đệ tương tàn ở Trung Đông và Phi châu, cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, các thiên tai, động đất, lụt lội, cuồng phong, làm cho hàng triệu người lâm cảnh nghèo đói và tuyệt vọng.
Sau đó, Đức Thánh Cha lên tiếng chào thăm và gửi lời cầu chúc nồng nhiệt đến các vị Đại Sứ, chính quyền và nhân dân các nước mà các vị đại diện. Ngài cũng nói đến mối quan tâm của Giáo Hội Công Giáo đối với mọi dân tộc, và nhắc đến lòng quí mến đối với Đức Tổng Giám Mục Ambrose Madtha, người Ấn độ, Sứ thần Tòa thánh tại Côte d'Ivoire, tử nạn lưu thông cách đây 1 tháng, cùng với người tài xế tháp tùng.
Sau khi điểm qua các điểm nóng trên thế giới như Đức Thánh Cha đã làm trong thông điệp Urbi et Orbi hôm 25 tháng 12, Đức Thánh Cha đã đưa ra một nhận xét quan trọng về thế giới Tây Phương.
Ngài nói: ”Đáng tiếc thay, tại Tây phương, người ta phải chứng kiến rất nhiều những mơ hồ về ý nghĩa các quyền con người và nghĩa vụ đi kèm. Các quyền thường được lẫn lộn với những biểu thị thái quá về sự tự quyết của con người. Con người tự tham chiếu mình, và không còn cởi mở đối với cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và với tha nhân; con người co cụm vào mình khi chỉ tìm cách thỏa mãn những nhu cầu riêng của mình. Sự bảo vệ quyền con người một cách chân chính phải xét toàn diện con người trong chiều kích cá nhân và cộng đoàn”.
Đức Thánh Cha cũng nhân dịp này lên tiếng bênh vực tự do tôn giáo cho các tín hữu Kitô. Ngài nói: “Hòa bình thế giới và trong các xã hội cũng bị lâm nguy do những vi phạm tự do tôn giáo. Đôi khi đây là sự gạt bỏ tôn giáo ra ngoài lề đời sống xã hội; trong một số trường hợp khác, đó là thái độ bất bao dung hoặc bạo hành chống lại các tín hữu, các tổ chức tôn giáo, và những biểu tượng xác định căn tính tôn giáo. Cũng xảy ra tình trạng này là các tín hữu, đặc biệt là các Kitô hữu, bị cấm cản không được góp phần cho công ích qua các tổ chức giáo dục và từ thiện của họ. Để bảo vệ hữu hiệu việc thực thi tự do tôn giáo, điều thiết yếu là tôn trọng quyền phản kháng lương tâm.”