Hồng Thủy
Sứ điệp được Đức Thánh Cha ký vào ngày 8/12, lễ Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, có tựa đề: “Nền văn hóa chăm sóc, hành trình đến hòa bình”, trong đó Đức Thánh Cha nói rằng thực hành và giáo dục sự chăm sóc là con đường để “xóa bỏ văn hóa thờ ơ, vất bỏ và đối đầu, vốn thường phổ biến hiện nay”.
Đức Thánh Cha nhận định rằng văn hóa chăm sóc, như một “sự dấn thân chung, liên đới và có sự tham gia của mọi người để bảo vệ và thăng tiến phẩm giá và điều tốt đẹp của tất cả mọi người”, và “sẵn sàng quan tâm, chú ý, từ bi, hòa giải và chữa lành, tôn trọng và chấp nhận lẫn nhau, tạo thành một phương thức đặc biệt để xây dựng hòa bình”.
Bài học của đại dịch
Nhìn lại năm 2020 với đại dịch làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng, Đức Thánh Cha nhớ đến những người mất người thân và mất công việc. Ngài nhớ đến các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên, tuyên úy, vv., những người hy sinh ở bên cạnh các bệnh nhân, xoa dịu nỗi đau cho họ và cứu sự sống của họ.
Nghĩ đến người nghèo khổ và yếu đuối, Đức Thánh Cha kêu gọi cho họ cũng được có vắc-xin ngừa Covid và trợ giúp y tế.
Bên cạnh các chứng tá của lòng bác ái và liên đới, Đức Thánh Cha than phiền về các hình thức khác nhau của chủ nghĩa dân tộc, phân biệt chủng tộc, bài ngoại và các cuộc chiến tranh và xung đột gieo chết chóc và tàn phá.
Đại dịch và các biến cố trong năm 2020, theo Đức Thánh Cha, “dạy chúng ta về tầm quan trọng của việc chăm sóc lẫn nhau và chăm sóc thụ tạo, để xây dựng một xã hội dựa trên các tương quan huynh đệ”. Đây là lý do ngài chọn chủ đề “Nền văn hóa chăm sóc như con đường của hòa bình”.
Học thuyết xã hội của Giáo hội - "ngữ pháp" về sự chăm sóc
Sau khi giải thích về Thiên Chúa Đấng Sáng tạo, nguồn mạch của ơn gọi chăm sóc của con người, mẫu gương chăm sóc, về sứ vụ chăm sóc của Chúa Giê-su, sự chăm sóc của cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi dành cho những người yếu đuối, Đức Thánh Cha nhận định rằng những mẫu gương bác ái nhiệt thành của nhiều chứng tá đức tin rực sáng đã làm phong phú các nguyên tắc của học thuyết xã hội của Giáo hội. Các học thuyết này là “ngữ pháp” chăm sóc của những người thiện chí: thăng tiến phẩm giá của mỗi con người, liên đới với người nghèo và người không thể tự vệ, quan tâm đến lợi ích chung, bảo vệ thụ tạo”.
Đức Thánh Cha mời gọi các lãnh đạo chính trị, dân sự, tôn giáo hãy dùng “la bàn” các học thuyết xã hội của Giáo hội để vạch ra một con đường chung “thật sự nhân bản” cho tiến trình toàn cầu hóa. (CSR_9308_2020)