YANGOON. Trong cuộc gặp gỡ Hội đồng tối cao của Phật giáo Myanmar ngày 29-11-2017, ĐTC cổ võ sự cộng tác xây dựng hòa bình.
Chiều ngày thứ tư vừa qua (29-11), ĐTC đã đến trung tâm Kaba Aye, cách tòa TGM Yangoon gần 10 cây số để gặp gỡ các vị lãnh đạo Phật Giáo Miến.
Kaba Aye có nghĩa là ”Chùa Hòa Bình thế giới”, một trong những chùa Phật Giáo được tôn kính nhất tại miền Đông nam Á và được thiết lập dưới thời thủ tướng U Nu của Miến hồi năm 1952 để tiếp đón Đại hội kết tập kinh điển Phật Giáo lần thứ 6, diễn ra tại đây từ năm 1954 đến 1956. Chùa cao 36 mét, với chu vi ở dưới bệ là 34 mét, có mái vòm bằng vàng được 6 cột trụ chống đỡ, tượng trưng cho 6 Đại Hội kết tập kinh điển trong lịch sử Phật Giáo. Bên trong và bên ngoài Chùa có rất nhiều tượng Phật.
Trung Tâm Kaba Aye cũng có Hội trường Maha Pasana Guha, nghĩa đen là động lớn, nơi diễn ra các khóa họp của Đại Hội kết tập kinh điển thứ 6, một thứ ”Công đồng chung” của Phật Giáo, để xác định kinh điển và giáo pháp. Các phòng họp dài 67 mét rộng 34 mét, được xây trong một cái động, nhắc nhớ sự kiện Đại Hội kết tập kinh điển Phật Giáo lần đầu tiên diễn ra trong một cái động ở Ấn Độ sau khi Đức Phật nhập niết bàn cách đây khoảng 2.500 năm. Tại khu vực chùa này cũng có một số bảo tàng viện nghệ thuật Phật giáo, Trung tâm học vấn Phật Giáo và một hồ cá mèo lớn, các tín đồ mang thực phẩm cho cá ăn như một dấu chỉ tôn kính.
ĐTC đến trung tâm Kaba Aye để ban lãnh đạo Ủy ban nhà nước Tăng Đoàn Maha Nayaka, là Ủy ban trung ương gồm 47 tăng sĩ Phật giáo cấp cao, do Bộ tôn giáo vụ Myanmar bổ nhiệm với nhiệm kỳ 5 năm, và cứ ba năm thì thay đổi một phần 3 các thành viên. Ủy ban này được thành lập năm 1980 để điều hành các tăng ni ở Myanmar, và có nhiệm vụ kiểm chứng sự tuân giữ của các tăng ni đối với các giới pháp của Phật Giáo, đồng thời loại trừ sự can dự của tăng đoàn vào thế sự.
Khi đến Trung tâm Kaba Aye, ĐTC đã được Bộ trưởng Tôn giáo vụ và văn hóa, Ông Thura U Aung Ko, đón tiếp và hướng dẫn vào bên trọng để gặp gỡ Hội đồng Tối Cao Tăng Đoàn Phật Giáo, đứng đầu là Hòa Thượng Tăng thống Bhaddanta Kumarabhivamsa.
Phát biểu của Hòa Thượng Tăng Thống
Trong lời chào mừng, Hòa Thượng Bhaddanta đã giới thiệu Phật giáo tại Myanmar: trong số 51 triệu dân tại đây có hơn 87% là tín đồ Phật giáo, hơn nửa triệu tăng sĩ và sa di. Hơn 1.200 đại biểu của Tăng đoàn được bầu cho các vùng liên hệ, trong số này có 300 đại biểu thuộc ủy ban trung ương Nhà Nước. Các vị này lại bầu 47 tăng sĩ vào Hội đồng tối cao của Phật giáo Myanmar,
Hòa thượng cũng bày tỏ xác tín tất cả các tín ngưỡng tôn giáo khác nhau đều đi cùng một con đường mang lại thiện ích cho nhân loại, và có thể mang lại hòa bình và thịnh vượng. Trong thế giới chúng ta ngày nay, thật là đáng tiếc khi thấy nạn khủng bố và cực đoan hoành hành nhân danh tín ngưỡng tôn giáo. Chúng tôi xác tín rằng các trào lưu này xuất phát từ sự giải thích sai trái giáo huấn nguyên thủy của tôn giáo liên hệ. Vì thế, các vị lãnh đạo tôn giáo chúng ta có trách nhiệm dạy cho các tín đồ giáo huấn chân thực cảu tôn giáo, và không để cho mình bị thống trị vì 4 chướng ngại cản trở sự tư duy ngay chính.
Hòa thượng cũng nói rằng ”Tất cả chúng ta phải tố giác bất kỳ những diễn văn kích động oán thù, tuyên truyền gian dối, xung đột và chiến tranh viện cớ tôn giáo, và quyết liệt lên án những kẻ hỗ trợ các hoạt động đó. Chúng ta cần quyết tâm xây dựng một xã hội nhân loại hòa hợp, theo giáo huấn tôn giáo của mình.. cần kiến tạo sự cảm thông, tôn trọng và tín nhiệm đối với nhau, để đạt tới một xã hội nhân loại an bình, và thịnh vượng. Chúng ta cần dè dặt và tránh xen mình vào những công việc của các tôn giáo khác, và cộng tác để kiến tạo những nhịp cầu hòa bình trên thế giới. Tất cả mọi con đường và truyền thống tôn giáo đều có giá trị như nhau.. Trách nhiệm của chúng ta trong mọi trường hợp là công khai chống lại việc lạm dụng tôn giáo”.
Diễn văn của ĐTC
Tiếp lời Hòa Thượng Tăng Thống Bhaddanta, Chủ tịch Ủy ban Tăng Đoàn của Nhà Nước Miến, ngài nói:
”Cuộc gặp gỡ của chúng ta là một cơ hội quan trọng để canh tân và củng cố các mối dây thân hữu và tôn trọng giữa các tín hữu Phật giáo và Công Giáo. Đây cũng là cơ hội để khẳng định sự dấn thân của chúng ta cho hòa bình, tôn trọng phẩm giá con ngừơi va công lý cho mọi người nam nữ. Không những tại Myanmar này nhưng trên toàn thế giới, dân chúng đang cần chứng tá chung này từ phía các vị lãnh đạo tôn giáo. Vì nếu chúng ta có cùng một tiếng nói, khẳng định các giá trị ngàn đời công lý, hòa bình và phẩm giá căn bản của mỗi người, chúng ta cống hiến một lời hy vọng, chúng ta hãy giúp các Phật tử, các tín hữu Công Giáo và mọi người chiến đấu cho sự hòa hợp bao quát hơn trong các cộng đoàn liên hệ.
ĐTC nhận xét rằng: ”Thách đố lớn ngày nay là làm sao giúp con người cởi mở đối với siêu việt, có khả năng nhìn bản thân trong chiều sâu và nhận thực chính mình để có thể nhận ra những tương quan hỗ tương với tha nhân, ý thức mình không thể cô lập với ngừơi khác. Nếu chúng ta được kêu gọi liên kết với nhau, thì chúng ta phải vượt thắng tất cả mọi hình thức hiểu lầm, bất bao dung, thành kiến và oán ghét. Nhưng chúng ta có thể làm điều đó như thế nào? Những lời của Đức Phật trong kinh Pháp Cú cống hiến cho chúng ta một chỉ dẫn: ”Lấy không giận thắng giận, lấy thiện thắng không thiện, lấy quảng đại thắng hà tiện, lấy chân thật thắng gian dối” (Dhammapada, XVIII, 223).
Những tâm tình tương tự được kinh nguyện của thánh Phanxicô Assisi diễn tả: ”Lạy Chúa, xin dùng con như khí cụ bình an, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục (..), để con đem ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu”.
Ước gì sự khôn ngoan, trí huệ (sapienza) này tiếp tục soi sáng mọi nỗ lực thăng tiến kiên nhẫn và cảm thông, chữa lành các vết thương do những xung đột, qua bao năm đã chia rẽ dân chúng thuộc các nền văn hóa, chủng tộc và xác tín tôn giáo. Những cố gắng đó không bao giờ là đặc quyền quyền các vị lãnh đạo tôn giáo, và cũng chẳng thuộc thẩm quyền của Nhà Nước. Đúng hơn, đó là nghĩa vụ của toàn thể xã hội. Tất cả những người hiện diện giữa lòng cộng đoàn đều phải tham gia công cuộc khắc phục xung đột và bất công. Nhưng trách nhiệm đặc biệt là của các vị lãnh đạo dân sự và tôn giáo, làm sao để mỗi tiếng nói được lắng nghe, để những thách đố và nhu cầu của lúc này có thể được hiểu rõ ràng và đối chiếu với nhau trong một tinh thần không thiên tư và liên đới với nhau.
Trước Hội đồng tối cao của Phật giáo Miến, ĐTC cũng cổ võ sự cộng tác của các vị lãnh đạo tôn giáo với nhau và nói rằng:
”Để những cố gắng đó mang lại những thành quả lâu bền, cần phải có sự cộng tác nhiều hơn giữa các vị lãnh đạo tôn giáo. Về điểm này, tôi mong ước quí vị biết rằng Giáo Hội Công Giáo là người đối tác sẵn sàng. Những cơ hội gặp gỡ và đối thoại giữa các vị lãnh đạo tôn giáo là một nhân tố quan trọng trong việc thăng tiến công lý và hòa bình ở Myanmar. Tôi được biết hồi tháng 4 năm nay, HĐGM Công Giáo Myanmar đã tổ chức một cuộc gặp gỡ hai ngày về hòa bình, với sự tham dự của các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo khác nhau, cùng với các vị đại sứ và đại diện các tổ chức phi chính phủ. Những cuộc gặp gỡ ấy không thể thiếu được, nếu chúng ta được kêu gọi đào sâu những tương quan giữa chúng ta và vận mệnh chung. Công lý chân chính và hòa bình lâu dài chỉ có thể đạt được nếu chúng được bảo đảm cho tất cả mọi người.”
ĐTC kết luận với lời cầu mong các Phật tử và tín hữu Công Giáo có thể cùng nhau tiến bước theo con đường chữa lành, làm việc sát cánh với nhau cho thiện ích của mỗi người dân tại nước này”.
Trước khi giã từ, ĐTC đã tặng cho Hội đồng lãnh đạo tối cao của Phật giáo Myanmar pho tượng Con chim Bồ câu hòa bình màu trắng bằng hợp chất magnesio rất nhẹ. Chim Bồ câu cũng diễn tả tình yêu thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại. Hòa Thượng Tăng Thống đã tặng cho ngài bức tranh có hình Chùa Kaba Aye.
G. Trần Đức Anh OP