Bài giảng của ĐTC
Trong bài giảng, ĐTC đã diễn giải về các Mối Phúc được Chúa Giêsu trình bày trong bài giảng trên núi (Mt 5,1tt) được đọc trong buổi lễ và nhận xét rằng:
”Các mối phúc không phát sinh từ một thái độ thụ động đứng trước thực tại, và cũng không thể nảy sinh từ một người quan sát, trở thành một tác giả buồn thảm về thống kê gì đang xảy ra. Các mối phúc không phát sinh từ những tiên tri loan báo tai ương, chỉ hài lòng với việc gieo vãi thất vọng. Các mối phúc ấy cũng không nảy sinh từ những ảo ảnh hứa hẹn với chúng ta hạnh phúc trong nháy mắt. Trái lại các mối phúc thật nảy sinh từ tâm hồn cảm thương của Chúa Giêsu, gặp gỡ tâm hồn những người nam nữ mong ước và khát khao một đời sống hạnh phúc; những người đang đau khổ, bị ngỡ ngàng và chịu đau đớn phát sinh khi ”mặt đất dưới chân họ rung chuyển”, hoặc ”khi những giấc mơ của họ bị chìm lỉm” và công trình cả cuộc sống của họ bị tan biến; nhưng hơn thế nữa, họ là những người biết kiên trì và chiến đấu để tiếp tục tiến bước, biết tái thiết và bắt đầu lại.
"Các mối phúc không nảy sinh từ những thái độ dễ dàng phê bình và cũng không sinh ra từ những lời nói rỗng tuếch, rẻ tiền, của những người tưởng là biết hết mọi sự nhưng lại không muốn dấn thân làm gì hoặc với một ai, và rốt cuộc họ ngăn chặn mọi cơ may tạo nên những tiến trình biến đổi và tái thiết trong các cộng đoàn và trong đời sống chúng ta. Các mối phúc phát sinh từ trái tim từ bi, không ngừng hy vọng, và cảm thấy rằng hy vọng chính là ngày mới, là sự loại trừ thái độ bất động, rũ bỏ thái độ suy nhược tiêu cực.
ĐTC giải thích rằng: Khi nói 'phúc cho người nghèo, người khóc lóc, người sầu muộn, người đau khổ, người tha thứ.. Chúa Giêsu đến để loại bỏ sự bất động làm tê liệt của những người tưởng rằng tình thế không thể thay đổi, của người không còn tin tưởng nơi quyền năng có thể biến đổi của Thiên Chúa Cha và nơi những anh chị em, đặc biệt nơi những anh chị em yếu thế nhất, những anh chị em bị gạt bỏ. Chúa Giêsu, khi tuyên bố các mối phúc thật, Ngài đến để đánh động thái độ yếu nhược tiêu cực, gọi là thái độ cam chịu, khiến chúng ta tưởng rằng ta sẽ sống tốt đẹp hơn nếu chúng ta trốn tránh các vấn đề, nếu chúng ta chạy trốn ngươi khác, nếu chúng ta ẩn nấp hoặc khép mình trong sự thoải mái, nếu chúng ta ngủ đi trong thái độ tiêu thụ trấn an (EG 2). Thái độ cam chịu như thế dẫn chúng ta đến chỗ cô lập với mọi người, chia rẽ, tách biệt nhau, làm cho chúng ta mù quáng trước cuộc sống và sự đau khổ của tha nhân.
Tiếp tục bài giảng, ĐTC khẳng định rằng ”Đứng trước thái độ cam chịu ấy, Chúa Giêsu nói với chúng ta: Phúc cho những người dấn thân cho sự hòa giải. Phúc cho những người sẵn sàng xắn tay áo làm việc để những người khác được sống trong anbình. Phúc cho những người cố gắng không gieo rắc chia rẽ. Như thế, hạnh phúc làm cho chúng ta trở thanh những người xây dựng hòa bình; mời gọi chúng ta dấn thân để tinh thần hòa giải lan rộng giữa chúng ta.
ĐTC nhắc lại câu nói của ĐHY Silva Henriquez, vị đại mục tử của giáo phận Santiago de Chile: ”Nếu bạn muốn hòa bình, thì hãy làm việc cho công lý”. Và nếu có ai hỏi chúng ta ”Công lý là gì?” hoặc công lý chỉ có nghĩa là không trộm cắp, thì chúng ta nói rằng có một thứ công lý khác: công lý đòi mỗi người được đối xử như con người”. (Te Deum 18-9-1977).
Và ĐTC kết luận rằng:
"Gieo rãi hòa bình bằng sự gần gũi, bằng sự đi ra khỏi nhà, để quan sát các khuôn mặt, gặp gỡ những người ở trong khó khăn, người không được đối xử như con người, như người con xứng đáng của đất nước này. Đó là cách thức duy nhất chúng ta có để dệt lên một tương lai hòa bình.. Xây dựng hòa bình là một tiến trình liên kết chúng ta và kích thích tinh thần sáng tạo của chúng ta để tạo nên những tương quan có khả năng nhìn người láng giềng không phải như một người xa lạ, vô danh, nhưng như người con của đất nước này”
Sau bài giảng, ĐTC đã chủ sự nghi thức đội triều thiên cho Tượng Đức Mẹ Núi Camêlô, trước phần Lời nguyện giáo dân. Tượng Đức Mẹ này đã được đội triều thiên lần đầu tiên hồi năm 1900.
Ban chiều cùng ngày 16-1-2018, ĐTC viếng thăm nhà tù thánh Joakim, dành cho phụ nữ. Trong hơn 100 năm trời, từ 1864 đến 1996, nhà tù này được chính phủ ủy thác cho các nữ tu dòng Chúa Chiên Lành, và các nữ tù nhân tại đây là những người phạm các tội nhỏ như trộm cắp, chỉ có vài trường hợp, các nữ tù nhân phạm tội sát nhân bị giam giữ tại đây. Nhưng rồi với thời gian, tình hình thay đổi, với sự gia tăng nạn buôn bán ma túy và nghiện ngập, các nữ tu nhân phạm tội nặng cũng bị giam tại đây. Cho đến năm 1980, số tù nhân không quá 160 người, nhưng từ năm 1998, con số lên tới khoảng 600 người. Trong những năm 2000, con số tăng quá gấp đôi, lên 1.400 người, tuy rằng nhà tù chỉ có 855 chỗ.
Ngày nay, nhà tù Thánh Gioakim tiếp nhận tới 45% tổng số nữ tù nhân toàn nước Chile. Họ sống trong tình trạng chật chội, tình trạng mà Giáo Hội Công Giáo Chile đặc biệt quan tâm theo dõi qua các ban mục vụ nhà tù.
Hoạt động cuối cùng của ĐTC trong ngày ở Santiago là cuộc gặp gỡ các LM, tu sĩ nam nữ và chủng sinh ở Nhà thờ chính tòa thủ đô rồi gặp 50 GM Chile nơi nhà thánh của Thánh đường này.
G. Trần Đức Anh OP