Trường Thánh Carlo
Hiện diện trong buổi tiếp kiến tại Thính đường Phaolô 6 ở nội thành Vatican có 2.600 người gồm ban giám đốc, các vị giảng huấn, các phụ huynh và học sinh của trường thánh Carlo ở thành phố Milano, Đây là một tư thục Công giáo trung tiểu học nổi tiếng được thành lập cách đây 150 năm. Một học sinh nổi bật xuất thân từ trường này là Achille Ratti, sau này là Chân phước Giáo Hoàng Piô 9. Ngài đậu tú tài ưu hạng tại đây trong niên khóa 1874/75. Một học sinh 15 tuổi tại đây, tên là Carloi Acutis, cũng mới được ĐTC Phanxicô cho phép Bộ Phong Thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng ngày 5-7 năm ngoái, 2018.
ĐTC trả lời câu hỏi
Buổi tiếp kiến có hình thức như một cuộc đối thoại. ĐTC trả lời một số câu hỏi do các học sinh, giáo sư và phụ huynh nêu lên. Trong một câu trả lời, ĐTC cổ võ xây dựng một nền văn hóa cởi mở, đối thoại với tha nhân, và để được vậy, trước tiên cần ý thức về bản thân, về căn tính của mình, thay vì thái độ dửng dưng, duy tương đối, quên mình là ai, loại bỏ mọi xác tín chắc chắn. ĐTC nói:
Gặp gỡ đối thoại với tha nhân
”Môn đệ của Chúa Giêsu là người luôn cố gắng đi gặp gỡ tha nhân, trao tặng sự đón tiếp, đối thoại với bất kỳ ai, làm chứng về kinh nghiệm sống của mình được thay đổi nhờ gặp gỡ với Chúa Kitô, Đấng là lòng Thương Xót, vì một cuộc sống được biến đổi, chắc chắn sẽ lây sang người khác.
Tương quan với Nhà Nước
Về tương quan đúng đắn của tín hữu đối với nhà nước, ĐTC nhắc lại rằng: các tín hữu Kitô không muốn một Nhà Nước Kitô giáo, nhưng muốn một Nhà Nước có đặc tính đời đúng đắn, trong đó tất cả các công dân có thể cảm thấy mình được đại diện, bất luận mình thuộc tín ngưỡng, luân lý đạo đức hoặc văn hóa nào. Đặc tính đời phải đúng đắn, chứ không phải là chủ thuyết duy đời ý thức hệ, loại trừ những lập trường khác, trái lại có tinh thần tôn trọng và trung lập trong thái độ tích cực”.
Tránh thủ cựu và cực đoan
ĐTC nói thêm rằng “Chính vì thế, các tín hữu Kitô cần cảnh giác để trong cộng đoàn của họ không có những lệch lạc bảo thủ cực đoan, duy căn và phe phái. Đặc tính đời là một cơ hội giúp các tín hữu Kitô hiện diện mà không kiêu kỳ và cũng chẳng có mặc cảm tự ty trong lãnh vực văn hóa, trong việc đối chiếu luân lý đạo đức, trong các sáng kiến liên đới. Niềm tin nơi Chúa Kitô không chạy trốn, nhưng ở trong lịch sử, soi sáng hoạt động của tín hữu nhưng không tạo nên những chủ trương giải phóng thế tục hoặc những ảo tưởng ý thức hệ. Vấn đề ở đây là làm chứng về các giá trị của văn hóa Kitô mà không có thái độ tuyên truyền chiêu dụ, trái lại mở ra những con đường với những lối diễn tả văn hóa và tôn giáo khác.. không tìm kiếm những chủ trương bá quyền” (Rei 6-4-2019)
G. Trần Đức Anh OP