Thứ năm, 26/12/2024

ĐTC Phanxicô: Tự do Kitô giáo không xung khắc với các nền văn hoá hay dân tộc

Cập nhật lúc 08:07 14/10/2021

Tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 13/10/2021 Đức Thánh Cha nói rằng sứ điệp Tin Mừng về sự giải phóng của chúng ta có tính phổ quát, được gửi đến cho tất cả mọi người và mọi dân tộc thuộc mọi nền văn hóa. Tính công giáo của Giáo hội, tính phổ quát của Giáo hội, không được tìm thấy ở sự đồng nhất về phong cách hoặc phong tục, hoặc sự áp đặt của bất kỳ một mô hình văn hóa nào, nhưng ở sự tôn trọng của Giáo hội đối với tất cả những gì tốt đẹp và chân chính trong mỗi dân tộc và văn hoá.

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 13/10 Đức Thánh Cha tiếp tục giảng giải về thư thánh Phaolô gửi tín hữu Galát. Ngài nhắc lại rằng sự sống mới với tự do trong Đức Kitô được ban cho chúng ta cách nhưng không nhờ ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta lãnh nhận qua bí tích rửa tội, cho chúng ta được thông phần vào cuộc khổ nạn cứu độ của Chúa, sự chết và phục sinh của Người. Chúng ta đã được giải thoát bởi tình yêu thương, điều trở thành luật mới và tối thượng của đời sống Kitô hữu.

Sứ điệp Tin Mừng về sự giải phóng của chúng ta có tính phổ quát, được gửi đến cho tất cả mọi người và mọi dân tộc thuộc mọi nền văn hóa. Thật vậy, Tin Mừng có nghĩa là “hội nhập văn hóa” vào mọi lúc và mọi nơi. Tính công giáo của Giáo hội, tính phổ quát của Giáo hội, không được tìm thấy ở sự đồng nhất về phong cách hoặc phong tục, hoặc sự áp đặt của bất kỳ một mô hình văn hóa nào, nhưng ở sự tôn trọng của Giáo hội đối với tất cả những gì tốt đẹp và chân chính trong mỗi dân tộc và nền văn hóa.

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng khi Giáo Hội tìm cách đưa Tin Mừng vào nền văn hóa đương đại, bao gồm cả nền văn hóa công nghệ và thông tin đang phát triển nhanh chóng ngày nay, thì ước gì chúng ta biết thực hiện một cách sáng tạo trong việc loan báo cho tất cả các dân tộc Tin Mừng về sự tự do mà Chúa Kitô, Đấng Cứu độ vũ hoàn đã chiến thắng vì chúng ta.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong tiến trình các bài giáo lý về Thư gửi tín hữu Galát chúng ta có thể tập trung vào điều mà đối với thánh Phaolô là cốt lõi của sự tự do: thực tế là, với cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Nói cách khác, chúng ta được tự do vì chúng ta đã được giải thoát, được giải thoát bởi ân sủng, không phải bởi mua bán, được giải thoát bởi tình yêu, điều trở thành quy luật tối thượng và mới mẻ của đời sống Kitô hữu. Chúng ta được tự do bởi vì chúng ta được giải thoát cách nhưng không. Đây là điều then chốt.

Mở ra với mọi nền văn hoá

Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh cách thế mà điều mới lạ này của cuộc sống giúp chúng ta mở lòng đón nhận mọi dân tộc và nền văn hóa, đồng thời hướng mọi dân tộc và văn hóa đến một sự tự do lớn hơn. Trên thực tế, Thánh Phaolô nói rằng đối với những người theo Chúa Giêsu Kitô, là người Do Thái hay dân ngoại không còn quan trọng nữa. Điều duy nhất quan trọng chính là “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5, 6).

Những người gièm pha thánh Phaolô đã tấn công ngài vì điều mới lạ này, cho rằng ngài đã có quan điểm này để tìm cơ hội làm mục vụ, hay đúng hơn là để “làm hài lòng mọi người”, giảm thiểu những yêu cầu từ truyền thống tôn giáo nghiêm ngặt hơn. Như chúng ta có thể thấy, việc chỉ trích mọi điều mới lạ của Tin Mừng không chỉ thuộc về thời đại của chúng ta, nhưng đã có một lịch sử lâu dài. Tuy nhiên, thánh Phaolô không im lặng. Ngài đáp lại với sự khẳng khái: “Giờ đây tôi tìm cách lấy lòng người đời, hay lấy lòng Thiên Chúa? Phải chăng tôi tìm cách làm đẹp lòng người đời? Nếu tôi còn muốn làm đẹp lòng người đời, thì tôi không phải là tôi tớ của Đức Kitô” (Gl 1, 10). Ngay trong Thư thứ nhất gửi cho cộng đoàn Thêxalônica, ngài đã bày tỏ suy nghĩ của bản thân bằng những lời tương tự; ngài nói rằng khi rao giảng, ngài chưa bao giờ sử dụng “những lời xu nịnh… hoặc viện cớ để che đậy lòng tham; … không bao giờ chúng tôi đã tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh” (1 Tx 2, 5-6). Đây là con đường giả dối, không phải là đức tin nhưng là tính thế gian.

Tự do Kitô giáo không xung khắc với văn hoá

Suy nghĩ của thánh Phaolô một lần nữa cho thấy sự sâu sắc được linh hứng. Đối với ngài, để đón nhận đức tin, điều cần từ bỏ không phải là trọng tâm của các nền văn hóa và truyền thống, nhưng chính là những điều có thể cản trở sự mới mẻ và tinh khiết của Tin Mừng. Bởi vì tự do có được nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa không trở nên xung đột với các nền văn hóa hay với các truyền thống mà chúng ta đã tiếp nhận, nhưng đúng hơn là đưa đến cho chúng một sự tự do mới, một điều mới lạ mang tính giải phóng, đó là Tin Mừng. Thật vậy, sự giải phóng nhờ bí tích rửa tội giúp chúng ta có được phẩm giá đầy đủ của con cái Thiên Chúa, nhờ đó, trong khi chúng ta vẫn bám chặt vào cội nguồn văn hóa của mình, chúng ta lại đồng thời mở lòng đón nhận tính phổ quát của đức tin, điều đi vào mọi nền văn hóa, nhận ra các hạt nhân của sự thật hiện diện, và phát triển chúng, giúp cho sự tốt đẹp chứa đựng trong chúng tiến đến sự trọn vẹn.

Loan báo Tin Mừng: Tôn trọng vẻ đẹp và sự thật trong các nền văn hoá

Trong lời kêu gọi tự do, chúng ta khám phá ra ý nghĩa thực sự của việc hội nhập văn hóa của Tin Mừng. Đó là có thể loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô, Đấng Cứu độ bằng cách tôn trọng điều tốt đẹp và sự thật tồn tại trong các nền văn hóa. Đây không phải là việc dễ dàng! Có rất nhiều cám dỗ để tìm cách áp đặt mô hình sống của chính mình như thể nó là mô hình phát triển nhất và hấp dẫn nhất. Đã có bao nhiêu sai lầm trong lịch sử truyền giáo khi tìm cách áp đặt chỉ một mô hình văn hóa! Đôi khi, thậm chí bạo lực cũng được sử dụng để giúp một quan điểm duy nhất chiếm ưu thế. Chúng ta hãy nghĩ đến các cuộc chiến. Theo cách này, Giáo hội đã bị tước mất sự phong phú của nhiều cách diễn tả địa phương mà truyền thống văn hóa của toàn thể các dân tộc có. Nhưng điều này hoàn toàn trái ngược với tự do của Kitô giáo!

Công giáo: cởi mở với mọi dân tộc và mọi văn hoá

Nói tóm lại, quan điểm của thánh Phaolô về tự do hoàn toàn được soi sáng và mang lại kết quả nhờ mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng mà qua việc nhập thể của Người - như Công đồng Vatican II đã nhắc lại - đã kết hợp mình theo một cách nào đó với mọi người (x. Hiến chế Mục vụ Gaudium et spes, 22). Từ điều này nảy sinh nghĩa vụ phải tôn trọng nguồn gốc văn hóa của mỗi người, đặt họ trong một không gian tự do không bị hạn chế bởi bất kỳ sự áp đặt nào từ một nền văn hóa duy nhất thống trị. Đây là ý nghĩa của việc gọi chúng ta là những người Công giáo, của việc nói về Giáo hội Công giáo. Nó không phải là một giáo phái xã hội học để phân biệt chúng ta với những Kitô hữu khác; Công giáo là một tính từ có nghĩa là phổ quát. Nó có nghĩa là Giáo Hội chứa đựng trong mình, trong chính bản chất của mình, một sự cởi mở với mọi dân tộc và mọi nền văn hóa của mọi thời đại, bởi vì Chúa Kitô đã sinh ra, đã chết và đã sống lại vì mọi người.

Cách trình bày mới

Bên cạnh đó, văn hóa, tự bản chất, là sự biến đổi liên tục. Hãy nghĩ về cách chúng ta được kêu gọi để loan báo Tin Mừng trong thời điểm lịch sử của sự thay đổi văn hóa quan trọng này, nơi mà công nghệ ngày càng tiên tiến hơn dường như đang chiếm ưu thế. Nếu chúng ta nói về đức tin như chúng ta đã làm trong các thế kỷ trước, chúng ta sẽ có nguy cơ không được các thế hệ mới hiểu chúng ta. Sự tự do của đức tin Kitô giáo không chỉ ra một tầm nhìn tĩnh về đời sống và văn hóa, mà là một tầm nhìn năng động. Do đó, chúng ta đừng tuyên bố mình đã sở hữu sự tự do. Chúng ta đã nhận được một món quà để chăm sóc gìn giữ. Đúng hơn, chính sự tự do đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có một cuộc hành trình liên tục, hướng tới sự vẹn toàn của nó. Và đây là món quà lớn lao mà Chúa Giêsu Kitô đã tặng ban cho chúng ta. Đó là tình trạng của những người hành hương; đó là trạng thái của những người du hành, trong những cuộc xuất hành liên tục: được giải phóng khỏi sự nô lệ để tiến tới sự tự do trọn vẹn.

Hồng Thủy
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Giáo xứ Yên Tập: Đức cha Đaminh dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh 2024
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log