Thứ bảy, 11/01/2025

ĐTC Phanxicô: Lời cầu nguyện của anh chị em được Chúa lắng nghe, đừng bỏ cầu nguyện

Cập nhật lúc 08:25 27/05/2021
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 26/5,/2021, Đức Thánh Cha nói rằng bằng gương mẫu của Người, Chúa Giêsu cho thấy rằng Thiên Chúa thấu hiểu đau khổ của chúng ta, tuy Người không luôn luôn đáp ứng mong ước của chúng ta. Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giêsu đã cầu nguyện nhưng dường như không được Chúa Cha đáp lời. Sự tín thác hoàn toàn của Người vào ý định của Chúa Cha đã đưa đến ơn cứu độ cho chúng ta và vinh quang phục sinh. Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu rằng nếu có những khi chúng ta bước đi trong bóng tối, chỉ được ánh sáng đức tin hướng dẫn, chúng ta đừng bao giờ hết tín thác vào thánh ý Chúa Cha.
 

Hồng Thủy
 

Sáng thứ Tư 26/5/2021, như hai tuần trước đây, Đức Thánh Cha tiếp tục gặp gỡ trực tiếp các tín hữu trong buổi tiếp kiến chung được tổ chức tại sân Damaso ở nội thành Vatican. Trong bài giáo lý, Đức Thánh Cha đã chia sẻ về vấn nạn: những lần mà lời cầu nguyện của chúng ta dường như không được Thiên Chúa đáp lời.

Đức Thánh Cha chia sẻ rằng có những khi chúng ta tha thiết cầu nguyện, khấn xin Chúa những điều cao đẹp, ví dụ như cầu nguyện cho con cái đang đau bệnh, hay cho người bạn đang rất đau khổ, nhưng chúng ta thất vọng khi cảm thấy Chúa không nghe lời cầu xin của chúng ta, và thậm chí chúng ta còn bỏ cầu nguyện. Nhưng Chúa Giêsu, bậc thầy về cầu nguyện, đã dạy cho chúng ta kinh Lạy Cha, để cầu xin nhiều điều, nhưng trên hết là xin cho ý Chúa được thực hiện. Một đức tin trưởng thành thì tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, vào kế hoạch của Người dành cho cuộc đời và thế giới của chúng ta, tuy chúng ta vẫn cảm thấy vô cùng thất vọng khi dường như lời cầu nguyện của mình không được lắng nghe.

Bằng gương mẫu của Người, Chúa Giêsu đã cho thấy rằng Thiên Chúa hiểu đau khổ của chúng ta, tuy Người không luôn luôn đáp ứng mong ước của chúng ta. Trong vườn Ghết-sê-ma-ni, Chúa Giêsu đã cầu nguyện nhưng dường như không được Chúa Cha đáp lời. Sự tín thác hoàn toàn của Người vào ý định của Chúa Cha đã đưa đến ơn cứu độ cho chúng ta và vinh quang phục sinh.   

Giáo lý của Đức Thánh Cha

 Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Có một sự phản đối quyết liệt việc cầu nguyện; nó xuất phát từ điều mà tất cả chúng ta đều quan sát thấy: chúng ta cầu nguyện, chúng ta cầu xin, nhưng đôi khi lời cầu nguyện của chúng ta dường như vẫn không được lắng nghe: những gì chúng ta đã cầu xin – cho chính mình hay cho người khác – không được đáp lời. Nếu lý do cầu nguyện của chúng ta cao thượng (ví dụ như khẩn cầu cho sức khỏe của một bệnh nhân, hay cho chiến tranh kết thúc), thì lời cầu nguyện không được ứng nghiệm có vẻ như khiến chúng ta bị khủng hoảng. Sách Giáo lý nói: “Có người thôi không cầu nguyện nữa, vì nghĩ rằng Thiên Chúa không nhận lời mình cầu xin” (GLCG 2734). Nếu Thiên Chúa là Cha, tại sao Người không lắng nghe chúng ta? Người đã bảo đảm với chúng ta rằng Người sẽ ban những điều tốt lành cho con cái của Người khi họ cầu xin Người (xem Mt 7,10), tại sao không đáp lại những lời cầu xin của chúng ta?

Nguy cơ biến tương quan với Chúa thành một điều có tính ma thuật

Đức Thánh Cha lưu ý rằng sách Giáo lý Công giáo trình bày với chúng ta một tóm tắt hay về vấn đề này. Ngài giải thích: Nó cảnh báo chúng ta trước nguy cơ không sống kinh nghiệm đức tin đích thực, nhưng lại biến tương quan với Thiên Chúa thành một điều gì đó có tính chất ma thuật. Thật vậy, khi cầu nguyện, chúng ta có thể rơi vào nguy hiểm là không phải chúng ta phụng sự Thiên Chúa, nhưng mong đợi rằng Chúa là người phục vụ chúng ta (xem số 2735). Đây là một lời cầu nguyện luôn đòi hỏi, muốn hướng các sự kiện theo kế hoạch của chúng ta, không chấp nhận các dự án khác ngoài mong muốn của chúng ta. Ngược lại, Chúa Giê-su rất khôn ngoan khi dạy chúng ta “Kinh Lạy Cha”. Như chúng ta biết, đó là lời kinh chỉ gồm những lời cầu xin, nhưng những lời cầu xin đầu tiên mà chúng ta thốt ra đều thuộc về phía Thiên Chúa. Chúng là những lời cầu xin, không phải xin cho kế hoạch của chúng ta được hoàn thành, nhưng xin cho ý Thiên Chúa dành cho thế giới được thực hiện. Tốt hơn là phó thác nó cho Thiên Chúa: “Xin cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện” (Mt 6, 9-10).

Phải khiêm tốn khi cầu nguyện

Đức Thánh Cha cũng lưu ý rằng thánh Phao-lô tông đồ nhắc nhở chúng ta rằng thậm chí chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải (xem Rm 8,26). Tuy thế, điều chúng ta biết là khi cầu nguyện, chúng ta phải khiêm tốn, để lời nói của chúng ta thực sự là lời cầu nguyện chứ không phải là những lời nói suông mà Thiên Chúa sẽ từ chối. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện vì những lý do sai lầm như: đánh bại kẻ thù trong một cuộc chiến, mà không tự hỏi xem Thiên Chúa nghĩ gì về cuộc chiến đó. Thật dễ dàng khi viết dòng chữ “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” trên một biểu ngữ; nhiều người cương quyết đảm bảo rằng Thiên Chúa ở cùng họ, nhưng lại có ít người quan tâm đến việc xác minh rằng họ có thực sự ở với Chúa không. Trong lời cầu nguyện, chính Chúa phải hoán cải chúng ta, chứ không phải là chúng ta là người phải hoán cải Thiên Chúa.

Chúa không luôn trả lời ngay lập tức

Tuy nhiên, khủng hoảng vẫn còn đó: khi con người cầu nguyện với tấm lòng chân thành, khi họ cầu xin điều tốt phù hợp với Nước Thiên Chúa, khi một người mẹ cầu nguyện cho đứa con bị bệnh của mình, tại sao đôi khi Thiên Chúa không lắng nghe? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải bình tâm suy niệm các sách Tin Mừng. Các  tường thuật về cuộc đời của Chúa Giêsu đầy những lời cầu nguyện: nhiều người bị thương về thể lý và tinh thần cầu xin Người chữa lành; có người cầu nguyện cho một người bạn không còn đi được nữa; có những người cha, người mẹ cầu nguyện  những đứa con bệnh tật... Tất cả đều là những lời cầu nguyện ngập trong đau khổ. Đó là một dàn đồng ca vĩ đại đang khẩn cầu: “Xin thương xót chúng con!”.

Đức Thánh Cha nhận định: Chúng ta thấy rằng đôi khi Chúa Giê-su phản ứng ngay lập tức, trong khi trong một số trường hợp khác, Chúa lại trì hoãn đáp lời. Chúng ta hãy nghĩ đến người phụ nữ Canaan van xin Chúa Giê-su cho con gái mình: người phụ nữ này phải nài nỉ rất lâu mới được Chúa nhận lời (x. Mt 15, 21-28). Hoặc chúng ta nghĩ đến người bại liệt được bốn người bạn của ông mang đến: ban đầu Chúa Giêsu tha tội và chỉ sau đó Người mới chữa lành phần xác cho ông (x. Mc 2, 1-12). Vì vậy, trong một số trường hợp, vấn đề không được giải quyết ngay lập tức.

Hãy tiếp tục tin tưởng

Từ quan điểm này, sự kiện Chúa chữa lành cho con gái của ông Giai-ia (xem Mc 5, 21-33) đáng được quan tâm đặc biệt. Người cha vội vã chạy đến với Chúa: con gái ông đang bị bệnh và vì lý do này ông cầu cứu Chúa Giê-su. Người nhận lời ngay, nhưng trên đường họ đi về nhà thì Chúa lại thực hiện một việc chữa lành khác, và sau đó nhận tin rằng đứa trẻ đã chết. Sự việc dường như chấm hết, nhưng Chúa Giê-su nói với người cha: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi!" (Mc 5,36). “Hãy tiếp tục tin”: đó là đức tin duy trì sự cầu nguyện. Và quả thật, Chúa Giê-su sẽ đánh thức bé gái đó khỏi giấc ngủ của thần chết. Nhưng đã có lúc, ông Giai-ia đã phải bước đi trong bóng tối, với ngọn lửa của niềm tin.

Lời cầu nguyện mà Chúa Giê-su thưa với Chúa Cha ở vườn Ghết-sê-ma-nê dường như cũng không được lắng nghe. Chúa Con sẽ phải uống cạn chén của cuộc thương khó. Nhưng thứ Bảy Tuần Thánh không phải là chương cuối cùng, vì vào ngày thứ ba có sự Phục sinh: Thần ác là chúa tể của ngày áp chót, nhưng không phải của ngày cuối cùng. Bởi vì ngày đó chỉ thuộc về Thiên Chúa, và đó là ngày mà mọi khao khát cứu rỗi của con người sẽ được hoàn thành.

Nguồn: Vatican News Tiếng Việt

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log