ĐTC nói: “Hôm nay, chúng ta mừng lễ Thánh gia Nazareth. Thuật ngữ ‘thánh’ đặt gia đình này trong bối cảnh thánh thiện. Đây là một hồng ân của Thiên Chúa, nhưng đồng thời, là tự do và trách nhiệm trong việc thực thi kế hoạch của Ngài. Như vậy, đặc tính của gia đình Nazareth: hoàn toàn sẵn sàng trước Thiên ý”.
ĐTC lần lượt giải thích về sự vâng phục của các thành viên trong Gia đình Thánh này.
Đức Maria vâng phục
Trước hết, ĐTC nói về Đức Maria với việc đặt câu hỏi: “Làm thế nào chúng ta không thể không ngạc nhiên trước sự ngoan ngùy của Đức Maria đối với tác động của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời Mẹ, khi Chúa Thánh Thần yêu cầu Mẹ trở thành mẹ của Đấng Thiên Sai?”. Và ĐTC quảng diễn rằng Đức Maria, như mọi phụ nữ trẻ cùng thời, đang chuẩn bị cho kế hoạch tương lai, trở thành hôn thê của Thánh Giuse. Nhưng khi nhận ra Chúa mời gọi mình thi hành một sứ vụ đặc biệt, Mẹ Maria không ngần ngại tuyên xưng là "nữ tỳ" của Thiên Chúa (Lc 1,38). Chúa Giêsu sẽ tán dương sự lớn lao của Đức Maria không phải vì vai trò làm mẹ của Đức Maria, nhưng vì sự vâng lời của Mẹ đối với Thiên Chúa: "Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa" (Lc 11,28). Và khi Mẹ Maria không hiểu tất cả những sự kiện liên quan đến mình, Mẹ thinh lặng suy niệm, suy gẫm sáng kiến của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thánh giá hiến dâng tất cả sự sẵn sàng này.
Thánh Giuse vâng phục
Tiếp đến ĐTC nói về Thánh Giuse: “Đối với Thánh Giuse, Tin Mừng không nói với chúng ta điều gì. Thánh Giuse không nói, nhưng hành động trong vâng phục. Thánh Giuse là một người sống thinh lặng và vâng phục”.
“Trang Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy sự vâng phục này của Thánh Giuse: trốn sang Ai Cập và từ Ai Cập trở về đất Israel. Dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa, qua những lần báo mộng của Sứ thần, Thánh Giuse đưa gia đình tránh xa sự đe dọa của Hêrôđê. Như thế, Gia đình Thánh này liên đới với tất cả các gia đình trên thế giới buộc phải lưu vong, liên đới với tất cả những người bị buộc phải từ bỏ đất đai của họ vì bị đàn áp, bạo lực, chiến tranh.
Chúa Giêsu vâng phục
Cuối cùng, người thứ ba trong Gia đình Thánh, Chúa Giêsu. Ngài là ý muốn của Chúa Cha. Thánh Phaolô trong 2Cr 1,19 nói: Đức Ki-tô Giê-su, Con Thiên Chúa, không vừa là “có” vừa là “không”, nhưng nơi Người chỉ toàn là “có”. Điều này được thể hiện trong nhiều thời điểm cuộc sống dương thế của Chúa Giêsu.
ĐTC trưng dẫn một số ví dụ. Trước hết khi Chúa lên 12 tuổi, Ngài theo Thánh Giuse và Mẹ Maria lên đền thờ Giêrusalem. Sau ba ngày trong lo lắng và buồn rầu hai ông bà tìm được Chúa thì Ngài trả lời: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49).
Chúa Giêsu tiếp tục lặp lại sự vâng phục của mình: "Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người" (Ga 4, 34). Chúa cầu nguyện trong cuộc Khổ nạn: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha" (Mt 26, 42). Tất cả những sự kiện này là cho thấy Chúa thi hành một cách hoàn hảo sứ vụ: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con”. (Dt 10, 5-7). “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: Này con xin đến! Trong sách có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Tv 40, 7-9).
Mẹ Maria, Thánh Giuse, Chúa Giêsu, Gia đình Nazareth đại diện cho một bản hợp xướng đáp trả trước Thánh ý Chúa Cha: ba thành viên của gia đình này giúp chúng ta khám phá và thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa. Các Ngài cùng nhau cầu nguyện, làm việc và chia sẻ.
Tới đây ĐTC tiếp tục đặt câu hỏi: “Trong gia đình của anh chị em, anh chị em có có biết trao đổi, chia sẻ, hay anh chị em giống như các các bạn trẻ ngồi tại bàn, mỗi người với một điện thoại trong tay và tán gẫu với ai đó? Nơi bàn này, dường như có một sự thinh lặng như thể họ đang ở trong Thánh lễ... Nhưng họ không nói chuyện với với nhau, không trao đổi, chia sẻ. Chúng ta phải nối lại việc giao tiếp trong gia đình. Đây là một nhiệm vụ phải làm ngay hôm nay, chính vào ngày lễ Thánh gia".
Thánh gia là mẫu gương cho các gia đình, giúp cha mẹ và con cái nâng đỡ nhau trong việc tuân giữ Tin Mừng, nền tảng của sự thánh thiện của các gia đình. Chúng ta trao phó cho Đức Maria, "Nữ vương các gia đình", tất cả các gia đình trên thế giới, đặc biệt các gia đình đang đau khổ, khó khăn. Chúng ta cầu xin Mẹ che chở nâng đỡ họ.