Đức Hồng y nhắc lại sắc lệnh về ơn toàn xá được ban hành vào 19/3 và khẳng định: “Lòng Thương xót Chúa không dừng lại vì do không thể cử hành các bí tích theo cách thông thường”. Các linh mục giải tội được mời gọi cầu nguyện, an ủi và dẫn dắt các linh hồn đến với Lòng Thương Xót Chúa, bằng cách làm tròn vai trò chuyển cầu của linh mục, đã được trao trong ngày chịu chức. Lòng Thương Xót không dừng lại bởi vì tất cả chúng ta cần sự gần gũi và âu yếm của Chúa Giêsu. Đây là điều được cụ thể hóa trong việc lắng nghe và đối thoại, có khả năng khơi dậy niềm hy vọng và ánh sáng trong hoàn cảnh thử thách này. Lòng Thương Xót không dừng lại nhưng được biểu lộ qua sự sáng tạo mục vụ của rất nhiều anh em linh mục khi tìm cách gần gũi với những người được giao phó cho họ, làm chứng cho đức tin, lòng can đảm, tình phụ tử và sống trọn chức tư tế của mình.
“Lòng Thương Xót không dừng lại nhưng được thể hiện trong những cử chỉ dịu dàng, tình yêu dành cho người nghèo, những người qua đời trong bệnh viện, các nhân viên y tế, người cô đơn và sợ hãi. Lòng Thương Xót không dừng lại bởi vì sự hiến dâng của Thánh lễ không dừng lại, mặc dù việc cử hành không có sự hiện diện của dân chúng”.
“Lòng Thương Xót không dừng lại nhưng được thể hiện trong việc tái khám phá các giá trị liên quan đến sự sống và cái chết, tái khám phá sự thinh lặng: thinh lặng thờ lạy và cầu nguyện, tái khám phá sự gần bên của người khác và trên hết là của Thiên Chúa. Lòng Thương Xót không dừng lại trong cử hành phụng vụ thánh nhưng trở thành hành vi bác ái”.
Cuối cùng theo Đức Hồng y Chánh Tòa Ân giải Tối cao nói “Lòng Thương Xót cũng không dừng lại nơi những ai đã được kêu gọi trở về nhà Cha, bởi vì mỗi người đã được ân hưởng ơn Phục Sinh. Nhờ ân sủng này, cái chết không phá vỡ các mối liên hệ nhưng được biến đổi và củng cố trong sự hiệp thông với các thánh”. (CSR_2270_2020)
Ngọc Yến