Chúa nhật, 12/01/2025

Công bố Tông huấn Gaudete et Exultate của Đức Thánh Cha Phanxicô về lời mời gọi nên thánh trong thế giới hôm nay

Cập nhật lúc 09:57 12/04/2018
Như tin đã đưa, trưa thứ Hai 9/4/2018, tại Phòng Báo chí Toà thánh đã diễn ra buổi họp báo công bố và giới thiệu Tông huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô “Gaudete et Exsultate” (Hãy vui mừng hân hoan)về lời mời gọi nên thánh trong thế giới hôm nay.
Tông huấn được Đức Thánh Cha ký ngày 19 tháng Ba 2018, lễ kính thánh Giuse, năm thứ 6 trong triều giáo hoàng của ngài.
Tông huấn Gaudete et Exultate gồm 177 số, chia làm 5 chương: Chương 1: Lời mời gọi nên thánh; Chương 2: Hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện; Chuơng 3: Trong ánh sáng của Thầy; Chương 4: Những dấu chỉ của sự thánh thiện trong thế giới ngày nay; Chương 5: Cuộc chiến thiêng liêng, Tỉnh thức và Phân định.
Sau đây là Tóm tắt Tông huấn Gaudete et Exsultate.
Bản dịch chính thức toàn văn Tông huấn sẽ được Văn phòng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam thực hiện và phổ biến trong thời gian sớm nhất!
***
Tông huấn này không phải là tài liệu học thuật hay tín lý. Mục tiêu là “lặp lại lời mời gọi nên thánh trong bối cảnh củathời đại của chúng ta”.
Chương 1: Lời mời gọi nên thánh
Có nhiều loại thánh. Ngoài các vị thánh được Giáo hội chính thức nhìn nhận, nhiều người bình thường mà các sách lịch sử không nói đến nhưng đã góp phần quyết định làm cho thế giới thay đổi. Các vị ấy gồm nhiều chứng nhân Kitô giáochịu tử đạo - một đặc điểm của thời đại chúng ta. “Mỗi vị thánh có một sứ mệnh, được Chúa Cha hoạch định để phản chiếu và thể hiện, vào một thời điểm cụ thể trong lịch sử, một khía cạnh nhất định của Tin Mừng”. Nên thánh là sống các mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Kitô, “mãi chết đi và sống lại với Người” và thể hiện lại các khía cạnh trong đời sống trần thế của Người: gần gũi với những người bị bỏ rơi, sống nghèo, yêu thương tự hiến chính mình. “Hãy để Chúa Thánh Thần gầy dựng nơi anh chị em mầu nhiệm cá nhân này để phản chiếu Chúa Giêsu Kitô trong thế giới ngày nay”, trong một sứ mạng xây dựng vương quốc của tình yêu, công lý và hoà bình.
Sự thánh thiện cũng đa dạng như nhân loại; Chúa đã dành cho mỗi tín hữu một con đường riêng, không phải chỉ là giáo sĩ, tu sĩ, hay những người sống đời chiêm niệm. Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh, bất kể chúng ta giữ vai trò gì, “bằng cách sống cuộc đời mình với tình yêu thương và làm chứng tá”, và trong việc trở về với Thiên Chúa mỗi ngày.
Sự thánh thiện là khuôn mặt có sức lôi cuốn nhất của Hội Thánh. Nhưng ngay cả bên ngoài Giáo hội Công giáo và trong những bối cảnh rất khác nhau, Chúa Thánh Thần cũng cho thấy “những dấu chỉ của sự hiện diện của Người để trợ giúp những người bước theo Đức Kitô”. Thánh Gioan Phaolô II nhắc nhở chúng ta rằng “hành động làm chứng cho Chúa Kitô đến đổ máu mình đã trở thành một di sản chung của người Công giáo, Chính thống giáo, Anh giáo và Tin Lành”. Trong buổi cử hành đại kết tại Đấu trường Colosseum Roma vào dịp Đại Năm Thánh 2000, ngài tuyên bố rằng tử đạo là “một di sản có tiếng nói còn mạnh hơn những gì gây chia rẽ”.
Đôi khi, cuộc sống gửi đến cho chúng ta những thách đố lớn. Qua những thách đố ấy, một lần nữa Chúa mời gọi chúng ta hoán cải để làm cho ân sủng của Ngài rõ nét hơn trong cuộc đời chúng ta “hầu chúng ta được thông phần vào sự thánh thiện của Ngài” (Dt 12,10). Có những lúc khác, chúng ta chỉ cần tìm một cách hoàn hảo hơn để làm những gì chúng ta đang làm. Khi Đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận ở trong tù, ngài đã không chịu bỏ phí thời gian để chờ đợi ngày mình được trả tự do; nhưng đã chọn “sống giây phút hiện tại, tràn ngập tình yêu”. Ngài quyết định: “Tôi sẽ sống giây phút hiện tại mỗi ngày; tôi sẽ làm những công việc bình thường một cách phi thường”.
Trong nhiều hình thức chứng nhân, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến “thiên tư của người phụ nữ”, được biểu lộ trong nhiều cung cách nên thánh của các vị thánh nữ nổi tiếng. Đức Thánh Cha kể tên một vài vị: Thánh Hildegard thành Bingen, Thánh Bridget, Thánh Catarina Siêna, Thánh Têrêsa Avila, Thánh Têrêsa thành Lisieux. Và còn biết bao phụ nữ khác, “chẳng ai biết và hay bị quên lãng”, mỗi người theo cách của mình, đã nâng đỡ và biến đổi các gia đình và các cộng đoàn nhờ sức mạnh chứng tá của họ.
Sự thánh thiện lớn lên qua những thách đố lớn lao, cũng như qua những cử chỉ nhỏ bé: không đơm điều đặt chuyện, kiên nhẫn lắng nghe trong yêu thương, nói lời tử tế với một người nghèo.
Sự thánh thiện gìn giữ chúng ta trung tín với nội tâm sâu thẳm của mình, giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ và mang lại hoa trái cho thế giới. Sự thánh thiện không làm cho chúng ta kém là người hơn, vì đó là một cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của chúng ta và quyền năng ân sủng của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cần có những giây phút ở một mình và thinh lặng trước mặt Thiên Chúa, để đối mặt với chính bản thân chúng ta và để cho Chúa bước vào.
Chuơng 2: Hai kẻ thù tinh vi của sự thánh thiện
Chủ thuyết Ngộ đạo và chủ thuyết Pêlagiô, hai “hình thức thánh thiện giả tạo” xuất hiện từ thuở ban đầu của lịch sử Giáo hội, vẫn làm cho chúng ta lạc lối. Những lạc thuyết này đề ra “một chủ nghĩa nội tâm quy về con người, cải trang thành chân lý Công giáo” bằng cách phóng đại sự hoàn thiện của con người mà không cần ân sủng.
Người theo thuyết Ngộ đạo không nhìn nhận rằng sự hoàn thiện của chúng ta được đo bằng lòng bác ái sâu đậm, chứ không phải vì có nhiều thông tin hoặc tri ​​thức. Tách biệt tri thức ra khỏi thân xác, họ quan niệm giáo huấn của Chúa Giêsu chỉ còn là một lý luận lạnh lùng và khắc nghiệt nhằm tìm cách thống trị mọi sự. Nhưng giáo thuyết “không phải là một hệ thống khép kín, không còn khả năng đặt câu hỏi, nghi ngờ, thắc mắc”. Kinh nghiệm Kitô giáo không phải là một tổng hợp các bài tập về mặt tri thức; sự khôn ngoan Kitô giáo đích thực không bao giờ được tách rời khỏi lòng thương xót đối với người thân cận của chúng ta.
Quyền năng mà chủ thuyết Ngộ đạo gán cho trí tuệ, thì chủ thuyết Pêlagiô lại gán cho ý chí của con người, cho nỗ lực của cá nhân. Mặc dù những người theo chủ thuyết Pêlagiô hiện đại có nói nhiều về ân sủng của Thiên Chúa, nhưng họ cho rằng ý chí của con người là một cái gì đó thuần khiết, hoàn hảo, toàn năng, và ân sủng chỉ thêm vào. Họ không nhìn nhận rằng trong cuộc sống này những yếu đuối của con người chỉ được chữa lành hoàn toàn và một lần cho tất cả nhờ ân sủng.
Ân sủng dựa trên tự nhiên. Ân sủng không làm cho chúng ta trở thành siêu nhân nhưng tác động đến chúng ta và biến đổi chúng ta dần dần. Nếu chúng ta từ chối thực tế lịch sử và tiệm tiến này, là chúng ta thực sự có thể từ chối và ngăn cản ân sủng của Chúa. Tình bạn của Người vượt trên chúng ta vô cùng: chúng ta không thể mua được tình bạn ấy bằng các việc làm của chúng ta, mà đó chỉ có thể là một quà tặng phát sinh từ sáng kiến ​​yêu thương của Người. Chỉ có điều ấy mới cho phép chúng ta cộng tác vào tiến trình biến đổi dần dần bằng những nỗ lực của mình.
Khi đánh giá quá mức ý chí của con người và khả năng cá nhân… đời sống của Giáo hội có thể trở thành một phòngbảo tàng hoặc thành sở hữu của một số ít người được chọn. Điều này làm cho Tin Mừng mất đi tính giản dị, nét hấp dẫnvà hương vị của nó, và chỉ còn là một kế hoạch chi tiết, chừa lại ít khoảng trống cho ân sủng làm việc.
Chuơng 3: Trong ánh sáng của Thầy
Các Mối Phúc là bức chân dung của Chúa Giêsu về ý nghĩa của sự thánh thiện trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Ở đây “phúc” đồng nghĩa với “thánh”. Chúng ta đạt được phúc thật khi trung thành thực thi các Mối Phúc. Chúng ta chỉ có thể thực thi các Mối Phúc nếu Chúa Thánh Thần đổ đầy tâm hồn chúng ta sức mạnh của Ngài và giải thoát chúng ta khỏi những yếu đuối, ích kỷ, tự mãn và tự hào của chúng ta.
Đức Thánh Cha Phanxicô mô tả từng mối Phúc và lời mời gọi của mối Phúc ấy, rồi ngài kết luận cho các mối Phúc:
– “Nghèo khó trong tâm hồn: đó là thánh thiện”.
– “Hiền lành và khiêm nhường: đó là thánh thiện”.
– “Khóc với ai sầu khổ: đó là thánh thiện”.
– “Khao khát sự công chính: đó là thánh thiện”
– “Thương xót người khác: đó là thánh thiện”.
– “Gìn giữ quả tim thanh khiết: đó là thánh thiện”.
– “Xây dựng bình an: đó là thánh thiện”.
– “Chấp nhận con đường của Phúc Âm hằng ngày, dù cho có thể có những gian khó: đó là thánh thiện”.
Trong chương 25 của Phúc Âm thánh Matthêu (các câu 31-46), Chúa Giêsu quảng diễn thêm về lòng thương xót. “Nếu chúng ta tìm kiếm sự thánh thiện mà Thiên Chúa hài lòng, chúng ta sẽ thấy trong đoạn Phúc Âm này có một tiêu chuẩn rõ ràng mà chúng ta sẽ bị phán xét theo tiêu chuẩn ấy”. Nếu chúng ta nhận ra Chúa Kitô nơi người nghèo và người đau khổ, chúng ta sẽ thấy ngay trong trái tim của Chúa Kitô những cảm xúc sâu sắc nhất và những sự lựa chọn của Người. “Chúa chúng ta đã xác quyết rằng không thể quan niệm hay sống thánh thiện ngoài những đòi hỏi ấy”.
Những lạc thuyết một mặt có thể dẫn chúng ta tách biệt những đòi hỏi này của Phúc Âm ra khỏi mối quan hệ cá nhân của chúng ta với Chúa, và như thế Kitô giáo trở thành một loại tổ chức phi chính phủ, không còn tính huyền nhiệm ngời sáng được biểu lộ trong đời sống của các thánh. Mặt khác, có những người lại hoài nghi việc dấn thân xã hội của người khác là hời hợt, theo thế gian, vật chất, cộng sản hay dân túy; họ đặt mối bận tâm về đạo đức của riêng mình lên trên tất cả những thứ khác.
Chẳng hạn, hành động bảo vệ các trẻ vô tội không được sinh ra của chúng ta cần phải rõ ràng, vững chắc và quyết liệt, vì phẩm giá của sự sống con người, vốn luôn là thánh thiêng và tình yêu thương mỗi con người, bất kể ở giai đoạn phát triển nào, đòi hỏi điều đó. Nhưng “cũng thánh thiêng” như vậy là cuộc sống của người nghèo, người bị bỏ rơi, người khuyết tật và người già bị bị trợ tử cách lén lút; những nạn nhân của nạn buôn người và các hình thức nô lệ mới. Cũng không được coi tình trạng của người di dân là một vấn đề thứ yếu so với các vấn đề sinh học “nghiêm trọng”. Đối với người Kitô hữu, “thái độ thích đáng duy nhất là đặt mình vào vị trí của những người anh chị em của chúng ta, những người liều mạng sống mình để đem lại một tương lai cho con cái của họ”.
Chương 4: Những dấu chỉ của sự thánh thiện trong thế giới ngày nay
Đức Thánh Cha nói tiếp về “một số khía cạnh của lời mời gọi nên thánh” mà ngài “hy vọng sẽ rất có ý nghĩa”, dưới hình thức “năm cách diễn tả cao độ tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với người thân cận, có tầm quan trọng đặc biệt,dưới ánh sáng của một số mối nguy và hạn chế trong văn hoá ngày nay”.
1) Bền chí, kiên nhẫn và hiền lành
Điều này mô tả sức mạnh nội tâm, dựa trên Thiên Chúa, khiến chúng ta có thể làm chứng cho việc kiên trì làm điều thiện. Chúng ta cần phải nhận ra và chống lại các xu hướng hiếu chiến và ích kỷ của chúng ta. Các Kitô hữu “có thể bị cuốn vào các mạng bạo lực bằng lời nói qua internet và nhiều diễn đàn truyền thông kỹ thuật số khác nhau”. Ngay cả trong truyền thông Công giáo, người ta có thể vượt qua các giới hạn, phỉ báng và vu khống có thể trở nên phổ biến. “Đáng chú ý là đôi khi, người ta cho rằng mình giữ các điều răn khác, mà lại hoàn toàn bỏ qua điều răn thứ tám, là điều răn cấm làm chứng gian và nói dối, và như thế là gièm pha người khác cách một cách tàn nhẫn”.
Thật không hay khi chúng ta nhìn xuống những người khác như những thẩm phán vô cảm, thống trị họ và cứ muốn dạy cho họ những bài học. Đó chính là một hình thức bạo lực tinh tế.
Bước đi trên đường nên thánh nghĩa là phải “khiêm hạ mỗi ngày”, chẳng hạn “những người giữ im lặng để gìn giữ gia đình mình, những người chuộng việc khen ngợi người khác hơn là khoe khoang chính mình, hay những người chọn những công việc ít được ưa thích, thậm chí đôi khi còn chọn gánh lấy bất công để dâng cho Chúa”. Cư xử như thế “cho thấy một tâm hồn được bình an của Chúa Kitô, được giải thoát khỏi tính hung hăng gây ra bởi chủ nghĩa duy kỷ quá trớn”.
2) Niềm vui và tinh thần hài hước
Các thánh nhân thì vui vẻ và đầy tính hài hước. Họ toả ra một tinh thần tích cực và đầy hy vọng, ngay cả trong những khi khó khăn. Hài hước ác ý không phải là dấu chỉ của sự thánh thiện. Buồn rầu có thể là một dấu chỉ của vô ơn đối với ơn Chúa. Nền văn hoá cá nhân và tiêu thụ ngày nay không tạo ra niềm vui đích thực; chủ nghĩa tiêu thụ chỉ làm cho tâm hồn trĩu nặng, nó không mang lại niềm vui mà chỉ là những vui thích nhất thời, chóng qua.
3) Dũng cảm và say mê
Sự thánh thiện cũng là parresía: sự dũng cảm, một động lực để loan báo Tin Mừng và để lại dấu ấn trong thế giới này. “Dũng cảm và lòng can đảm tông đồ là một phần thiết yếu của sứ mệnh”. Nếu chúng ta dám đi đến vùng ngoại biên, chúng ta sẽ thấy Chúa Giêsu đã ở đó, trong tâm hồn của những người anh chị em chúng ta, trong thân xác mang thương tích của họ, trong những lo âu và nỗi cô đơn sâu xa của họ.
Giáo hội cần những nhà thừa sai nhiệt thành, sẵn sàng chia sẻ cuộc sống thực hơn là các kẻ quan liêu và các công chức. Các thánh làm cho chúng ta ngạc nhiên, làm cho chúng ta bối rối, bởi vì qua đời sống của mình, các ngài thúc giục chúng ta phải từ bỏ tính tầm thường tẻ nhạt chán ngắt. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta chiêm ngắm lịch sử dưới ánh sáng của Chúa Giêsu Phục sinh. Bằng cách này, Giáo hội sẽ không tĩnh tại, nhưng luôn đón nhận những điều bất ngờ của Chúa.
4) Trong cộng đoàn
Lớn lên trong sự thánh thiện là một hành trình sống và làm việc trong cộng đoàn với những người khác. Chia sẻ Lời và cùng nhau cử hành Thánh Thể sẽ nuôi dưỡng tình huynh đệ và làm cho chúng ta trở thành một cộng đoàn thánh thiện và truyền giáo. Việc ấy cũng làm phát sinh những kinh nghiệm huyền bí và đích thực chung.
Tuy nhiên, những kinh nghiệm như thế ít xảy ra và ít quan trọng hơn những điều nhỏ bé hằng ngày. Chúa Giêsu đòi các môn đệ của Người quan tâm đến những chi tiết nhỏ: bữa tiệc hết rượu, con chiên đi lạc, hai đồng xu nhỏ của bà góa. Đôi khi giữa những chi tiết nhỏ bé ấy, chúng ta được Chúa ban cho niềm an ủi.
5) Thường xuyên cầu nguyện
Lời cầu nguyện đầy tin tưởng dù dài ngắn thế nào cũng là lời đáp của một tâm hồn mở ra để gặp gỡ Thiên Chúa diện đối diện, nơi đó có thể nghe được tiếng nói yên lặng của Chúa. Trong cõi thinh lặng ấy, chúng ta có thể phân định được con đường nên thánh mà Chúa mời gọi chúng ta. Với mỗi người môn đệ, cần phải dành thời gian sống với Thầy, lắng nghe Thầy nói, và luôn học hỏi ở Thầy.
Thiên Chúa đi vào lịch sử của chúng ta, và vì vậy lời cầu nguyện của chúng ta đan xen với những ký ức. Hãy nghĩ về lịch sử đời mình khi chúng ta cầu nguyện, và ở đó chúng ta sẽ gặp được lòng thương xót.
Lời cầu nguyện van nài là thể hiện của một tâm hồn tin tưởng vào Thiên Chúa và nhìn nhận rằng mình không thể tự mình làm gì được. Lời cầu nguyện xin ơn thường làm cho cõi lòng chúng ta bình an và giúp chúng ta kiên trì trong hy vọng. Lời cầu nguyện chuyển cầu là thái độ tin tưởng vào Thiên Chúa, đồng thời là thể hiện lòng yêu thương người thân cận của chúng ta.
Trong bí tích Thánh Thể, lời viết ra đạt được hiệu quả cao nhất, vì nơi đó có Lời hằng sống thực sự hiện diện.
Chương 5: Cuộc chiến thiêng liêng, Tỉnh thức và Phân định
Sự dữ có mặt ngay từ những trang đầu tiên của Kinh thánh. Chúng ta không nên coi ma quỷ như một huyền thoại, một kiểu nói tu từ hay một ý tưởng, để đừng mất cảnh giác và rốt cuộc lại bị thương tích nhiều hơn.
Con đường dẫn đến sự thánh thiện của chúng ta là một cuộc chiến đấu trường kỳ, trong đó Chúa đã trang bị cho chúng ta sự cầu nguyện, Lời Chúa, Thánh Lễ, Thánh Thể, bí tích Hòa giải, các công việc bác ái, v.v...
Con đường nên thánh là nguồn mạch bình an và niềm vui, được Chúa thánh Thần ban cho chúng ta. Làm sao chúng ta biết được một điều gì đó từ Chúa Thánh Thần mà đến, chứ không không phải từ tinh thần của thế gian hay ma quỷ? Bằng sự phân định. Phân định khác với trí thông minh và lương tri. Ngày nay khả năng phân định lại càng cần thiết hơn vì cuộc sống hiện đại cho chúng ta quá nhiều khả năng làm việc cũng như giải trí, và trình bày như thể tất cả đều có giá trị và tốt đẹp.
Phân định là một ơn ban. Nó không dành cho người thông minh hơn hoặc được giáo dục tốt hơn. Nó không đòi hỏi những khả năng đặc biệt, nhưng nó đòi hỏi phải lắng nghe: lắng nghe Chúa và lắng nghe người khác, lắng nghe chínhbản thân thực tại, vốn luôn thách đố chúng ta theo những cách thức mới. Việc lắng nghe giúp chúng ta bỏ đi những ý riêng của mình vốn phiến diện hoặc bất toàn, bỏ đi những lối nhìn thông thường của chúng ta. Chúng ta cần phân định thời gian biểu của Chúa, để đừng lơ là trước lời Chúa mời gọi chúng ta lớn lên. Vì thế, tôi xin tất cả các Kitô hãy xét mình hằng ngày, khi thành tâm đối thoại với Chúa.
Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách, trong công việc, qua người khác và vào mọi lúc. Chúng ta cần cầu nguyện lâu giờ trong thinh lặng để hiểu được ngôn ngữ của Thiên Chúa, giải thích ý nghĩa thực sự của những thúc đẩy mà chúng ta tin rằng mình đã nhận được, để bớt lo lắng và thấy được toàn bộ hiện hữu của chúng ta một lần nữa trong chính ánh sáng của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta mọi điều, nhưng Ngài cũng ban cho chúng ta mọi sự. Ngài không muốn bước vào cuộc đời của chúng ta để làm cho cuộc đời ấy giảm mất giá trị nhưng để cuộc đời chúng ta được nên phong phú. Chúng ta hãy xin Chúa Thánh Thần đổ đầy lòng chúng ta niềm khao khát mãnh liệt nên thánh để làm vinh danh Chúa hơn, và chúng ta hãy khích lệ lẫn nhau nỗ lực nên thánh. Như thế, chúng ta sẽ chia sẻ niềm hạnh phúc mà thế gian không thể lấy mất của chúng ta được.
 
Minh Đức
hdgmvietnam.org
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log