“Nền chính trị tốt phải phục vụ cho hoà bình” là chủ đề của Ngày Hoà bình Thế giới lần thứ 52 - sẽ được cử hành vào ngày 01 tháng Giêng 2019.
Chủ đề đã được thông báo trên Bản tin của Toà Thánh
(Bolletino) hôm thứ Ba 6/11/2018, chỉ vài ngày trước kỷ niệm một trăm năm chấm dứt Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất 1914-1918.
Theo thông báo này, Toà Thánh nhấn mạnh trách nhiệm của mọi người về chính trị: “Mọi công dân đều có nghĩa vụ chính trị, đặc biệt là những ai gánh trách nhiệm bảo vệ và lãnh đạo” cũng như “Trách nhiệm trong việc bảo vệ luật pháp và khuyến khích đối thoại giữa các tác nhân của xã hội, giữa các thế hệ và giữa các nền văn hoá”.
Thông báo cũng đề cao sự tin tưởng rằng: “Không có hoà bình nếu không có sự tin tưởng lẫn nhau. Và điều kiện đầu tiên của tin tưởng là tôn trọng những gì đã cam kết”.
Dẫn lại từ một phát ngôn của Đức giáo hoàng Phaolô VI, Toà thánh nhắc lại mối tương quan giữa bác ái và chính trị, đồng thời nhấn mạnh đến mối quan tâm về môi trường và về giới trẻ: “Việc dấn thân làm chính trị – vốn là một trong những thể hiện cao nhất của đức ái – mang mối quan tâm đến tương lai của cuộc sống và của hành tinh, đến những người trẻ nhất và nhỏ bé nhất, trong nỗi khát khao thành tựu của đời mình”.
Thông báo cũng trích dẫn lời Đức Gioan XXIII: “Khi một người được tôn trọng trong các quyền lợi của mình – như thánh Gioan XXIII nói trong Thông điệp Pacem in Terris (1963) – nơi người ấy sẽ nảy sinh một ý thức trách nhiệm phải tôn trọng quyền lợi của người khác” (số 44).
Nhấn mạnh đến sự hiệp thông của nhân loại, thông báo viết: “Các quyền lợi và nghĩa vụ của con người gia tăng ý thức thuộc về cùng một cộng đồng với những người khác và với Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta được kêu gọi để mang lại và công bố hoà bình như một tin vui về tương lai, trong đó nhân phẩm và quyền lợi của mỗi người đều được tôn trọng”.
Lời mời gọi tham gia vào chính trị cũng là ý cầu nguyện trong tháng Bảy 2015 của Đức giáo hoàng Phanxicô. Ngài kêu gọi những người tham gia chính trị, nhất là những Kitô hữu, hãy “dũng cảm” vì chính trị là một cách “tử đạo hằng ngày: mưu cầu công ích nhưng không để cho mình bị hư hỏng”. “Làm chính trị là điều quan trọng” và “chúng ta có thể nên thánh khi làm chính trị”, Đức giáo hoàng giải thích: “Điều đó có nghĩa là vác lấy thập giá của mọi thất bại và của nhiều tội lỗi. Bởi vì trên thế gian, thật khó làm điều tốt trong xã hội mà không bị nhiễm bẩn đôi tay hoặc cõi lòng mình chút nào; nhưng vì thế, hãy xin tha thứ, xin tha thứ và tiếp tục hành động. Nhưng, Đức giáo hoàng cũng nói thêm, điều đó không được khiến cho bạn nản chí trong cuộc chiến vì một xã hội công bằng và liên đới hơn”.
“Nếu Chúa kêu mời bạn sống ơn gọi này, bạn hãy làm chính trị, Đức giáo hoàng nhắc lại. Dù điều đó sẽ làm cho bạn đau khổ, điều đó có thể làm cho bạn phạm tội, nhưng có Chúa ở với bạn. Bạn hãy xin Chúa tha thứ và cứ tiến bước. Nhưng chúng ta đừng để cho nền văn hoá loại bỏ này loại bỏ tất cả chúng ta! Nó cũng loại bỏ công trình sáng tạo, bởi vì mỗi ngày thiên nhiên lại bị phá hủy nhiều hơn. Đừng quên lời này của Thánh giáo hoàng Phaolô VI: Chính trị là một trong những hình thức bác ái cao nhất”.
(Theo zenit.org) Minh Đức