Cha Mariano sinh tại Guadalajara, Tây Ban Nha, nhưng đã dành phần lớn cuộc đời để giúp đỡ cho các trẻ em và người già ở Cochacamba và La Paz, nước Bolivia. Cuộc đời của cha là một ví dụ về ơn gọi.
Cha Antonio Menacho, bề trên của nhà hưu dưỡng Đức Mẹ Hy vọng ở Cochabamba, đã nói về cuộc đời cống hiến của cha Mariano. Cha Mariano là người can đảm, quyết liệt, hào hùng, thông minh và ngoan đạo. Khi còn trẻ, cha đã muốn đăng ký vào một trường đấu bò. Cha yêu bóng đá, môn thể thao mà cha đã tập luyện trong nhiều năm, và theo dõi các trận đấu.
Cha đã quyết định trở thành linh mục dòng Tên trái với ý của gia đình muốn cha kết hôn. Chàng trai trẻ Mariano đã quyết định và rời bỏ vị hôn thê để chọn đời sống độc thân. Sứ mạng của Mariano là dâng mình hoàn toàn cho Thiên Chúa và tha nhân trong thiên chức linh mục. Năm 1955, Mariano gia nhập Dòng Tên.
Sau đó, vào ngày 10 tháng 5 năm 1961, cha đã đến Bolivia. Ban đầu cha trợ giúp giáo xứ Santa Vera Cruz ở Cochabamba, nơi cha thực hành những "công việc khiêm tốn", đặc biệt là của một đầu bếp, và đã trở nên nổi tiếng cùng với bốn nhà truyền giáo khác vì sự cống hiến vô điều kiện của họ.
Cha Mariano đã ghi dấu ấn trong cuộc đời của nhiều người bằng sự quảng đại của mình và một trong số những người đó là Alfredo Mamani, một doanh nhân hiện đang sống ở Hoa Kỳ. Ông đã làm chứng về sự tận hiến của cha Mariano. Alfredo mồ côi cha mẹ từ năm 9 tuổi và cha Mariano đã cùng bốn nhà truyền giáo dòng Tên chăm sóc anh. Ngày nay, ở tuổi 65, doanh nhân Alfredo gọi các nhà truyền giáo cách trìu mến là “ngũ hào kiệt”. Ông kể: "Các cha dạy chúng tôi rằng nên nuôi dưỡng trí óc, cơ thể và tinh thần". Ông đã được đào tạo những giá trị thiết yếu của con người như sự quảng đại và trung thực. Đây là cách mà ông đã có thể tạo ra một cuộc sống đàng hoàng và một sự nghiệp thành công ở nước ngoài, nhưng ông thường xuyên trở về Bolivia và luôn ghi nhớ với lòng biết ơn các tu sĩ đã mở mang trí tuệ và tinh thần cho ông.
Cha bề trên Menacho giải thích: "Những anh em đó thuộc loại người rất mạnh mẽ, giản dị với tinh thần làm việc, và họ đã trở nên nổi tiếng ở Santa Vera Cruz”.
Cha bề trên Antonio cũng cho biết tình yêu của cha Mariano đối với nghệ thuật tranh ảnh. Năm 1970, cha Mariano đã được gửi đến Tiwanaku, nơi cha giúp đỡ những người già. Với sự cho phép của bề trên, cha đã bắt đầu bán các bức tranh của mình để lấy tiền mua thức ăn cho người già. Cha Marcos Recolons kể lại rằng nhờ việc bán những bức tranh đó mà "cha đã có thể giúp đỡ cho 30 đến 40 người cao tuổi".
Các bức tranh của cha Mariano chủ yếu là bằng san hô, và cha gọi chúng là "đáy biển". Cha cũng đã thực hiện một số cuộc triển lãm cho đến năm 2007, và ngày nay người ta vẫn có thể ngắm chúng trên blog vẫn còn hoạt động của cha.
Cha Marcos giải thích rằng cha Mariano đã làm việc phần lớn cuộc đời mình - kể từ năm 1975 - trong cộng đồng Aimara của Qipu, gần Jesús de Machaca, ở cao nguyên La Paz, gần Hồ Titicaca. Cha đã di chuyển các bệnh nhân đến La Paz, nghĩa là cha phải đi 122 cây số mỗi lần đi và về, và cha quảng đường dài này vài lần mỗi tuần. Trong những năm gần đây, cha Mariano bị suy giảm thị lực, nên cha phải sống tại Nhà Hưu dưỡng Cochabamba, nơi cha vừa qua đời.
Thông qua mạng xã hội, Dòng Tên ở Bolivia đã xin cầu nguyện cho cha: "Chúng ta hãy hiệp lời cầu nguyện xin cho cha được yên nghỉ đời đời trong Nhà Chúa, Đấng mà cha đã phục vụ hết lòng yêu quý phục vụ".
Từ Tây Ban Nha, khi biết tin cha Mariano qua đời, ông Emiliano García-Page, chủ tịch của Castilla-La Mancha, đã đăng một dòng tweet bày tỏ sự kính trọng đối với nhà truyền giáo Dòng Tên: “Những bức tranh của Mariano đã giúp nuôi dưỡng hàng chục người già. Hôm nay cha rời bỏ chúng ta, nhưng tấm gương của cha, lòng quảng đại lớn lao của cha vẫn còn. Tất cả tình cảm của tôi dành cho người thân của cha.”
Hồng Thủy
Nguồn: Vatican News