Cha Stephen Hackett, Tổng Thư ký của Hội đồng Giám Mục Australia cho biết ngài vui mừng đón tiếp “cuộc họp có ích lợi, được tổ chức hàng năm tại những nơi khác nhau”. Cha nói rằng trong khi Giáo hội tại Australia – và ở châu Đại dương – cách nào đó bị cô lập với phần còn lại của thế giới, thì nhiều kinh nghiệm được chia sẻ nhờ cuộc họp này.
Trong số những vấn đề chính được thảo luận có Công đồng toàn quốc vào năm 2020 và câu trả lời của Giáo hội với Ủy ban hoàng gia về cách xử lý của các tổ chức đối với nạn lạm dụng tính dục trẻ em.
Cha Christopher Thomas, Tổng Thư ký của Hội đồng Giám Mục Anh và xứ Wales, chia sẻ rằng trong khi Giáo hội tại các nước có thể hơi “địa phương”, thì việc hiểu biết được “những niềm vui và khó khăn” khác nhau trong những bối cảnh khác trên toàn thế giới là điều quan trọng. Cha Thomas cũng nhận xét rằng một trong những cuộc thảo luận có kết quả là về Ủy ban hoàng gia và câu trả lời của Giáo hội đối với các đề nghị của Ủy ban này. Theo cha, những bài học thu được từ Australia có thể giúp Giáo hội Anh và xứ Wales đáp trả cách hiệu quả với nạn lạm dụng tính dục và các cuộc điều tra của địa phương.
Các linh mục Tổng Thư ký cũng đánh giá cao Công đồng toàn quốc mà Giáo hội Australia sẽ nhóm vào năm 2020. Cha Thomas của Anh nói: “Công đồng toàn quốc là một bước đi táo bạo bởi vì nó chắc chắn không phải là một cách tiếp cận từ trên xuống. Đây là một cách thực hành lắng nghe và phân định mà tôi nghĩ rằng Giáo hội, dưới sự lãnh đạo của ĐTC Phancicô, chắc chắn đang được khuyến khích thực hiện”.
Cha Hans Langendorfer từ Đức cũng nhận định rằng Giáo hội Đức đang đánh mất sự đáng tin và tiếng tốt của mình, nhưng một tiến trình tương tự như Công đồng toàn quốc có thể giúp Giáo hội trả lời cho những thách đố này. Cha và các vị lãnh đạo của Giáo hội Đức sẽ quan sát cách thế Công đồng diễn ra tại Australia. Còn cha Thierry Magnin của Pháp nói rằng Công đồng toàn quốc cung cấp một ví dụ về cách thức Giáo hội có thể tương tác với giáo dân tốt hơn.