Hồng Thủy - Vatican
Buổi cầu nguyện là sáng kiến của Thị trưởng thành Giêrusalem, đã diễn ra vào lúc 12:30 tại Tòa thị chính Giêrusalem, và cũng có sự tham dự của các đại diện của các tôn giáo như Druze và Bahai.
Cha Francescon Patton, bề trên dòng Phanxicô tại Thánh Địa, đề cao ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc của thời khắc này. “Tự nó, sáng kiến có ý nghĩa quan trọng bởi vì tất cả chúng ta đều là những tín đồ có cùng cội nguồn; nhờ cội rễ này chúng ta có thể bày tỏ với niềm tin và sự tin tưởng lời cầu nguyện với Thiên Chúa Toàn năng.” Cha cho biết mỗi tôn giáo đọc một lời cầu nguyện theo truyền thống của mình.
Buổi cầu nguyện chung diễn ra sau khi một thông cáo chung được ban hành ngày 21/03, trong đó các vị lãnh đạo của Nhà thờ Mộ Thánh là Công giáo Latin, Chính thống Hy Lạp và Armeni bày tỏ hy vọng rằng “trong tình huống nguy hiểm này, tất cả con cái của Abraham có thể cùng nhau cầu nguyện với Đấng Toàn năng để cầu xin sự bảo vệ và lòng thương xót”.
Nói về lễ Phục Sinh năm nay tại Thánh Địa, cha Patton cho biết: “Vào Phục Sinh, chúng tôi sẽ không cử hành với đông đảo tín hữu. Chúng tôi sẽ cử hành sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô và chính trong sự Phục sinh, chúng tôi có thể tìm thấy hy vọng, chứ không ở số người cử hành.”
Từ chiều ngày 25/03, đền thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem cũng đã đóng cửa; theo kế hoạch, việc đóng cửa sẽ kéo dài trong một tuần. Đây là nơi được các Kitô hữu tôn kính như nơi Chúa đã chịu đóng đinh và được mai táng. Các vị lãnh đạo các Giáo hội Kitô cho biết các buổi cử hành của các cộng đoàn vẫn diễn ra bình thường nhưng giới hạn rất ít người tham dự và đền thờ vẫn mở cửa trong thời gian cử hành phụng vụ.