“Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi!”.
Một đan sĩ qua đời, người ta đọc được những lời này trong nhật ký, “Trong Chúa Kitô, chúng ta có: “Một tình yêu không bao giờ hiểu thấu; một cuộc sống không bao giờ chết; một lẽ thật không bao giờ nghi nan; một bình an không bao giờ mất; một chốn an nghỉ không bao giờ bị quấy rầy; một niềm vui không bao giờ vơi; một hy vọng không bao giờ tắt; một vinh quang không bao giờ lu mờ; một sự thanh khiết không bao giờ vấy bẩn; một vẻ đẹp không bao giờ tàn phai; một sự khôn ngoan không bao giờ bối rối; một tài nguyên không bao giờ cạn kiệt; một hải đăng không bao giờ bị che khuất. Chúa Kitô là nguồn sáng, một ‘nguồn sáng đáng đợi trông!’”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Chúa Kitô là nguồn sáng, một ‘nguồn sáng đáng đợi trông!’”. Ý tưởng của vị đan sĩ được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay, khi chúng ta bước vào những ngày tối nhất của đông, khi đêm dài hơn và ngày ngắn lại, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; khi cuộc chiến Ukraine đang phủ khắp năm châu một tấm màn ảm đạm, thì Lời Chúa nêu bật chủ đề ánh sáng, Chúa Kitô,
‘nguồn sáng đáng đợi trông!’. Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi!”.
Bài đọc thứ nhất hứa hẹn một tương lai tràn đầy hy vọng. Isaia trình bày kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dưới dạng những sự kiện khó có thể xảy ra trong những những ngày tăm tối, “Núi Ly Băng sẽ lại thành vườn cây ăn trái, và vườn cây ăn trái sẽ sum sê như một cánh rừng”. Nhưng đáng chú ý hơn cả là người điếc sẽ được nghe, người mù sẽ được thấy. Người thấp cổ bé miệng, không có quyền lực hay ảnh hưởng, sẽ tìm thấy niềm vui tươi mới trong Thiên Chúa; và người thiếu thốn nhất sẽ mừng vui trong Ngài, ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ của họ.
Những gì Isaia tuyên sấm, nay ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu. Tin Mừng tường thuật việc Chúa Giêsu chữa cho hai người mù; Ngài đưa họ từ u minh ra ánh sáng, từ tăm tối ra ánh quang. Tuy nhiên, để có thể chữa họ, Ngài yêu cầu họ trả lời một điều, “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?”. Họ đáp, “Thưa Ngài, chúng tôi tin!”. Trước khi chữa cho họ chứng mù loà thể lý, Ngài mời họ hãy có cho mình một cái nhìn đức tin. Đây là một cái nhìn hết sức căn bản: nhận ra Chúa Giêsu là Đấng mà qua Ngài, Thiên Chúa đang hành động một cách mạnh mẽ trong thế giới! Chính thị lực đức tin của hai người mù, tức khả năng nhìn thấy Giêsu, Con Thiên Chúa, là ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ của họ, mà nhờ đó, Ngài đã có thể trả lại cho họ tầm nhìn thể chất.
Anh Chị em,
“Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi!”. Chớ gì suốt cả cuộc đời, mỗi chúng ta vẫn có thể cậy trông Thiên Chúa cách bền bỉ. Thật an ủi, khi chúng ta già đi, tầm nhìn thể chất có thể sa sút, thì tầm nhìn đức tin lại có thể trở nên sâu sắc hơn. Quá trình lão hoá có thể có một tác động ngược so với tầm nhìn đức tin. Chúng ta có thể khó khăn khi nhìn xem mọi sự thế gian vì thị lực xấu đi nhưng lại dễ dàng quan chiêm Thiên Chúa, ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ sau một đời theo Ngài. Chỉ cần nghĩ đến những nhân vật vĩ đại trong các chương đầu của Phúc Âm Luca! Đó là cụ già Simêon và Anna. Phaolô cũng đã nói đến điều này trong thư Côrintô, “Dù con người bên ngoài có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng ta vẫn ngày càng đổi mới”. Vậy mà, suốt cuộc đời mỗi người, Chúa Giêsu không ngừng đặt cho bạn và tôi câu hỏi Ngài đã đặt cho hai người mù, “Con có tin không?”. Và mỗi lần được hỏi, chúng ta lại có cơ hội để trả lời ‘Có’ một cách vang dội hơn, thừa nhận Ngài là ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ của mình!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, đừng để con chạy theo những ảo ảnh phù hoa; một chỉ dõi mắt theo Ngài, ‘nguồn sáng đáng đợi trông’ của con, một nguồn sáng ban ơn cứu độ đời đời!”, Amen.