Thứ sáu, 10/01/2025

Thứ Tư sau CN XXVII TN

Cập nhật lúc 18:07 04/10/2016
Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11, 3-4).

CẦU NGUYỆN
Gl 2, 1-2.7-14; Lc 11, 1-4

 

Tin Mừng hôm nay kể rằng, một trong các môn đệ “ngắm nhìn” Thầy cầu nguyện ở nơi kia, chắc ông thấy “sốt sắng” lắm mà không biết các ông làm thế nào để cầu nguyện giống như Thầy mình. Đợi Thầy cầu nguyện xong, lập tức ông xin Thầy chỉ dạy cách cầu nguyện. Thầy chỉ ngay một kinh cầu nguyện ngắn gọn mà đầy đủ, đúng nghĩa nhất:Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ” (Lc 11, 3-4).
Kinh Lạy Cha được mở đầu bằng câu “Lạy Cha chúng con”, diễn tả tâm tình của các con với Cha mình thật đậm đà ấm áp: Cha của chúng con, chúng con là con của Cha, tất cả chúng con là anh em con một Cha với nhau. Con yêu Cha thì trước hết phải cầu mong cho danh Cha được cả sáng bằng cả đời sống thực hành của con. Chúng con mong Nước Cha được hiển trị như Thánh Ý của Cha. Con được biết Ý của Cha khi gẫm suy Lời Cha để thực hành và sinh hoa trái tốt đẹp trong đời mình. Xin Cha lương thực hằng ngày không chỉ là cơm bánh vật chất, mà còn được nuôi dưỡng bằng của nuôi linh hồn nữa, mà “của trọng nhất” là chính Lời và Thánh Thể Chúa. Chúng con xin ơn tha tội, như chúng con cũng phải tha cho những người làm buồn chúng con, đây là điều kiện để được tha thứ. Trong bài đọc I thánh Phaolô nói với ông Kêpha: “Nếu ông là người Do Thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do Thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do Thái?” (Gl 2, 14). Đức Giêsu dạy phải xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ, bởi thế gian này đầy dẫy những cám dỗ gọi mời như mật ngọt chết ruồi, đầy những cạm bẫy, đầy những gương xấu làm người ta chạy theo, bao thử thách, giằng co trong cuộc chiến đấu giữa thiện và ác. Thánh Phaolô từng kể: “Nhưng khi ông Kêpha đến Antiôkhia, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Giacôbê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì. Những người Do Thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Banaba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ” (Gl 2, 11-13).
Cầu nguyện là đi vào cõi riêng tư với Chúa, trong tình thân mật Cha con. Nếu có tình yêu đậm đà thì dù nói ít nhưng hiểu nhau nhiều, đâu cần lải nhải dài dòng hết kinh này đến kinh kia? Cầu nguyện mật thiết có khi chỉ là diện đối diện, là giờ của con tim, không cần nặn óc bóp trán để trình bày, không nói gì mà mọi nỗi niềm  được thông chia hết.
Chúa ơi! chính Chúa là mẫu gương và là Thầy dạy chúng con cầu nguyện. Chúa dành rất nhiều thời giờ tâm tư để cầu nguyện và tìm Thánh Ý Cha. Chúa cầu nguyện bốn mươi ngày trong sa mạc, cầu nguyện trên núi, Chúa cầu nguyện trong vườn dầu cách thâm sâu trong tâm tình ngợi khen, cảm tạ, giãi bày, cầu xin, nhưng cuối cùng là “xin vâng theo ý Cha”. Ước chi con biết sống mối tương quan mật thiết với Chúa trong mọi lúc, mọi nơi, để đời con sinh hoa trái, làm danh Cha sáng lên trong chính cuộc đời của con.
                                                               
  

 

   Én Nhỏ
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log