Thứ Tư sau CN X TN
Cập nhật lúc 14:21 07/06/2016
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”(Mt 5, 17)
THẦY ĐẾN ĐỂ KIỆN TOÀN
(1V 18, 20-39; Mt 5, 17-19)
Thầy Giêsu nhiều lần chữa bệnh trong ngày Sabát, Thầy còn hay lặp lại: “Anh em đã nghe luật xưa dạy rằng... còn Thầy, Thầy bảo anh em...”, nên các ông Kinh sư, Pharisêu và Luật sĩ hiểu lầm là Thầy bãi bỏ luật chăng? Trong Tin Mừng hôm nay, Thầy lên tiếng khẳng định: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”(Mt 5, 17). Vì họ hiểu lầm nên tố cáo Thầy vi phạm luật pháp và truyền thống của tiền nhân. Thầy không hề bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn, để cho mọi người tuân giữ luật lệ một cách hoàn hảo hơn. Thầy đặt giá trị tinh thần của luật làm trọng tâm. Thực hành luật từ tâm tình bên trong, trên nền tảng của đức ái, chứ không lệ thuộc vào mặt chữ bên ngoài một cách máy móc. Thầy Giêsu đến không phải để cắt bớt lề luật cho nhẹ gánh, nhưng là kiện toàn cho dễ thở hơn. Thầy dạy giữ luật bằng tình thương trong mọi hoàn cảnh. Để các ông hiểu chắc chắn Thầy đến không làm cho luật bị mất đi, Thầy còn quả quyết: “Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”(Mt 5, 18-19). Đã là luật của Thiên Chúa, thì dù là điều nhỏ mọn cũng phải chu toàn cho trọn trong tình yêu thương. Thầy đã từng nói: “Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn” (Lc 16, 10). Từ những việc nhỏ mọn tầm thường nhất, mà chúng con thi hành và dạy làm vì lòng mến yêu, chứ không tại luật buộc, thì được Chúa kể là “lớn” trong vương quốc của Người. Nếu những việc cao trọng lớn lao cũng được thực hiện bằng tình yêu thương tự nguyện, thì người thi hành sẽ thấy hạnh phúc và nhẹ nhàng.
Trong cuộc sống, những lúc cố gắng vượt khó để chu toàn công việc dù là nhỏ, hoặc đi dự lễ trong cảnh trời mưa rét, tôi thường nghe những lời cám dỗ bàn lùi: tại sao phải “ôm đồm” cho khổ, hoặc “Chúa có buộc đâu”? Tôi im lặng nhưng muốn mọi người hiểu rằng mình chẳng quan tâm đến luật buộc hay không, Chúa nào buộc tôi? Nếu không có tình yêu đặt vào công việc đó thì chơi không cũng không muốn làm và trời đẹp cũng chẳng buồn đi lễ. Nếu không có lòng mến Chúa thật, thì con người sẽ tạo ra nhiều cách để an ủi và chuẩn chước cho mình khỏi phải tuân giữ luật Chúa. Họ sẽ tự giải thích Lời Chúa, ý Chúa theo cảm hứng, theo ý riêng của mình.
Vậy tại sao cần có lề luật? Thưa rằng lề luật như là đèn đỏ để cảnh báo, báo hiệu cho ta biết và thấy được mối nguy hiểm khi đời sống muốn “sa đà xuống dốc”, luật là hàng rào để che chắn ta khỏi lao xuống vực sâu tội lỗi. Luật ngăn cản con người không đi quá “giới hạn” của mình. Nhưng tốt hơn là tiến xa hơn luật buộc, để sống luật bằng lòng nhân, bằng luật tình thương chứ không phải một thứ lề luật xơ cứng bó buộc.
Lời Chúa không bao giờ qua đi. Giáo Hội sẽ vượt qua mọi thử thách dù phải trải qua đau thương. Người có lòng mến, biết bám chặt vào Chúa sẽ vượt qua những giằng co chọn lựa, để rồi bước đi trong an bình. Lúc ấy mọi thứ luật sẽ trở nên nhẹ nhàng chứ không nặng nề bức bí.
Lạy Chúa! xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa hết tình. Trong tình Chúa bảo bọc chở che, con an tâm bước đi mà không lo mắc nạn, vì có Chúa ở cùng con.
Én Nhỏ