Thứ hai, 25/11/2024

Suy Niệm Tin Mừng Thứ Tư Lễ Tro

Cập nhật lúc 07:26 05/03/2019
Suy niệm 1
Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ
-------------------
Câu nói Thomas Merton đáng để chúng ta suy niệm vào Mùa chay này, đó là "Thứ tư lễ Tro là ngày lễ tràn ngập sự nhẹ nhàng của tình yêu ". Đúng vậy! Hôm nay chúng ta bước vào Mùa Chay. Mùa chay không phải là gánh nặng cho chúng ta, buộc chúng ta phải giữ những luật lệ nghiêm ngặt hơn, nhưng là làm mới mọi thứ trong tình yêu. Tình yêu mà Thánh Benedicto nói, đó là làm giãn nở con tim và cho phép chúng ta chạy, nhẹ nhàng và vui vẻ theo các giới răn của Thiên Chúa.
Đó cũng là điều mà Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng hôm nay. Đó là một mối tương quan đổi mới trong tình yêu, không phải là "làm" mà là hiện diện với Cha chúng ta, “Đấng ngự nơi bí ẩn”, trong trái tim chúng ta và cầu xin tình yêu của chúng ta như một người hành khất: "Hãy cho Tôi trái tim của bạn. Tôi đang khát tình yêu của bạn."
Đó là sự hoán cải Kitô giáo đích thực: hướng về Thiên Chúa chúng ta, vì Ngài là người đầu tiên hướng về chúng ta để đổ đầy tình yêu của Ngài. Khi đã có tình yêu đầy tràn của Thiên Chúa, chúng ta làm, chúng ta hành động, chúng ta có sáng kiến ​​thực hiện sự trở về nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta.
Như vậy Mùa Chay sẽ là một ngày lễ Tình yêu đáng để chúng ta “xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt". Nói cách khác, là thoát ra khỏi những nỗi buồn tồi tệ hôi hám, làm tê liệt và hôi thối đời sống chúng ta. Trong ý nghĩa này, Chúa Giêsu muốn phê bình những người tự cao tự đại với lối đạo đức bề ngoài giả tạo của họ.
Mùa Chay cũng là mùa để chúng ta đón nhận được ơn tha thứ. Ơn tha thứ cho người tội lỗi không phải là một sự mới mẻ trong dân tộc Israel. Đọc Kinh Thánh chúng ta thấy điều đó: người Dothái tin vào sự tha thứ mọi tội lỗi:
- Bài đọc I: tiên tri Gioel khuyên mọi người hãy trở về với Thiên Chúa: “Hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa các ngươi, vì Người nhân lành và từ bi, nhẫn nại và giàu lòng thương xót và biết hối tiếc về tai họa”.
- Thánh vịnh đáp ca cũng nói: “Lòng từ bi của Thiên Chúa luôn tồn tại mãi và sự tha thứ của Người là vô hạn”.
Nhưng để được ơn tha thứ của Thiên Chúa, Do Thái giáo áp đặt các tội nhân phải thực hành các điều kiện:
- Trước hết tội nhân phải biểu lộ sự ăn năn của mình bằng những lễ vật hy sinh theo luật định. 
- Sau đó, phải trở lại tuân thủ các giới răn của Luật. 
- Cuối cùng, phải sửa chữa thiệt hại đã gây nên cho người anh em mình.
Nếu Chúa Giêsu cũng làm như thế đối với người tội lỗi, thì không ai phản đối và còn được mọi người ngưỡng mộ hoan hô. Nhưng điều đáng ngạc nhiên và gây sốc trong lời rao giảng của Ngài là:
- Ngài đón nhận vô điều kiện những người tội lỗi và những người bị loại trừ, thậm chí không phải chịu một nghi thức sám hối, như Gioan Tẩy giả đã dạy. 
- Ngài ban cho họ sự hiệp thông và tình bạn như một dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa đón nhận họ vào vương quốc Nước Trời, trước khi họ trở lại với LỀ LUẬT và tái lập Giao ước. 
- Ngài đón nhận họ như vậy và ban cho họ ơn tha thứ mà không yêu cầu bất kỳ thay đổi nào trước đó từ nơi họ .
Thiên Chúa là vậy! Ngài không chờ đợi con cái mình thay đổi trước, thì Ngài mới ban ơn tha thứ. Chính Ngài là người luôn đi bước trước. Dụ ngôn về "người cha của đứa con hoang đàng" chứng tỏ điều đó:
- Người cha luôn dõi theo sự trở lại của đứa con thứ hoang đàng. 
- Còn người anh cả tưởng mình là đạo đức thánh thiện trung thành với cha, nhưng cuối cùng anh lại là người muốn phá đổ bữa tiệc.
- Chỉ có lòng thương xót mới có thể chiến thắng được tội nhân mà thôi!
Hôm nay Chúa Giêsu đặt chúng ta, dù là tội lỗi hay thánh thiện trước vực thẳm tình yêu không dò thấu về sự tha thứ. Nước Thiên Chúa mở ra cho tất cả! Chỉ những ai chối từ lòng thương xót của Thiên Chúa, thì không vào, chứ không phải là những người vì lỗi lầm của họ mà không được vào.
Đây là "Tin mừng", không thể tưởng tượng nổi và làm đảo lộn những suy nghĩ hẹp hòi ích kỷ và cũ kỹ của chúng ta. Vì thế trong Mùa Chay này, chúng ta hãy nuôi dưỡng lời cầu nguyện của chúng ta và tạ ơn Thiên Chúa, vì Ngài luôn đi bước trước đến với chúng ta và ban cho chúng ta ơn tha thứ miễn phí!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
========================
Suy niệm 2
Bước vào mùa luyện nhân đức để chiến thắng tội lỗi
(Mt 6, 1-6; 16-18)
Lễ Tro, khai mạc Mùa Chay Thánh, bằng nghi thức làm phép tro và mỗi người nhận tro trên đầu, cùng lúc đó sẽ nghe được một trong hai câu Lời Chúa : Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng, hoặc : Ta là thân cát bụi sẽ trở về cát bụi (SLRM).
Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta nghe văng vẳng bên tai lời Chúa mời gọi: "Các ngươi hãy thật lòng trở về với Ta trong chay tịnh, nước mắt và than van" (Joel 2,12).
Như thế, hai ý tưởng trong Mùa Chay Thánh luôn song hành với nhau, thứ nhất : chúng ta là những con người yếu đuối, tội lỗi; thứ hai : Thiên Chúa là Người Cha giàu lòng thương xót, Ngài luôn yêu thương chúng ta, Ngài sẵn sàng tha thứ và ban cho chúng ta sức mạnh với tình thương. Vì yếu đuối nên cần đến ơn Chúa, vì tội lỗi nên muốn được Chúa thứ tha, nhưng để lãnh nhận được ơn tha thứ thì cẩn phải trở về với Thiên Chúa trong cầu nguyện, trong chay tịnh và nước mắt, hướng tới tha nhân. Đó là ba việc phải làm trong Mùa Chay Thánh.
Ăn chay
Cầu nguyện
Và bố thí
Là ba việc cần phải làm trong Mùa Chay, vì nó diễn tả ba chiều kích, ba mối tương quan giữa đương sự với Thiên Chúa và với anh em. Tương quan với Thiên Chúa là cầu nguyện, với tha nhân là bố thí và với chính mình là ăn chay. Ba tương quan này đồng hành với nhau và thể hiện cùng một lúc trong đời sống thường nhật của người kitô hữu.
Để ba tương quan này gắn kết với nhau, điều kiện đã được Chúa Giêsu nói rõ đó là : nội tâm. Những việc chúng ta làm trong Mùa Chay xuất phát từ sâu thẳm của tâm hồn hướng lên Thiên Chúa và hướng đến anh em, chứ không phải là hình thức bên ngoài. Vì thế, ăn chay, cầu nguyện cũng như bố thì là những việc được làm vì đẹp lòng Chúa, chứ không phải cho người ta thấy.
Trước hết phải khiêm nhường
Ăn chay, tiếng La tinh là jejunium, nghĩa là: " Tự nhịn bất kỳ thức ăn nào". Khi nhịn chay, con người nhận ra mình lệ thuộc vào Thiên Chúa, "hạ mình"  trước mặt Chúa, vì cảm thấy mình mỏng giòn, yếu đuối  như tác giả Thánh vịnh nói: " Phần tôi, những ngày chúng đau yếu, tôi đã từng khoác áo nhặm vào thân, lại ăn chay để hãm mình phạt xác, lòng tôi ấp ủ câu kinh lời nguyện” ( Tv 34, 13).
Khiêm nhường khi ăn chay còn để Chúa thấy rằng chúng ta chẳng là gì nếu không có Chúa và thiết tha kêu cầu Chúa : "Bấy giờ tất cả con cái Ít-ra-en và toàn dân đã lên Bết Ên; họ ngồi khóc tại đây trước nhan Ðức Chúa. Hôm ấy họ ăn chay cho đến chiều. Rồi họ dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an lên trước nhan Ðức Chúa " (x. Tl 20, 26) ; " Vua Ða-vít cầu khẩn Thiên Chúa cho đứa trẻ, vua ăn chay nhiệm nhặt, và khi về nhà ngủ đêm thì nằm dưới đất ; Vua trả lời: "Bao lâu đứa bé còn sống, ta ăn chay và khóc lóc vì ta tự bảo: "Biết đâu Ðức Chúa sẽ thương xót ta và đứa bé sẽ sống! " (2 S 12, 16.22), nhất là nhận biết mình là tội lỗi, là hư vô và cầu xin ơn Chúa tha : " Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van". (Dn 9, 3).  Việc giữ chay thể xác chỉ có ý nghĩa khi nhịn ăn đi kèm với việc trách xa tội lỗi : " Chúng nói: "Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?"... Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chăng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Ðức Chúa? Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? " (x. Is 58, 1-12), nếu không nó chỉ là phô trương.
Đừng phô trương
Chính Chúa Giêsu đã cảnh báo : "Các người hãy cẩn thận, đừng phô trương công đức trước mặt người ta để cho thiên hạ trông thấy…khi các người bố thí, thì đừng thổi loa báo trước, như bọn giả hình làm ở nơi hội đường và phố xá, để cho người ta ca tụng… Các ngươi có bố thì, thì làm sao đừng để tay trái biết việc tay phải làm, để việc ngươi bố thí được giữ kín. Và Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn, sẽ trả công cho người" (Mt 6, 1-6).
Trong Kinh Thánh, Chúa tố cáo mạnh nhất cái vẻ bề ngoài, hay là giả hình. Vi khi giả hình, con người giáng cấp Thiên Chúa, họ đặt Ngài xuống hàng thứ hai, đặt tạo vật, công chúng lên chỗ nhất: "Người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thí thấy tận đáy lòng" (1Sm 16, 7). Trau dồi dáng vẻ bên ngoài của chúng ta hơn tâm hồn chúng ta có nghĩa là coi người phàm trọng hơn Thiên Chúa.
Như vậy, vẻ bề ngoài hay sự giả hình tự bản chất là một sự thiếu đức tin: nhưng đó cũng là một sự thiếu đức bác ái đối với tha nhân theo nghĩa nó có xu hướng qui những con người thành những kẻ say mê. Sự giả hình không công nhận phẩm giá thích đáng của họ, nhưng thấy họ tùy thuộc hình ảnh của chính mình. Thiếu đức tin và thiếu đức bác ái, việc làm sẽ trở nên vô ích, nên không có được công phúc gì.
Thực hành bác ái
Sống mùa Chay Thánh, ngoài việc ăn chay, cầu nguyện, chúng ta còn phải thực hành bác ái. Ăn chay để giảm bớt những chi tiêu, giảm bớt những ham muốn của xác thịt... Cầu nguyện để gặp được Chúa, để hướng về hạnh phúc đời sau. Làm việc bác ái để cảm nhận, để xót xa và để làm xoa dịu những nỗi thống khổ vất vả nơi những mảnh đời thật sự đau thương cần ta trợ giúp.
Tóm lại, mùa Chay hàng năm là dịp để ta hướng lòng lên Thiên Chúa và mở lòng ra với tha nhân trong tình yêu thương. Như vậy ăn chay mà lòng không hướng về Chúa, không cầu nguyện thì chưa phải là ăn chay đúng ý hướng của Giáo hội. Vừa ăn chay vừa cầu nguyện mà không làm việc bác ái thì thiếu đi tình người, thiếu đi lòng thương xót đối với những mảnh đời đang thật sự cần ta trợ giúp.Vì thế, chủ đề của sứ điệp Mùa Chay năm nay lấy từ thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.” (Rm 8,19). Đức Giáo hoàng Phanxicô dạy: “Chay tịnh, nghĩa là học cách thay đổi thái độ của chúng ta đối với người khác và tất cả những loài thọ tạo, học cách từ bỏ cám dỗ “nuốt chửng” mọi thứ để thỏa mãn lòng khao khát tham lam của chúng ta và sẵn sàng chịu đựng cho tình yêu, là điều có thể lấp đầy sự trống rỗng trong con tim chúng ta. Lời cầu nguyện dạy chúng ta từ bỏ thói thờ ngẫu tượng và sự tự mãn của bản ngã, giúp ta nhìn ra rằng chúng ta cần đến Chúa và lòng thương xót của Ngài. Việc bố thí, nhờ đó chúng ta thoát khỏi sự điên rồ của việc tích trữ mọi thứ cho bản thân với niềm tin viễn vông rằng chúng ta có thể bảo đảm cho mình một tương lai không hề thuộc về chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể tái khám phá niềm vui trong chương trình của Chúa dành cho sáng tạo và cho mỗi người chúng ta, đó là yêu mến Người, anh chị em của chúng ta, và toàn bộ thế giới, và tìm thấy nơi tình yêu này hạnh phúc đích thực của chúng ta” (Trích Sứ Điệp Mùa Chay 2019).
Vào cuối sứ điệp, Đức Giáo hoàng khuyên chúng ta rèn nhân đức để chiến thắng tội lỗi: “Chúng ta hãy bỏ lại sau lưng tính ích kỷ và sự tự hấp thụ vào chính mình, nhưng hướng đến sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy đứng bên cạnh những anh chị em đang túng thiếu của chúng ta, chia sẻ những của cải tinh thần và vật chất của chúng ta với họ. Nhờ thế, khi chào đón vào cuộc sống của chúng ta một cách cụ thể chiến thắng của Chúa Kitô trên tội lỗi và cái chết, chúng ta cũng sẽ phản chiếu ánh quang rạng rỡ quyền năng biến đổi của chiến thắng ấy cho tất cả các tạo vật” (Trích Sứ Điệp Mùa Chay 2019).
Lạy Chúa Thánh Thần, xin nâng đỡ những quyết tâm của chúng con trong suốt hành trình của Mùa Chay Thánh này. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
========================
Suy niệm 3
GIỮ CHAY THẾ NÀO CHO ĐẸP LÒNG CHÚA?
(Ge 2, 12-18; 2 Cr 5,20 – 6,2; Mt 6,1-6.16-18)
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta bước vào Mùa tập luyện thiêng liêng bằng việc xức tro và ăn chay để khởi đầu Mùa Chay Thánh. Mùa Chay được bắt đầu từ thứ Tư Lễ Tro và kết thúc vào thứ Sáu Tuần Thánh. Mùa Chay kéo dài năm tuần lễ để chuẩn bị tâm hồn mừng đại lễ Phục Sinh là đỉnh cao của niềm tin Kitô Giáo.
Tuy nhiên, ý nghĩa của việc xức tro và ăn chay nhiều khi chúng ta chỉ dừng lại ở hành vi bên ngoài, mà không có tâm tình bên trong.
Nhân ngày thứ tư Lễ Tro, chúng ta hãy làm mới lại tinh thần về ngày lễ này.
1. Xức Tro
Việc xức tro lên đầu nhắc chúng ta về thân phận hữu hạn, tro bụi của kiếp người. Vì thế, Tổ Phụ Abraham đã thưa với Chúa: “Con chỉ là thân tro bụi” (St 18, 27).
Thật vậy, con người được hiện hữu trên trần gian này là do tình thương của Thiên Chúa. Nhưng tiếc thay, tình thương ấy đã bị con người lạm dụng và hướng chiều về tội lỗi thay vì biết ơn! Mỗi khi xức tro, Giáo Hội nhắc chúng ta: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 14) để được Thiên Chúa tha thứ.
Những ý nghĩa này được khởi đi từ những câu chuyện trong Kinh Thánh Cựu Ước, điển hình như: tiên tri Giêrêmia kêu gọi sám hối: “Thiếu nữ dân tôi ơi, hãy quấn vải thô vào mình và lăn trên tro bụi” (Gr 6, 26).  Không chỉ dừng lại ở lời khuyên, tiên tri Đanien xin Chúa cứu dân Itrael, và nêu gương cho họ khi nói và hành động: “Tôi ăn chay, mặc áo vải thô và rắc tro lên đầu rồi ngẩng mặt lên Chúa Thượng là Thiên Chúa, để dâng lời khẩn nguyện nài van” (Đn 9, 3). Đến thời Giona, Đức Chúa truyền cho ông loan báo về tai ương mà Người sẽ giáng xuống trên dân, nếu dân không ăn năn sám hối. Ông đã loan báo công khai, mãnh liệt, ráo riết,  nên: “Tin báo đến cho vua Ninivê; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Gn 3, 6).
Sang thời Tân Ước, Đức Giêsu vẫn giữ nguyên giá trị và ý nghĩa của việc xức tro. Tuy nhiên, Ngài hối thúc và cảnh báo sự trai lỳ cứng cỏi của dân khi nói: “Khốn cho các ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bétxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi” (Mt 11, 21 - 22; x. Lc 10, 13).
Như vậy, hành động xức tro lên đầu ngoài việc công khai nhận mình là người có tội và tỏ lòng sám hối chân thành, để xin ơn thương xót của Thiên Chúa, chúng ta còn thể hiện sự quyết tâm trở về với Chúa, đổi mới tâm hồn để xứng đáng là con Chúa.
Một trong những điều thể hiện sự trở về, đó là việc chay tịnh. Tuy nhiên, giữ chay thế nào mới đúng với tinh thần mà Chúa mong muốn?
2. Ăn Chay
Ăn chay khởi đi từ tinh thần thờ phượng Thiên Chúa và làm đẹp lòng Người (x. Ds 29,7; Cv 13,2),  (x. Tl 20,26; Gđt 8,6). Ăn chay còn có ý nghĩa nữa là thể hiện lòng đạo đức để được Thiên Chúa nhận lời (x. 2Sm 12,16-22; Er 8,21; để đền tội, xin Thiên Chúa tha thứ (x. Lv 23,27; Hc 34,26; Đn 10,2); hỗ trợ việc trừ Quỉ... (x. Mt 17,21).
Ăn chay còn nói lên tính vị tha là thực hiện công lý và tình thương (x. Is 58,6-7), thánh hóa bản thân, siêu thoát tinh thần để được hưởng sự sống đời đời. Không bám vúi vào của cải, sức riêng cách thái quá, vì: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4, 4).
Thật vậy, nếu không ăn chay với những mục đích đã kể trên thì sẽ trở thành công dã tràng! Điều này đã được thánh Phaolô nói: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,3).
3. Cách giữ chay của người Công Giáo hiện nay
Ngày nay, tinh thần ăn chay của người Công Giáo xem ra đã bị lạm dụng, hay hướng chiều về những hành vi tiêu cực.
Có những người ăn chay, bố thí... chỉ vì mục đích được khen là đạo đức, họ ủ rột, thê lương, cốt để làm sao cho mọi người biết mình là người nghiêm chỉnh giữ chay. Lại có những người ăn chay chỉ vì vụ luật hay sợ Chúa phạt! Vì thế, nếu trong ngày, lỡ cách nào đó mà phạm luật, họ hoang mang đến bất an chỉ vì chót ăn vặt, không đúng giờ, đúng bữa... Cũng có những người tính toán đến độ ngày mai ăn chay, hôm nay ăn uống cho đã để ngày mai đỡ thèm, hoặc ăn trực nằm chờ cho qua thời gian luật định, tức là qua 24h, sau đó nhậu nhẹt hả hê. Họ làm như thế và an tâm vì đã giữ trọn ngày chay theo đúng luật. Vì thế, không lạ gì khi có những người mỉa mai cách thức ăn chay của chúng ta rằng: “thứ ba béo”; “thứ năm sung sướng”. Đáng buồn hơn nữa là: có nhiều gia đình ngày chay kiêng thịt thì lại đi mua những thứ cao lương mỹ vị như: hải sản, tôm hùm hay những thứ khác đắt tiền hơn thịt nhiều... mà không hề nghĩ rằng: tiền bớt chắt được trong ngày chay là để chia sẻ bác ái, đóng góp cho công cuộc truyền giáo và các nhu cầu khác của Giáo Hội!
Tinh thần ăn chay như thế, hẳn chúng ta thua xa nơi anh chị em các tôn giáo khác về việc giữ chay! Mặt khác, điều chúng ta dè bửu người Pharisêu hình thức khi xưa, khi họ lo giữ cho sạch chén bát bên ngoài, còn trong lòng toàn sự hận thù, ghen ghét, ích kỷ, kiêu ngạo (x. Mc 7,1-8a.14-15.21-23), thì nay, chúng ta lại đi vào chính vết xe đổ của họ. Như vậy, chúng ta chỉ là cỗ máy không hồn, hay giống chiếc thùng kêu to, nhưng thực chất nó rỗng, và đôi khi chúng ta trở thành “danh hài” hay “con hề” trên sân khấu.
Thái độ khiển trách nặng nề những người Pharisêu của Đức Giêsu: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7, 6), không chừng cũng chính là lời trách móc nặng nề cho những ai hôm nay giữ chay hình thức, hời hợt.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: "Hãy xé tâm hồn chứ đừng xé áo " (Ge 2, 12-18); “Hãy làm hoà cùng Thiên Chúa... vì bây giờ là cơ hội thuận tiện" (x. 2 Cr 5, 20 - 6, 2).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con biết sống tinh thần của ngày lễ hôm nay đó là: “Xé tâm hồn chứ đừng xé áo". Amen
Tu sĩ: Giuse - Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.
 
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log