(Lc 1,57-66)
Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.
Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: "Không, phải đặt tên cháu là Gio-an." Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả." Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gio-an." Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?" Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.
SUY NIỆM Hôm nay chúng ta tiếp tục suy niệm về ông Da-ca-ri-a, cha của thánh Gio-an Tẩy giả. Trong bài Tin Mừng thứ Năm tuần qua, Thiên Chúa đã chúc phúc, an ủi ông và vợ mình, bà Ê-li-sa-bét - người phụ nữ mang tiếng “hiếm hoi” nay đã mang thai khi ở tuổi xế chiều. Thiên thần Gabriel xuất hiện trong đền thờ để truyền tin cho Da-ca-ri-a về sự kiện trọng đại này, nhưng ông cứng lòng tin và nghi ngờ lời thiên thần nói. Chính vì lẽ ấy, ông đã bị câm cho đến tận ngày Gio-an được sinh ra.
Tin mừng ngày hôm nay đã tiết lộ cho chúng ta cách ông Da-ca-ri-a tháo bỏ nút thắt cứng lòng tin nơi mình. Ông đã thuận theo lời truyền của sứ thần và đặt tên cho đứa trẻ là Gio-an. Theo truyền thống, đứa con đầu lòng phải được đặt theo tên của cha, tức là Da-ca-ri-a. Nhưng Thiên Chúa đã lựa chọn cái tên "Gio-an", vì thế, cả Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét được trao cơ hội đón nhận và biểu lộ đức tin của mình qua việc chấp nhận cái tên Gio-an cho đứa trẻ được sinh ra dưới bàn tay của Thiên Chúa.
Theo một khía cạnh nào đó, chúng ta có thể nói rằng ông Da-ca-ri-a đã biết "sửa sai". Ông sửa sai bằng cách lựa chọn tin tưởng và thực thi Thánh ý Chúa. Đây là một dẫn chứng tuyệt vời cho tất cả chúng ta vì chúng ta cách này hay cách khác cũng đã đôi lần nghi ngờ hoặc đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa. Với Da-ca-ri-a, Thiên Chúa có vẻ đã nghiêm khắc trừng phạt ông khi Ngài lấy đi khả năng nói của ông. Nhưng như những gì chúng ta thấy ngày hôm nay, khả năng phát ngôn bị tước đoạt không hẳn là một trừng phạt, mà là một ý định Thiên Chúa muốn tỏ lộ quyền năng và vinh quang của Ngài thông qua đức tin của ông. Tin Mừng tường thuật lại rằng: khi ông có thể mở miệng nói chuyện, “láng giềng ai nấy đều kinh sợ” và không ngừng truyền tai nhau. Vì thế, những gì ông đã trải qua bấy giờ là một minh chứng vĩ đại cho vinh quang của Thiên Chúa.
Trong cuộc đời mình, thật chẳng khó gì để chỉ ra những lần ta đã vấp ngã trong đức tin. Đôi khi, Thiên Chúa có vẻ như răn dạy chúng ta bằng một “hình phạt” nào đó vì chúng ta đã không nghe Lời Ngài với trọn con người mình. Nhưng chúng ta phải biết rằng: bất kì “hình phạt” nào của Thiên Chúa đều không phải bởi sự phẫn nộ. Trái lại, tất cả những gì xảy đến do thiếu đức tin đều vì Thiên Chúa muốn chúng ta sống đức tin ấy cách ý thức hơn, mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn và sinh hoa trái hơn. Như Da-ca-ri-a, Thiên Chúa mở miệng lưỡi ông vào thời khắc thích hợp để ông có thể tôn vinh Ngài trong đức tin mạnh mẽ. Và nhờ đức tin của ông, rất nhiều người đã được chứng kiến quyền năng của Thiên Chúa, nhờ đó họ cũng được củng cố trong đức tin của mình. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng nên tìm kiếm Thiên Chúa và làm điều tương tự như ông Da-ca-ri-a vậy.
Hôm nay, chúng ta hãy hãy nhìn lại những khó khăn mà ta đang phải chịu do sự yếu đuối, tội lỗi và thiếu đức tin của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng vì thế mà xem chúng như một sự trừng phạt theo cái nhìn thông thường. Ngược lại, xin hãy xem đó như một cơ hội, một hồng ân Thiên Chúa trao tặng để ta dâng lên Ngài lời tôn vinh tuyệt vời hơn, ngõ hầu ta được lớn mạnh hơn trong đức tin, cùng sinh nhiều ơn ích cho những anh chị em khác nữa.
Lạy Chúa, xin giúp con như cách Ngài đã làm với ông Da-ca-ri-a, và xin dùng con như khí cụ để tôn vinh danh thánh Chúa. Amen.