(Lc 6,6-11)
Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay: "Anh trỗi dậy, ra đứng giữa đây!" Người ấy liền trỗi dậy và đứng đó. Đức Giê-su nói với họ: "Tôi xin hỏi các ông: ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt?" Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay: "Anh giơ tay ra!" Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.
SUY NIỆM Đức Giê-su tiến vào hội đường giống như thói quen thường lệ Ngài vẫn hay làm trong ngày sa-bát, và rồi Ngài bắt đầu giảng dạy. Ngay trước mặt Chúa Giê-su là một người đàn ông với cánh tay phải bị khô bại, đó là một dị tật bẩm sinh mà người này mắc phải. Trong Hội đường đó cũng có các kinh sư và người Pharisêu đang rình xem Đức Giê-su có chữa cho người đàn ông kia trong ngày sa-bát không, để lấy cớ buộc tội Người vi phạm lề luật.
Công việc y tế bị cấm trong ngày sa-bát bởi lẽ nó tiêu tốn nhiều thời gian. Chúa Giê-su chữa bệnh bằng một lời nói mà thôi, mà dù Ngài có nói, có một hành động để chữa bệnh thì lại bị cấm trong ngày sa-bát sao? Vả lại, người đàn ông kia đã chịu đựng cảnh bại liệt đã lâu và anh cũng không còn cảm giác đau nữa, vậy việc chữa lành này có thể đợi đến ngày hôm sau cũng được. Chính điều này gây ra nhiều vấn đề hơn cho cuộc tranh luận của Đức Giê-su.
Đương nhiên Chúa Giê-su ý thức rõ những chuyện đang xảy ra. Lập tức Ngài nói với người đàn ông khô bại tay rằng: “Anh đứng dậy và ra đứng giữa đây!” Hiệu lệnh “trỗi dậy” như là một sự biểu lộ về việc sẽ xảy ra kế đó; người đàn ông này sẽ được đón nhận một cuộc sống mới. Không hề có một sự giấu kín nào về những điều Chúa Giê-su làm mà lại không được chứng kiến bởi mọi người.
Thế nhưng trước hết Ngài đặt một câu hỏi dành cho toàn thể hội đường, bao gồm cả những kinh sư và người Pharisêu nữa: “ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt ?”
Đó là một câu hỏi khó có thể trả lời được, bởi lẽ đã quá rõ ràng. Thế nhưng đây lại không phải là điều mà những người Pharisêu đang suy nghĩ, “có đúng chăng khi vâng theo Lề luật hay là phá vỡ chúng?” Đối với những người này, Lề Luật và những gì được viết trong đó mới thật là tối cao. Nhưng với Đức Giê-su, Lề luật gắn liền với sự thật và những điều tốt đẹp. Không có việc thi hành luật nào lại vi phạm sự thật và ích lợi cả. Nhưng có đôi khi để bước theo sự thật và những điều tốt lành thì phải đi ngược lại với những gì được viết trong Lề Luật. Có những điều hợp pháp nhưng không phải lúc nào cũng hợp đạo đức, vậy thì thật là một tội ác nếu vâng theo thứ lề luật này.
Một điểm quan trọng nữa từ đoạn trích Tin Mừng hôm nay, đó là tội lỗi phát xuất từ lòng đố kỵ sẽ dẫn chúng ta làm điều phi lý và dại dột. Nó khiến chúng ta trở nên đui mù, suy nghĩ dại dột và nói lời ngu xuẩn. Bạn có thấy sự đố kỵ hiện diện trong mối tương quan nào của mình không? Và liệu bạn có nhận thấy bản thân mình đang hành động và suy nghĩ một cách phi lý với những con người trong tương quan đó chăng?
Chúa ơi! Con ước muốn được thoát ra khỏi những tội lỗi của kiêu căng, thèm muốn và đố kỵ. Xin giúp con thấy được những điều này nơi chính cuộc sống của con, để con biết thống hối và thay thế chúng bằng chính tình yêu và lòng thương xót của Chúa. Lạy Chúa Giê-su con tín thác vào Ngài.