(Lc 10,25-37)
Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" Người đáp: "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" Ông ấy thưa: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống." Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: "Nhưng ai là người thân cận của tôi?" Đức Giê-su đáp: "Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: "Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác." Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" Người thông luật trả lời: "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta: "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."
SUY NIỆM Qua câu hỏi mà vị thông luật Do Thái đặt ra với Chúa Giê-su: "
Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?", Chúa Giê-su đã chỉ cho ông thấy rõ một điều cốt lõi và cũng là nền tảng của đời sống Kitô hữu, đó là "
Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." Muốn có sự sống đời đời làm gia nghiệp cần phải xây dựng tương quan đối với Thiên Chúa và tương quan với tha nhân. Có bao giờ chúng ta tự hỏi chính mình rằng Thiên Chúa có vị trí nào trong cuộc đời của chúng ta? Nơi những ước muốn hay các vấn đề trong cuộc sống thường ngày, chúng ta có đặt Chúa trên hết mọi sự không? Biết bao thách đố đặt ra trong mối tương quan của con người với Thiên Chúa, có khi làm cho con người mất phương hướng dẫn đến sự thờ ơ lãnh đạm và xa rời Thiên Chúa. Làm sao để tìm lại sự thân tình với Ngài? Mỗi người chúng ta cần có thời gian tĩnh lặng, trở về cõi sâu thẳm của lòng mình và nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để nhận ra tầm quan trọng của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Có như thế chúng ta mới dễ dàng tiến tới mối tương quan giữa con người với nhau.
Đọc câu chuyện dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thắc mắc tại sao một thầy tư tế, thầy Lê-vi lại từ chối giúp đỡ khi họ nhìn thấy một nạn nhân thập tử nhất sinh nằm bên vệ đường? Và tại sao một người Sa-ma-ri, một người dân ngoại lại đối xử với nạn nhân này bằng sự quan tâm đặc biệt? Ai thực sự là người thân cận, là người thực thi bác ái và lòng thương xót? Đức Giê-su làm cho người Sa-ma-ri, vốn dĩ bị người Do Thái coi thường và xem như kẻ ác, nay trở thành một chứng tá của lòng thương xót. Còn vị tư tế và thầy Lê-vi đã bị những nghi kị, thành kiến và lề thói đóng băng khả năng rung cảm trước khốn cảnh của người khác.
Qua dụ ngôn người Samari tốt lành trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta phải có trái tim biết rung động trước những đau khổ của đồng loại, biết chạnh lòng xót thương và thể hiện điều ấy bằng hành động. Ngài mong chúng ta nhận ra sự hiện diện của người khác trong cuộc đời mình là vô cùng quan trọng, quan trọng đến mức xem người khác như là chính mình. Chúng ta phải sẵn sàng giúp đỡ người khác với tình yêu và sự quan tâm chân thật, cần phải thể hiện qua hành động cụ thể chứ không chỉ là ý hướng tốt hay tỏ ra thương cảm đơn thuần. Tình yêu ấy phải rộng mở và vô lượng như tình yêu Thiên Chúa. Vì tình yêu Thiên Chúa là vô điều kiện nên chúng ta cần luôn sẵn sàng làm điều thiện hảo cho người khác như chính Thiên Chúa đã làm cho chúng ta vậy. Vậy thay vì hỏi “
Ai là anh em tôi?” thì hãy hành động để trở nên anh em của người khác như Chúa Giêsu đã nói với vị thông luật kia: “
Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy”.
Lạy Chúa Giê-su, xin tình yêu của Người luôn mãi là nền tảng của đời con. Xin giải thoát con khỏi mọi sợ hãi và ích kỷ để con có thể sẵn sàng yêu thương, phục vụ và dám hy sinh đời mình vì anh chị em xung quanh con. Amen