(Mc 1,21b-28)
Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.
Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: Câm đi, hãy xuất khỏi người này! Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
SUY NIỆM
Bạn có tin rằng Lời Chúa rất có uy quyền giải thoát bạn và biến đổi cuộc đời bạn không? Chúa Giê-su giảng dạy đầy uy quyền. Ngài nói Lời Thiên Chúa mà không ai trước đó nói được như Ngài. Khi các kinh sư giảng dạy, để làm cho lời giảng dạy của họ có thế giá, họ lấy dẫn chứng từ các nguồn khác. Còn các tiên tri nói với uy quyền là người nói thay cho Thiên Chúa: “Đức Chúa phán”. Còn khi Chúa Giêsu giảng dạy, Ngài không cần uy quyền nào để củng cố lời của mình, bởi Ngài là Ngôi Lời của Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm. Như vậy, khi Đức Giêsu nói cũng chính là lúc Thiên Chúa nói. Khi Người ra lệnh, thì cả ma quỷ cũng phải vâng nghe.
Niềm tin thể hiện qua tình yêu và ẩn chứa trong niềm hy vọng. Thánh Augustino đã nhấn mạnh rằng: “Đức tin rất mạnh mẽ, nhưng nếu không có đức mến, thì nó chẳng là gì. Ma quỷ tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, nhưng thiếu bác ái, nên không có ích lợi gì. Chúng nói: Chúng tôi phải làm gì với ông (Mc 1,24)?’ Chúng tuyên xưng một thứ đức tin ngắn cụt. Vì vậy, chúng là ma quỷ”.
Thánh Phaolô tông đồ nói với chúng ta rằng Đức tin thì mạnh mẽ – nó có thể chuyển dời núi non, nhưng nếu không có lòng mến, nó chẳng là gì (1 Cr 13). Kinh Thánh cho ta biết Đức tin chân thật hành động nhờ đức ái (Gl 5,6) và chan chứa niềm hy vọng (Rm 15,13). Đức tin của chúng ta được hoàn hảo trong đức mến, bởi vì tình yêu quy hướng chúng ta đến Đấng tốt lành vô cùng là chính Thiên Chúa, cũng như hướng đến với tha nhân là những người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa (St 1,26-27).
Niềm hy vọng là điểm tựa cho niềm tin vào lời hứa của Thiên Chúa. Chính vì niềm hy vọng sẽ thanh lọc mọi ước muốn của chúng ta, để chỉ ước muốn những điều tồn tại vĩnh hằng. Đó chính là lý do tại sao Lời Chúa có sức mạnh giải thoát chúng ta khỏi những đam mê trong tội lỗi, dối trá và tuyệt vọng. Bede (672-735), vị bề trên đáng kính ở một tu viện nước Anh đã so sánh sức mạnh và quyền lực của Lời Chúa so với trước ma quỷ như sau: “Bởi ma quỷ đã dùng miệng lưỡi nó mà lừa dối E-và, nên nó bị Thiên Chúa phạt và nó không bao giờ có thể nói được nữa.” [Bài giảng Tin Mừng 1.8].
Đức tin phải được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Đức tin vừa là đặc ân vô giá Chúa ban, vừa là con người, với ý chí tự do của mình, đón nhận toàn bộ chân lý mà Chúa mạc khải. Để sống, để phát triển mạnh mẽ, vững vàng đức tin, chúng ta cần nuôi chúng nhờ Lời Chúa. Thiên Chúa ban Chúa Thánh Thần để soi dẫn tâm trí chúng ta. Nhờ đó, chúng ta mới có thể lớn lên trong sự thật và trong sự thấu hiểu tình yêu cao cả mà Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta đón nhận Lời Chúa với sự tín thác và vâng phục, chúng ta sẽ dễ dàng nhận biết điều Chúa muốn dạy chúng ta. Như vậy, chúng ta hãy khao khát được Thiên Chúa dạy bảo và mong muốn hướng tâm trí, thái độ, trái tim và những dự tính của mình, theo Lời Chúa, bởi Lời Chúa là sự thật, tình yêu và sự tốt
lành.
“Lạy Chúa Giêsu, Lời Ngài là sức mạnh và là sự sống. Ước chi con không bao giờ nghi ngờ tình yêu và lòng thương xót nơi Ngài. Lời Ngài có sức mạnh giải thoát chúng con, chữa lành và hồi phục thể xác, tâm trí, trái tim và tinh thần chúng con.”