Thiên Chúa Nhập Thể làm người là một mầu nhiệm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Ngôi Hai làm người để cứu chuộc nhân loại, thiết lập Nước Trời. Công trình cứu độ đựơc khởi đầu cách âm thầm, giản dị tại một làng quê nghèo, với một thôn nữ bình thường chẳng mấy người biết tới.
Sứ Thần đến Nazareth và cung kính thưa với người nữ ấy rằng: “
Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!" (Lc 1,28). "
Ðấng đầy ơn phước" là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ là Ðấng được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn, được tiền định để đón nhận hồng ân quý giá nhất, là Chúa Giêsu, "tình thương nhập thể của Thiên Chúa" (Thông điệp: Thiên Chúa là tình yêu, số 12).
Sau khi đã tuyển chọn và trang điểm cho người nữ ấy với muôn vẻ đẹp và ơn phước, Thiên Chúa đã sai Sứ thần Gabriel đến báo tin và thỉnh ý ngài tại làng quê Nazareth.
Sứ thần cung kính bái chào vì thấy Đức Mẹ cao trọng và trong sạch hơn các thiên thần. Tước hiệu “
Bà đầy ơn phước” xác nhận lòng Đức Mẹ không có chổ dành cho tội lỗi vì luôn được đầy tràn ơn phước của Thiên Chúa. “
Thiên Chúa ở cùng Bà”: Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó bóng tối của tội lỗi không thể có mặt. Mẹ luôn sống trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. “
Bà có phúc hơn mọi người phụ nữ”, vì Mẹ là người duy nhất không vướng mắc tội tổ tông.
Đức Mẹ được Thiên Chúa tuyển chọn, ngài đáp tiếng “xin vâng” cách tự do và từ đó Đức Mẹ trở nên thầy dạy tuyệt vời cho nhân loại.
1. Đức Mẹ đựơc Thiên Chúa tuyển chọn. Nếu tôi có quyền chọn người mẹ sinh ra tôi, tất nhiên tôi sẽ chọn một người nữ hết sức xinh đẹp và thánh đức. Xinh đẹp đến nổi làm cho tất cả các phụ nữ khác đều phải ghen tuông sửng sốt. Thánh đức đến nổi làm cho mọi người đều phải cảm phục, ngợi khen. Ai cũng ước mong như thế.
Trong một lớp giáo lý, cô giáo hỏi các em học sinh: Em mơ ước điều gì cho mẹ của các em? Các em đua nhau trả lời:
• Em muốn cho mẹ em là người đẹp nhất trên thế giới nầy.
• Em mơ ước mẹ em có một sức khoẻ thật dồi dào.
• Em cầu mong cho mẹ em giàu sang, có thật nhiều tiền bạc.
• Em chỉ ước mong cho mẹ em là một bà mẹ hiền lành, đạo đức và nhân hậu.
Chỉ là ước mơ vì không ai có quyền chọn người mẹ sinh ra mình. Nhưng đối với Thiên Chúa thì khác hẳn. Ngài đã sinh ra bởi một người nữ được tuyển chọn. Đây là trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử loài người. Đức Maria đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ. Ngài chọn Maria vì Ngài muốn chọn, theo sự tự do của Ngài (x. Rm 9,12.16), và cũng “vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”.
Thời Đức Mẹ, ai cũng mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Đức Mẹ được diễm phúc mà thôi. Chúa chọn Đức Mẹ, đó là do ân huệ nhưng không của Chúa, và cũng bởi Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận.
Nhờ lòng khiêm nhường nên Đức Mẹ đựơc quyền năng Thiên Chúa bao phủ.
Sứ thần nói với Đức Mẹ: “Quyền năng của Đấng tối cao sẽ bao trùm lên bà, vì thế Đấng Thánh con của bà sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Tiếng quan trọng ở trong câu đó là “bao trùm lên” hay “bao phủ lên”. Lều tạm nơi dân Do Thái để hòm Giao Ước. Câu (Xh 40,34) nói rằng bao lâu đám mây còn bao phủ lều tạm thì “lều tạm có Thiên Chúa hiện diện”.
Thánh Luca chọn và dùng từ “bao trùm lên” có ý nghĩa thâm sâu. Thánh sử so sánh thân thế Đức Maria với lều tạm nơi đặt Hòm Giao Ước của Thiên Chúa. Luca so sánh cung lòng Đức Maria nơi Đức Giêsu sẽ tới cư ngụ với Hòm Giao Ước nơi đặt hai phiến đá có ghi 10 điều răn của Thiên Chúa. Như vậy nghĩa là khi quyền năng của Thiên Chúa bao trùm lên Đức Maria, thì có “Thiên Chúa hiện diện” trong Mẹ. Nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Maria thì vô cùng phong phú hơn sự hiện diện của Ngài trong “lều tạm”. Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Maria chính là sự hiện của Đức Giêsu bằng xương bằng thịt.Quyền năng Chúa Thánh Thần bao trùm, cùng với máu thịt của mình, Đức Maria đã tạo nên hình hài Đức Giêsu.Ngôi Hai mặc lấy thân xác con người nhờ máu thịt Mẹ và Ngài vẫn là Thiên Chúa được Chúa Cha sinh ra từ muôn thuở. Cả hai bài đọc giúp chúng ta hiểu thêm về mầu nhiệm ấy.
Thiên Chúa từ chối ngôi đền vật chất mà Đavit muốn xây cho Ngài; nhưng trái lại Thiên Chúa hứa cho Đavit một ngôi nhà thiên thu là dòng dõi Đavit (2 Sm 7,1-16). Lời hứa này được thực hiện nơi Đức Maria, Đấng trở nên Hòm Bia Thiên Chúa,nơi đây Con Thiên Chúa đến với loài người. Đó chính là mạc khải của mầu nhiệm được giữ kín từ muôn thuở nay được bày tỏ ra mà Thánh Phaolô đề cập đến trong (Rm 16,25-27).
2. Đức Mẹ đã tự do đáp tiếng “Xin vâng”.
Thiên Chúa không chọn lựa cách độc đoán. Ngài tôn trọng tự do của người đựơc chọn. Ngài sai Sứ Thần đến và muốn Đức Mẹ hoàn toàn ưng thuận theo suy nghĩ và sự tự do của mình. Thiên Chúa “bật mí” cái bí mật từ ngàn đời. Thiên Chúa đã yêu thương con người đến nổi muốn trở thành một con người giữa nhân loại. Và Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria là để Ngài sai Con Một đến giữa nhân loại, thực hiện chương trình cứu độ. Giây phút Đức Mẹ tự do đáp lời “Xin vâng” là khởi đầu bình mình ơn cứu độ cho thế nhân.
Nếu như Nguyên Tổ bị con rắn cám dỗ bằng lời nghi nan, lừa lọc dối trá, gây cuộc nổi loạn, và Adam và Evà đã sa ngã, đau khổ sự chết tràn vào thế gian; thì Sứ thần Gabriel đề nghị một sự tự do ưng thuận. Đức Maria thưa “Xin vâng”, lời ấy đã làm cho Ngôi Hai làm người. Từ đây, nhờ Đức Maria, tin tưởng và vâng phục, nhân loại được liên kết trở lại với Thiên Chúa.
Thái độ “Xin vâng” của Mẹ hoàn toàn khác với Ađam Evà trong câu chuyện vườn địa đàng. Sau khi ăn quả cấm trái lệnh Chúa, Ađam đã đổ lỗi cho Evà, Evà đổ lỗi cho con rắn. Và đó chính là thảm kịch của con người: không ai nhận lỗi, không ai chịu trách nhiệm, không ai có thiện chí nên xã hội mãi chậm tiến, nên hạnh phúc trở thành khó khăn xa vời. Mẹ Maria đã đáp “Xin vâng” không chỉ một lần mà còn nhiều lần trong đời. Mẹ luôn đảm nhận trách nhiệm và chu toàn thánh ý Thiên Chúa. Mẹ Maria mãi mãi là tấm gương cho chúng ta soi trong cuộc đối thoại lắng nghe Lời Chúa và đáp trả Lời Chúa. Thiên Chúa đã chứng tỏ nơi Mẹ điều không thể để trở nên điều có thể. Vì “cái gì cũng có thể đối với người có lòng tin” (Mc 9,23).
3. Đức Mẹ là nhà giáo dục tài giỏi.
Thư chung HĐGM Việt Nam năm 2008, với chủ đề "Giáo dục Kitô giáo"có viết: “Thánh Cả Giuse và Đức Maria là những bậc cha mẹ gương mẫu, luôn biết đón nhận thánh ý Chúa và đem ra thực hành. Trong gia đình Nazareth mọi thành viên đều tôn trọng nhau, mong muốn cho nhau điều tốt và cùng nhau thực hiện ý của Cha trên trời. Thánh Giuse và Đức Maria là những nhà giáo dục tài giỏi đã chu toàn sứ mạng được trao phó trong sự khôn ngoan và trung tín”.(Thư HĐGMVN 2008, số 20).
Thiên Chúa đã tín nhiệm Mẹ khi để Con Một là Chúa Giêsu sinh ra và lớn lên trong gia đình Nazareth dưới sự dìu dắt và dạy dỗ của Mẹ. Như thế chúng ta có thể nói rằng Đức Maria là nhà giáo dục tài giỏi và trở thành gương mẫu cho tất cả mọi nhà giáo dục.
“Giáo Hội ước mong mỗi gia đình Kitô giáo phải là trường học đầu tiên để thông truyền, dạy dỗ và bảo dưỡng cho con cái về đời sống đức tin, đức ái, đời sống cầu nguyện, tình liên đới, vị tha, hài hòa, quảng đại, những đức tính nhân bản như khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ. Các môi trường khác như giáo xứ hay học đường chỉ tiếp tay với gia đình chứ không thể thay thế gia đình trong vấn đề giáo dục đức tin, đức ái. Cha mẹ phải là những nhà giáo dục tuyệt đối cần thiết cho sự phát triển hài hoà và bền vững của đời sống đạo đức cho mọi người trong gia đình.Gương sáng của cha mẹ và những bậc cha anh đóng vai trò quan trọng để giáo dục lương tâm cho những thế hệ nối tiếp”. (Thư HĐGMVN 2008); “Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức. Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình công giáo. Hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm hoá mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta”. (Thư Mục Vụ Năm Đức Tin HĐGMVN).
Thư Mục Vụ Năm Đức Tin mời gọi Dân Chúa hướng lòng về Đức Mẹ như mẫu gương Đức Tin: “Mẹ có phúc hơn mọi người nữ vì đã tin rằng Lời Chúa phán cùng Mẹ sẽ được thực hiện (x. Lc 1,42). Trong ngày Truyền Tin, Mẹ dạy chúng ta sống đức tin khiêm tốn và vâng phục: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa thực hiện nơi tôi điều thiên sứ truyền” (Lc 1,38). Bằng những bước chân vội vã lên đường thăm viếng bà Elisabeth, Mẹ thúc đẩy chúng ta sống đức tin dấn thân loan báo Tin Mừng, đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người. Dưới chân thập giá, Mẹ nêu gương cho chúng ta về đức tin chứa chan hy vọng”.
Đức Mẹ chính là thầy dạy đức tin và lòng yêu mến. Tin và yêu giống như đôi cánh giúp cho Mẹ bay lên rất cao lên tới Thiên Chúa.Tin và yêu giống như chiếc chìa khóa có thể mở được cánh cửa khó mở nhất. Mở được cả cánh cửa Nước Trời.
Đức Maria đã hiện diện trên núi Calvariô vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (Ga19,25) và trong nhà Tiệc Ly vào dịp lễ Ngũ Tuần (Cv1,14), chắc hẳn Mẹ cũng là một chứng nhân ưu tuyển của Chúa Kitô Phục sinh; như vậy là hoàn tất việc tham dự vào hết các giai đoạn chính yếu của mầu nhiệm Vượt qua. Ngoài ra, khi đón tiếp Đức Kitô Phục sinh, Đức Maria là dấu hiệu và điểm chỉ tiên báo cho một nhân loại đang hy vọng vào sự hoàn thành sung mãn của mình với việc kẻ chết được sống lại.
Trong mùa Phục sinh, cộng đoàn Kitô hữu khi hướng về Thân mẫu của Thiên Chúa, đã mời Người hãy vui mừng: “Lạy Nữ Vương Thiên đàng, hãy vui mừng, alleluia!”. Họ nhắc lại niềm vui của Đức Maria vì cuộc Phục sinh của Đức Giêsu, kéo dài qua lời mời gọi của thiên sứ vào lúc Truyền tin “hãy vui lên”, ngõ hầu Mẹ trở thành “nguyên nhân vui mừng” cho toàn thể nhân loại.
Hãy lắng nghe những lời giáo huấn của Đức Mẹ và hãy noi gương giáo dục của Đức Mẹ để sống tốt lành và thánh thiện hơn.