Suy niệm 1
Ai muốn làm lớn nhất thì hãy tự làm người rốt hết và phục vụ mọi người ----------------------------------- Lòng ghen tương đã có trong mỗi người chúng ta. Ghen tương làm chúng ta không hiểu biết, không khoan dung và cãi vã lẫn nhau. Lòng nhiệt huyết của các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay nhuốm mầu ghen tương. Lòng nhiệt thành kiểu như thế là lòng nhiệt thành không được Phúc Âm hóa. Liệu chúng ta, những môn đệ của Chúa hôm nay, chúng ta có kiểu nhệt thành như vậy không...? Phúc âm hóa, đó là đón nhận và phục vụ người khác.
Chúng ta hãy cùng nhau đi vào cốt chuyện của bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu âm thầm đi qua Galilea vì muốn tránh đám đông. Nhân cơ hội này, Chúa tiếp tục huấn luyện các môn đệ, Ngài nói về cuộc khổ nạn của Ngài sắp tới. Đối với người Do-thái, họ mong đợi một Đấng Me-si-a vinh quang và chiến thắng, một Đấng Me-si-a xua đuổi người Roma ra khỏi mảnh đất của họ. Các môn đệ Chúa cũng ở trong tâm trạng này. Bài huấn luyện của Chúa Giêsu làm họ quá thất vọng.. Vì thế họ khó tin và khó hiểu. Rồi họ cũng chẳng muốn hỏi Chúa nữa...
Về phía chúng ta, chúng ta có muốn hỏi Chúa và đào sâu Lời Chúa trong đời sống hằng ngày của chúng ta không? Càng suy ngắm lời Chúa, Chúa Thánh Thần càng soi chiếu chặng đường chúng ta đi để thực hiện Thánh Ý Chúa dù chúng ta vẫn còn ngu dốt. Thiên Chúa không ngừng nói với chúng ta qua các biến cố...Thánh giáo hoàng Gioan Phaolo II đi khắp thế giới để dạy cho chúng ta biết Thánh Ý Thiên Chúa...
Khi Chúa Giêsu báo trước về sự đau khổ, môn đệ Chúa không thể chấp nhận được vì họ ngu dốt. Đáng nhẽ, họ phải hỏi Chúa để biết tại sao Thầy lại phải chịu đau khổ? Nhưng họ lại tranh luận về một chủ đề hoàn toàn khác: “Ai là người lớn nhất trong Nước Trời”?
Cuộc chiến tham vọng làm lớn và quyền lưc đã và đang gây nên biết bao thảm cảnh trên thế giới. Mỗi một ngày, truyền thông đại chúng nói với chúng ta rất nhiều cuộc xung đột về quyền lực:
- Cấp độ quốc tế: chiến tranh và khủng bố tại nhiều nơi và hiện nay là tại Syria...
- Cấp độ quốc gia: mâu thuẫn giữa các phe nhóm quyền lực...
- Cấp độ gia đình: rượu chè, cờ bạc, ma-túy, giáo dục, y tế, ly dị, ly thân, hận thù và ghen tương
Nếu thế giới thực hiện được lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay, thì làm gì có những cuộc xung đột như vậy? Chúa khẳng định rằng phục vụ, tôn trọng người khác, khoan dung sẽ tạo nên sự công chính và bình an. Mỗi người chúng ta phải biết chọn lựa: công bằng hoặc bất công, bình an hoặc chiến tranh, tình yêu hoặc thù hận...
Thế giới hôm nay có nhiều tấm gương yêu thương và phục vụ người khác:
- Như cha Damien sẵn sàng ở lại đảo Molokai để phục vụ người phong cùi
- Mẹ Teresa Calcuta và chị em dòng của mẹ phục vụ những người ốm đau bệnh tật trên thế giới...
Khi tình thương và lòng tốt dành cho người khác, chúng ta trở thành môn đệ của Chúa Kitô.
Trở lại bài Tin Mừng hôm nay, dù các môn đệ tranh luận thầm kín không cho Chúa biết, nhưng Chúa biết rất rõ. Ngài hỏi: dọc đường anh em tranh luận gì thế, là có ý để trả lời cho họ: “Ai muốn làm lớn nhất thì phải phục vụ anh em”. Để giải thích thêm về ai sẽ là người lớn nhất trong nước trời, Chúa Giêsu gọi một em bé đến, Ngài ôm hôn nó và nói với các môn đệ: “Ai đón tiếp một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy”.
Qua đó, Chúa muốn nói rằng trong cuộc sống có rất nhiều cơ hội để chúng ta phục vụ và để chúng ta làm lớn...Chúng ta thường coi khinh những công việc tầm thường nhỏ bé...Nhưng chính những công việc tầm thường nhỏ bé đó lại làm cho chúng ta lớn lên và trưởng thành. Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu không làm một điều gì lớn lao trong dòng, nhưng Ngài lại là một vị Thánh nổi danh trên thế giới...Phục vụ kín đáo mà không cần cần được cám ơn...Đó là cách chúng ta bắt chước Chúa một cách tốt nhất.
Chúa Giêsu Kitô không chỉ dạy chúng ta con đường phục vụ, mà Ngài còn sống con đường đó để chúng ta noi theo: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em”.
Chúa Giêsu còn làm nhiều điều khác để đem lại niềm vui và hy vọng cho nhiều người:
- Chữa lành nhiều bệnh nhân
- Đón nhận Maria Madalena như là một môn đệ
- Bênh vực người phụ nữ phạm tội ngoại tình
- Tới nhà ông Zakeu thu thuế
- Đối thoại với người phụ nữ Samaria đã có 6 đời chồng
- Dám đụng chạm đến người phong cùi, phục hồi phẩm giá cho họ để họ trở về với gia đình và cộng đoàn của họ...
- Chúa phục vụ tất cả mọi người...
Ngày nay Chúa tiếp tục nói với chúng ta: “Tôi ước mơ một ngày nào đó các chính trị gia, giáo viên, bác sĩ và y tá, linh mục, thương nhân, nhà báo sẽ thực sự phục vụ công việc của họ thật tốt. Tôi ước mơ rằng một ngày nào đó tất cả các Kitô hữu sẽ như vậy cho gia đình của họ, hàng xóm của họ”. Và Chúa đã trao ban sự sống của Ngài trên thập giá để ước mơ đó trở thành sự thật.
Mỗi một người trong chúng ta có thể tự hỏi mình những gì chúng ta có thể làm để biến giấc mơ của Chúa Kitô thành hiện thực.?
Lạy Chúa, chúng con đã hiểu được gì về tình Yêu của Chúa. Chúng con sẽ cố gắng phục vụ để đáng được đón nhận tình yêu của Chúa vì Chúa yêu chúng con hoàn toàn biếu không.
Chúa có cái nhìn độc đáo trên mỗi người chúng con. Chúa biết những gì chúng con đang có và khả năng của chúng con. Chúa âu yếm nhìn chúng con giống như chúng con đang nhìn những đứa trẻ và đón nhận cả những yếu hèn của chúng.
Chúa là Đấng giàu lòng từ bi và hay thương xót. Xin ban cho chúng con trái tim của những đứa trẻ để chúng con không còn sợ cuộn mình bên trái tim Chúa, để mặc Chúa yêu và để mặc Chúa nhìn chúng con. Amen!
Lm. Gioan Đặng Văn Nghĩa
==========================
Suy niệm 2
Trở nên người cao quý
Mc 9, 30 - 37
Muốn tỏ ra mình là người có giá trị, hay nói khác đi, muốn tự khẳng định giá trị của mình là một nhu cầu hết sức quan trọng của con người và nhu cầu này được biểu hiện bằng nhiều hình thức trong cuộc sống.
Thời Chúa Giêsu, các vị kinh sư và các người biệt phái tự khẳng định mình bằng cách "đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi" (Mt 23, 5-7).
Ngay cả các môn đệ Chúa Giêsu cũng thường tranh luận với nhau xem ai trong họ là người lớn nhất. Điều nầy đã được ghi lại nhiều lần trong Tin mừng (Mc 9, 33-34; Lc 9, 46; Mt 18,1; Lc 22, 24).
Có lần, hai môn đệ Gioan và Giacôbê cùng với mẹ mình đến xin Chúa Giêsu cho ngồi bên tả bên hữu Chúa khi đến thời Ngài được hiển vinh. Bấy giờ, mười môn đệ kia tỏ ra bất bình với Gioan và Giacôbê vì anh em nhà nầy muốn giành trước hai chiếc ghế mà họ đang mơ ước (Mt 20, 20-24; Mc 10, 35-37).
Khát vọng của con người là thế đó. Ai cũng muốn nổi bật, ai cũng muốn vươn cao; không ai muốn bị lu mờ. Nói chung, ai cũng muốn làm gia tăng giá trị của mình.
Đây là một khao khát tự nhiên. Chính Thiên Chúa đã đặt vào tâm hồn con người khát vọng đó để thúc đẩy họ vươn lên thành những người cao cả. Chúa Giêsu cũng kêu gọi các môn đệ vươn tới đỉnh trọn lành: "Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện" (Mt 5, 48).
Làm thế nào để trở thành người cao cả thật sự?
Có người cố làm tăng giá trị của mình bằng cách trang điểm và chưng diện. Tuy nhiên, người ta không thật sự trở nên cao cả nhờ nhan sắc, vì "tốt gỗ hơn tốt nước sơn, xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người."
Có người tìm cách làm gia tăng giá trị của mình bằng cách sở hữu thật nhiều vàng bạc của cải, nhưng thực ra, "giá trị con người không hệ tại những gì người ta sở hữu."
Có người trau dồi và phát huy tài năng cho người ta nể phục, hoặc cố giành những địa vị cao trong xã hội để nâng giá trị mình lên.
Còn Chúa Giêsu, nhân cơ hội các môn đệ tranh cãi sôi nổi ai là người lớn nhất, Ngài chỉ cho họ một cách để trở thành cao cả thực sự. Đó là "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" (Mc 9,35).
Lời dạy của Chúa Giêsu xem ra trái nghịch với suy nghĩ của người đời. Thông thường, muốn làm lớn thì phải tôn mình lên để thống trị người khác; đằng nầy Chúa Giêsu dạy phải hạ mình xuống làm tôi tớ hầu hạ mọi người. Thật thế ư?
Ngày 5 tháng 9 năm 1997, cả thế giới xúc động, thương tiếc và bày tỏ lòng ngưỡng mộ sâu xa khi hay tin Mẹ Tê-rê-xa, một nữ tu già nua, thấp bé, nghèo nàn, không có nhan sắc… qua đời tại Calcutta, Ấn-độ ở tuổi 87. Nhà Nước Ấn-độ, một quốc gia phần đông theo Ấn-độ-giáo, đã long trọng tổ chức quốc táng cho Mẹ Tê-rê-xa, một nữ tu công giáo khiêm tốn bình dị, người gốc An-ba-ni! Hơn triệu người dân Ấn-độ tuôn ra đường để tiễn đưa Mẹ Tê-rê-xa đến nơi an nghỉ cuối cùng. Thật là điều không tưởng tượng nổi.
Tại sao Mẹ Tê-rê-xa lại được vinh dự lớn lao như thế?
Vì Mẹ đã thực hành đến mức hoàn hảo điều mà Chúa Giêsu truyền dạy cho các môn đệ trong Tin mừng hôm nay. Đó là hạ mình làm tôi tớ hầu hạ phục dịch những con người khốn khổ nhất thế gian với lòng yêu thương vô hạn.
Cuộc đời của Mẹ Tê-rê-xa Calcutta là một bằng chứng hùng hồn cho thấy rằng giáo huấn của Chúa Giêsu là xác đáng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người" (Mc 9,35).
Như thế, phục vụ trong yêu thương và khiêm hạ chính là con đường đưa tới vinh quang.
Lạy Chúa Giêsu,
Xin cho chúng con tỉnh táo nhận ra rằng giá trị con người không tuỳ thuộc vào những thứ “phụ tùng” mà người ta khoác vào thân như các loại y phục hợp thời trang hay các đồ trang sức xa hoa, đắt giá; giá trị con người cũng không tuỳ thuộc vào của cải, bạc vàng châu báu hay địa vị công danh… nhưng cốt yếu là tuỳ vào đức hạnh, vào phẩm chất cao đẹp của mỗi người.
Xin dạy chúng con biết làm gia tăng giá trị bản thân bằng cách hiến thân hy sinh phục vụ mọi người như Chúa đã nêu gương.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà
==========================
Suy niệm 3
LÃNH ĐẠO LÀ NGƯỜI PHỤC VỤ
Trang Tin mừng Chúa nhật hôm nay đánh dấu một giai đoạn quan trọng. Chúa Giêsu rời vùng đất phía Bắc tiến về Giêrusalem, nơi đó thập giá đang đợi chờ Người.
Trên hành trình đó đã ba lần Chúa mạc khải cho các môn đệ biết: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại” (x.Mc 8,31-10,34). “Các môn đệ không hiểu và cũng không dám hỏi lại” (Mc 9, 32). Họ đang sôi nổi tranh luận về vương quốc mà Thầy sẽ thiết lập. Ai là thượng thư, ai là bộ trưởng trong vương quốc ấy! Thầy đang hướng về thập giá, khổ nạn. Các môn đệ lại tranh cải xem ai được quyền cao chức trọng hơn cả (x.Lc 22, 24-27; Mc 10,35-40). Chúa đã phải đau lòng biết bao!
Vì thế, để sửa dạy uốn nắn lối suy nghĩ các môn đệ, Chúa hỏi: “Dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy?”. Chúa hỏi là ‘bàn tán’ cho nó nhẹ nhàng thôi, chứ thực ra Chúa biết các môn đệ vừa cãi nhau nảy lửa. Các ông im lặng vì xấu hổ về những gì đang tranh luận. Rồi Chúa dạy cho các môn đệ bài học, người lớn nhất là người khiêm tốn phục vụ anh em.
1. Nền văn minh mới
Chúa Giêsu “ngồi xuống và gọi các môn đệ tới”. Một Rabbi dạy bảo học trò, hay tuyên bố một điều gì quan trọng thì luôn luôn ở tư thế ngồi để giảng dạy. Chúa ngồi xuống thư thái và dạy rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”. Bằng hình ảnh cụ thể, Chúa đem một em bé đặt giữa các học trò, ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Lời dạy của Chúa Giêsu thật dễ hiểu mà thật khó thực hành. “Yêu thương phục vụ” là môn học khó nhất nhưng lại là môn học phổ thông nhất. Môn học này người môn đệ phải học cả đời mà không có ngày ra trường, học tới chết mà vẫn chưa xong.
Người lớn nhất, người đứng đầu là người phục vụ hết mình. Chức tước, chức vụ, chức vị, chức quyền chỉ là phương tiện để phục vụ. Ai sống tinh thần phục vụ đó là người lớn nhất. Ai không biết phục vụ thì là người nhỏ nhất. Giá trị của một con người không do địa vị chức tước mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó. Chúa Giêsu mở ra một nền văn minh mới. Người lớn nhất không dùng quyền để lãnh đạo, nhưng dùng khả năng để phục vụ. Người lớn nhất không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng trái tim để yêu thương.
2. Lãnh đạo là người có uy tín
Người lãnh đạo phải là người có uy. Đó là uy tín và uy quyền. Thông thường, người lãnh đạo tự khẳng định được uy tín thì tự nhiên có uy quyền một cách thực thụ nhờ niềm tin của lòng dân. Khi lãnh đạo phải dùng uy quyền thay cho uy tín thì họ tự tạo ra nguyên cớ của sự xung đột.
Dân chúng nể trọng uy tín của người lãnh đạo nhưng họ lại sợ uy quyền. Uy quyền, cường quyền càng dấn lên tới mức cao thì sinh ra thói độc đoán chuyên quyền dẫn đến độc tài. Khi người lãnh đạo đã mất hết uy tín, lẽ ra nên tự biết mà từ chức thì còn vớt vát được chút danh dự. Nhưng khi đã không còn uy tín mà lại gia tăng uy quyền thì chỉ có hại cho xã hội, căng thẳng cho cộng đồng, họ trở thành lố bịch và làm trò cười cho thiên hạ.
Không ai có thể tự vỗ ngực là “ta uy tín nhất”, bởi vì uy tín của cá nhân nằm trong lòng người khác, tùy thuộc sự ghi nhận và đánh giá của cộng đồng xã hội một cách khách quan. Uy tín phải được minh chứng qua quan điểm, tư tưởng, động cơ làm việc, đạo đức, lối sống và chất lượng thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Có những người có chức cao quyền trọng nhưng khi làm việc cụ thể và trong cuộc sống chẳng có uy tín gì, chỉ để lại sự trách cứ, chê cười, đàm tiếu. Có uy tín, tự khắc có uy quyền, một uy quyền tự thân, không phải thứ uy quyền lên gân. Không có uy tín, nhưng vì muốn thể hiện uy quyền nên thường gây hậu họa, làm hỏng cho công việc chung và tác hại khôn lường đối với xã hội và đất nước khi người này thuộc tầng lớp lãnh đạo ở tầm vĩ mô. Trên thực tế không ít người, khi có quyền thì đụng chút việc là dùng quyền uy, hống hách, quan liêu, mệnh lệnh.
Người thích uy quyền thường dùng quyền hành và quyền lực, kể cả quyền lực của đồng tiền. Họ sẽ đưa ra những khả năng đe dọa, mua chuộc như thăng giáng chức tước, lên lương, bố trí, sắp xếp chỗ này, vị trí kia, vừa câu móc, vừa hăm dọa hay cô lập đối tượng khi không "tranh thủ" được. Nếu ai đó làm phật lòng trái ý, hoặc có nguy cơ làm ảnh hưởng uy quyền thì sẽ bị trù úm, bày kế, lập mưu kỷ luật hay ép đương sự xin chuyển đổi công tác hay về "hưu non".
Người dùng uy lực đồng tiền thường đi kèm lòng tham, tính toán cá nhân vị kỷ, vơ vét và thu vén. Cho nên, những kẻ bất tài, vô dụng, thất đức có đủ thứ thủ đoạn, mánh khóe để khi đã nắm được quyền thì dùng uy quyền trấn áp thiên hạ, “cả vú lấp miệng em”, kéo bè, kết vây cánh...hình thành nhóm lợi ích. Từ tuyển dụng, bổ nhiệm, giao chức cũng chọn trong những người thân trong gia đình, dòng tộc, huyết thống, cùng mục đích, cùng động cơ, cùng mặt bằng “quan trí”, cốt sao thế lực của mình ngày càng được cũng cố và khuynh loát. Sự cố tình tâng bốc nhau, bao che, tung hứng cho nhau, hùa nhau lập mưu kế phạm pháp, tìm mọi mánh khóe, thủ đoạn đục khoét của công, thu lợi bất chính cũng từ đó mà ra.
Khi đã không đủ uy tín mà phải dùng uy quyền đến mức độc đoán, chuyên quyền, người ta sẵn sàng trừ khử, sát phạt, làm hại người khác có đối trọng (kể cả đồng chí, bạn hữu, người thân), mua bán chức quyền, dùng đủ mánh lới tinh vi để giữ ghế, tiến thân,che lấp khuyết điểm, tích lũy của cải bất minh, vùi dập chân lý, phủ nhận lẽ phải một cách khôn lanh và rất ma mãnh !
Thế nhưng, như người đời đã đúc kết: “Uy tín trường tồn, uy quyền đoản vị” - người có uy tín sẽ để lại tiếng thơm lâu dài, người không uy tín mà thích dùng uy quyền thay cho uy tín chỉ được nhất thời, gây thù chuốc oán, tự làm mất hậu phúc, có chăng chỉ được một vài việc trước mắt, không thể có sức bền. Cho nên, làm lãnh đạo cần nâng cao uy tín, phải thu phục được nhân tâm, không nên lộng hành, lạm dụng uy quyền để tự đề cao cá nhân, quên cả lợi ích quốc gia, dân tộc, quên nhân dân, chỉ biết vun xén cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích gây hậu quả khôn lường cho đất nước và nhân dân.(x. buivanbong.blogspot.com). Đối với các vị lãnh đạo tại Việt Nam, Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định ‘Câu nói cửa miệng của dân là liệu có bao nhiêu quan chức “không chạy”? Cách sử dụng cán bộ “cậu này ngoan, cô kia biết điều” của văn hoá tiểu nông làm sao sử dụng được người tài? Trên thực tế, kiểu hình thành đội ngũ cán bộ theo cách thức: “Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội…”.
3. Lãnh đạo là người phục vụ
Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ con đường trở nên lớn lao thật sự. Đó là con đường phục vụ. Con đường phục vụ thay thế cho tham vọng thống trị. Giúp đỡ tha nhân thay cho tham vọng bắt người khác phục vụ chính mình. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.
Để làm gương cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã tự hạ mình: “không phải để được phục vụ mà đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,25-28). Là Thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là lãnh đạo nhưng Người sẵn sàng hiến mạng sống “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu được thể hiện rõ nét nhất trong cử chỉ rửa chân “Nếu Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em phải rửa chân cho nhau”. (Ga 13,14-15). "Ta ở giữa các con như một người phục vụ” (Lc 22,27). Phục vụ lên đến tuyệt đỉnh trong hành vi tự hiến “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Quyền bính và phục vụ gắn liền với nhau làm nên bản chất người môn đệ Chúa Giêsu. Người lãnh đạo theo gương Chúa Giêsu là người có tâm, có tầm, có đức và có tài để phục vụ tha nhân theo tinh thần đức ái mục tử. Mục tử rao giảng chân lý và dám sống chân lý ấy cho dù phải hy sinh tính mạng.
Thánh Phêrô đã thấm nhuần lời dạy của Thầy Chí Thánh nên sau này ngài viết những lời tâm huyết cho các mục tử:“Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi ích thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt tình tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,1-4). Thánh Phêrô cũng khuyên các tín hữu: “Ơn riêng của Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban.” (1Pr 4, 8-11).
Quyền bính đòi chiếm hữu và kiểm soát. Nhưng trong Giáo hội, quyền bính được xây trên nền tảng tình yêu Chúa. Chính vì thế, Chúa Giêsu mới cần Phêrô xác quyết tới ba lần: “Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,15-17). Quyền bính được xây dựng trên tình yêu nên người mục tử luôn khiêm tốn phục vụ tha nhân.
Lời dạy của Chúa Giêsu đưa nhân loại đi vào nền văn minh của tình thương. Và kể từ đó, hàng triệu vị Thánh được tôn vinh như là những chứng từ sống động cho hình ảnh “Người lớn nhất” trong nền văn minh mới của Tin Mừng. Mẹ Têrêxa Calcutta trở thành vĩ nhân của thời đại bằng con đường yêu thương và phục vụ người nghèo. Phục vụ luôn gắn liền với yêu thương.Thánh Augustinô nhận định: Trong đời sống người kitô hữu, có một cuộc chiến đấu giữa hai thứ tình yêu: yêu Thiên Chúa cho đến từ bỏ bản thân mình và yêu bản thân cho đến nỗi chối bỏ Thiên Chúa.
Người thành công nhất là người phục vụ cho đồng loại nhiều nhất. Một vĩ nhân không hệ tại ở địa vị xã hội của người ấy mà là sự cống hiến cuộc đời cho sự phát triển của nhân loại. Giáo hội tuyên phong một người lên bậc hiển thánh chung quy cũng là tuyên dương tinh thần phục vụ của người ấy vì Nước Chúa. Phục vụ để trở nên phong phú, có giá trị, nên hoàn thiện và trở nên gần Chúa Giêsu hơn.
“Nghệ thuật làm lớn” của Chúa Giêsu chính là khiêm tốn phục vụ. Người thật sự cao cả là người dâng đời mình cho lợi ích của cộng đoàn. Thiên Chúa đã tự liên đới với người nhỏ bé, nghèo hèn, không đáng kể nhất. Phục vụ một người không đáng kể nhất cũng là phục vụ chính Thiên Chúa. Con đường tự hạ, làm người bé nhỏ và phục vụ anh em là con đường để trở nên vĩ đại, trở nên người lớn nhất trước mặt Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
==========================
Suy niệm 4
Bước theo Chúa trong khiêm hạ
(Mc 9, 30 – 37)
Sau khi biến hình, Chúa Giêsu cùng với các môn đệ từ trên núi xuống tiến về Giêrusalem để sống Lễ Vượt Qua cái chết và sự phục sinh của Người. Trước thảm kịch đau thương đang chờ đợi và iết trước cái chết ở Giêrusalem, đối với các môn đệ, niềm tin cần phải được Chúa củng cổ, Người loan báo cuộc thương khó lần thứ hai cho các ông, nhưng Người nhấn mạnh hơn đến sự đánh bại thần chết vào sống lại vinh quang.
Nhưng các môn đệ nào đâu có hiều, dọc đường tới ở Capharnaum họ vẫn tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất. Câu trả lời của Đấng Cứu Thế từ đó đến nay vẫn làm chúng ta ngạc nhiên: "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy" (Mc 9,37). Như thế kẻ lớn nhất sẽ là người phục vụ mọi người và Nước Thiên Chúa dành cho những ai đón nhận các trẻ nhỏ.
Đoạn Tin Mừng này không phải hai phần khác biệt: phần thứ nhất Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn, phần thứ hai Chúa giáo huấn các môn đệ. Đây chỉ là một diễn từ chúng ta có thể gọi là: "Thập giá của Chúa Giêsu và hậu quả của các môn đệ". Trở thành đầy tớ, đón tiếp trẻ nhỏ nhân danh Chúa Giêsu là hai hành động mà Chúa Giêsu, nhẹ nhàng nhưng cương quyết dạy các môn đệ phải "thi hành" cùng lúc. Thi hành để bắt chước Chúa Kitô, theo Chúa đến chân Thập giá, và như Chúa, trở nên tôi tớ phục vụ mọi người, "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người "(Mc 9, 35).
Từ ngày Con Thiên Chúa nhập thể bước vào lịch sử loài người sau một chặng đường dài, từ cái nôi Belem để "cái nôi" trên đồi Calvariô ở Giêrusalem, đỉnh cao là (cây Thập giá). Những tiêu chí để đánh giá giá trị và nhân phẩm của con người hoàn toàn đảo lộn: phẩm giá của một người không tùy thuộc vào vị trí người ấy đang có, hay chức vụ người ấy thi hành... Sự vĩ đại của con người không lệ thuộc vào cái làm cho người ta quan trọng, nhưng dựa trên sự phục vụ người ấy làm đối với Thiên Chúa và tha nhân để tỏ bày vinh quang, sự tốt lành và tình yêu của Chúa.
Đón nhận là một phương tiện làm thi hành việc phục vụ này. Thánh sử Marcô dùng động từ " đón nhận " vào những dịp khác nhau với cách thức khác nhau, nhưng tất cả đều qui về một mối. Thánh sử nói với chúng ta về thái độ đón nhận Lời Chúa (x. Mc 4,20), đón nhậ Nước Thiên Chúa (x. Mc 10,15). Đón nhận có nghĩa là lắng nghe, sẵn sàng, đón nhận Đấng Vô Cùng trở thành Hài Nhi, đón nhận các trẻ nhỏ còn trong nôi, phản ánh của trời cao.
Đem một em bé đặt giữa các môn đệ, ôm nó, Chúa Giêsu dạy các ông một bài học. Đứa trẻ Chúa ôm lấy là chính Người, vì Người là dấu chỉ Chúa Cha sai đến. Trẻ em là dấu chỉ lòng trắc ẩn của Thiên Chúa và sự vâng phục đầy tình con thảo đối với Con Một Chúa đã trở nên bé nhỏ vì yêu thương và chịu đóng đinh trong sự vâng phục giữa những kẻ gian ác. Hài Nhi ấy đến từ Thiên Chúa ; những lời sau đây của Chúa Giêsu : ( "Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy "Mc 9,37) thật rõ ràng: đứa trẻ đặt giữa các ông là hình ảnh của Chúa Kitô, đồng thời cũng là hình ảnh của người kitô hữu, hơn nữa là hình ảnh của chính Thiên Chúa. Đón nhận trẻ nhỏ nhân danh Chúa Kitô là đón nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay là một bài giáo lý nhấn mạnh đến nhân tính của Con Thiên Chúa: Chúa Giêsu là Con của loài người. Đó là lý do tại sao cái chết và sự phục sinh của Chúa là những điều cụ thể, có thật. Chúa không trách các môn đệ nhưng giải thích cho các ông về cách thức của người đứng đầu: đón nhận trẻ nhỏ là đón nhận chính Chúa và Chúa Cha (x. Mc 9,37).
Các môn đệ phải khó khăn lắm mới hiểu rằng bước theo Chúa Giêsu đồng nghĩa với việc từ bỏ mình vác thập giá mình mà bước, nên họ sợ. Chúng ta cũng thế, chúng ta sợ hiểu, không phải chúng ta không hiểu, nhưng vì chúng ta không muốn hiểu. Em bé được đặt giữa các môn đệ là dấu chỉ nhiệm mầu tự hủy của một vì Thiên Chúa nộp mình cho con người. Nghĩa cử đón nhận "trẻ nhỏ" chứng thực lòng mộ mến Đấng Vô Cùng đã trở nên Hài Nhi bé nhỏ cho chúng ta và vì chúng ta.
Trong cuộc Thương Khó chúng ta thấy có lòng thương xót. Không có tình yêu nào cao cả và lớn lao hơn là trở nên nhỏ bé và trao dâng chính mình vì bạn hữu, bước lên thập giá và tự hào, như thánh Tông Đồ Phaolô khao khát: "Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta "(Gal 6,14). Nhưng khi nói đến thập giá, nó không chỉ là hai miếng gỗ, nhưng là toàn thể loài người. Chúng ta là thập giá của Chúa Giêsu, vì khi dang tay ra, con người được coi như là hình hài của cây thập. Trong thực tế, đó là tất cả tình yêu mà Chúa Giêsu đã chấp nhận khi đến với chúng ta, mang vào thân cho đủ mức để sinh ơn cứu độ đời đời cho chúng ta.
Vì thế, việc theo Chúa luôn đòi con người phải có sự hoán cải sâu xa, thay đổi lối sống và suy nghĩ, mở rộng con tim để lắng nghe và biến đổi nội tâm. Nơi Thiên Chúa không có sự kiêu ngạo, chỉ có yêu thương và ban sự sống. Con người tuy bé nhỏ, nhưng lại khao khát được coi là cao cả, được chiếm chỗ nhất, trong khi Thiên Chúa không do dự hạ mình xuống, trở nên người rốt cùng.
Lạy Mẹ Maria, chúng con tín thác khẩn cầu Mẹ là Ðấng hoàn toàn sống hợp với Thiên Chúa, xin dạy chúng con trung thành theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương và khiêm hạ.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
==========================
Suy niệm 5
Theo Chúa Phải Khiêm Nhường Phục Vụ
(Mc 9, 30 – 37)
Sau khi thăm dò ý kiến dân chúng về chính con người của mình, Chúa Giêsu quay sang hỏi các môn đệ, và nhận được phản hồi từ Phêrô tuyên xưng: "Thầy là Đấng Kitô" (Mc 8, 29). Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải cho các ông biết Người là "Người Tôi Tớ đau khổ" được Isaia loan báo cũng Đavít đã nói trong Thánh Vịnh 22 (21). Người Tôi Tớ ấy: "Sẽ phải chịu đau khổ nhiều…bị giết đi" (Mc 8, 31).
Các môn đệ kia không biết các ông có hiểu hay có ý kiến gì không, vì không thấy ai nói gì? Còn Phêrô, vì không chấp nhận mạc khải ấy nên đã bị khiển trách nặng nề: "Satan, hãy lui đi" (Mc 8, 33). Nhưng với tình thầy trò, Chúa Giêsu tiếp tục dạy dỗ các ông nhiều điều, dẫn các ông lên một ngọn núi cao và biến hình trước mặt các ông, để củng cố niềm tin của các ông trước cuộc Khổ Nạn sắp tới.
Bài học về sự phục vụ
Sau khi biến hình, thầy trò xuống núi, trở lại với các môn đệ kia, Chúa Giêsu lại tiếp dục dạy dỗ các ông lần thứ hai: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Marcô ghi rõ: "Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người" (Mc 9, 10), nghĩa là có Phêrô, Giacôbê và Gioan vừa chứng kiến cảnh Thầy biến hình, vậy mà các ông vẫn không hiểu, vì không hiểu nên các ông mới hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" (Mc 9,10) Và cũng từ sự không hiểu biết này dẫn đến cuộc cãi vã dọc đường (x. Mc 9, 34), tệ hơn nữa Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho được một ngồi bên tả, một ngồi bên hữu Thầy (x. Mc 10, 35). Câu trả lời của Chúa Giêsu thật mạnh mẽ: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người" (Mc 9, 35); Và Người nói tiếp: "Cũng vậy, Con Người đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống cho nhiều người" (Mc 10, 45).
Bài học về sự khiêm nhường
Khiêm nhường đón tiếp cả trẻ nhỏ và trở nên người rốt hết phục vụ mọi người, là điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình phải noi theo. Kiêu ngạo sẽ biến người ta trở thành kẻ tự phụ, đề cao mình không đúng mức, hoặc khinh dể kẻ khác, tìm cách hạ người khác xuống để mình được tôn lên. Người kiêu ngạo hay khoe khoang và có thái độ tự đắc, rất ham thích địa vị và tiếng khen, muốn được phục vụ và không phục thiện. Ai không đồng ý kiến, hay nói lời khinh chê, thì họ tỏ thái độ buồn giận bực tức và tìm cách trả thù. Hậu quả là kẻ kiêu ngạo bị Thiên Chúa đối địch và người đời ghen ghét.
Kinh Thánh dạy rằng: “Thiên Chúa chống đối kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho người khiêm tốn” (x. Gc 4,6). Kẻ kiêu ngạo không những bị Thiên Chúa đối địch mà còn bị người đời ghét bỏ và xa tránh. Bị người đời chống lại đã nguy hiểm, phương chi bị Thiên Chúa đối địch thì khủng khiếp biết bao, khốn nạn biết chừng nào. Có lời Chúa phán "Kẻ nào tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và kẻ nào tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên" (Mt 23,12)... Nếu như bạn có điều gì tốt, hãy nhận về bạn, nhưng đừng quên lỗi lầm của bạn; đừng thổi phồng những gì hôm nay bạn đã làm tốt, đừng loại sự xấu gần đây và trong quá khứ; nếu điều hiện tại mang lại cho bạn hư vinh, hãy nhớ quá khứ; đây là cách bạn nhận ra sự kém cỏi của mình!
Và nếu bạn thấy lỗi lầm của tha nhân, hãy thận trọng coi như lỗi này ở trong anh em, nhưng cũng phải suy nghĩ về những gì tốt anh em đang làm hoặc đã làm ; nếu bạn duyệt toàn bộ cuộc sống của bạn và không tính toán chi li, thì theo lẽ thường, bạn sẽ khám phá ra điều tốt nơi mình. Thiên Chúa không để ý đến từng li từng tí của con người... chúng ta phải luôn nhắc nhủ nhau rằng, đừng có kiêu ngạo, hãy ăn ở khiêm hường và hạ mình xuống để được nhấc lên.
Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã từ trời hạ mình xuống… Nhưng sau khi tự hạ, Người đã được tôn vinh, những người bị ngược đãi như các môn đệ đầu tiên, hay những người nghèo khổ, đói rách, trần truồng, đi khắp thế gian, không lời khôn ngoan, không đánh trống phô trương, nhưng nhiệt thành làm việc, lang thang trên đất và trên biển, bị đánh đập, bị ném đá, bị trục xuất và cuối cùng bị giết cũng được tôn vinh với Người.
Chúng ta cũng vậy, hãy bắt chước họ và bước theo để được vào nơi đầy ánh sáng và vinh quang đời đời, đây là món quà tốt hảo và chân thật Thiên Chúa dành cho những ai đi theo đường lối Người.
Lạy Chúa Giêsu khiêm nhường và hiền lành, xin giúp chúng con dẹp tính khoe khoang, cậy mình và năng nhớ lời Chúa dạy: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người" (Mc 9, 35). Amen.
Lm Antôn Nguyễn Văn Độ
==========================
Suy niệm 6
Phục vụ cho đến chết
Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37
Dân tình đang kinh ngạc trước quyền năng cao cả của Thiên Chúa nơi Thầy Giêsu. Thầy chữa bao nhiêu bệnh hoạn tật nguyền chẳng cần thuốc thang, chữa bệnh kinh phong, trừ được những loại quỷ quái ác nhất, hồi sinh kẻ chết, Thầy mới biến hình sáng rực trên núi… Thầy đang nổi tiếng lẫy lừng, đang lúc mọi người còn bỡ ngỡ về tất cả các việc Thầy làm, thì Thầy lại nói với các môn đệ, đoàn tùy tùng theo Thầy, đang hy vọng được cùng hiển trị với Thầy rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”. (Mc 9,31). Thầy nói vậy có nghĩa là Thầy… sắp phải chết. Đang khỏe re thịnh đạt lại nói ra mình sắp phải chết, ai nghe vậy mà chẳng thấy hụt hẫng và sợ, huống hồ các môn đệ là những người hiền lành chất phác, nhát sợ nên không dám hỏi lại về điều ấy. Nếu là chúng con ngày nay chắc đã dãy nảy lên, hoặc là sẽ xua tay bàn lùi như ông Phêrô hôm nào. Thầy đang đầy quyền uy cao cả của Thiên Chúa như thế, sao lại chịu bị nộp vào tay người đời mà chết cho khổ, sao lại có chuyện ngược đời như vậy được? Các ông không thể hiểu nổi một Thiên Chúa quyền uy như thế mà lại chọn con đường đau khổ để cứu độ con người. Các ông sợ vì các ông không dám đương đầu với cái chết của Thầy. Thầy mà chết, hy vọng được cùng thống trị với Thầy sẽ tan thành mây khói.
Còn bỡ ngỡ vì ngược đời hơn, sức mạnh của loài người hèn hạ, lại treo Đấng quyền năng lên thập giá mà sỉ nhục và giết chết. Chỉ sau khi Thầy Phục Sinh, được Chúa Thánh Thần mở trí và cho sức mạnh can đảm, các ông mới hiểu đường lối cứu độ của Thầy mình, họ sẵn sàng can đảm ra đi làm chứng cho Thầy cho dù phải chết đau thương. Cái chết lúc này không phải thất bại nhục nhã, mà là chiến thắng vinh quang, khác xa cái nhìn của loài người.
Còn chúng con hôm nay cũng chưa hiểu nổi, nên vẫn hoài tìm kiếm vinh quang trước mắt, vẫn trốn tránh khó khăn đau khổ. Chỉ khi được mật thiết thâm sâu trong Chúa, chúng con mới hiểu đường lối của Chúa. Trong Chúa chúng con nhìn rõ cách thức yêu thương của Chúa trong từng biến cố, từng cuộc đời của mỗi con người trần thế.
“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” (Mc 9,37). Tiếp đón người thế giá, người thương mến ta thì dễ, nhưng “vì danh Thầy” mà kết thân với người khó ở, bạn bè với người thấp cổ bé họng, hèn hạ đói rách, bệnh tật ngạo ngơ, người “chẳng ra gì” mà kể như chính Thầy thì khó biết bao! Nhưng khi cảm nghiệm mình “chẳng ra gì” mà được Chúa nâng niu, ta sẽ vui vẻ đón nhận người anh em của ta cho dù họ là ai.
Chúa ơi! còn đâu lằn ranh giữa Thiên Chúa và loài người, khi chính Chúa vì yêu đã nộp mình cho chúng con? Chúa chết để cho chúng con được sống. Chúa hiến mình làm của ăn nuôi sống chúng con, ở với chúng con mọi ngày mãi mãi, cho dẫu chúng con hèn hạ bất xứng trăm bề. Xin cho chúng con biết lấy hết tình trong con tim yếu đuối để đáp Tình Ngài, mà không bao giờ cảm thấy đã đủ, đã xứng đã cân, đã xong. Xin cho chúng con biết sống hết mình với anh em, cho Giáo Hội, hiến mình phục vụ vì lòng yêu mến, không cân đo đong đếm, không sợ mất mát được thua. Bởi chính Chúa đã tự hiến “trao nộp” cả thân mình vì chúng con. Một khi được gặp gỡ và nhận ra đường lối yêu thương của Chúa, chúng con luôn sống hạnh phúc bình an, hoan lạc ngay trong cuộc đời phù vân, nay còn mai mất, hôm nay vui sướng, ngày mai đau khổ tàn tạ chợt đến bất cứ lúc nào.
Én Nhỏ