21 NGÀY MẦU NHIỆM GIÁNG SINH - Ngày thứ ba: 03.12.2021 - Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca chương 3 & chương 4
Cập nhật lúc 06:42 03/12/2021
CHƯƠNG TRÌNH 21 NGÀY MẦU NHIỆM GIÁNG SINH
"LẮNG NGHE VÀ XEM LỜI CHÚA THEO TIN MỪNG LUCA"
Ngày thứ ba: 03.12.2021 - Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca chương 3 & chương 4
CHƯƠNG 3: SỨ MỆNH CỦA GIOAN TẨY GIẢ – VỊ TIỀN HÔ CỦA ĐỨC GIÊSU.
Sứ điệp của Thiên Chúa đến với nhân loại không qua bất kỳ một “nhà lãnh đạo vĩ đại” nào vào thời đó, nhưng lại đến với chúng ta qua con người của Gioan Tẩy Giả – Vị Ngôn Sứ mộc mạc giản dị trong cách ăn mặc nhưng lại là người vĩ đại nhất trong các vị ngôn sứ, vì ông là người dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến với con người. Là vị ngôn sứ nối kết giữa Cựu ước và Tân ước. Sứ mệnh của Gioan đã tiên tri Isaia loan báo trước đó nhiều thế kỷ (c.4-6; Is 40, 3-5). Do đó, Gioan Tảy giả vừa là một ngôn sứ và ông cũng là chủ đề của lời tiên báo! Vì ông được sai đến để mời gọi dân Israel chuẩn bị đón chào Đức Mêsia sắp đến bằng cách kêu gọi mọi người hãy hoán cải và đổi mới đời sống của mình. Sauk hi nghe lời kêu gọi của Gioan Tảy giả, những người đương thời đã chuẩn bị như thế nào? Còn chúng ta hôm nay thì sao? Mùa Vọng đã đến, bạn đã chuẩn bị những gì để đón Chúa? Bạn có sẵn sàng để cho Ngài được sinh ra và lớn lên nơi cõi lòng mình không?
Ơn gọi và sứ vụ của Gioan Tẩy giả đến là để kêu gọi dân quay trở về nẻo chính đường ngay, canh tân tâm hồn, sám hối, dọn lòng thanh sạch. Nhờ đó, con người được hưởng ơn cứu độ của Thiên Chúa mà Đấng Mesia mang tới. Và sau cùng, ông có nhiệm vụ giới thiệu Đấng Cứu thế cho nhân loại. Đây cũng chính là sứ mệnh mà tiên Êlia đã loan báo trước. Trong lời rao giảng của mình, Gioan Tảy giả dùng lời nói để chống lại tội và kêu gọi mọi người hoán cải bằng cách đưa ra những lời chỉ dẫn cụ thể cho từng người tùy theo chức vụ và công việc của họ. Đặc biệt, ông cảnh báo cho người đương thời nếu không sám hối canh tân sẽ phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa (c.7, 17). Nếu hôm nay Gioan Tảy giả xuất hiện mời gọi chúng ta, bạn có sẵn sàng đón nhận những sứ vụ như thế này không?
Với lời mời gọi hoán cải kèm theo nghi thức lãnh nhận phép rửa như là một dấu chỉ của lòng sám hối kèm theo lối sống khắc khổ của mình, Gioan Tẩy Giả đã chinh phục được lòng tin của nhiều người. Trong đoàn người đến xin phép rửa của Gioan có Đức Giêsu. Việc đón nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả không có nghĩa là Đức Giêsu có tội nên cần sám hối, nhưng là một cử chỉ của sự đồng hành. Ngài muốn đồng hành với con người trên hành trình sám hối của họ. Cũng chính qua biến cố này, trước mặt dân chúng, Ngài được Thiên Chúa Cha giới thiệu cách long trọng, để bắt đầu công cuộc rao giảng như các ngôn sứ ngày xưa. Với lời khẳng định của Chúa Cha, Đức Giêsu chính là Vị Ngôn Sứ được Thần Khí ngự trên mình, người Con của Thiên Chúa, Đấng Mêsia mà toàn bộ Cựu Ước đã từng tiên báo. Ngài là Đấng vô tội, phép rửa này chỉ là nghi thức để khai mạc sứ vụ công khai của Ngài.
Với Luca, gia phả của Đức Giêsu đi từ dưới lên (tức là từ Giuse đến Ađam). Qua gia phả này, thánh nhân muốn chứng minh rằng: Đức Giêsu là một con người thật, là con cháu của Ađam và Evà. Gia phả này cũng cho chúng ta thấy: Ngài thuộc về một lịch sử đầy những thăng trầm của một dân tộc. Trong gia phả đó, có rất nhiều bậc anh hùng và cũng có những người tội lỗi, nhưng tất cả đều được Thiên Chúa tuyển chọn, để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài. Có thể nói, Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Con Một của Ngài đi vào thế giới qua một dòng dõi, để rồi từ dòng dõi ấy Đấng Cứu Thế được sinh ra, xuyên qua cả những khiếm khuyết và tội lỗi của con người. Nhìn lại cuộc đời mình, bạn có nhận ra tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa đã và đang thực hiện trên cuộc đời bạn không?
CHƯƠNG 4: SỨ MỆNH RAO GIẢNG CỦA ĐỨC GIÊSU.
Bạn đừng nghĩ rằng mình được đầy tràn Thánh Thần và vâng theo thánh ý Thiên Chúa là thoát khỏi những thử thách cũng như cám dỗ trong đời sống đức tin. Trái lại, điều đó vẫn luôn xảy trong hành trình theo Chúa. Bởi đây chính là kinh nghiệm của Đức Giêsu. Trong sa mạc, Ngài đã đối diện với kẻ thù là Satan và đã chiến đấu để chiến thắng. Vì thế, Đức Giêsu có thể đồng hóa với bạn trong những cơn cám dỗ thường ngày và sẽ giúp bạn chiến thắng nếu bạn biết cậy trông nơi Ngài (Dt 2, 17-18). Bạn hãy nhớ rằng: khi bị cám dỗ đó chưa phải là tội, vì Đức Giêsu cũng từng bị cám dỗ; nhưng khi ta đầu hàng và buông theo cám dỗ khi đó nó sẽ thành tội. Lời hứa của ma quỷ là: “Tất cả sẽ là của bạn” (c.7); nhưng trong Đức Giêsu, bạn có mọi sự (1Cr 3, 21-23), và ma quỷ có thể chẳng cho bạn được điều gì cả. Vậy, đâu là hoang địa trong đời bạn? Trong hoang địa đó tôi có được kinh nghiệm gì về Thiên Chúa?
Thánh Thần không chỉ cho bạn chiến thắng, nhưng Ngài còn dẫn dắt bạn (c.14) và trao quyền cho bạn để bạn phục vụ (c.18). Bản văn Đức Giêsu đọc trong Hội đường Nazaret mà tiên tri Isaia đã loan báo (Is 61, 1-2) đã được ứng nghiệm nơi con người của Ngài. Đó chính là sứ vụ mà Đấng Cứu thế sẽ thực hiện cho Dân Chúa không chỉ ngày xưa mà Ngài vẫn đang thực hiện cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống hôm nay. Dân chúng trong hội đường đã muốn nghe một bài giảng an ủi, thay vì một bài giảng kết án. Tuy nhiên, khi Đức Giêsu đề cập đến ơn sủng của Thiên Chúa cho dân Ngoại (c.23-27), dân chúng trở nên giận dữ và xua đuổi Ngài đi vì sự ích kỷ dân tộc! Vì thế, họ đã bị rút lại những phúc lành của Ngài bởi vì họ đã khước từ lời Ngài. Họ đã đóng khung Đức Giêsu dựa vào sự hiểu biết nông cạn theo cảm tính tự nhiên của con người, nên họ đã không hiểu nổi sứ điệp của Ngài. Phải chăng ngày hôm nay bạn cũng ép Đức Giêsu vào trong những chiếc hộp của bạn? Liệu những sứ điệp của Ngài có được bạn đón nhận và biến đổi cuộc sống của bạn?
Đức Giêsu đã hoàn tất sứ mạng (c.18-19) bằng cách đem đến sự chữa lành cho con người cả hồn lẫn xác; giải phóng người nghèo và thiếu thốn bởi quyền năng của Thiên Chúa. Ngài thi hành sứ mạng trong tư cách một Thiên Chúa làm người ở giữa nhân loại. Ngài chữa lành mọi bệnh tật nhờ quyền năng của Thiên Chúa, và Ngài giải phóng con người một cách toàn diện, thế cho nên, sứ vụ chính yếu của Ngài chính là giúp nhân loại lắng nghe được Lời (c.42-44) của Chúa kèm theo lòng trắc ẩn với người bệnh qua việc chữa lành cho họ. Chúng ta có thể không có sức mạnh chữa lành, nhưng chúng ta có thể đem đến sự an ủi và trợ giúp những ai thiếu thốn; và chúng ta có thể làm điều đó nhân danh Đức Giêsu (Mt 25, 34-40). Bạn có tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện đem đến ơn chữa lành không? Bạn có nghĩ rằng bạn cộng tác với ơn Chúa bằng lời cầu nguyện của mình để đem đến ơn chữa lành cho ai đó như là một trách nhiệm của chính bạn, là một chi thể trong Thân Thể của Giáo Hội?
Trong niềm vui chung của toàn nhân loại mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế cứu độ trần gian, Giáo xứ Yên Tập hân hoan chào đón Đức cha Đaminh, Giám mục Giáo phận đã đến thăm và chủ tế Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh vào tối ngày 25 tháng 12 năm 2024.