Ới ông Thời ơi! sao ông không chết đi, ông sống để làm gì? Để làm thánh giá cho tôi vác hay sao?
Tiếng cô con dâu nhiếc móc chồng the thé, làm lão Phía đang nằm bệnh ở giường bên cạnh lên cơn đau nhói, cõi lòng lão như vỡ vụn ra thành từng mảnh. Lão vừa thương vừa giận thằng con trai vốn ngày nào là niềm tự hào và cũng là nơi cậy nhờ của lão khi về già, bây giờ bỗng đổ đốn ra rượu chè, đề đóm, để vợ con coi như cái gai trong mắt, dù con trai lão nay đã lên chức ông.
Hồi trẻ, ông Thời đã đẹp trai lại nổi tiếng là tay chơi đàn Guitar rất điệu nghệ, bố ông là người văn hay chữ tốt, đối nhân xử thế dĩ hòa vi quý, được làng trên xóm dưới ai cũng vị nể. Vì vậy, ông Thời ngày ấy là niềm mơ ước không chỉ của bao cô thôn nữ, mà còn lọt vào tầm ngắm của nhiều bóng hồng mỗi khi ông đi biểu diễn xa nhà. Những bản nhạc ông thường chơi vào những thập niên bảy mươi, tám mươi, ghi lại dấu ấn một thời vang bóng của ông như:
Phiên chợ Ba tư, Vũ khúc Tây ban nha, Tình cho không biếu không... làm con tim bao thiếu nữ lạc nhịp.
Cánh diều dù gặp gió bay cao mấy nữa, thì đến một độ nào đấy cũng phải dừng lại rồi từ từ hạ cánh. Ông Thời kết hôn với một cô gái cùng làng, con nhà tử tế, nết na, xinh đẹp, được bao trai làng thầm yêu trộm nhớ, nhưng cô phán một câu xanh rờn với bạn bè:
“Tao chỉ lấy thằng Thời nhà ông Phía thôi”. Thế là: một cơi trầu nồng thắm, một buổi nói chuyện thân mật giữa hai gia đình, một đám cưới đậm chất quê lúa, ông Thời đã chính thức có... chủ. Sau ngày cưới, những chuyến đi biểu diễn đàn hát của ông Thời thưa dần rồi ngưng hẳn, hai vợ chồng bận bịu tối ngày với công việc đồng áng, cộng thêm chăn nuôi, chạy chợ. Cảnh nhà thì ngày càng đông vui, khi những đứa con trứng gà trứng vịt cứ tiếp nối nhau sòn sòn, mà đúng là cha mẹ như tài tử, giai nhân, nên các con trai gái đứa nào cũng đẹp cũng ximh.. Nhiều lần ngồi lai rai với bạn bè, ông đều... “được” họ tiêm kháng sinh liều cao:
“Đẻ được đàn con như vậy cũng mát lòng mát dạ, nếu là tôi, tôi đẻ cho hết trứng thì thôi”, nghe bùi cái lỗ tai, thế là ông lại hăng say... sản xuất.
Rồi cơn bão lô đề tràn về làng quê tàn phá, làm bao gia đình lao đao, điêu đứng. Ông Thời cũng bị cuốn vào cơn bão ấy, ban đầu thì chỉ chơi một hai ngàn cho thỏa chí tò mò, cũng như là giải trí một chút sau những ngày lao động mệt nhọc. Nhưng rồi qua một vài lần trúng số, một ngàn mà lại được những bảy mươi ngàn nó hấp dẫn làm sao, xóm làng ơi! Vậy là số lần chơi và số tiền chơi cũng tăng lên với phép tính nhân như vậy, lúc được thì uống rượu mừng, khi thua thì uống rượu giải sầu, cứ như vậy rồi ông trở thành con ma men và nghiền lô đề lúc nào chẳng hay. Những khi thua nhẵn túi, tìm tòi chẳng được một xèng để cạo gió, ông sinh ra bực tức, cáu bẳn, cục cằn, thô lỗ. Vợ con ông khuyên can mãi chẳng được, cũng quay lại đấu khẩu với ông, thế là mái nhà bên lũy tre làng thanh bình vốn có, nay thi thoảng lại trở thành trường quay, để các thành viên trong gia đình thể hiện tài năng diễn xuất của mình. Do ngày ngày uống rượu thay cơm, nên sức khỏe ông Thời suy kiệt dần, bước đi siêu vẹo, nói năng lảm nhảm, vợ con cứ phải canh chừng, không cho ông uống rượu. Có lần ông lấy đâu được ca rượu, lén lút định uống, thì đứa con gái lớn nhìn thấy, nó chạy lại giằng lấy ca rượu trên tay và mắng bố như mắng tên ăn mày, hành khất, vậy mà ông Thời chẳng thèm màng đến lời nó xúc phạm, cố cúi xuống uống lấy một ngụm rồi mới chịu buông tay. Nhìn thấy cảnh ấy, lão Phía thấy đắng cay và tủi nhục muôn phần, lão trách con dâu coi thường chồng và các cháu hỗn láo với bố một, thì lão giận thằng con trai chín phần. Thân trai làm cây cột trụ, nhưng chỉ vì rượu mà đánh mất chính mình, liêu siêu vẹo vọ, thì làm sao mà chèo chống được nhà, làm sao mà được vợ con kính trọng.
Lão Phía ốm dặt dẹo, lão thương cái thân già nua của lão, thương thằng con trai chưa già mà cũng dặt dẹo chẳng khác gì lão, thương cô con dâu dù có... bạo miệng, nay xiên xéo bóng gió, mai than khổ kêu trời, nhưng vẫn lo liệu công việc gia đình tươm tất, rồi lão thương nốt đàn cháu đang tuổi ăn tuổi lớn, có đứa còn va vấp trên đường đời. Tất tất cả đều là những cây thánh giá mà Thiên Chúa trao ban, lão mong muốn mọi người trong gia đình hãy nhận ra rằng:
“Người ấy bây giờ là một phần của đời tôi, mỗi người đều là phương tiện mà Thiên Chúa dùng để làm cho người kia được trưởng thành”. Nuốt giọt nước mắt già nua vào trong, lão mong ước vợ chồng, cha mẹ, con cái, đừng coi nhau là cây thánh giá mà mình phải vác, bởi nếu như vậy thì chưa biết ai sẽ là thánh giá của đời ai? Vì mỗi người đều có ưu khuyết điểm của riêng mình. Cuộc sống gia đình là một hội thánh tại gia, một xã hội thu nhỏ,nên cũng có muôn vàn khó khăn, phức tạp và trở ngại. Nếu không bao dung, nhẫn nhịn, chịu đựng, tha thứ, tin tưởng và hy vọng, thì gia đình luôn chất chứa đầy hận thù, nghi ngờ, lên án và thất vọng.
Lão ngước nhìn lên Thánh giá Chúa:
“Chúa ơi! Ngài gánh trên vai muôn phần đau khổ, nặng nhọc của trần thế, lẽ nào một chút thử thách nhỏ nhoi mà gia đình con đã ngã lòng. Xin Chúa ban ơn thêm sức cho gia đình con, để mọi người trong gia đình luôn biết yêu thương, nâng đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh, vì Chúa đã yêu thương chúng con hơn cả mạng sống mình”. Vạn cây thánh giá trần gian
Một vai Chúa vác chẳng than một lời
Gian dâm, trộm cắp, hủy đời
Ghét ghen, đố kỵ, nơi nơi chất chồng
Canvê cao ngất chiều nồng
Dang tay, Chúa ẵm, Chúa bồng tội ai?
Lẽ nào một chút trên vai
Con than, con trách, con nài, con van
Chúa ơi! Xin hãy thương ban
Giúp con chọn thánh giá làm tình yêu.