Hơn một năm qua, đại dịch covid đã làm đảo lộn cả thế giới này. Bệnh dịch lây lan khủng khiếp và khó lường, làm ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến cuộc sống con người và đã cướp đi mạng sống của hàng triệu người trên thế giới. Mọi lãnh vực từ nền kinh tế thị trường, sinh hoạt văn hóa, tôn giáo đến nghành du lịch, môi trường giáo dục, học đường... Tất cả đã bị ngừng trệ, trở nên khó khăn vì con virus corona quái ác. Thật vậy, một con virus vô cùng nhỏ bé không thể nhìn thấy bằng mắt thường, phải nhìn qua kính hiển vi phóng đại ngàn lần mới có thể nhìn thấy, lại làm con người và cả thế giới này phải hoảng sợ lao đao. Nó đã làm cho cả chiếc trực thăng to lớn phải sợ ngừng bay. Trên dòng chảy cuộc đời, mọi hoạt động có tiếp xúc, những hoạt động quy tụ đông người trong lễ hội đều phải dừng lại để tuân thủ giãn cách xã hội.
Giữa thời đại dịch dai dẳng này, đời sống tâm linh của người Kitô hữu cũng phải gánh chịu bao nhiêu hệ lụy. Bản thân người viết dù chẳng mấy khi ra ngoài, mà cũng cảm thấy bị giam hãm bức bí, tù túng, đói khát nhiều về tâm linh.
Cứ lẽ thường mỗi ngày tôi được gặp Chúa một lần trong thánh lễ tại nhà thờ. Hết thời giãn cách nghiêm ngặt lại sang giãn cách khoanh vùng, nới lỏng, rồi thánh lễ hạn chế số người tham dự, tôi vẫn cố gắng để gặp Chúa mỗi ngày. Tại giáo xứ tôi lúc còn hạn chế, cha dâng lễ vào những khung giờ thất thường, lệch giờ, để số đông rất khó đi, chỉ còn lại... số sót, không ảnh hưởng việc giãn cách lúc đó. Có thời sáng sáng tôi đến với Chúa lúc nhà nhà còn ngủ thêm vài tiếng. Dần dà kẹt quá tôi “chạy theo” thánh lễ lúc mọi người bắt đầu ngủ đêm. Giờ lễ nhiều khi bập bênh chẳng biết giờ nào, cứ buổi tối muộn là tôi đến trực sẵn trong nhà thờ chờ lễ. Có hôm tôi ngồi trước Chúa, cầm canh tới 22 giờ, đang nhủ lòng chắc con phải về không mất, thì thấy cha nhẹ nhàng ra dâng lễ. Tôi mừng rơn. Thật đúng của cố là của được và ai bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được... dự lễ! 22g30 tôi về nhà, người thân đã đi ngủ tự bao giờ. Có lần tôi nghe chuông điện thoại reo, cha giục ra mau để bắt đầu kẻo trễ. Vài phút sau tôi chạy xe lăn (điện) ra tới bậc thềm góc sân thì cha chắp tay ra bàn thánh. Kẹt giờ không nhờ được người đưa vào, tôi vẫn an tâm nhìn vào dự lễ, mặc dù nước mắt ướt nhẹp bên trong cái khẩu trang. Tôi không được vào bên trong, nhưng lúc này thì khoảng cách cũng chẳng cách ngăn được lòng. Quả nhiên tới giờ hiệp lễ, cha lại rước Thánh Thể Chúa ra sân cho tôi trước hết. Ôi Chúa của con! vui sao nước mắt lại trào. Buổi tối nọ sau cơn mưa sấm hàng giờ xối xả, tôi nhận được tin báo giờ này cha sẽ dâng lễ. Chân nam đá chân chiêu, tôi cuống quýt đội mưa sang tới cổng sắt thấy khóa im lìm, cổng khác thì mưa ngập như con sông dài trước mặt, ngăn không cho xe tôi lội nước, bất giác cảm thấy thật giống cảnh “quân Philitinh” ngày xưa bị phạt, chặn bởi dòng nước. Thất vọng tôi lặng lẽ quay xe ra về, đang lúc bên trong nhà thờ tiệc thánh đang mở. Sau lễ hỏi sang, người giữ cửa nói khóa cổng sắt chỉ móc hờ đó, để tôi có thể vào cơ mà, nghe mà tiếc xót làm sao.
Lúc dịch bệnh tại Sài Gòn đã nặng, còn tại địa phương tôi thì không đến nỗi, đi lễ về tôi điện thoại vào hỏi thăm, đầu kia chị C.H kêu trễ. Tôi nói giờ mới lễ về, chị kêu lên: “Đừng đi nữa Én ơi! nguy hiểm quá! ở nhà đi!” Tôi vâng dạ bỏ đó. Lần kia sáng sớm khi trời còn tối như đêm, mưa dầm dề, nhưng được người thân giúp ngồi vào xe, mở cổng, tôi hân hoan chùm tấm nilon, “phi” luôn sang nhà thờ. Khuôn viên vẫn im lìm, tôi đang lái xe vượt cái dốc ngắn tũn thì bất giác xe lật nhào về phía sau, đầu tôi trồng như cây chuối xuống đất, bánh xe quay tít vì không thể tắt điện. Có anh khật khưỡng nọ đi thể dục nhìn thấy lại kéo tôi lên. Nhưng hỡi ôi, chẳng những không nổi mà còn bị tuột tay, tôi rơi hẳn nằm sõng soài dưới trời mưa. Lát sau người giữ cửa mới giải cứu, kéo tôi lên cho ngồi lại vào xe như chưa có chuyện gì xảy ra. Sau đó, dù xộc lệch áo quần cũng được vào nhà thờ giáp cung thánh, chả ai biết tôi vừa trải qua chặng thứ ba, con ngã xuống đất “lần thứ nhất”. Tôi không hề hối tiếc vì đã vội vã đi lễ trời mưa gặp rủi, giờ ấy mà nằm đắp chăn ngủ có an thân không. Không, tôi cảm nhận chút xíu thế nào là tình yêu mạnh hơn cả sự chết.
Dịch bệnh ngày càng phức tạp hơn, rồi giãn cách nghiêm ngặt hơn, lại thêm buồn vì cha đặc trách chuyển rời đến vùng ngoại biên. Nhà thờ không có cha ngụ tại, tôi không được đến tham dự thánh lễ riêng của cha nữa. Tôi đành dự lễ trực tuyến hằng ngày và chỉ rước lễ thiêng liêng. Mãi không quen cảnh rước lễ qua mạng “vệ tinh”, trên màn hình ấy, có lúc chỉ toàn chữ chi chít, thôi thì lấy đức tin bù lại. Tôi thấy mình giống đứa trẻ mới bị cai sữa mẹ, tìm cô dì khác cho nhờ, hoặc pha cho tí nước đường uống tạm vậy, nên càng thấy đói khát đến cháy lòng. Nhưng khi tập đón nhận hoàn cảnh khó khăn này, lại thấy những điều hay. Ngày nào tôi cũng được “bay vào, hành hương” lần lượt nhà thờ các giáo phận: Nha Trang, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Sài Gòn, Đà Nẵng...
Thi thoảng tìm đến nhà thờ viếng Chúa, vừa tới nơi tôi bật khóc như trẻ con. Một mình con với Chúa, mãi con chả muốn về, vì con vẫn đói, trong khi Lời Chúa vẳng bên lòng: “Ai đến với tôi, không hề phải đói”.
Bất chợt hôm có người trong giáo xứ qua đời và cha xứ dâng lễ an táng. Vậy là tôi được dự một thánh lễ và rước lễ thật, sau 18 ngày nhịn chay, chỉ lễ onlie góc phòng.
Giờ tôi cũng quen dần với thời gian biểu rất khác thời bình an ổn: sáng dậy sớm đọc kinh thần vụ sáng, sau đó “đi lễ Sài Gòn”. Đầu giờ chiều lần chuỗi Thương Xót, rồi nửa giờ đọc một hơi kinh sách, kinh giờ chín lan sang kinh chiều. Con tin Chúa vẫn ở bên, thật gần và Ngài đã không lãng quên con một giây.
Chúa ơi! chưa bao giờ cả thế giới chìm trong cơn đại dịch như bao tháng nay. Xin Chúa ra tay cứu chữa, gìn giữ bảo bọc gia đình, giáo xứ và nước Việt xinh tươi nhỏ bé của chúng con, đang phải oằn mình trong gian nan khốn khó, chết chóc đau thương. Xin Chúa ra tay giải thoát thế gới chúng con, để chúng con ngày lại ngày được xướng họa đàn ca trước nhan thánh Chúa không ngơi. Amen.