Chúa nhật, 24/11/2024

Sáng tạo đời mình trong ánh sáng của Đức Kitô

Cập nhật lúc 17:41 19/04/2017
Mỗi người chỉ có một đời để sống nhưng không phải ai cũng ý thức điều này để khả dĩ sống trọn một đời. Có những người cho rằng sống một cuộc sống đơn điệu thì chẳng đáng sống, thế mà họ không biết cách để sáng tạo đời mình. Chỉ có một cuộc sống chấp nhận vượt qua những gì là bình thường để “phá cách”, “làm mới” trong ý nghĩa sâu xa của cuộc đời: mới đáng sống.
Bất cứ bước đột phá nào đều phải trả giá bằng thời gian tôi luyện trong âm thầm và bóng tối để có thể phát huy hết nét độc đáo của một nhân vị mà Chúa đã đặt để nơi mỗi người. Qua đó, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của cuộc sáng tạo này mà nỗ lực vượt qua những rào cản vì thử thách là tố chất tạo nên nghị lực, giúp chúng ta tự do sáng tạo nên cuộc đời mình.
TẦM QUAN TRỌNG
Sáng tạo đời mình không phải là một việc mới được các nhà tâm lý học đề nghị, nhưng là một tác động khởi đi từ ơn gọi của con người luôn khát vọng nên tốt hơn và mới hơn mỗi ngày. Như thế, nó đã được ban từ đầu cho hiện hữu của con người để nhờ tự do mà con người biết sáng tạo đời mình. Để thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề này, chúng ta không chỉ dùng danh từ con người nói chung nhưng đích thân: là bạn, là tôi. Chúng ta cần khám phá nét độc đáo của mình để sáng tạo đời mình trong tính duy nhất không thể thay thế của một nhân vị. Lòng tự trọng không cho phép chúng ta dẫm chân tại chỗ vì như thế, mọi người sẽ đạp lên chúng ta mà vượt qua.    
Có thể nói, khát vọng tăng trưởng nơi mỗi người nằm trong qui luật tiến hóa. Ở đó, những gì yếu thế hay lỗi thời phải được đào thải để nhường “sân chơi” cho một cuộc mạo hiểm hay một bước nhảy vọt. Quả thật, chấp nhận sáng tạo là chấp nhận bước vào cuộc phiêu lưu, ra khỏi mình, ra khỏi những gì là cũ kỹ để bước vào một thế giới dành cho những người đam mê dấn thân sống cho và vì một thế giới tốt đẹp hơn.
Sáng tạo đời mình còn mang một ý nghĩa siêu nhiên hơn khi con người được tự do đồng sáng tạo với Chúa cho thế giới tương lai tốt đẹp hơn. Thật vậy, Thiên Chúa đã muốn sáng tạo một thế giới biến dịch, ở thể động để cho con người mặc sức sáng tạo tùy sự khôn ngoan của mỗi người, và định hình nó trong khuôn mẫu của Mầu nhiệm Phục Sinh. Và như thế, chúng ta chỉ thực sự sáng tạo đời mình cùng với Đức Kitô, Đấng đã vượt qua mọi giới hạn phàm nhân.
Tiên vàn, chúng ta cần vạch ra đâu là những cản trở để có thể vượt qua cách ngoạn mục.
NHỮNG CẢN TRỞ
Nếu sáng tạo bản thân là một trách nhiệm và vinh dự cho mỗi người thì bước đầu tiên cần làm là phá bỏ những rào cản khiến bản thân không thể tự do sáng tạo đời mình.
Có thể kể ra một danh sách dài những cản trở cho một cuộc sống sáng tạo. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ dừng lại một số điểm thông thường mà mỗi người thường gặp nơi người khác và ngộ ra chính mình cũng vấp phải. 
- Sợ thất bại: có những ám ảnh tai hại của một số người sau những thất bại nào đó. Họ tự kết án mình cách bất công và để cho những mặc cảm cứ hoành hành bên trong. Họ sẵn sàng phóng đại những thất bại của mình khi so sánh với những thành công của người khác mà quên đi những bổn phận và trách nhiệm đang chờ đợi họ. Chắc hẳn, một thái độ tiêu cực như thế sẽ không thuận lợi cho một cuộc sáng tạo bản thân. Làm sao có gì mới mẻ nếu con người cứ khư khư giữ lấy những thứ cũ kỹ đã qua ? Sức sáng tạo chỉ được thể hiện từ cuộc vượt qua những giới hạn của kiếp người mà thất bại là qui luật tất yếu của cuộc sống. Trỗi dậy sau những thất bại là cơ hội khám phá chính mình, vượt qua bản thân và sáng tạo đời mình. Thật vậy, sau những thất bại, ảo tưởng về bản thân không còn ảnh hưởng nhiều trên những suy tư cuộc sống, các quan niệm sống dần dà mở ra cho những điều mới mẻ mà trước đây bản thân bám chặt vào. Từ đây, sáng tạo bản thân không còn là yếu tố phụ họa nhưng là một đòi hỏi gắt gao với những ai khát khao xây dựng một cuộc sống có ý nghĩa.
- Tính nhát đảm: có những người chưa lâm trận mà tưởng mình như thể sắp lâm chung vậy ! Họ không có chút tư duy, quan niệm riêng và một linh đạo sống khả dĩ hướng dẫn cuộc đời mình. Vì sống thuần tự nhiên, họ phó mặc cho những sinh hoạt thông thường và những thói quen cố hữu. Cuộc sống đơn điệu giúp họ cảm giác an toàn và cảm nhận bình an. Họ dễ đánh mất mình trong một đám đông ô hợp nào đó, lấy ý kiến số đông làm của riêng mình, không nhận định, đánh giá hay chọn một lối đi riêng. Vì đối với họ, sống “phá cách” là một lối chơi ngông, còn sống “trôi sông” thì thuyền xuôi mát mái. Trong khi đó, sáng tạo bản thân đòi phải lội ngược dòng. Lại nữa, tính nhát đảm không cho phép họ đi vào những nơi nguy hiểm, thiếu an toàn; ra khỏi phạm vi cho phép là liều mình chuốc họa vào thân. Họ trở nên dị ứng với những gì mới mẻ và xa lạ. Họ nhủ thầm: “Thế là đủ”, và an nhàn vui thú điền viên. Tắt một lời, đối với họ, sáng tạo chỉ là một ý niệm không tưởng.
- Bị phân tâm: có những người ảo tưởng mình toàn năng để rồi ôm đồm nhiều việc khiến bản thân không kham nổi và trở nên kiệt sức. Sự phân tán và phân tâm đã lấy đi nhiệt huyết dấn thân ban đầu của họ. Thế nên, họ chu toàn bổn phận đã khó, huống chi bàn đến chuyện sáng tạo bản thân. Xu hướng của mẫu người này là dễ đi tìm mình trong công việc mà quên đi nét tính cách độc đáo trong sáng tạo của một nhân vị cần phải có. Làm sao có thể sáng tạo được gì nếu không tập chú vào một đối tượng ưu tiên trong một thời điểm và hoàn cảnh cố định nào đó. Khi ấy, nét độc sáng sẽ được phát huy tối đa với một công suất vượt trội. Khi ấy, chủ thể sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng hình ảnh bản thân tích cực và định hình nhân cách độc đáo trong sự duy nhất và không thể thay thế của mình.
- Thiếu kỷ luật: có thể nói, sống kỷ luật là một đòi buộc trong bất cứ cuộc thao luyện nào mà ở đây, sáng tạo bản thân là một cuộc nỗ lực xây dựng đời mình cách toàn diện và trường kỳ thì kỷ luật ắt hẳn phải là điều kiện tiên quyết và ưu tiên hàng đầu. Thế nên, thiếu kỷ luật là một rào cản nguy hại cho cuộc sáng tạo bản thân. Trong mỗi bước tiến cuộc sống, kỷ luật luôn là người thầy khắt khe nhằm đảm bảo cho một tương lai tốt đẹp hơn; đồng thời, là một người anh hướng dẫn mỗi người đi thẳng đường ngay lối. Hơn nữa, kỷ luật còn là người bạn đồng hành hằng đôn đốc bản thân tiếp tục tiến bước không mỏi mệt vì “cái khó ló cái khôn”. Có thế, tính sáng tạo sẽ gặp đất dụng võ, và nhờ tài biến báo linh động, bản thân sẽ không ngừng triển nở đạt đến mức tối đa nhờ một đời sống kỷ luật làm khuôn thước.
- Thiếu tin tưởng: có thể nói, thiếu tin tưởng vào bản thân là thái độ của người kém bản lãnh. Họ suy tư nhiều nhưng không dám hành động, tiến thoái lưỡng nan, tự đặt mình ở ngã ba đường rồi giằng co, suy tính hơn thiệt, do mập mờ trong bậc thang giá trị mà lấp lửng ngập ngừng không quyết đoán. Như thế, mọi dự phóng đều dang dở, việc cần làm chưa xong, nói chi đến chuyện đột phá trong sáng tạo. Một khi thiếu tự tin vào bản thân cộng thêm không tin tưởng vào sự hợp tác của người khác, họ mất luôn cả chì lẫn chài; việc bỏ dở mà tình huynh đệ cũng lỡ. Thiếu tin tưởng là một loại thuốc độc tiêm nhiễm tinh thần con người thật khủng khiếp. Quả thật, Hoàng đế Napoleon đã chí lý khi nói: mất tiền như chẳng mất gì cả, mất danh dự coi như mất một nửa, còn mất niềm tin là mất tất cả. Niềm tin đã thế ! Mất đi tính sáng tạo cũng mất luôn tính hiệu lực trong việc phát triển bản thân.    
- Thiếu nhận định: trong nhịp sống vội vã và vồ vập, con người dần dà đánh mất đi ý thức phản tỉnh về một sự kiện hay vấn đề nào đó liên quan đến cuộc sống xã hội. Trong sự vội vàng và vu vơ, con người dường như mất dần cảm thức về trách nhiệm của đời sống mình. Vì thế, họ tiếp nhận mọi sự và vơ vào mọi thứ mà không cần biết chúng có ích lợi, ý nghĩa và giá trị gì cho đời sống tôi. Mọi sự đã được thiết kế trên bản thảo, họ chỉ là người thừa nhận và thực hiện tỉ mỉ và chi tiết mà không có một chút gia giảm hay linh động nào trong một cuộc sống luôn biến động này. Hậu quả là họ thất bại; họ quên đi một khoảng cách tưởng chừng vô hạn của những gì trên lý thuyết và trong thực hành. Trước hết và trên hết, họ cần biện phân không những về mặt nhân bản mà cả thiêng liêng, để nhận ra đâu là điều thích hợp nhất đối với mình trong hoàn cảnh này và đâu là kế hoạch của Chúa trong cuộc đời tôi. Có thế, họ sáng tạo bản thân mà không lập dị và kiêu kỳ, trái lại, luôn cởi mở và quan sát để đọc ra những dấu chỉ thời đại đang mời gọi mỗi người dấn thân và sáng tạo cuộc đời mình.
ĐIỀU KIỆN
Sau khi đã đề ra những cản trở hầu giúp chúng ta tỉnh thức và vượt qua, nhờ đó, có thể sống với những ước mơ vĩ đại và sáng tạo nên cuộc đời mình. Đến đây, chúng ta cần đưa ra những điều kiện như thể bắt buộc trong hành trình sáng tạo này.
Đam mê
Triết gia Kierkeegard quả quyết rằng không đam mê, con người như cây khô không nhựa sống, bất động. Thật vậy, nếu nhựa sống là dưỡng chất mang tính quyết định cho sự sống còn của cây thì đam mê không những ảnh hưởng trực tiếp đến hiện hữu con người mà còn giúp con người sống sung mãn đầy tính sáng tạo nữa ! Nếu hiểu đam mê là sức mạnh vô hình nội tại nơi con người nó hướng ý chí và toàn diện con người về một đối tượng nào đó (đối tượng đam mê) thì con người cũng khó cưỡng lại nhưng chạy theo một cách vô thức và vô định. Ngau từ đầu, con người chưa làm chủ tình hình thì nay đã thực sự kiểm soát được chúng và từ đó, chúng giúp con người thành toàn định mệnh đời mình. Nhờ đó, chúng ta mới khả dĩ hiểu được phát biểu của triết gia này: đam mê là hiện hữu nhất. Như thế, cuộc hiện sinh của ta được đánh dấu bằng những đam mê.
Chúng ta có thể sống đam mê để sáng tạo cuộc đời mình trong tính duy nhất và độc đáo cá nhân. Có thế, chúng ta sẽ được tìm thấy dễ dàng giữa đám đông ô hợp. Nơi đó, sáng tạo và đam mê như hai người bạn thân cùng đồng hành giúp cho đặc tính của nhân vị được thể hiện rõ nét nơi chủ thể. Đam mê mà không sáng tạo là đam mê nửa vời, sáng tạo mà không đam mê là sáng tạo xu thời vậy ! Tính nửa vời hay xu thời có thể mang lại cho con người lợi về mặt vật chất cách nào đó nhưng không giúp con người tiến xa và sâu hầu làm tăng phẩm chất cuộc sống.
Chúng ta có thể nhận ra sự đam mê và tính sáng tạo trong mọi hoàn cảnh và mọi sự việc mình làm. Chúng đánh tan mọi chủ nghĩa đơn điệu khiến nhàm chán cuộc sống. Sáng tạo kết hợp với đam mê để bước vào một cuộc phiêu lưu nhằm khẳng định bản thân trên mọi mặt trận. Sự thành toàn chỉ dành cho ai thực sự biết mình đam mê gì và sáng tạo chúng ra sao.
Tự do
Có nhiều người vẫn quan niệm tự do như một cách muốn làm gì thì làm. Đây là thứ tự do phóng túng; đôi khi, phá hoại hơn là sáng tạo. Tự do và sáng tạo ví như hai nhịp của đôi chân bước đi cân đối trên đường tìm đến tính chân thực và độc đáo của một nhân vị. Ở đây, tự do trong khuôn khổ đã được chủ thể định hình nhờ lý tưởng cuộc sống. Nghĩa là tự do không dừng lại ở việc tìm thỏa mãn cho những khuynh hướng hạ đẳng của bản năng, trái lại, chúng hệ tại ở ý chí của chủ thể nhắm đến thiện ích của một điều lớn lao hơn bản thân mình. Như thế, tự do không co cụm nơi bản thân nhưng mở ra cho một viễn tượng mang tính siêu việt là chính Thiên Chúa. Tự do đích thực là tự do hoạt động trong Chúa.
Mỗi loài thụ tạo có một cấp độ hoàn thiện riêng được Thiên Chúa đặt để trong qui luật tuần hoàn của vũ trụ. Riêng con người, Thiên Chúa kêu gọi: Hãy nên hoàn thiện, và trao vào nó một sự tự do như một khả thể chưa được định hình. Nhưng nhờ kết hợp với tính sáng tạo mà con người xứng đáng trở nên người đồng sáng tạo với Thiên Chúa. Đành rằng thụ tạo không thể so với Đấng Tạo Hóa, song, nó được mặc lấy một nét đẹp thần linh vì mang hình ảnh giống Thiên Chúa. Như thế, ngày nào con người còn biết sống tự do trong việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, chúng sẽ phản ánh vinh quang Ngài.
Nhưng làm sao tự do khi thực hiện kế hoạch của Ai đó ? Quả thật, con người thường mù tịt về chính mình, vì thế, mà sinh tội lỗi. Chỉ có Thiên Chúa biết ta hơn ta biết về chính mình. Ngài đã ban cho chúng ta tự do như một đặc ân cao cả và siêu việt trên mọi loài thụ tạo để chúng ta có thể đạt đến chính Ngài. Làm sao chúng ta có thể đạt đến Chúa nếu không phải do chính Ngài chỉ vẽ và lên kế hoạch cho ta. Mà kế hoạch của Thiên Chúa tình yêu là gì nếu không phải là tình yêu. Bởi vậy, con người chỉ có thể tự do trong yêu thương mới khả dĩ đến gần Thiên Chúa. Tự do yêu thương là cách nói khác của tự do sáng tạo, vì chỉ có yêu thương mới làm cho mọi hiện hữu đạt đến mức thiện toàn trong Chúa. Và khi đó, tính sáng tạo làm bật lên nét đẹp thần linh vốn tiềm ẩn trong lòng người; nét đẹp phản chiếu vinh quang Chúa. Đó là hoa quả tất yếu của các thánh đã đạt được vì đã biết tự do sáng tạo đời mình trong Đức Kitô.
Cầu nguyện
Như chúng ta đã biết: cầu nguyện là hơi thở của linh hồn làm sinh động toàn thân. Chúng ta không thể ép buộc một Kitô hữu nào cầu nguyện khi họ không thực sự có nhu cầu. Chính Thánh Thần sẽ làm công việc của mình là khơi dậy trong lòng mỗi người niềm khát khao chính Chúa. Nếu thân xác cần đến thức ăn như một nhu cầu sống còn của mình thế nào thì nhu cầu của linh hồn cũng cần đến Thiên Chúa như vậy, nhưng cho dù, con người có hiểu biết ích lợi của việc cầu nguyện đến mức nào nếu không thực hành cầu nguyện, con người sẽ mất định hướng cho cuộc sống đích thực. Ở đây, chúng ta nại đến việc cầu nguyện như điều kiện tiên quyết giúp bản thân khám phá ra kế hoạch Thiên Chúa dành cho mình để có thể tự do sáng tạo đời mình mà không sợ lạc đường.
Chúng ta có thể được soi sáng nhờ cuộc đời của thánh Têrêsa Calcutta khi mẹ phải vật lộn trong những đêm tối đức tin, vẫn kiên trì cầu nguyện cho đến khi nhận ra kế hoạch cuộc đời mình gắn liền với những người cùng khổ tại khu ổ chuột Calcutta. Có thể nói, với thời gian trong từng biến cố mọi kế hoạch Thiên Chúa sẽ hé lộ cho những tâm hồn kiên trì cầu nguyện. Nhờ đó, họ có thể sáng tạo và hoàn thành cuộc đời mình trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa.  
KẾT LUẬN
Để xây một ngôi nhà, chúng ta phải lên kế hoạch cụ thể từ bản vẽ cho đến mọi phí tốn cho công trình dài hơi này. Cũng vậy, một cuộc đời vốn quý giá, chúng ta càng phải đầu tư gấp bội mới mong hoàn thành. Những cản trở mà chúng ta gặp phải và đã vượt qua, sẽ là chất đổ xuống nền nhà cho thêm vững chắc. Và những điều kiện mà chúng ta đã bàn đến, là những bước chuẩn bị tối cần cho một công trình sáng tạo sẵn sàng được thi công. Và ngay từ đầu, chúng ta đã nhận ra tầm quan trọng của việc sáng tạo này tùy thuộc kế hoạch yêu thương của Chúa. Mọi sự đã sẵn sàng, điều còn lại là chúng ta cần ý thức rằng tôi là tác giả cuộc đời tôi. Tôi chỉ là chính mình tùy cách tôi xây dựng cuộc đời tôi.
 
EYMARD An Mai Đỗ O.Cist.
 
conggiao.info
Thông tin khác:
Người ghen tị (22/03/2017)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log