Trong câu chuyện trên, chúng ta thấy có nhiều điều thuộc về thế giới bên kia. Thế giới tâm linh, linh hồn sau khi con người chết là có thật theo niềm tin của nhiều tôn giáo. Chẳng hạn, đạo Công giáo tin rằng, sau khi chết người ta phải ra trước tòa Chúa để chịu phán xét. Kẻ lành lên Thiên Đàng, kẻ xấu xa xuống hỏa ngục, hoặc họ phải vào luyện ngục để chịu thanh tẩy. Người Công giáo hằng nhớ cầu nguyện cho những linh hồn đang còn nơi luyện tội, để họ sớm được hưởng nhanh thánh Chúa. Đây là màu nhiệm các thánh thông công.
Như thế, theo niềm tin Công giáo, không có chuyện gọi hồn người chết trở về hay tin vào những chuyện bói toán. Giáo Lý Công giáo số 2115 xác tín rằng: “Phải loại bỏ mọi hình thức bói toán. Nghĩa là khi ta cậy nhờ Xa-tan hay ma quỉ, gọi hồn người chết hay những cách khác ngỡ rằng sẽ đoán được tương lai. Thập chí coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải điều mộng, xin xăm, bói toán quá khứ vị lai, đồng bóng, đều là những hình thức che giấu ước muốn có quyền trên thời gian, trên lịch sử và trên cả con người, cũng như ước muốn liên kết với các thế lực huyền bí.” Là người Công giáo, dĩ nhiên khi làm những điều này đều nghịch lại với lòng tôn kính và thần phục chỉ dành cho Thiên Chúa. Tiếc là thực tế có những người nhẹ dạ tiến vào con đường này!
Mặt khác, báo chí dẫn nhiều bằng chứng để cho thấy những gì liên quan đến Chùa trên đây là mê tín dị đoan. Chúng ta hiểu mê tín theo Công giáo là “nghĩ tưởng một cách không hợp lý rằng một số lời nói ra, một số cử chỉ, biến cố hoặc đồ vật có thể có hoặc phát ra những năng lực ma thuật.” (Youcat số 355). Dựa theo định nghĩa này, chúng ta có thể đưa ra những nhận xét riêng về những gì nhiều người đang làm ở Chùa này.
Xem người nghĩ đến ta! Ước gì người Công giáo không chạy theo những mê tín dị đoan. Đành rằng mỗi người có những khó khăn riêng, bệnh tật khiến ta quành quại trong đau đớn, nhưng đừng vì thế mà chạy đến thần này, thầy nọ để tìm những phép lạ viển vông.
Hơn nữa không chỉ chuyện ở chùa Ba Vàng, chúng ta vẫn nghe thấy đây đó có người đi xem bói, người khác đi gọi hồn. Là người Công giáo, ước gì mỗi người đừng đi vào con đường u mê ấy! Xin đừng đùa giỡn với thế giới thần linh hay ma quỷ vong hồn. Người Công giáo chỉ thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi. Ngoài ra, họ không có thần nào khác: thần ngoại, thần tượng, ngẫu tượng (như thần đất, thần tài, thần núi, thần đẹp, thần trẻ v.v…). Trong mọi cảnh huống, chúng ta vững lòng nghe lời an ủi của Giêsu: “Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.” (Ga14, 1). Trong niềm tin này, chúng ta biết phó thác mọi sự trong tay Chúa.
Đừng quên, Giáo Hội nhắn với con cái mình rằng “trong tâm tình tôn giáo và trong cách thể hiện tâm tình này, mê tín cũng có thể xảy đến khi chúng ta thờ phượng Thiên Chúa chân thật; ví dụ như gán một ý nghĩa ma thuật cho một số thực hành vốn chính đáng hay cần thiết.” (GLHTCG số 2111). Chẳng hạn, tôi đến xin với Chúa chữa lành bệnh tật, nếu Chúa không chữa lành, tôi “nghỉ chơi” với Chúa. Nếu nghĩ như thế thì “tội nghiệp” cho Chúa quá. Vì khi đó, “chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.” (Pl 3,19).
Nhân chuyện chùa Ba Vàng, người Công giáo nhắc bảo nhau tránh xa ma thuật hay phù thuỷ. Bởi khi tin vào những điều ấy, người ta muốn chế ngự các thế lực huyền bí, bắt chúng phục vụ mình và nắm được quyền lực siêu phàm trên người khác để trục lợi hay chữa bệnh. Trục lợi thần thánh là điều không nên, và đáng trách. Đó là lỗi nặng liên quan đến nhân đức thờ phượng. Hơn nữa, các việc này càng đáng lên án hơn nữa khi dùng ma thuật hay mê tín mà lợi dụng ý hại người. Vì gọi hồn thường đi kèm cả bói toán hay ma thuật, nên Hội Thánh cảnh giác các tín hữu phải xa lánh các điều ấy.(Xem thêm GLHTCG số 2117).
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con đức tin và tình yêu tinh tuyền của Chúa. Để trong mọi hoàn cảnh, chúng con cầu nguyện với tâm tình của người con thảo: tín thác, yêu mến và phụng thờ. “Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác, thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời.” (Tv139, 24).
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ