Chúa nhật, 24/11/2024

Tình yêu thắng hận thù

Cập nhật lúc 09:57 18/02/2023

Trong Tin mừng Chúa Nhật 7 thường niên hôm nay (Mt 5,38-48), chúng ta thấy hai luật rất khác nhau. Luật cựu ước có vẻ công bằng hơn: Mắt đền mắt, răng đền răng, nghĩa là theo lẽ công bằng mà luật được hình thành. Chẳng hạn bạn đánh tôi một cái, dĩ nhiên là tôi phải đánh bạn một cái. Bạn chửi tôi, tôi chửi lại, bạn tấn công tôi, tôi tấn công lại. Nếu thế thì chiến tranh và hận thù luôn xảy ra. Trong khi đó, phần thứ hai, luật tân ước, Đức Giêsu dạy chúng ta yêu thương nhau. OK! Yêu thương người nhà, người hàng xóm, bạn bè thì chấp nhận được. Đức Giêsu còn đòi hỏi người ta yêu cả kẻ thù của mình. Đây là một thách đố, nhưng cần thiết. Vì sao?

Nếu hỏi giới hạn của tình yêu là gì, thì tình yêu sẽ trả lời thế này: “Giới hạn của Tình yêu là yêu không giới hạn.” Nếu đồng ý với câu trả lời này, chúng ta có thể hiểu được tại sao Đức Giêsu mời gọi chúng ta yêu cả kẻ thù. Hơn nữa, Đức Giêsu còn mời gọi chúng ta cầu nguyện cho họ. Ở đây chúng ta thấy được khoa sư phạm của Đức Giêsu: cầu nguyện có thể giúp chúng ta yêu kẻ thù. Lý do là lúc cầu nguyện, tâm hồn chúng ta được bình an và chính Thiên Chúa cũng giúp kẻ thù của mình trở nên tốt hơn. Điều này sẽ hàn gắn các vết thương của chúng ta.

Để giải thích thêm cho ý trên đây, tôi trích câu chuyện về những cái đinh yêu thương:

Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé rất khó tính. Cha cậu đưa cho cậu một túi đinh để mỗi khi cậu mất bình tĩnh hoặc cãi nhau với ai, cậu bé sẽ đóng một chiếc đinh vào hàng rào ở cuối sân nhà mình.

Trong ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng 37 chiếc đinh vào hàng rào. Trong vài tuần tiếp theo, cậu ấy đã học cách kiểm soát bản thân và số lượng đinh đóng vào hàng rào giảm đi từng ngày. Cậu ấy phát hiện ra rằng việc kiểm soát bản thân dễ dàng hơn nhiều so với việc đóng đinh vào hàng rào.

Cuối cùng cũng đến ngày cậu bé không phải đóng một chiếc đinh nào vào hàng rào nữa.

Sau đó, cha cậu nói với cậu bé rằng: “Mỗi ngày con giữ được bình tĩnh và không đánh nhau với bất kỳ ai, con hãy nhổ một chiếc đinh ra khỏi hàng rào.” Thời gian trôi qua cho đến một ngày cậu bé thông báo với cha mình rằng không còn một chiếc đinh nào trên hàng rào nữa.

Người cha đi cùng con trai đến hàng rào và nói:

– Con trai yêu quý của cha, con đã cư xử rất thân thiện, nhưng hãy nhìn xem hàng rào này có bao nhiêu lỗ hổng. Nó sẽ không bao giờ lành lặn như trước được. Khi con đánh nhau với ai đó và nói điều ác ý với họ, con đã để lại cho họ những vết sẹo giống như những vết sẹo ở đây trên hàng rào này.

Câu chuyện trên đây cho chúng ta thấy rằng: Đã bao lần chúng ta có thể gây tổn thương cho ai đó, và viết thương ấy sẽ ở đó mãi mãi. Cho dù bạn xin lỗi bao nhiêu lần, sự tổn thương vẫn còn. Nhưng với tình yêu, chúng ta sẽ làm cho vết thương ấy trở thành những kỷ niệm đẹp giữa hai người.

Có lẽ chúng ta đều biết những điều trên, nhưng cũng cảm thấy rất khó tập. Không sao! Nếu để ý, tôi tin mỗi người sẽ tập được. Rồi đến một ngày, chúng ta thấy buông bỏ những hận thù sẽ giúp cuộc đời mình thanh thản hơn. Thật tốt để chúng ta dành những năng lượng, thời gian của mình vào những việc tốt lành. Càng chú ý tập những điều tốt, chúng ta càng tránh được những nguy cơ tội lỗi và gây hấn. Ước sao chúng ta hãy bắt đầu tập, nghĩa cử này sẽ lan tỏa đến nhiều người. Nếu mọi thành viên trong Giáo hội sống lời này: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”, tôi tin rằng chẳng có chuyện đánh nhau, chia rẽ hoặc thù hận trong các cộng đoàn.

Tình yêu chiến thắng hận thù dĩ nhiên đó là trên lý thuyết và là hướng tới của chúng ta. Còn thực tế, không phải lúc nào cũng thực hiện được. Bằng chứng là trong mỗi con người thường có những ý hướng tội lỗi. Thấy người khác hơn mình là nảy ra ý định dèm pha. Thấy người khác thành công là sinh ý định ganh tị. Nghe ai đó nổi tiếng thì mình cũng thấy họ chưa là gì. Hoặc biết ai chọc giận mình thì nổi đóa và muốn ăn thua cho bằng được. Danh sách ấy còn dài, và tiếc là vẫn thường xảy ra. Cách duy nhất để hóa giải hận thù chỉ có thể là tình yêu. Đây là loại tình yêu mà Đức Giêsu đã nói đến trong Tin Mừng hôm nay: “tình yêu của thập giá.”

Vì yêu hết mọi người, Đức Giêsu đã chịu chết trên cây thập giá. Ngài chấp nhận mọi đau khổ để cho thấy một tình yêu cao thượng. Tình yêu trọn hảo chỉ có thể gắn liền với thập giá. Nghĩa là trong tình yêu thường có đau khổ. Nói theo ngôn ngữ bình dân, chúng ta cần có hy sinh và chịu đựng để có thể diễn tả tình yêu với anh em mình. Cảm giác ấy lúc đầu khó chịu vô cùng, nhưng sau đó, kết quả là chúng ta thêm bạn bớt thù. Cũng vậy, Đức Giêsu không nói suông về tình yêu, nhưng chứng minh tình yêu trên thập giá. “Khi Chúa Giêsu hiến mình cho các bạn mình trên thập giá, Người chứng minh rằng những lời Người nói về tình yêu Thiên Chúa không phải không có ý nghĩa gì.” (Youcat 33). Thiên Chúa là Tình Yêu (Ga 4,8).

Sau này Mẹ Têrêsa diễn tả một cách tương tự về tình yêu mà Đức Giêsu nói trong Tin mừng hôm nay: “Tình yêu đích thực là phải đau khổ. Nó luôn luôn phải làm khổ và cũng luôn phải đau khổ vì yêu một người nào đó; đau khổ vì phải bỏ nhau, người ta còn muốn chết cho người đó nữa. Khi người ta kết hôn, họ phải từ bỏ mọi sự để yêu nhau. Người mẹ khi sinh con phải đau khổ nhiều. Chữ “tình yêu” đã bị người ta hiểu sai quá nhiều và bị sử dụng sai quá nhiều.” (Youcat 34).

Ước gì mỗi người chúng ta tiếp tục hỏi Chúa về tình yêu. Cứ chiêm ngắm cuộc đời của Ngài để thấy được tình yêu chiến thắng hận thù như thế nào. Lúc đó, chúng ta có mẫu gương để tập sống yêu, tập cư xử dễ thương với người khác, và tập chấp nhận những khổ đau trong tình yêu.

Lạy Cha,

tạ ơn Cha đã cho con gặp được một người bạn,

nay trở thành người yêu của con.

Chúng con cảm thấy hạnh phúc

khi được gần nhau,

được yêu mến, cảm thông và nâng đỡ.

 Xin Cha ở lại trong tình yêu giữa chúng con

và làm cho tình yêu ấy thêm bền vững.

Xin giúp chúng con biết tôn trọng nhau

và làm chủ được những cảm xúc của mình,

để mọi cử chỉ yêu thương chúng con trao cho nhau

trở nên thanh khiết, thiêng liêng và trong sáng.

 Mỗi lần gặp nhau,

xin cho chúng con gặp được Cha,

và thấy Cha

luôn thanh lọc tình yêu giữa chúng con

để nó trở nên giống tình yêu Cha hơn.

 Tình yêu đích thực đòi nhiều hy sinh và đau khổ,

xin cho chúng con nên thánh nhờ biết yêu,

biết chấp nhận sự nghèo nàn của nhau

và biết làm cho nhau thêm giàu có.

 Giờ đây lạy Cha,

chúng con đang được nếm thử mật ngọt của tình yêu.

Xin giúp chúng con lớn lên trong yêu thương

để có thể gánh vác đời sống gia đình mai này

và chung thủy suốt đời với lời giao ước. Amen[1]

  Lm Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Trích trong Rabbouni 108: Tình yêu của Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Nguồn: dongten.net

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log