Thứ tư, 08/01/2025

Canh tân hoạt động loan báo Tin Mừng tại Việt Nam

Cập nhật lúc 23:34 06/09/2015
Năm nay, GH toàn cầu mừng 50 năm ban hành sắc lệnh Ad Gentes của công đồng Vatican II, kim chỉ nam cho công cuộc loan báo Tin Mừng cho muôn dân thời nay ;

Bài thuyết trình tại Đại hội Loan báo Tin Mừng lần III (Huế, 01-04.9.2015)
  
Đại hội Loan báo Tin Mừng lần thứ III này được tổ chức trong bối cảnh của nhiều kỷ niệm đáng nhớ :
- Năm nay, GH toàn cầu mừng 50 năm ban hành sắc lệnh Ad Gentes của công đồng Vatican II, kim chỉ nam cho công cuộc loan báo Tin Mừng cho muôn dân thời nay ;
- Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng đang thổi một luồng gió mới cho công cuộc Tân Phúc Âm hóa.
- GH Việt Nam đang thực hiện kế hoạch ba năm Tân Phúc Âm hóa đời sống gia đình, giáo xứ và xã hội.
- Kỷ niệm 400 năm (18.01.1615) hạt giống Tin Mừng chính thức được các cha Dòng Tên gieo vãi tại Việt Nam, đặt nền móng xây dựng GHVN. 
 
Đại hội lần này mang chủ đề : “CANH TÂN HOẠT ĐỘNG LOAN BÁO TIN MỪNG TẠI VIỆT NAM NGÀY NAY”. Khi chọn chủ đề như thế, Ủy ban LBTM/HĐGMVN muốn gì ?
Trước hết, để đáp lại lời mời gọi của ĐTC Phanxicô, như ngài đã viết trong tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng : “Trong Tông Huấn này, tôi muốn khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này, đồng thời vạch ra những lối đi mới cho hành trình của Hội Thánh trong những năm sắp tới” (EV.1)
Trong mọi lãnh vực phải luôn canh tân để đạt hiệu quả hơn. Việc canh tân công cuộc loan báo Tin Mừng là điều hợp lý, vì mỗi thời mỗi khác, và công cuộc này không bao giờ ở thế yên vị, hoàn hảo, mà vẫn cần phải đổi mới cho hợp thời (update). Công Đồng Vaticanô II đã mạnh mẽ lấy lại chủ đề Hội Thánh được rao giảng bằng việc liên tục hoán cải và canh tân để loan báo Tin Mừng cho thế giới với sự khả tín (AG số 5.11.12).
Công cuộc canh tân sứ vụ này được gọi bằng một từ ngữ mới : TÂN PHÚC ÂM HÓA, thay cho từ ngữ xưa là Truyền giáo, Loan báo Tin Mừng, Phúc Âm hóa ; hay nói đúng hơn, bổ túc và làm rõ nghĩa các từ ngữ trên.
Năm 1979, tại Cracovie, ĐTC Gioan-Phaolô II lần đầu tiên đã sử dụng từ ngữ “Tân Phúc Âm hóa” để gọi tên cho cuộc canh tân này : “Trong thời điểm mới này, trong những điều kiện sống mới ở ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, một cuộc Tân Phúc Âm hóa đã bắt đầu”.
Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Thư Chung 2013 đã giải nghĩa như sau : “Tân Phúc Âm hóa không phải là rao giảng một Phúc Âm mới, vì “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (xem Dt 13,8), nhưng là mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp và trong cách diễn tả. Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của thời đại về nhiều mặt: văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lĩnh hội sứ điệp Phúc Âm” (số 4).
Trong bài này, xin trình bày hai phần :
1. Xem quá khứ và xét hiện tại để điểm lại những gì đã làm được hay chưa làm được trong sứ vụ LBTM tại Việt Nam 50 năm qua, kể từ Ad Gentes.
2. Phải làm gì trong tương lai để công cuộc LBTM có kết quả, dựa trên Evangelii Gaudium.
 
1.1 Trong 50 năm qua, từ khi có sắc lệnh Ad Gentes, GHVN đã làm được gì? Việc lượng định này không dễ. Chúng ta có thể thấy gì qua các phúc trình thường niên của HĐGMVN ? (Vẫn biết các con số không phản ảnh hết, nhưng người ta vẫn nhận rằng có “những con số biết nói”!). Đồng thời, những kết quả thấy được chỉ là phần nổi nhỏ bé của một băng sơn to lớn, nghĩa là có những điều chưa làm được, hoặc đáng lẽ công cuộc LBTM tại Việt Nam phải đạt nhiều kết quả hơn.
Cha Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010), đã viết bài “Nhìn lại sứ mạng truyền giáo trong 50 năm qua”, trong đó ngài cho rằng hiệu quả truyền giáo tại Việt Nam chưa cao. Nếu căn cứ vào các thống kê thường niên của HĐGMVN, con số tín hữu công giáo tại Việt Nam không gia tăng mà lại có chiều hướng thụt lùi :
- Năm 1960, số giáo hữu tại Việt Nam là 2.000.000 / 30.000.000 người, tỷ lệ 6,93%.
- Năm 2000, số giáo dân là 5.200.000 / 77.000.000 người, tỷ lệ 6,70% .
- Năm 2008, con số này là 6.100.000 / 86.100.000 người, tỷ lệ 7,18%.
- Năm 2014, tổng số giáo dân là 6.606.495 / 95.247.775 người, tỷ lệ 6,93%
Kết quả là sau 55 năm (1960-2015), tỷ lệ dân số công giáo tại Việt Nam bằng nhau : 6,93% !
Số tín hữu gia nhập đạo, tức chịu phép Rửa tội, cho thấy thường do hai cách : hoặc sinh ra từ gia đình công giáo; hoặc do kết hôn với người có đạo (chiếm 80-90% trong số người lớn theo đạo). Như thế thì phải nói rằng việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam sau 50 năm không có kết quả là bao, nếu dựa vào các con số thống kê.
1.2 Số người theo đạo không tương xứng với số nhân sự lo việc truyền giáo. Năm 2014, số linh mục cả nước là 4.635 (3.546 linh mục giáo phận và 1.089 linh mục dòng) ; số chủng sinh là 2.357, số tiền chủng sinh là 2.389; số tu sĩ là 19.717 (2.834 nam tu, 16.883 nữ tu) ; số giáo lý viên cả nước là 59.448 người. Tổng số các nhân sự gắn liền với việc truyền giáo là 88.546 người. Số người tân tòng gia nhập đạo năm 2014 là 41.395 người. So sánh hai con số 88.546 và 41.395, ta thấy cứ hai tín hữu ưu tuyển chưa đem được một người vào đạo. Đó là chưa nói đến con số rất lớn các hội viên hội đoàn công giáo tiến hành trong cả nước.
1.3 Trước 1975, miền Nam được thuận lợi để truyền giáo trong mọi lãnh vực như tôn giáo, giáo dục, y tế, bác ái xã hội, huấn nghệ, truyền thông đại chúng... GH được tự do truyền giáo, mở trường học các cấp, điều hành nhà thương, cô nhi viện, dưỡng đường, trường huấn nghệ. Về truyền thông, GH có nhà xuất bản, báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh. Về truyền giáo, có Hội Thừa Sai Việt Nam. Các dòng ngoại quốc và dòng bản quốc được tự do phát triển. Trong khi đó, Giáo Hội tại miền Bắc bị bó tay hoàn toàn do những khó khăn xã hội. Nguyên việc lo cho người có đạo đã khó, nói gì đến việc truyền giáo. Nhiều giáo phận bị kiệt quệ về nhân sự do cuộc di cư năm 1954, và tiếp đó là khó khăn về vật lực.
1.4 Biến cố tháng 4.1975 làm cho toàn Giáo Hội Việt Nam lâm vào tình trạng khó khăn về tôn giáo. Giáo Hội mất hết mọi phương tiện để truyền giáo. Từ thập niên 1990 trở đi thì bắt đầu dễ dàng hơn nhờ sự cởi mở về tôn giáo. Các chủng viện, tu viện được chiêu sinh, việc phong chức linh mục và bổ nhiệm dần dần thuận lợi, việc xây dựng hay sửa chữa các cơ sở tôn giáo cũng dễ dàng hơn, các buổi lễ tôn giáo được tổ chức ở mọi cấp từ giáo xứ, giáo phận và toàn quốc. Các cuộc hành hương lên đến cả trăm ngàn người tại La Vang, Tà Pao, Sở Kiện, các cuộc lễ cấp giáo phận, giáo xứ được tổ chức hoành tráng, rầm rộ… Bước vào thiên niên kỷ thứ III, nhờ tiến bộ về khoa học kỹ thuật, những phương tiện truyền thông như internet, điện thoại di động, truyền hình cáp… lan rộng đến mọi nơi mọi người. Các giáo phận, hội dòng, hội đoàn và cá nhân đã vận dụng những tiến bộ này để đưa Tin Mừng đến với mọi người. Hiện nay, tuy tại một số địa phương vẫn còn những hạn chế và khó khăn về tôn giáo, nhưng phải nhìn nhận rằng GH có trong tay mọi phương thế để thực hiện công cuộc loan báo Tin Mừng, thế nhưng số người tin theo đạo vẫn không gia tăng! Nguyên nhân tại đâu ?
1.5 Trước hết do GHVN chưa có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về công cuộc loan báo Tin Mừng. Muốn nhận thức đúng thì cần phải biết quan điểm, đường lối và hoạt động của GH về vấn đề truyền giáo. Năm mươi năm qua, GH đã ban hành nhiều văn kiện quan trọng liên quan đến sứ vụ truyền giáo, mà ta có thể liệt kê những văn kiện quan trọng nhất : Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân), Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy Vọng), Sắc lệnh Ad Gentes (Đến với muôn dân), Apostolicam Actuositatem (Tông đồ Giáo dân), Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Loan báo Tin Mừng, 1975), Thông điệp Redemptoris Missio (Sứ vụ Đấng Cứu Thế, 1990), Tông huấn Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại Á Châu, 1999), và gần đây nhất, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin Mừng, 2013)... Nhưng đa số tín hữu Việt Nam, kể cả các linh mục, tu sĩ, không được học hỏi thấu đáo, thì không thể có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về việc loan báo Tin Mừng.
1.6 Nguyên nhân thứ hai, giáo dân Việt Nam giữ đạo rất tốt cho mình, nhưng lại thiếu nhiệt huyết thông truyền niềm tin ấy cho người khác, họ nghĩ việc truyền giáo là của ai khác, phần mình chỉ lo cho mình được rỗi. Chính sự thiếu nhiệt huyết này làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam bị trì trệ, không có kết quả. Nhìn vào anh em Tin Lành tại Việt Nam, chúng ta thấy họ rất nhiệt tình truyền bá đạo. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, họ vẫn mạnh dạn và hăng say đem Tin Mừng giới thiệu cho mọi người, nhất là cho anh em dân tộc. Số tín đồ Tin Lành ngày càng cao. Tin Lành được truyền vào nước ta năm 1911, tức sau đạo công giáo 300 năm. Đến nay, chỉ sau 100 năm, Hội Thánh Tin Lành tại Việt Nam đã có khoảng 2.200.000 tín đồ, bằng 1/3 số giáo dân công giáo. Chúng ta cũng có thể nhìn vào Giáo hội Hàn Quốc. Giáo Hội này có nhiều điểm tương đồng với GHVN : cùng ở châu Á, cùng chịu ảnh hưởng Khổng Lão Phật, cùng chịu bách hại, cùng có nhiều chứng nhân đức tin... Vào khoảng thập niên 1960, tỷ lệ giáo dân tại Hàn quốc kém Việt Nam, nhưng sau đó đã gia tăng gấp đôi, và hiện nay đã đạt trên 11%. Giáo Hội Hàn quốc còn đề ra chiến dịch truyền giáo 20-20, nghĩa là họ kỳ vọng vào năm 2020, tỷ lệ giáo dân sẽ đạt 20%.
1.7 Nguyên nhân thứ ba, đó là vì thiếu nền tảng Kitô học vững chắc. Ðể có thể rao giảng Chúa Kitô cho dân tộc Việt Nam vốn nặng về Tam giáo, cần vững vàng về học thuyết Kitô giáo. Học thuyết này sẽ giúp người tín hữu thống nhất về mặt tư tưởng cũng như hành động với Ðức Giêsu và giới thiệu Ngài cho người khác, giải đáp thỏa đáng các vấn đề về Ðức Kitô trong tinh thần đại kết và đối thoại liên tôn. Trong nỗ lực đó, một vài giáo phận như Xuân Lộc, Long Xuyên... đã tổ chức hội thảo “Kể chuyện Chúa Giêsu”. Không thể rao giảng Chúa Kitô nếu không biết Ngài. Ta biết Ngài qua Kinh Thánh, như lời thánh Hiêrônimô : “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”, biết Ngài qua giáo lý của Hội Thánh. Nhưng phải nhìn nhận rằng kiến thức về Kinh Thánh, về giáo lý nơi đa số giáo dân Việt Nam ngày nay vẫn ở mức rất thấp, rất hạn hẹp.
1.8 Đời sống đạo của người tín hữu chưa đi đôi với niềm tin. Thiếu căn bản về giáo lý, kiến thức sơ sài về đạo làm cho đạo và đời không ăn nhập với nhau trong cuộc sống. Ðời sống đạo thể hiện nơi các nghi lễ, các hoạt động bên ngoài, hơn là vào niềm xác tín và cảm nghiệm bên trong. Ngày xưa Chúa đã dùng ngôn sứ Ysaia để khiển trách dân Israel thờ kính Chúa ngoài môi miệng còn lòng trí thì xa Chúa (cf Ys 29,13). Phải chăng chúng ta quá chú trọng đến hình thức bên ngoài, tổ chức các đại hội, lễ lạc, hành hương một cách hoành tráng, tốn phí, phô trương…, mà kết quả xét về mặt truyền giáo thì không có gì!
1.9 Những thách đố của thời đại như chủ nghĩa duy vật, hưởng thụ, tương đối gây ảnh hưởng khiến cho nhiều kitô hữu chỉ sống đạo vật vờ, như mặc cái áo. Ở ngoài Bắc, do nhiều năm thiếu vắng bí tích, nhà thờ, linh mục, nhiều giáo dân đã phai nhạt đức tin hoặc mất đức tin. Bây giờ, khi mọi sự có vẻ dễ dàng hơn, đời sống vật chất đỡ hơn, thì lại bị ảnh hưởng của não trạng hưởng thụ, ngại khó, dẫn đến thái độ hờ hững, giữ đạo chiếu lệ. Đức cha Phêrô Nguyễn Khảm trong một bài viết đăng trên báo Hiệp Thông, số 87, nêu lên ba điểm trong cách sống đạo của phái Ngũ Tuần, qua đó kêu gọi cũng phải nỗ lực như vậy nơi người công giáo : Believing (xác tín về niềm tin của mình) ; Belonging (cảm nhận sự gắn bó trong cộng đoàn) ; Beheaving (thể hiện niềm tin của mình, không mặc cảm, sợ hãi).  
1.10 Gần đây, một vấn nạn thường được đặt ra, đó là có nên truyền giáo không ? Nhiều người chủ trương không nên, vì cho rằng việc chiêu mộ tín đồ cải đạo là xâm phạm tự do của con người.  Tài liệu làm việc (Lineamenta) chuẩn bị cho THĐGM khóa XIII năm 2012, số 35-36 giải đáp vấn nạn này như sau :
“Ngày nay có một sự lầm lẫn ngày càng tăng khiến nhiều người không nghe hoặc không thi hành mệnh lệnh truyền giáo của Chúa (xem Mt 28,19). Người ta thường chủ trương rằng tìm cách thuyết phục người khác theo đạo là giới hạn tự do của họ. Theo quan điểm này, chỉ được phép trình bày ý tưởng của mình và mời gọi người ta hành động theo lương tâm họ mà không nhắm tới việc làm cho họ trở lại với Đức Kitô và đức tin Công Giáo. Có thể nói là chỉ cần giúp người ta trở nên nhân bản hơn hay trung thành hơn với đạo của họ; chỉ cần xây dựng những cộng đồng tìm kiếm công lý, tự do, hoà bình và tình liên đới. Hơn nữa, một số người còn chủ trương rằng không cần phải loan báo Đức Kitô cho những ai không biết Ngài, hoặc không cần phải khuyến khích họ vào Hội Thánh, vì họ vẫn có thể được cứu rỗi mà không cần phải minh nhiên biết Đức Kitô và không cần phải gia nhập Hội Thánh một cách chính thức” (số 35).
Thực ra, loan báo Tin Mừng để mời gọi người khác vào đạo vẫn là điều cần thiết :
“Mặc dù những người không phải là Kitô hữu vẫn có thể được cứu rỗi nhờ ân sủng Thiên Chúa ban cho, bằng những cách chỉ một mình Người biết, song Hội Thánh không thể không biết rằng mỗi con người đều muốn biết khuôn mặt thật của Thiên Chúa và vui hưởng hôm nay tình bạn của Đức Giêsu Kitô, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Việc gắn bó với Đức Kitô, Đấng là Sự Thật, và trở nên thành viên của Hội Thánh Người không làm giảm tự do con người, nhưng đúng hơn nó gia tăng tự do và dẫn đưa tự do tới chỗ hoàn thiện nhờ một tình yêu xả kỷ và sự chăm lo cho hạnh phúc của mọi người. Quả là một món quà vô giá khi được sống trong vòng tay yêu thương của tất cả các bạn hữu của Thiên Chúa, nhờ được hiệp thông với thịt và máu ban sự sống của Con Thiên Chúa; và quả là vô giá khi đón nhận từ Người sự chắc chắn rằng tội lỗi của chúng ta được tha, và được sống trong tình yêu phát sinh từ đức tin! Hội Thánh muốn mọi người được dự phần vào sự giàu có ấy, để họ có thể đạt được chân lý sung mãn và các phương thế cứu độ, để “được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,21). Khi loan báo và thông truyền đức tin, Hội Thánh bắt chước chính Thiên Chúa, Đấng tự thông ban chính mình cho nhân loại bằng việc ban Con của Người là Đấng đổ tràn Thánh Thần để mọi người có thể được tái sinh làm con cái Thiên Chúa”  (số 36)
Sắc lệnh Ad Gentes số 7 cũng quả quyết : Dù Thiên Chúa có thể dùng những đường lối Ngài biết để đưa những kẻ không vì lỗi mình mà chưa biết Phúc Âm đến với đức tin, vì không có đức tin thì không thể làm vui lòng Ngài, nhưng Giáo Hội có bổn phận và đồng thời có thánh quyền rao giảng Phúc Âm ; do đó, ngày nay và luôn mãi, hoạt động truyền giáo vẫn còn giữ trọn vẹn hiệu lực và cần thiết”.
ĐTC Phaolô VI khẳng định vị trí ưu tiên của việc rao giảng Tin Mừng và nhắc nhở các tín hữu: “Sẽ rất ích lợi nếu mỗi Kitô hữu và mỗi người rao giảng Tin Mừng cầu nguyện theo ý tưởng này: người ta cũng có thể được cứu rỗi bằng những cách thức khác, cho dù chúng ta không rao giảng Tin Mừng cho họ; nhưng đối với chúng ta, liệu chúng ta có thể được cứu rỗi hay không nếu vì sự trễ nải, sợ hãi hay hổ thẹn - điều mà Thánh Phaolô gọi là ‘xấu hổ vì Tin Mừng’ - hay vì những tư tưởng sai lạc mà chúng ta không rao giảng Tin Mừng?” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi)
 
2. Còn nhiều điều cần phân tích thêm, nhưng ta hãy tạm bằng lòng với bấy nhiêu cái được và chưa được. Tâm tình của chúng ta khi nhìn về những điều đã làm được trong quá khứ là tạ ơn Chúa; về những điều chưa làm được là xin ơn hoán cải mục vụ để đẩy mạnh hơn sự canh tân sứ vụ loan báo Tin Mừng như ĐTC Phanxicô kêu gọi trong tông huấn EG số 25-33. Hướng về tương lai, ta thử rảo qua những điều cần phải làm, những lãnh vực phải lưu tâm, để canh tân công cuộc loan báo Tin Mừng cho hợp với thời đại hiện nay tại Việt Nam.
2.1 Trước hết, về phương diện cá nhân, sứ vụ loan báo Tin Mừng chỉ có hiệu quả nếu mỗi người kitô hữu có được mối tương quan cá nhân với Chúa Kitô, nói như thánh Phaolô : “Tôi biết tôi đã tin vào Đấng nào” (2Tm 1,12). Chính sự xác tín vào Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ sẽ thúc đẩy người ấy mạnh dạn sống và loan báo Ngài cho người khác, như hai tông đồ Phêrô và Gioan đã mạnh dạn nói trước Thượng hội đồng khi bị cấm rao giảng về Đức Giêsu: “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20). Đức thánh cha Phanxicô viết trong tông huấn Niềm vui của Tin Mừng : “Tôi kêu mời mọi kitô hữu ở khắp nơi, ngay từ lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Giêsu Kitô” (EG số 3). Tài liệu làm việc của THĐGM khóa XIII cũng viết: “…việc tái khám phá tâm điểm của việc tân phúc âm hoá, đó là, sự trải nghiệm đức tin Kitô giáo : gặp gỡ với Đức Kitô, Tin Mừng của Thiên Chúa Cha cho nhân loại, là Tin Mừng biến đổi chúng ta, tập hợp chúng ta lại và dẫn đưa chúng ta, nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần, tới một sự sống mới mà chúng ta bây giờ đã trải nghiệm rồi, ngay trong việc chúng ta cảm nhận mình được qui tụ thành Hội Thánh. Đồng thời, sự sống này là nguyên nhân của niềm vui thúc đẩy chúng ta làm những chứng nhân và người hân hoan loan tin về hồng ân đã nhận, đi khắp các nẻo đường trên thế giới, trong khi ngóng đợi sự hoàn thành Nước Thiên Chúa” (số 17).
2.2 Để có mối liên hệ mật thiết với Đức Giêsu Kitô, thì sự học hỏi Tin Mừng, giáo lý và huấn quyền của Giáo Hội, là những điều cần thiết cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Đã đến lúc GHVN phải quan tâm đào sâu sự hiểu biết này, chứ không thể để tình trạng dốt nát hiểu biết về Chúa tồn tại. Với những phương tiện và khả năng hiện có trong tầm tay, chúng ta không còn có thể đổ lỗi cho bất cứ ai hay bất cứ hoàn cảnh nào ngăn cản sự học hỏi, đào sâu kiến thức đạo. Giáo lý là nền tảng, là cái móng của cả tòa nhà, nếu không vững chắc thì cả tòa nhà sẽ sụp đổ. Phần lớn những người bỏ đạo hay hờ hững là vì họ không hiểu biết Tin Mừng và giáo lý đó thôi. Trong đại hội LBTM năm nay, chúng ta vui mừng sẽ được nghe đức cha Giuse Nguyễn Năng, chủ tịch UBGLĐT/HĐGMVN thuyết trình về đề tài “Dạy giáo lý theo định hướng truyền giáo” rất thích hợp.
2.3 Khích lệ và tạo điều kiện để giáo dân tham gia vào sứ vụ truyền giáo. Công đồng Vatican II đề cao vai trò đi đầu của người tín hữu trong mọi phương diện, nhất là truyền giáo. Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân của công đồng Vatican II cho ta một số nhận định về vai trò truyền giáo của giáo dân như sau :  
- Người giáo dân góp phần loan báo Tin Mừng bằng chứng tá đời sống và bằng lời rao giảng của họ: “Chính chứng tá của đời sống Kitô hữu và những việc lành được làm với tinh thần siêu nhiên có sức lôi kéo người ta đến đức tin và đến với Thiên Chúa, vì Chúa phán: "Sự sáng của các con phải chiếu giãi trước mắt mọi người, để họ xem thấy việc lành các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời" (Mt 5,16). Tuy nhiên việc tông đồ này không chỉ ở tại việc làm chứng bằng đời sống. Người tông đồ đích thực còn tìm dịp loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói hoặc cho người chưa tin để đưa họ đến đức tin, hoặc cho tín hữu để giáo huấn họ, củng cố và thúc đẩy họ sống sốt sắng hơn "vì tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta" (2 Cor 5,14) và trong lòng mọi người phải âm vang lời Thánh Tông Ðồ: "Thật khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm" (1Cor 9,16) (TĐGD số 6) ;
- “Trong những miền thiếu linh mục hay khi các ngài không được tự do thi hành chức vụ, thì Giáo Hội khó có thể hiện diện và hoạt động hữu hiệu nếu không nhờ giáo dân cộng tác” (TĐGD số 1) ; “Việc tông đồ cá nhân có môi trường hoạt động đặc biệt trong những miền người công giáo ít oi và tản mát”. (TĐGD số 17). “Việc tông đồ cá nhân này rất cần thiết và cấp bách trong những miền mà tự do của Giáo Hội bị cản trở trầm trọng. Trong những hoàn cảnh khó khăn đó, giáo dân tùy khả năng thay thế linh mục, họ liều mất tự do của mình và đôi khi ngay cả mạng sống mình để dạy giáo lý công giáo cho những người chung quanh, huấn luyện cho những người ấy biết sống đạo và khuyến khích họ năng lãnh nhận các bí tích và đặc biệt tôn sùng phép Thánh Thể. Thánh Công Ðồng hết lòng tạ ơn Thiên Chúa đã không ngừng cho xuất hiện ngay cả trong thời đại chúng ta những người giáo dân can đảm phi thường giữa những cơn bách hại. Thánh Công Ðồng lấy tình người cha yêu thương và tri ân họ” (TĐGD số 16). (Tại giáo phận Hưng Hóa, có những cộng đoàn người H’Mông suốt mấy chục năm không có bóng dáng linh mục, không nhà thờ, không bí tích, nhưng họ vẫn giữ được đức tin nhờ chính những người giáo dân dạy giáo lý cho nhau, rửa tội cho nhau, và đùm bọc nhau giữ đạo, bất chấp mọi ngăn cản, cấm đoán. Thật đáng ngưỡng phục những con người đơn sơ nghèo hèn bé mọn này !).
- Muốn thế, điều cần thiết là phải huấn luyện người tín hữu sâu sắc về đức tin, trang bị cho họ vốn kiến thức giáo lý. “Việc tông đồ chỉ đạt tới kết quả mỹ mãn nhờ việc huấn luyện đầy đủ và chuyên biệt” (TĐGD số 28), điều mà chúng ta thấy còn rất thiếu nơi tín hữu Việt Nam, chính vì thế mà họ ngại ngùng không dám nói về niềm tin của mình.
Trong đại hội LBTM này, chúng ta sẽ được nghe cha Trưởng ban LBTM giáo phận Xuân Lộc trình bày về việc đào tạo tác viên Tin Mừng là những giáo dân, cũng như hoạt động của họ, được biết là mang lại nhiều kết quả. Đây cũng là tân Phúc-Âm hóa bằng phương pháp mới. Ước mong kế hoạch đào tạo tác viên Tin Mừng được nhân rộng tại các giáo phận Việt Nam.
2.4 GHVN phải đáp ứng lời kêu gọi của Đức thánh cha Phanxicô : “Ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình, để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng” (EG số 20). Đây là âm vang lệnh lên đường của Chúa Giêsu trước khi về trời : “Anh em hãy ra đi khắp tứ phương thiên hạ, giảng dạy cho muôn dân và làm phép rửa cho họ”. Thật đáng ngưỡng mộ khi một số hội dòng trong nước đã gửi tu sĩ của mình ra đi đến năm châu bốn bể để loan báo Tin Mừng, mặc dù trong nước vẫn còn nhiều nơi anh em đồng bào của ta chưa được biết Chúa là ai. Công cuộc truyền giáo và tái truyền giáo vẫn còn ngổn ngang và bức thiết. Đạo công giáo đã hiện diện tại Việt Nam trong 4 thế kỷ, thế mà còn rất nhiều người Việt nam chưa biết Chúa là Đấng nào, nhiều đồng bào dân tộc chưa hề được nghe nói về Chúa ! (Tại Hưng Hóa, sau 70 năm (từ 1945) sống dưới chế độ, rất nhiều anh chị em giáo hữu từ các giáo phận miền đồng bằng đến lập nghiệp tại các tỉnh vùng Tây Bắc đã lơ là nguội lạnh, thậm chí mất đức tin. Con số lên đến trăm ngàn người chứ không ít !). Chúng ta phải cảm nghiệm bài học thấm thía của dụ ngôn tìm chiên lạc : Người mục tử tốt lành ấy dám để 99 con trong hoang địa để đi tìm con chiên lạc cho bằng được. Thấy rồi, anh vác chiên lên vai, đem về nhà, mời bạn bè chung vui. Chúng ta nhìn nhận rằng GHVN vẫn còn thờ ơ với sứ vụ loan báo Tin Mừng. Các linh mục chỉ mới lo cho các con chiên ngoan đạo, còn chiên lạc đàn thì chưa quan tâm đến. Các dòng tu còn lẩn quẩn với việc mưu sinh hoặc lo phát triển cơ sở vật chất, chưa dám mạnh dạn dấn thân ra đi đến vùng sâu vùng xa, vùng “ngoại vi”. ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc, trong bài nói chuyện với hội nghị Bề trên Thượng cấp các dòng tại K’Long ngày 5.11.2013 đã nói : “Giáo hội tại Việt Nam trong thời hiện đại, chưa chu toàn đầy đủ sứ vụ loan báo Tin mừng. Có những cố gắng còn rời rạc, chưa được nối kết và hướng dẫn. Cần phải có một sự “chuyển mình thật mạnh dạn”, thật can đảm từ “mục vụ bảo trì” (pastorale de maintien), gìn giữ và bảo vệ cơ chế, cơ sở, sang “mục vụ truyền giáo” đích thực (pastorale missionnaire)”. Chúng ta mong GHVN mạnh dạn đứng dậy, mở cửa, ra đi mọi miền, để đem Tin Mừng Chúa đến với anh chị em đồng bào. Ước gì các giáo phận dồi dào về nhân lực và vật lực sẵn sàng chia sẻ với các giáo phận thiếu thốn. (Lấy giáo phận Hưng Hóa làm thí dụ : đây là giáo phận rộng mênh mông bao la, diện tích 54.500 km2, có nhiều dân tộc thiểu số (27/54 dân tộc), địa hình phức tạp, giao thông khó khăn, dân cư tản mát. Giáo phận chịu nhiều thương đau  trong suốt 70 năm qua, từ 1945. Vì phải trải qua một thời gian dài không có giám mục, linh mục, bí tích, cộng đoàn, nên con số tín hữu lơ là nguội lạnh rất nhiều. Công cuộc truyền giáo và tái truyền giáo tại đây thật bức thiết. Hiện tại, giáo phận vẫn còn ít linh mục, tu sĩ, về vật chất cũng thiếu thốn vì giáo dân nghèo. Giáo phận Hưng Hóa mong được các giáo phận có nhiều linh mục tu sĩ san sẻ nhân sự giúp cho theo mô hình Fidei Donum, trong khi chờ đợi giáo phận có thêm các linh mục, nhưng xem ra khó được hưởng ứng).  
2.5 Các lãnh vực cần Tân Phúc-Âm hóa ngày nay, cách riêng tại Việt Nam, theo Lineamenta của THĐGM khóa XIII.
- Lãnh vực văn hóa : Trào lưu tục hóa đang lan tràn nhanh tại Việt Nam. Do ảnh hưởng thuyết vô thần thực tiễn, não trạng hưởng thụ vật chất ngày càng tăng, người Việt Nam xưa vốn dễ hướng chiều về tôn giáo, nay dễ dàng loại trừ hoặc dửng dưng với niềm tin tôn giáo. Hoặc họ bằng lòng với những hình thức tín ngưỡng tâm linh lệch lạc để bù trừ và để trấn an tâm hồn vốn khát vọng Đấng Chân Thiện Mỹ đích thật. Ngay nơi những tín hữu công giáo, ta cũng dễ nhận thấy tâm thức tín ngưỡng cầu khẩn, vụ lợi. Một tâm thức như thế sẽ khó đứng vững trước những thử thách của đức tin. Lãnh vực này thật là một thách thức cho công cuộc Tân Phúc-Âm hóa tại Việt Nam, đòi hỏi chúng ta có nhiệt huyết mới, phương pháp mới và cách diễn tả mới cho thích hợp với người thời đại thì mới mong thành công.
- Lãnh vực xã hội : Tại Việt Nam, hiện tượng di dân về các thành phố lớn để kiếm sống đã làm xáo trộn những truyền thống tốt đẹp như tình gia đình, nghĩa vợ chồng, tình làng xóm, để nghiêng theo chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ. Hiện tượng di dân cũng tác động nặng nề để dễ đánh mất niềm tin và sự thực hành tôn giáo nơi những tín hữu trẻ tuổi trong môi trường xa lạ, thiếu vắng sự nâng đỡ của xứ đạo, gia đình, hội đoàn. Đây chính là “vùng ngoại vi” mà công cuộc tân Phúc-Âm hóa cần thâm nhập.
- Lãnh vực kinh tế : Tại Việt Nam, sự chênh lệch giàu nghèo rất lớn, kéo theo nhiều vấn đề : di dân kinh tế, hấp lực của đồng tiền, phân biệt đối xử, làm ăn bất chính, bạo lực, luân lý suy đồi, tham nhũng hối lộ…, trong nhiều trường hợp dẫn đến chỗ dửng dưng với tôn giáo. Sách Châm Ngôn 30,7: “Xin đừng để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài mà nói : "Đức Chúa là ai vậy?" hay nếu phải túng nghèo, con sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con”. Tân Phúc-Âm hóa thực tế là GH phải nêu chứng tá nghèo khó, gần gũi người nghèo, đứng về phía họ theo lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô: “Tôi muốn một GH nghèo”. Đồng thời, GH phải mạnh dạn nói không với một nền kinh tế loại trừ (EG. 53), với ngẫu tượng mới là tiền bạc (EG. 55-56), với một hệ thống tài chánh thống trị thay vì phục vụ (EV. 57-58), với tình trạng bất bình đẳng, nguồn gốc của bạo lực (EV. 59). Chỉ có thể làm những việc này nếu có nhiệt huyết mới của công cuộc Tân Phúc-Âm hóa, nhất là làm gương sáng về một đời sống thanh bần.
- Lãnh vực dân sự : Cho đến nay, xem ra người công giáo Việt Nam vừa bị gạt ra bên lề xã hội, vừa thụ động không muốn dấn thân trong lãnh vực này, trong khi GH muốn chúng ta “nhập thế”, bởi công cuộc Tân Phúc-Âm hóa cũng phải quan tâm đến lãnh vực này, như quyết tâm xây dựng và cổ vũ nền hoà bình; phát triển các dân tộc; các qui định luật pháp quốc tế tốt hơn và sự tương tác của các chính phủ mỗi nước; lắng nghe, đối thoại và hợp tác giữa các nền văn hoá và các tôn giáo khác nhau (đối thoại liên tôn); bảo vệ các quyền con người và các dân tộc, đặc biệt các nhóm thiểu số; thăng tiến các thành phần dễ bị tổn thương nhất; và sự toàn vẹn của tạo dựng và một sự dấn thân cho tương lai của hành tinh chúng ta (Thông điệp Laudato si’ về môi trường). Nhiều Giáo Hội địa phương (vd Hàn quốc) đang dấn thân hoạt động cho những vấn đề này, chuyên cần theo đuổi và cổ vũ chúng trong đời sống hằng ngày của các cộng đoàn chúng ta.
- Lãnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ : Thời đại hiện nay có những thành tựu kỳ diệu đáng kinh ngạc trong lãnh vực này. Trong một thế giới số và toàn cầu hoá, khoa học và kỹ thuật có nguy cơ trở thành những thần tượng mới, ‘tôn giáo mới”, hứa hẹn sự thịnh vượng và thoả mãn tức thời.
- Lãnh vực truyền thông, cách riêng internet : Lãnh vực này đang thời thượng, vì cống hiến cho con người nhiều cơ hội để phát triển mọi mặt, nhưng nó cũng lại là một thách đố cho Hội Thánh. Không một nơi nào trên thế giới hôm nay mà truyền thông không thể tới được, và vì thế mọi nơi đều chịu ảnh hưởng của nền văn hoá số và điện toán. Các phương tiện truyền thông này mau chóng trở thành “diễn đàn” của đời sống dân sự và trải nghiệm xã hội, được thấy rõ qua sự phổ biến của internet. Các công nghệ truyền thông phải được chúng ta nhìn một cách tích cực, không thành kiến, như là một nguồn lực đòi chúng ta phải có con mắt phân định và biết sử dụng chúng một cách khôn ngoan và có trách nhiệm. Hội Thánh đã sử dụng các phương tiện này như một công cụ hữu ích để loan báo Tin Mừng. Ngày nay, cùng với các phương tiện truyền thông có tính truyền thống hơn, đặc biệt sách báo và truyền thanh, thì các media mới đang ngày càng trở thành một nhân tố quan trọng trong tác vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh, giúp tạo ra sự tương tác ở nhiều cấp khác nhau: địa phương, quốc gia, châu lục và toàn cầu. Chúng ta thấy rất rõ tiềm năng trong việc sử dụng cả các phương tiện cũ và mới, cần có một tiến trình phân định chăm chú và được chia sẻ, không chỉ để thẩm định tốt hơn các tiềm năng sử dụng chúng trong việc loan báo Tin Mừng, nhưng còn để hiểu đúng những nguy cơ và hiểm họa có thể có (cf. Lineamenta số 61). Biết khôn ngoan sử dụng mặt tích cực của media vào công cuộc LBTM chính là áp dụng phương pháp và cách diễn tả mới của cuộc Tân Phúc-Âm hóa vậy. (Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã nhận lời đến thuyết trình cho đại hội, nhưng vào phút chót, ngài lâm bênh không thể đến. Tuy nhiên, ngài đã có sáng kiến thu hình và âm thanh để gửi đến đại hội, đấy cũng là một phương pháp mới để tân Phúc-Âm hóa).
- Lãnh vực tôn giáo : Ngày nay, trong khi khuynh hướng loại trừ, dửng dưng với tôn giáo gia tăng, thì đồng thời lại có khuynh hướng quay về với tôn giáo nhờ các hình thức linh đạo mới, đặc biệt nơi giới trẻ. Người Việt nam nói chung hiện vẫn có niềm tin tín ngưỡng trong cuộc sống, tuy vẫn dễ có những lệch lạc ngộ nhận như mê tín dị đoan. Giới trẻ vẫn còn gắn bó với tôn giáo, người đi tu vẫn còn nhiều. Tuy nhiên, phải giúp họ xác tín hơn nữa vào tôn giáo đích thật, tìm cho cuộc sống có ý nghĩa. Giới trẻ thật sự cần tân Phúc-Âm hóa để có niềm tin vững chãi trước những thách đố khi vật chất lên cao và khuynh hướng hưởng thụ cám dỗ.
2.6 Nhìn vào xã hội và Giáo Hội Việt Nam hôm nay, chúng ta nhận thấy cần phải Tân Phúc-Âm hóa với nhiệt huyết mới, phương pháp mới và cách diễn tả mới để sứ vụ loan báo Tin Mừng có thể đơm hoa kết trái. Xin nêu lên một số lãnh vực và hoạt động mục vụ cần quan tâm như sau :
- Phát triển mô hình cộng đoàn cơ bản, các nhóm nhỏ cùng chí hướng, hoạt động, sở thích, để cá nhân dễ hòa nhập và không cảm thấy xa lạ hay bị lãng quên.
- Huấn luyện giáo dân và tạo điều kiện để họ cộng tác vào sứ vụ loan báo Tin Mừng, như đã trình bày ở trên.
- Cổ vũ sự phối hợp giữa các Ủy ban thuộc HĐGMVN, không phải mỗi ủy ban hoạt động riêng rẽ, độc lập. Trong Đại hội này, chúng ta vui mừng có sự tham dự của một số đại diện các Ủy ban thuộc HĐGMVN, để trao đổi thêm về hoạt động chung với nhau trong hướng loan báo Tin Mừng, vì tất cả mọi hoạt động của GH đều liên quan đến sứ vụ loan báo Tin Mừng.
- Công cuộc Tân Phúc-Âm hóa để loan truyền đức tin được nhắm đến ba đối tượng : 1/ các kitô hữu vẫn giữ đạo ; 2/ những người đã được rửa tội nhưng nguội lạnh, để mời họ hoán cải, phục hồi niềm vui của đức tin ; 3/ những người chưa biết Chúa hay chối bỏ Ngài. (cf. EV.14). Cho đến nay, nói chung, chúng ta chỉ mới chú trọng làm mục vụ cho những người đang giữ đạo, những con chiên ngoan hiền, chứ chưa quan tâm đủ đến những người khô khan nguội lạnh, hay những người chưa hề biết Chúa, những người có cái nhìn sai lầm về Thiên Chúa và Giáo Hội công giáo. GHVN cần mạnh dạn ra đi, đến với những người anh em này để loan báo Tin Mừng, đúng với ý nghĩa Ad Gentes là đến với muôn dân, với người chưa tin nhận Chúa. Họ cũng có quyền được biết Chúa và làm con của Ngài. Các giám mục phải dành một phần nhân lực và vật lực để LBTM cho những người chưa biết Chúa : “Giám Mục phải lo liệu để hoạt động tông đồ không chỉ giới hạn cho những người đã tòng giáo, nhưng phải dành một phần nhân lực và vật lực tương đương vào việc rao giảng Phúc Âm cho những người ngoài Kitô giáo” (AG.30)
- Hướng đến những anh chị em dân tộc thiểu số. Những người này cho đến nay vẫn chịu nhiều thiệt thòi, cả về vật chất lẫn tinh thần. (Cụ thể tại Hưng Hóa, có đến 27/54 dân tộc thiểu số, nhưng mới chỉ có một vài dân tộc như Mường, H’Mông, Thái, Mán được biết Chúa, còn những dân tộc khác chưa hề được nghe rao giảng Tin Mừng).
- GHVN cần thận trọng kẻo rơi vào khuynh hướng phô trương : xây nhà thờ lộng lẫy, hoang phí; tổ chức các cuộc lễ hoành tráng, tốn kém rất nhiều, mà chưa dám dốc lực vào việc truyền giáo. Nên bớt đi những xa hoa phù phiếm, để dành vật lực vào công cuộc LBTM đúng nghĩa.
- Chia sẻ nhân lực với những giáo phận đang thiếu linh mục, tu sĩ truyền giáo. Đây chính là điều công đồng Vatican II đã nói đến, trước hết đối với các giám mục : “Tùy sức có thể, các giám mục hãy lo gửi một số linh mục của mình đến thi hành thánh vụ tại những xứ truyền giáo và các giáo phận nói trên vĩnh viễn hay ít là trong một thời gian hạn định” (CD. 6; AG. 19) ; đối với các linh mục, cũng vậy, các vị phải sẵn sàng dấn thân cho những nơi cần đến : “Các linh mục phải tỏ ra sẵn sàng, và khi có dịp, các ngài phải hăng say tình nguyện để Ðức Giám Mục sai đi khởi công truyền giáo tại những miền xa xôi và bị bỏ rơi trong giáo phận mình hoặc trong các giáo phận khác” (AG. 20). “Vì ngày càng cần nhiều thợ vườn nho Chúa và vì các linh mục giáo phận cũng ước ao ngày càng được góp phần lớn hơn vào việc rao giảng Phúc Âm cho thế giới, nên Thánh Công Ðồng rất ước mong các Giám Mục, trong khi cân nhắc về việc thiếu linh mục rất trầm trọng đang cản trở việc rao giảng Phúc Âm cho nhiều miền, hãy sai đến những giáo phận thiếu giáo sĩ vài linh mục xuất sắc đã tự hiến để làm việc truyền giáo và đã được chuẩn bị đầy đủ, để họ thi hành thừa tác vụ truyền giáo với tinh thần phục vụ ít là trong một thời gian” (AG. 38) ; các dòng tu hoạt động phải sẵn sàng cộng tác vào sứ vụ LBTM : “Còn các Hội Dòng sống đời hoạt động, hoặc theo đuổi mục đích hoàn toàn truyền giáo hoặc không, đều phải thành thật tự vấn trước mặt Chúa xem mình có thể bành trướng hoạt động vào việc mở rộng Nước Chúa nơi muôn dân không; xem mình có thể trao một số thừa tác vụ cho những người khác để cống hiến sức lực mình cho các xứ truyền giáo không; xem mình có thể khởi công hoạt động trong các xứ truyền giáo bằng cách thích nghi Hiến Pháp của mình nếu cần, mà vẫn theo tinh thần của Vị Sáng Lập không; xem các tu sĩ của mình có thể tùy sức tham gia vào hoạt động truyền giáo không; xem cách sống thường xuyên của họ có phải là một chứng tá của Phúc Âm được thích nghi với đặc tính và hoàn cảnh của dân chúng không” (AG. 40).
- Quảng đại đóng góp vật chất cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo. Từ vài năm nay, GHVN đã  đóng góp nhiều hơn so với những năm trước cho các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, tuy vẫn không tương xứng với việc nhận lại sự trợ giúp từ các Hội này. Điều này đặt cho chúng ta một suy nghĩ, đó là phải chăng đã đến lúc GHVN phải tự túc tự lực, không nên ngửa tay nhận sự trợ giúp từ Tòa Thánh nữa, vì chúng ta đã nhận quá nhiều và quá lâu, đồng thời đóng góp quảng đại hơn nữa để các hội Giáo Hoàng Truyền Giáo có thể giúp các Giáo Hội cần hơn.    
Trên đây mới chỉ là một số nhận định, chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Vì thế trong giờ thảo luận tiếp theo, xin các tham dự viên bổ túc về những gì mà GHVN cần làm trong tương lai, để canh tân sứ vụ LBTM tại Việt Nam sao cho có kết quả hơn. UBLBTM trân trọng đón nhận mọi suy tư, góp ý, đề nghị, đến từ mỗi tham dự viên, bất luận là giáo dân, tu sĩ hay linh mục.
 
Kết luận :
Ai trong chúng ta cũng đều mong ước được thấy một cánh đồng phong nhiêu vào ngày mùa, với những bông lúa nặng trĩu ba mươi, sáu mươi, một trăm hạt, đong đưa dưới ánh nắng rực rỡ, trong làn gió thơm thoảng, và nụ cười tươi nở trên khuôn mặt bác nông dân. Ngày mùa bội thu ấy chỉ đến sau một quá trình gian khổ, khom lưng trên cánh đồng để chăm sóc cây lúa : “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 125,5).
Xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần đến giúp chúng ta tiếp nối sứ vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô. Trong tâm tình cầu nguyện, chúng ta hãy để cho những lời Chúa về sứ vụ truyền giáo âm vang trong tâm hồn, củng cố niềm tin-cậy-mến của chúng ta, những môn đệ Ngài.
-          “Đẹp thay bước chân người rảo khắp núi đồi để loan báo tin vui, tin bình an” (Is 52,7).
-          “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).
-          “Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng : "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về" (Mt 9,35-38).
-           “Đức Giêsu nói với các ông : “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).
 
                                                                                                     +  Anphong Nguyễn Hữu Long
                                                                                                Giám mục Phụ tá Giáo phận Hưng Hóa
                                                                                                     Chủ tịch UBLBTM/HĐGMVN
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log