LỊCH SỬ HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ HƯNG HÓA
I. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH
“Dòng Mến Thánh Giá do Đức Cha Lambert de La Motte sáng lập tại Đàng Ngoài năm 1670 và Đàng Trong năm 1671. Đây là Dòng nữ đầu tiên mang bản sắc Á Đông, vừa chiêm niệm vừa hoạt động, có lời khấn, sống thành cộng đoàn theo một bản luật, trực thuộc Đấng Bản quyền sở tại và hướng về việc truyền giáo cho lương”. (Trích Điều 1, Hiến Chương Dòng Mến Thánh Giá). Hiện nay, tại Việt Nam có 26 hội dòng Mến Thánh Giá.
Hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa là một trong 26 hội dòng Mến Thánh Giá đang hiện diện tại Việt Nam.
Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, trước nhu cầu mục vụ nơi một Giáo phận rộng lớn, Đức Cha Gustave Vandale Vạn, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa (1936-1943), mong muốn có một Hội dòng Giáo phận để cộng tác với hàng giáo sĩ địa phương trong công việc mục vụ và truyền giáo. Từ thao thức đó, năm 1943 ngài đã liên lạc với Đức Cha Gioan Phan Đình Phùng, Giám mục Giáo phận Phát Diệm mời các nữ tu Mến Thánh Giá Phát Diệm đến Giáo phận Hưng Hóa giúp cải tổ các "Nhà Mụ" trong Giáo phận.
Nhận lời mời của Đức Cha Gustave Vandale Vạn, nữ tu Anna Trần Thị Bạch Hương, Bề trên dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm đã gởi bốn nữ tu đến Giáo phận Hưng Hóa ngày 15.01.1943; lập thành cộng đoàn Mến Thánh Giá đầu tiên của Giáo phận Hưng Hóa. Đây được coi là ngày chính thức khai sinh Hội dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa. Cơ sở đầu tiên của Nhà dòng là một căn nhà lá 3 gian tại thị xã Yên Bái, tỉnh Yên Bái (nay là Tổ 38, Phường Hồng Hà, Tp. Yên Bái, tỉnh Yên Bái).
II. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH
Sau hơn một tháng ổn định nhà cửa, các chị mở lớp chiêu sinh và đào tạo các ơn gọi Mến Thánh Giá tại Hưng Hóa. Lớp dự tu đầu tiên gồm 13 chị, một số đến từ các Nhà Mụ trong Giáo phận như Bầu Nọ, Chiêu Ứng, Yên Tập; số khác đến từ các gia đình.
Chiến tranh xảy ra, các chị phải sơ tán nay đây mai đó. Ngày 18.01.1957, được sự chấp thuận của Đức Cha Mazé Kim, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa (1945-1960), chị em đã dời trụ sở nhà mẹ từ Yên Bái về định cư tại thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây (sau gọi là tỉnh Hà Tây và bây giờ thuộc Hà Nội). Những năm đầu, Nhà Dòng nhận tu sinh mới, nhưng chiến tranh ngày càng ác liệt, nên phải ngưng nhận ơn gọi cho tới năm 1980.
Từ năm 1981, Nhà Dòng tiếp tục đón nhận và đào tạo các ơn gọi, dù chỉ trong âm thầm, lặng lẽ nhưng số ứng sinh, khấn sinh ngày một gia tăng, các cộng đoàn mới lần lượt được thành lập để đáp ứng nhu cầu tông đồ mục vụ trong Giáo phận.
Cơ sơ cũ Nhà Mẹ Hội dòng tại 15/2 Lê Lợi, Sơn Tây đã xuống cấp trầm trọng và quá chật hẹp, không thể đáp ứng được những sinh hoạt lớn của Hội dòng. Vì thế, ngày 26 tháng 7 năm 2010, Nhà Mẹ của Hội dòng đã được di dời đến cơ sở mới gần Nhà thờ Chính tòa (thuộc khu 7, Trung Sơn Trầm, thị xã Sơn Tây, Tp. Hà Nội).
Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh và những khó khăn nghiệt ngã của thời cuộc nhưng vẫn trung thành và kiên vững nhờ tín thác vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Đến nay, Hội dòng có 28 cộng đoàn: 26 cộng đoàn tại Giáo phận Hưng Hóa, một cộng đoàn tại Giáo phận Hà Nội và một cộng đoàn tại Giáo phận Sài Gòn; với 290 nữ tu, 44 tập sinh, 34 tiền tập và 100 đệ tử. Chị em dấn thân phục vụ trong các lãnh vực: văn hóa, xã hội, y tế, luân lý và đức tin.
III. LINH ĐẠO, ĐẶC SỦNG VÀ SỨ MẠNG DÒNG MẾN THÁNH GIÁ
Ơn gọi sống đời thánh hiến trong Dòng Mến Thánh Giá là quà tặng cao quý của Thiên Chúa, làm cho người nữ tu thông dự vào linh đạo và đặc sủng của Đấng Sáng Lập bằng cách:
- Hướng trọn lòng trí và cuộc sống về "Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất"
- Sống sứ vụ tông đồ thừa sai để loan báo Phúc Âm cho các dân tộc và góp phần xây dựng Giáo hôi địa phương.
Chị em Mến Thánh Giá được mời gọi thông dự vào tinh thần trung gian của Đức Giêsu Kitô và tiếp nối sứ mạng của Người, bằng việc chuyển cầu nơi nguyện đường và trong cuộc sống.
Phát sinh từ lòng dân tộc và gắn bó với Giáo hội địa phương, nhằm bổ túc cho sứ vụ của hàng giáo sĩ trong những công việc phù hợp với đức tính của người nữ tu; chị em Mến Thánh Giá được mời gọi: sống tinh thần Nadaret trong thái độ kiên trì cầu nguyện, yêu thích trầm lặng, lao động chuyên chăm, bác ái cụ thể. Đồng thời, phát huy những nét riêng của người phụ nữ Việt Nam: đảm đang, trung hậu, quả cảm…, quên mình trong cuộc đời hiến dâng, để sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và phục vụ hạnh phúc của mọi người.