Người ta thường bảo tình yêu là mù quáng. Có thật như vậy không? Thật ra trên thế gian này không có gì trong sáng rõ ràng hơn tình yêu. Chỉ có sự quyến luyến ràng buộc là mù quáng, chứ không phải tình yêu. Quyến luyến ràng buộc là bám víu một điều hay một người nào đó vì ngộ nhận rằng điều ấy hay người ấy hết sức cần thiết cho hạnh phúc của mình.
Bạn có đang quyến luyến một một người hay một điều gì mà bạn ngộ nhận rằng mình không thể hạnh phúc nếu thiếu chúng? Thử làm danh sách liệt kê những sự quyến luyến ấy, trước khi chúng ta tiếp tục tìm hiểu tại sao những sự quyến luyến ấy làm mờ mắt chúng ta.
Hãy nghĩ tới một nhà chính trị tin chắc rằng mình sẽ không bao giờ hạnh phúc nếu chưa nắm được quyền. Vì say sưa tìm kiếm quyền lực mà ông ta bị chai sạn không nhạy cảm trước nhiều điều khác trong cuộc sống. Ông gần như không có giờ cho gia đình và bạn bè. Ai ai trong mắt ông cũng được xếp vào loại người đang ủng hộ hay đang đe doạ tham vọng của ông. Thậm chí ông cũng không để ý có những người không thể đe doạ hay ủng hộ ông. Nếu bên cạnh sự khát khao quyền lực ông còn quyến luyến với những điều khác như tình dục hay tiền bạc, ông sẽ trở nên hết sức độc đoán đến nỗi có thể nói ông gần như mù quáng.
Ai cũng thấy điều ấy, ngoại trừ ông. Đây là lí do đưa người ta đến chỗ dẹp bỏ đấng mêsia, dẹp bỏ chân thiện mỹ, vì người ta đã mù quáng tới mức không thể nhận ra những điều ấy.
Bây giờ bạn cũng hãy thử tưởng tượng mình đang lắng nghe một ban đại hoà tấu, nhưng rất tiếc vì tiếng trống lớn quá bạn không thể nghe thấy điều gì khác. Muốn thưởng thức nhạc giao hưởng thì phải nghe được mọi nhạc cụ trong ban đại hoà tấu.
Muốn sống trong tình trạng gọi là yêu thương, bạn phải có khả năng nhạy cảm với vẻ đẹp độc đáo của từng vật và từng người chung quanh mình.
Khó có thể nói là bạn đang yêu mà lại không chú ý tới điều mình yêu: và nếu chỉ chú ý tới một vài điều mà bỏ qua các điều khác thì cũng chưa phải là đang yêu.
Bởi vì tình yêu không loại trừ ai: nó ôm hết cuộc đời, nó nghe khúc nhạc giao hưởng như nghe một khúc nhạc duy nhất chứ không chỉ nghe một hay hai nhạc cụ.
Bây giờ, bạn hãy dừng lại một lát để xem những quyến luyến ràng buộc của mình cũng rút cạn sự sống của mình không thua kém gì nhà chính trị vì quyến luyến quyền hành hay nhà buôn nọ vì quyến luyến tiền bạc mà trở nên chai sạn không còn thưởng thức được giai điệu sự sống.
Hoặc thử nhìn vấn đề này một cách khác:
Một lượng thông tin khổng lồ đang liên tục từ thế giới bên ngoài đổ vào con người bạn thông qua các giác quan, thông qua các bộ phận khác của thân thể bạn.
Nhưng chỉ một phần rất nhỏ trong lượng thông tin ấy đến được đầu óc tỉnh táo của bạn. Tương tự như hằng ha sa số thông tin phản hồi được gởi đến tổng thống, nhưng chỉ một phần trăm cực nhỏ đến được với ông. Có ai đó trong văn phòng tổng thống đã lọc và xử lí các thông tin ấy.
Ai là người quyết định trong tất cả chất liệu từ thế giới bên ngoài đổ vào cái nào sẽ được phép đi vào đầu óc tỉnh táo của bạn? Thưa có ba nguồn lọc thông tin ấy: trước hết là những sự quyến luyến ràng buộc bạn, thứ đến là những xác tín của bạn và sau cùng là những nỗi lo sợ của bạn.
1. Những sự quyến luyến ràng buộc: bạn sẽ không thể nào không lọc xem những gì hỗ trợ và những gì đe doạ những mối quyến luyến ấy, và bạn sẽ sẵn sàng nhắm mắt không nhìn những thứ khác.
Bạn sẽ không quan tâm tới những thông tin khác, như nhà buôn tham lam kia không thèm biết tới những gì không dính dáng tới việc làm ra tiền.
Những xác tín: chỉ cần nhìn một người cuồng tín không chú ý gì khác ngoài những gì củng cố niềm tin của mình, sẵn sàng loại bỏ bất cứ điều gì đe doạ niềm tin ấy, bạn sẽ hiểu những xác tín đang gây ra điều gì cho bạn.
2. Và những nỗi lo sợ: nếu như bạn biết trong vòng một tuần nữa mình sẽ bị hành quyết, bạn sẽ tập trung tâm trí vào điều ấy, mà không màng tới bất cứ điều gì khác. Hậu quả của những nỗi lo sợ là đó.
Chúng xoáy chặt chú ý của bạn vào một số điều này và bỏ qua mọi điều khác.
3. Bạn có thể lầm nghĩ rằng:
a. những nỗi lo sợ ấy là những điều che chở bạn.
b. những xác tín kia đã giúp bạn trở thành người như hiện nay.
c. và những quyến luyến ấy sẽ làm cuộc đời bạn hào hứng và an toàn.
Bạn không thấy chúng đang thực sự là bức màn ngăn cách bạn với giai điệu cuộc sống.
Đành rằng bạn không thể nào ý thức trọn vẹn từng nốt nhạc trong giai điệu ấy. Nhưng nếu như tâm trí bạn được khai thông và giác quan bạn được mở ra, bạn sẽ nhận thức được các sự vật đúng bản chất của chúng, sẽ giao tiếp được với thực tại và sẽ sung sướng với biết bao giai điệu của vũ trụ này. Lúc ấy bạn sẽ hiểu ra Thiên Chúa thế nào vì lúc ấy bạn mới biết tình yêu là gì.
Hãy thử nhìn sự việc như sau: Bạn đang trông thấy người và vật không đúng như chúng là mà chỉ như bạn muốn.
Nếu bạn muốn nhìn chúng đúng như sự thật của chúng, bạn phải để ý xem các sự quyến luyến của mình và những nỗi lo sợ do các mối quyến luyến ấy sinh ra. Vì mỗi khi bạn nhìn cuộc đời, chính những sự quyến luyến và những nỗi lo sợ ấy lại quyết định thay cho bạn phải chú ý tới điều gì và phải loại bỏ điều chi. Lúc đó, bất cứ điều gì được bạn chú ý cũng đều bắt bạn phải tập trung vào đó. Một khi cái nhìn của bạn đã lựa lọc như thế, bạn chỉ nhìn thấy sự vật và con người chung quanh mình theo một phiên bản tưởng tượng thôi.
Càng sống lâu với các phiên bản lệch lạc ấy, bạn càng tin đó là hình ảnh duy nhất đúng đắn về thế giới: các mối quyến luyến và các nỗi lo sợ của bạn cứ tiếp tục xử lí các dữ kiện được nạp vào theo chiều hướng càng ngày càng củng cố thêm cho hình ảnh bạn đang có về thế giới.
Và đây chính là nguyên nhân đẻ ra các xác tín của bạn: bạn sẽ có những cách nhìn thực tại không hề thay đổi và cố định, đang khi chính thực tại này luôn luôn chuyển động và đổi thay. Thế là bạn không còn được tiếp xúc và được yêu thế giới thực nữa, mà chỉ tiếp xúc và yêu thương một thế giới do đầu óc mình tạo ra. Chỉ khi nào bạn buông bỏ hết các xác tín, những sợ hãi và quyến luyến ấy, là những nguồn nuôi dưỡng thế giới ảo, bạn mới thoát khỏi sự vô cảm đã làm bạn điếc lác và mù quáng đối với mình và thế giới.
Tác giả: Anthony de Mello, S.J.
Dịch giả: Lm. Phêrô Đặng Xuân Thành
Trích sách: Tiếng gọi yêu thương