Thứ bảy, 23/11/2024

Người trẻ học cách khóc

Cập nhật lúc 08:54 17/03/2020



Người trẻ sẽ ngạc nhiên khi nghe Đức Giáo Hoàng Phanxicô khuyên: hãy tập khóc và hãy biết khóc. Dĩ nhiên ai cũng từng khóc cho biết bao chuyện đau lòng. Khi người thân qua đời, khi gia đình không hạnh phúc, khi thất bại trong học hành, lúc thất tình, khi bị bạn bè ruồng bỏ, v.v. là những lần chúng ta than khóc. Giọt nước mắt có khi giúp người ta bớt đi nỗi buồn, chia vơi niềm đau với người khác. Khóc với người khóc luôn là cung cách hành xử của người Công Giáo (Rm 12,15).

Tại sao người trẻ cần học khóc?

Thưa, vì giới trẻ đang sống trong một thế giới khủng hoảng. Nơi đó còn quá nhiều người đau khổ, còn nhiều tâm hồn vô cảm. Họ là những người trẻ sống trong hoàn cảnh chiến tranh và chịu đựng bạo lực dưới vô số hình thức: bắt cóc, tống tiền, các nhóm tội phạm có tổ chức, buôn người, nô lệ và bóc lột tình dục, hãm hiếp trong chiến tranh. Cụ thể người trẻ Việt đang mất phương hướng. Phong trào ăn chơi ngày càng phong phú. Trường huấn luyện con tim, nhân bản ngày càng xuống cấp. Thật dễ để bắt gặp các quán nhậu thâu đêm, nơi ấy hầu hết là người trẻ!

Bên cạnh đó, biết bao bạn trẻ đang rong rủi bán vé số, nai lưng trong những công trường nắng nóng. Còn đó những bất công người trẻ đang phải hứng chịu. Môi trường sống đẩy biết bao người trẻ vào lối sống thác loạn. Nhiều bạn trẻ mất hy vọng và bỏ cuộc. Đừng quên các bạn ấy đồng trang lứa với người trẻ chúng ta. Là bạn bè tốt, dĩ nhiên người trẻ Công Giáo không thể lãng quên họ, ít là trong lời cầu nguyện.

Bởi đó, Giáo Hội muốn đồng hành với mỗi người, nhất là những ai đang gặp sầu buồn, khổ đau. Để thay đổi hiện trạng trên, Giáo Hội cần người trẻ cộng tác và dấn thân. Hãy là ngọn gió đổi thay! Cộng tác để cùng nhau xây dựng một thế giới công bằng, huynh đệ hơn; dấn thân để cải thiện môi trường sống xứng hợp với nhân phẩm hơn. Để làm được điều ấy, Đức Phanxicô nhắc những bạn có đời sống khá thoải mái nên biết khóc. Trong khi đó “một số thực tại của cuộc đời chỉ được nhìn thấy với cặp mắt được rửa bằng nước mắt.”

Chúng ta đã học được cách khóc chưa? Ủa, nghe lạ tai quá!

Có bao giờ tôi khóc (thầm) khi thấy một đứa trẻ đói khát, một đứa trẻ nghiện ngập ở ngoài đường, một người già không nhà, một đứa trẻ bị bỏ rơi, một gia đình nghèo đói, một bệnh nhân chờ chết? Nước mắt của người trẻ trong những trường hợp ấy nói lên tâm hồn thương xót và thực sự muốn làm gì đó tốt hơn cho họ. Đó là giọt nước mắt yêu thương, phải không bạn? Ước gì người trẻ không chạy theo lối sống: “thấy cũng tội, mà thôi cũng kệ.” Chủ nghĩa “Mackeno–mặc kệ nó” thường dập tắt lòng thương cảm và giọt nước mắt cảm thông của người ta.

Phải chăng thời nay người trẻ không dám khóc? “Khóc là hành vi của kẻ yếu đuối, ủy mị!”– nhiều người nói thế. Hoặc, đàn ông không được khóc! Bạn nghĩ sao khi trước biết bao người đau khổ, người ta vẫn tươi cười được sao? Cười trên sự đau khổ của người khác không bao giờ là cách sống đẹp. Cảm ơn những ai vì lòng trắc ẩn với tha nhân, với nỗi đau của phận người, đã khóc để hy vọng cuộc sống của người ấy tốt hơn.

“Hãy cố gắng học cách khóc cho những người trẻ không được may mắn như bạn. Lòng thương xót và trắc ẩn cũng được thể hiện trong nước mắt.”– Đức Giáo Hoàng viết.

Dĩ nhiên chúng ta không thể ngồi đó khóc than mà không làm gì. Ngược lại, nước mắt của người trẻ phải trở nên sức mạnh để họ làm điều gì đó. Giọt nước mắt quan trọng đến nỗi, nếu bạn nào không biết khóc, “hãy cầu xin Chúa ban cho bạn những giọt nước mắt vì sự đau khổ của người khác. Chỉ khi nào bạn biết khóc bạn mới có thể làm điều gì đó cho người khác tận đáy lòng.”[1] Trong ý hướng này, giọt nước mắt là liều thuốc mạnh để chữa bệnh vô cảm. “Phúc cho những ai khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi.” (Mt 5,4).

Đừng quên tuổi trẻ còn là thời gian của niềm vui, tươi tắn và sôi động. Tuy nhiên, có những lúc con tim người trẻ bị tan chảy trước những cảnh thương tâm của bạn bè, người thân. Khi đó, là người trẻ Công Giáo, họ sẽ khóc than với Thiên Chúa để cầu xin cho những ai đang bất hạnh. Rồi trong khi chính người trẻ gặp khổ đau, họ cũng cần rơi lệ, chạy đến bạn bè và Thiên Chúa để được nâng đỡ. Ước gì cộng đồng Kitô hữu tiên phong gần gũi với những ai gặp đang đau khổ.   

Để kết thúc, chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu trẻ trung khóc thương cho Lazarô. Chứng kiến gia cảnh và cái chết của người bạn thân, Giêsu đã không thể cầm được nước mắt. Ngài xúc động sâu xa và bắt đầu khóc (Ga 11,33–35). Chia sẻ với giới trẻ trong đoạn Tin Mừng đầy xúc động này, Đức Giáo Hoàng nói: “những giọt nước mắt của Chúa Giêsu có tác dụng như một liều thuốc giải độc cho sự thờ ơ của tôi trước những đau khổ của anh chị em mình. Những giọt lệ của Ngài dạy cho tôi biết biến những nỗi đau của người khác thành nỗi đau của chính mình, để chia sẻ sự chán nản, đau khổ của những ai đang trải qua những tình huống đau buồn.”[2]

Lạy Chúa Giêsu, xin để trái tim người trẻ chúng con cùng nhịp đập với những ai đau khổ, khốn cùng. Họ là người anh chị em, người bạn của chúng con. Xin giúp chúng con biết khóc với người khóc, để trái tim chúng con không vô cảm. Ngược lại, mang trong tim tình yêu dấn thân của tuổi trẻ, chúng con khóc để biết mình phải làm gì tốt hơn, để qua chúng con, Thiên Chúa lau khô những giọt lệ của tha nhân, của người thân và của bạn bè chúng con. Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Đức Kitô Sống số 76

[2] Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi Canh Thức “Lau khô những giọt lệ”. Dịch giả J.B. Đặng Minh An

dongten.net
Thông tin khác:
Cám dỗ (04/03/2020)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log