Lược sử giáo xứ Khổng Tước
Khổng Tước là một thôn nằm trong xã Phượng Vĩ. Phượng Vĩ xưa kia là một xã nhỏ trong tổng Vân Bán. Sau năm 1945, xã Phượng Vĩ gồm 3 thôn: Phượng Cát, Vân Thê, Khổng Tước thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Họ Khổng Tước là một họ của giáo xứ Phượng Vĩ thuộc phiên Ngô Xá, xứ Dư Ba và được các cha ở Dư Ba và Ngô Xá phục vụ. Đến khi giáo xứ Phượng Vĩ được nâng lên giáo xứ 13.06.2007, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương đã chuẩn bị cho giáo xứ một cha xứ trẻ, khỏe, năng động. Đó là cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh, nhận xứ ngày 17 tháng 9 năm 2009. 01. Hình thành: Họ Khổng Tước được hình thành từ ngày 21 tháng 11 năm 1896, thuộc xứ Dư Ba. Những giáo dân ban đầu tới xây dựng quê hương mới nơi đây cũng là giáo dân gốc Dư Ba. 02. Địa dư: giáo xứ Khổng Tước nằm trên địa bàn xã Phượng Vĩ với 1548 ha với khoảng 10 km2: phía Đông, dọc theo Sông Hồng; phía Tây, giáp huyện Yên lập; phía Nam, giáp huyện Tam Nông; phía Bắc, giáp huyện Hạ Hòa. 03. Dân số trong xã: 8.300 người 04. Nhân danh hiện nay: 917 người (tính đến ngày 20.09.2015) trên địa bàn hành chính của 5 khu: khu 3, khu 4, khu 5, khu 6, khu 12. 05. Các cha đã về phục vụ giáo xứ (theo tư liệu của cha Giuse Nguyễn Văn Đỉnh):
01. Cha Phêrô Thái
02. Cha Antôn Liêm
03. Cố Chatelier
04. Cha Giuse Đặng Tâm Thuần
05. Cha Giuse Đặng Tất Lượng
06. Cha Phêrô Hoán
07. Cha Laurensô Đỗ Trọng Thông
08. Cha Phaolô Nguyễn Gia Thắng
09. Cố Denevine (Cố Đông)
10. Cha Giuse Phan Chính Trực
11. Cha Phêrô Phạm văn Năng
12. Cha Phêrô Lê Văn Hiển
13. Cha Phêrô Đỗ Khải Nguyên
14. Cha Phêrô Nguyễn Bảo Hựu
15. Cha Giuse Doãn Thực Sự
16. Cha Gioan Dương Đình Tùng
17. Cha Phanxicô Xaviê Đỗ Minh Đức
18. Cha Basiliô Lanter (Cố Linh)
19. Cha Phêrô Chúc
20. Cha Phêrô Nhạ
21. Cha Phêrô Nguyễn Kim Đỉnh
22. Cha Phaolô Vũ Đình Tuyên
23. Cha Phanxicô D’Abrigeon (Phượng)
24. Cha Phêrô Huệ
25. Cha Giuse Tuyên
26. Cha Giuse Lượng
27. Cha Phêrô Nguyễn Nghị Lực
28. Cha Giuse Nguyễn Hữu Lực
29. Cha Giuse Phan Thế Hinh
30. Cha Giuse Nguyễn Văn Đỉnh
31. Cha Giuse Nguyễn Văn Đông
32. Cha Antôn Nguyễn Gia Nhang
33. Cha Giuse Lê Ngọc Nghi
34. Cha Giuse Nguyễn Kim Hoàng
35. Cha Phaolô Nguyễn Quang Đĩnh
36. Cha Giuse Phí Đình Sự
37. Cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh – Cha xứ tiên khởi 17/9/2009 của giáo xứ Phượng Vĩ, tiên khởi của giáo xứ Khổng Tước 08.09/2015. 6. Quá trình phát triển: a. Giai đoạn 01: Chưa có cha xứ. Ban đầu có khoảng 20 gia đình với hơn 100 nhân danh, chia thành hai xóm với hai nhà nguyện bằng tre, nứa, lá: Xóm Trên và Xóm Dưới. Đến năm 1939, cha Giuse Phan Chính Trực đã quy tụ hai xóm thành một nhà nguyện năm gian bằng gỗ lá với sức chứa khoảng 200 người. Sau nhiều lần duy tu, bảo dưỡng, nhà thờ đã hư hoại quá nặng: mái dột nát, tường lát ván thủng nhiều, nguy hiểm lúc mưa to, bão giật; cả nhà thờ không có một chiếc ghế nào ngoài chiếc ghế của cha chủ tế. Mỗi khi có thánh lễ, giáo dân hoàn toàn phải ngồi đất, khổ nhất là những ngày trời mưa.
Cuối cùng, năm 2013 cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh đã xây lại như ta thấy hiện nay. Ngày 12/4/2013, ngôi nhà thờ này đã được Đức Cha Gioan Maria Vũ Tất làm phép và cung hiến trọng thể với tước hiệu Đức Mẹ Dâng Mình.
- Nhà phòng: được xây dựng và sửa chữa qua các giai đoạn để sinh hoạt mục vụ. b. Giai đoạn 2: Đã có cha xứ
Trong đường hướng chung của giáo phận về nghị quyết xây dựng các giáo xứ, giáo họ theo 4 tiêu chí:
- Cộng đoàn đức tin vững mạnh,
- Cộng đoàn phụng tự sốt sáng,
- Cộng đoàn bác ái yêu thương,
- Cộng đoàn truyền giáo mạnh mẽ.
Kể từ ngày 17.09.2009, Đức cha Antôn Vũ Huy Chương gửi bài sai cha Giuse Nguyễn Văn Hạnh về làm cha xứ tiên khởi của giáo xứ Phượng Vĩ. Dù là giáo xứ non trẻ và còn gặp khó khăn về nhiều mặt: kinh tế, đông con, dân trí thấp, đức tin non yếu, rào cản về lương giáo, chính quyền..., nhưng tất cả những khó khăn đó dần dần được gỡ bỏ khi có sự hiện diện và hoạt động đầy năng động và linh hoạt của cha Giuse Hạnh; đặc biệt là cha đã biết “lấy dân làm gốc”, phối kết hợp chặt chẽ với những người cộng tác, làm việc luôn có chương trình cụ thể, bàn hỏi chi tiết với mọi người, nhất là những người hữu trách.
Khổng Tước là một giáo họ thuộc giáo xứ Phượng Vĩ, là một giáo xứ mới, nhưng từ ngày có cha Giuse về, bộ mặt giáo xứ ngày càng thay đổi: nhà thờ, nhà phòng, khuôn viên, đền Đức Mẹ, Vườn Thánh, các thiết bị phục vụ cho phụng vụ: âm thanh, sân khấu, TV, máy chiếu, các loại đàn... Bên cạnh đó, cha còn chú trọng đến đời sống tâm linh với thánh lễ hàng ngày, soạn giảng chu đáo, các hội đoàn phát triển, đời sống đức tin ngày càng đi lên.
Song song với việc học giáo lý, thiếu nhi Thánh Thể, quan tâm đến ơn gọi, ngài còn chú trọng tới việc khuyến học, khuyến tài qua việc thành lập Hội Khuyến Học, nhắc nhở, đôn đốc con em học hành và tuyên dương phát thưởng cho các em đỗ đạt Cao đẳng, Đại học và trong các đợt thi huyện, tỉnh, TW. Thành tích này, ngày 19.05.2015 đã được Hội Khuyến Học tỉnh Phú Thọ tặng bằng khen là “Cộng đồng khuyến học suất sắc”.
Ngoài việc tâm linh, khuyến học, khuyến tài, cha Giuse còn chú trọng tới việc đối thoại liên tôn, truyền giáo qua việc ngài thường tổ chức các ngày lễ trong năm: ngày quốc tế bệnh nhân, ngày 8/3, ngày của mẹ, ngày của cha, ngày thương binh liệt sĩ, ngày trung thu, ngày truyền giáo....
Qua những lần tổ chức, mọi người, kể cả những người tôn giáo bạn rất ấn tượng và có những cảm nghĩ đẹp về Công giáo.
Một sự kiện hết sức quan trọng đó là sự hiện diện của hai Dì Mến Thánh Giá Hưng Hóa tại giáo xứ Khổng Tước hôm thứ Năm 28.02.2015 (10/01 Ất Mùi): Dì Maria Đỗ Thị Huệ và Dì Anna Lê Thị Bích Niên. Dù bước đầu còn bỡ ngỡ và thiếu thốn nhiều mặt, nhưng cha xứ, ban hành giáo và bà con giáo dân luôn quan tâm, giúp đời sống và sứ vụ của quý Dì dần đi vào ổn định.
Vì nhu cầu thực tế, qua sự đề nghị của cha xứ Giuse, vào ngày 08.09.2015, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, giám mục giáo phận Hưng Hóa đã tách giáo họ Khổng Tước thuộc giáo xứ Phượng Vĩ thành giáo xứ mới: giáo xứ Khổng Tước với 02 giáo họ:
- Giáo họ Khổng Tước: sở tại. Địa chỉ: khu 3 Phượng Vĩ: gồm giáo dân của các khu 3, khu 4.
- Giáo họ Trường Xuân: Địa chỉ: khu 05 Phượng Vĩ: gồm giáo dân của các khu 05, khu 6, khu 12.
Theo ý của Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, dù chưa có đất hoặc chưa được chính quyền công nhận, nhưng xứ nào định tách bao nhiêu họ, tên họ đó là gì, địa chỉ hành chính thì cứ đăng ký. 7. Cống hiến nhân sự cho Giáo hội:
Dù chưa có nhiều, nhưng hiện giáo xứ có một số Dì đang phục vụ tại một số cộng đoàn các nhà Dòng ở Miền Nam; bên cạnh đó còn có các thế hệ măng non theo đuổi ơn gọi trong giáo xứ hàng tháng. 8. Kinh tế - Văn hóa: Nguồn sống của giáo dân chủ yếu là nông nghiệp, kinh tế ngày càng đi lên. Giới trẻ ngày càng đi đến các phố thị làm ăn. Nhiều em đỗ đạt các trường đại học và cao đẳng. 9. Tình hình sống đạo: trước năm 1945, việc ôn thi kinh bổn các kỳ đều đặn. Sau năm 1945 bắt đầu sa sút. Từ 1953 - 1990 bỏ hẳn. Từ năm 1991 được khôi phục và cho đến nay đi vào ổn định. Tinh thần sống đạo dần đi lên, dù còn nhiều điểm tồn đọng cần phải sớm khắc phục.
Vào thời mở cửa, nhiều hy vọng nhưng cũng nhiều âu lo, giáo xứ Khổng Tước đang đứng trước một cánh đồng bao la với những nhiệm vụ cấp bách :
- Rao giảng Tin Mừng cho người đang giữ đạo,
- Tái rao giảng Tin Mừng cho những người vì thời thế và hoàn cảnh mà lơ là đạo,
- Loan báo Tin Mừng cho muôn dân bên cạnh chúng ta.
(Dựa theo tư liệu của cha Giuse Nguyễn Văn Đỉnh) Lm. Giuse Nguyễn Văn Hạnh