Thứ hai, 06/01/2025

Radio Người Trẻ: Phúc thay ai xót thương người

Cập nhật lúc 06:38 14/10/2020

Cao Gia An, S.J.

Các bạn thân mến,

Trong suốt cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu, tất cả các giáo huấn và hành động của Người đều nhắm đến một đối tượng duy nhất, đó là trái tim của con người. Đức Giêsu có vẻ như không để ý lắm đến việc người ta là ai, là người thánh thiện hay kẻ tội lỗi, là người công chính hay kẻ bất lương. Đã là người thì ai cũng có một con tim. Đức Giêsu nhắm đến việc hoán cải con tim ấy. Nước của Thiên Chúa được thành lập trong chính những con tim nhân loại.

Con người được Thiên Chúa ban tặng một trái tim bằng thịt. Trái tim nào cũng biết rung cảm và xót thương. Đứng trước nỗi đau và những giọt ngước mắt của người khác, không một con người bình thường nào lại không cảm thấy chạnh lòng. Đứng trước những đổ vỡ tan thương của người khác, không một người nào không cảm thấy bùi ngùi xót xa.

Con tim con người là con tim biết xót thương. Tuy nhiên, con tim ấy luôn cần được nuôi dưỡng bởi tình thương và cần được sống trong tình thương. Không phải là không có tình trạng người ta trở nên hờ hững và vô tâm. Không phải là không có những lúc tâm hồn người ta nên lạnh lùng sỏi đá. Có những người trở nên thờ ơ vì quá quen thuộc với những cảnh thương tâm giữa dòng đời. Có những người chủ trương khép mình lại để khỏi phải bị phiền nhiễu bởi những lời kêu xin của kẻ khác.

Thương xót là nhận lấy nỗi đau của người khác làm của mình. Lòng thương xót mời gọi tôi bước ra khỏi cái an toàn đảm bảo riêng tư để có thể đồng cảm với những mảnh đời lầm than cơ nhỡ. Đôi khi, lòng thương xót mang đến cho tôi nhiều phiền toái, làm dở dang những kết hoạch của tôi, làm phân tán sự tập trung của tôi… Thậm chí, còn có khi lòng thương xót của tôi bị lạm dụng bởi những người đóng kịch lừa bịp… Thế nhưng điều nào thì nên đáng sợ hơn: sợ rằng tôi có thể bị lừa dối, hay nên sợ rằng tôi đánh mất lòng thương xót và trở nên vô tâm như gỗ đá? Sợ rằng tôi bị làm phiền, hay nên sợ rằng tôi chỉ có thể sống cả đời như một ốc đảo tù túng và ích kỷ?

Trong một dụ ngôn của Tin Mừng Luca (10, 30-37), Đức Giêsu đặt ra trước mắt mọi người hình ảnh một người bị nạn dở sống dở chết nằm ngay giữa đường đời. Hình ảnh ấy như một tấm phông nền, trên đó nhiều người đi lướt qua. Có những thầy tư tế xúng xính với những tấm áo choàng lụng thụng. Có những thầy Lêvi khệ nệ với những chồng kinh sách. Họ thấy người bị nạn, họ tránh qua bên kia mà đi. Bởi họ bận rộn. Bởi họ phải gìn giữ sự an toàn và sự thanh sạch cho riêng mình.

Như thầy tư tế và thầy cả Lêvi, là những người đổ đầy cuộc sống của họ bằng những nguyên tắc luật lệ, chúng ta cũng thường đổ đầy cuộc sống của mình với những bề bộn của công việc, những bận rộn của bao kết hoạch riêng. Cặp mắt chúng ta thường chỉ dừng lại với những gì là của mình. Tâm trí chúng ta thường chỉ bận rộn với những gì mình đã vạch ra. Thế nên chúng ta ngại ngần mang lấy những phiền hà mà người khác có thể đem đến cho mình. Chúng ta dễ dàng làm ngơ với người khác để sống như một kẻ vô tâm vô tình. Hãy nhìn lại mình trong cách mà tôi chứng kiến một tai nạn trên đường phố, có phải tôi chỉ thường liếc qua, rồi lờ lững bước đi trong tiếng thở phào kín đáo vì mình may mắn không phải là người bị nạn? Hãy nhìn lại mình trong cách mà tôi đi lướt qua như một người xa lạ trước bao cánh tay chới với hướng về tôi, trước bao anh mắt mòn mỏi đang chờ đợi nơi tôi một chút tình bác ái? Là con tim tôi không có khả năng xót thương, hay là tôi đang làm ngơ với con tim thương xót của mình? Có phải lòng thương xót trong tôi đang chết dần chết mòn, và con tim tôi đang khép lại trong nghèo nàn ích kỷ?

Nếu tôi đã một lần chạm vào ánh mắt tha thiết hy vọng mà người khác đặt vào tôi, nếu tôi đã một lần sống thực với những rung động đầy tình người trong con tim của mình, có lẽ tôi sẽ hiểu được thế nào là lòng thương xót thật sự. Những người thực thi lòng thương xót thì không tính toán thiệt hơn, vì tình yêu trong họ đủ lớn để giúp họ vượt qua những chướng ngại mà bình thường ai cũng e sợ. Lòng thương xót đẩy người ta đến những hành động cụ thể, như Đức Giêsu là con người của lòng thương xót. Người hạ mình đến tận cùng để đồng cảm và chia sớt những bạc bẽo trong thân phận của những người nghèo và những kẻ bị xã hội khinh miệt ruồng rẫy. Người sẵn sàng để cho lòng thương xót đẩy mình vào những hệ lụy phiền phức khi giao du với những người bị cho là tội lỗi và ô uế, những kẻ thu thuế, những người bệnh tật, những cô gái điếm… Nhiều lần, Đức Giêsu chạnh lòng thương khi thấy đám đông lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt. Vì lòng thương ấy, Người và các môn đệ bỏ cả những giây phút nghỉ ngơi để chăm lo cho đoàn dân (Mc 6, 30-44). Lòng thương xót tự nhiên bắt tôi phải có trách nhiệm với những người anh chị em của mình như người Samaria nhân hậu trong dụ ngôn của Đức Giêsu (Lc 10, 30-37). Lòng thương xót khiến tôi có thể nảy sinh những sáng kiến bất ngờ như cách mà Đức Giêsu chạnh lòng thương và cứu người phụ nữ phạm tội ngoại tình thoát khỏi sự kết án của đám đông người Do thái (Ga 8. 1-11).

Nếu đã một lần nào đó trong cuộc đời chúng ta kinh nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, chúng ta hiểu rằng thực thi lòng thương xót với những người anh chị em của mình không phải là một điều tùy tiện, muốn thì tôi làm, không muốn thì tôi, nhưng đó chính là một bổn phận mà chúng ta phải làm. Nếu chúng ta biết nhìn ra gương mặt của Thiên Chúa nơi những thành viên bé nhỏ và mỏng manh nhất trong gia đình nhân loại, chúng ta hiểu rằng thực thi lòng thương xót với con người là cách thế gần gũi và thiết thực nhất để chúng ta phụng sự Thiên Chúa. Và nếu qua cuộc sống mỗi ngày, chúng ta không làm ngơ với những thôi thúc của lòng thương xót, chúng ta có thể chắc rằng mình là những người được lãnh nhận lời chúc phúc của Đức Giêsu: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”(Mt 5, 7).

Lạy Chúa là Đấng xót thương
Tự trời cao Chúa đã đoái trông phận người
nên đã hạ mình xuống thế ở với chúng con
để chung chia với chúng con trong những vất vả,
để đồng hành với chúng con trong những khổ đau,
để ủi an chúng con trong những lúc sầu buồn,
để giải thoát chúng con khỏi những tội lụy.
Nhờ lòng xót thương của Chúa
mà loài người chúng con được cứu rỗi.
 
Là những người được Chúa xót thương,
xin dạy chúng con trở thành những chứng nhân
về lòng thương xót của Thiên Chúa.
Để chúng con mạnh dạn đến với mọi người
chia sẻ gánh nặng với những đôi tay rã rời,
nâng đỡ những đôi chân mòn mỏi,
lau khô những giọt lệ khổ đau,
ủi an những tấm lòng tan nát.
 
Ước gì nhờ mang trong mình con tim thương xót,
chúng con được sống trong chan chứa tình người.
Ước gì nhờ những lần thực thi lòng thương xót,
chúng con được sống trong chứa chan tình Chúa.
Nhờ sống với lòng thương xót trong đời mình,
xin cho chúng con ngày càng trở nên giống Chúa hơn. Amen. 

Nguồn: dongten.net

Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log