Thứ bảy, 23/11/2024

Giải đáp thắc mắc cho người trẻ Công Giáo: Bền đỗ trong ơn gọi gia đình

Cập nhật lúc 08:40 06/07/2021
Augustinô Nguyễn Minh Triệu, SJ
Câu hỏi:
Hiện nay con thấy nhiều người không chung thủy trong hôn nhân. Tình trạng ly hôn ngày càng tăng, kể cả những vợ chồng công giáo. Bên cạnh đó, nhiều tu sĩ cũng không mấy người bền đỗ đến cùng. Vậy làm thế nào để vững định trong ơn gọi của mình?
Trả lời:

Bạn thân mến,
Chúng ta cần phải phân biệt sự bền đỗ trong ơn gọi hôn nhân và tu trì. Dù cả hai ơn gọi, hai lối sống, đều được mời gọi trung tín trong lựa chọn của mình; nhưng sự trung tín đó được thể hiện một cách khác nhau.
1. Đi tu cần bền đỗ
Cũng giống như ơn gọi gia đình, ơn gọi tu trì cũng trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Mỗi giai đoạn có những thách đố khác nhau. Do đó, nếu đang trong giai đoạn tìm hiểu, một nam hay nữ tu sĩ rời bỏ ơn gọi tu trì của mình vì thấy ơn gọi đó không hợp với mình, thì sự chọn lựa đó không thể gọi là thiếu trung tín.
Tuỳ vào đặc tính của mỗi ơn gọi mà đời tu được chia nhiều giai đoạn huấn luyện và thử thách khác nhau. Thông thường, khi một người trẻ cảm thấy mình có ơn gọi, họ sẽ tìm hiểu một dòng tu nào đó, giai đoạn này tương tự như giai đoạn hai bạn trẻ thấy hợp và phải lòng nhau nên cả hai quyết định dành nhiều thời gian cho nhau hơn để có thể xây đắp mối quan hệ nghiêm túc hơn.
Sau một giai đoạn tìm hiểu, nếu người ứng sinh này thấy thích hợp, và nhà Dòng cảm thấy người này thích hợp với ơn gọi của họ, nhà dòng sẽ mời gọi người này vào Dòng. Sau thời gian nhà tập, người tu sĩ sẽ khấn tạm, lời khấn này vẫn chỉ mang tính tạm thời, nghĩa là sau khi kết thúc thời gian khấn tạm, nếu thấy không hợp thì đương sự sẽ dừng lại. Khi thời gian khấn tạm kết thúc, thông thường là 5 hoặc 6 năm, người tu sĩ sẽ được mời gọi khấn trọn. Từ lúc này, người tu sĩ khấn hứa trọn đời thuộc về Chúa. Nếu người tu sĩ ấy vì một lý do gì đó rời bỏ hội dòng, thì có thể nói người đó thiếu trung tín trong ơn gọi.
Tuy nhiên, không phải khi rời bỏ đời tu, thì người tu sĩ sẽ bị Chúa “phạt” vì thiếu trung tín. Trong thực tế, vì sự hiểu lầm này mà nhiều người cho rằng, khi một tu sĩ đã khấn hứa với Chúa rồi mà từ bỏ đời tu thì họ sẽ không hạnh phúc. Lý do là Chúa sẽ phạt người đó, vì sự thiếu trung tín của họ.
Thực ra, đây là một cách hiểu khá sai lầm. Thiên Chúa yêu thương hết thảy mọi người, và điều làm Thiên Chúa hạnh phúc chính là việc con người được hạnh phúc. Một người sau khi xuất tu sống không hạnh phúc có thể vì nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan. Tuy nhiên, không thể nói rằng, Thiên Chúa sẽ trừng phạt người xuất tu vì sự thiếu trung tín của họ. Đồn đoán như thế thì tội cho họ quá!
2. Lập gia đình càng cần bền đỗ hơn
Hôn nhân gia đình là ơn gọi tự nhiên và phổ quát. Tuy nhiên thời đại này, ơn gọi này đang đứng trước nhiều thách đố. Tỉ lệ ly dị gia tăng trong những năm gần đây ở Việt nam, và người Công giáo không phải là một ngoại lệ. Trong xã hội hiện đại, ly hôn do chung sống không hợp đã trở thành chuyện “cơm bữa.” Thống kê cho thấy, ở Việt Nam hiện có khoảng 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa trong 4 đôi đi đăng ký kết hôn thì 1 đôi ra tòa. Tại sao tỷ lệ ly hôn lại cao như vậy? Đâu là nguyên do dẫn đến những đổ vỡ trong hôn nhân?
Thống kê cho thấy, 70% đương đơn trong các trường hợp ly dị là phụ nữ. Họ chủ động ly hôn nhiều hơn nam giới. Thực tế, do ảnh hưởng của văn hoá hiện đại, người phụ nữ độc lập hơn về mặt tư tưởng cũng như kinh tế. Do đó, khi mái ấm đã không còn tình yêu, trước đây người phụ nữ thường cam chịu, nhưng nay, với sự độc lập của mình, người nữ thường tìm cho mình một “lối thoát” để sống hạnh phúc hơn.
Thực tế trên cũng cho thấy rằng, để xây dựng một mái ấm hạnh phúc, người nữ thường chịu nhiều thiệt thòi. Họ thường phải hy sinh cho chồng, cho con, và thậm chí cho cả gia đình chồng. Nhiều phong tục tập quán, nhiều hủ tục, tính gia trưởng của người đàn ông,… vẫn còn khá phổ biến trong xã hội hiện đại Việt Nam. Đâu đó vẫn còn những suy nghĩ cho rằng: “Làm phụ nữ thì phải hy sinh cho chồng, phải hy sinh cho con, phải hy sinh cho gia đình. Đó là bổn phận đương nhiên của phụ nữ, của phận làm con gái.” Thiết nghĩ, để xây dựng một mái ấm hạnh phúc, trước hết phẩm giá của người phụ nữ cần được tôn trọng.
Thứ đến, với ảnh hưởng của xã hội hiện đại, người trẻ thường có khuynh hướng yêu vội, sống nhanh, vội đến và cũng vội đi. Sự vội vã này dẫn đến việc thiếu những kỹ năng quan trọng khi bước vào cuộc sống hôn nhân. Thế nên, yêu sớm, cưới vội cũng là một nguyên nhân góp phần vào sự gia tăng tỷ lệ ly hôn. Phải chăng nhà thơ Hồ Dzếnh đã đúng khi viết: “Tình mất vui khi đã vẹn câu thề. Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở!” Thiết nghĩ, để vượt qua khó khăn này, người trẻ cần học để sống chậm lại. Cần có thời gian dành cho nhau, để hiểu nhau nhiều hơn.
Điều quan trọng là nền giáo dục hiện nay chưa giúp người trẻ hiểu và sống các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hoá Việt nam. Trong đó, sự trung tín, nhẫn nhịn, cảm thông… là những đức tính cần thiết cho đời sống hôn nhân. Thực tế cũng như trong đời tu, đời sống hôn nhân chắc chắn có nhiều khủng hoảng và thách đố, đặc biệt là giai đoạn 2 đến 5 năm sau khi kết hôn. Tuy nhiên, điều quan trọng là các bạn trẻ cần học để biết cách vượt qua các thách đố này. Nếu thiếu vắng các đức tính nêu trên, các cặp vợ chồng thật khó để vượt qua những thách đố trong đời sống hôn nhân!
Đối diện với những thách đố trên, là các bạn trẻ Công Giáo, chúng ta cần làm gì?
Thưa, trước hết, các bạn cần trở nên chứng nhân giữa lòng thế giới như Giáo Hội mong muốn. Trong một xã hội xem nhẹ giá trị của hôn nhân và đời sống gia đình, là người Công Giáo, các bạn cần làm chứng cho giá trị cao quý và bất biến của món quà mà Thiên Chúa đã trao tặng cho những người nam và người nữ. Ngài mời gọi các bạn cộng tác với Ngài để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Để làm được điều đó, các bạn cần hiểu rõ bản chất và ý nghĩa của đời sống hôn nhân, bí tích hôn phối.
Ở Việt Nam, Giáo Hội rất lưu tâm đến việc giúp người trẻ chuẩn bị tâm thế sẵn sàng trước khi bước vào đời sống hôn nhân. Qua việc học giáo lý và những kỹ năng sống cần thiết, các bạn trẻ đã biết ý thức hơn về ơn gọi của mình. Các bạn trẻ cũng hiểu được rằng, ơn gọi hôn nhân không chỉ có màu hồng, nhưng còn đồng hành bởi nhiều khó khăn và thách đố. Sự chuẩn bị này giúp các bạn không bị bỡ ngỡ khi bước vào thực tế của đời sống hôn nhân.[1]
Các bạn trẻ cần tập sống kiên nhẫn, cần tập luyện ý chí, kiên định với những chọn lựa của mình. Dù ơn gọi đi tu hay lập gia đình, để trung tín, các bạn trẻ cần phải tập sống sự trung tín. “Đức Giê-su nói: Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn.” (Lc, 16,10). Các bạn trẻ cần tập sự trung tín đó qua những chọn lựa nhỏ bé hàng ngày. Truyền thống Giáo Hội nói về nhân đức, nghĩa là một thói quen tốt, được lặp đi lặp lại nhiều lần và cuối cùng trở thành “bản năng” thứ hai của người tập luyện nhân đức.
Để giúp cho người trẻ có khả năng trung tín với chọn lựa của mình, người trẻ cần tập nhân đức trung tín qua những chọn lựa nho nhỏ mỗi ngày. Ví dụ, tập quyết tâm đi lễ một tuần hai lần, tập dậy sớm, tập giữ lời hứa, tập đúng giờ… Tập những thói quen nho nhỏ này, người trẻ sẽ lớn lên trong nhân đức trung tín và sẽ trở thành hành trang quý giá giúp người trẻ bước vào đời.
Có bạn gào lên: “Sao cứ phải tập tành chi vậy?” Vâng, đó là con đường duy nhất để con người trở nên tốt lành, hạnh phúc. Chúng ta không thể lách qua cánh cửa thực hành, tập tành! Người trẻ thời nay vẫn bị cho là sống vội và thiếu sự kiên nhẫn. Để vượt qua giới hạn này, các bạn trẻ cần tập luyện mỗi ngày, từ những điều nhỏ nhặt nhất.
3. Chìa khóa của bền đỗ trong ơn gọi
Để tập sống trung tín trong ơn gọi hôn nhân hay tu trì, điều quan trọng nhất là các bạn trẻ phải sống trung tín với Thiên Chúa. Kinh Thánh cho chúng ta thấy rằng, Thiên Chúa đã chọn con người và Người luôn luôn trung tín với lời Người đã hứa. Sự trung tín của Thiên Chúa là niềm hy vọng của chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ chúng ta rằng:
“Mọi ơn gọi Ki-tô hữu đều mang dáng dấp của ơn gọi hôn nhân bởi vì nó là hoa trái của mối dây tình yêu nơi đó hết thảy chúng ta được đổi mới, đó chính là mối dây tình yêu với Đức Ki-tô.”[2]
Là người Ki-tô hữu, chúng ta học sự trung tín từ Thiên Chúa. Đừng quên chúng ta sống sự trung tín đó trong Thiên Chúa và nhờ ơn sủng của Người. Thật tốt khi chúng ta xin ơn Chúa và nỗ lực để sống trung tín với Thiên Chúa mỗi ngày. Nếu có điện thoại ở bên lúc này, trong những gì đã bàn ở trên, bạn có thể mở bản nhạc của Đức Cha Vũ Duy Thống: Một Chút (Tam Ca Áo Trắng), để lên dây cót cho hành trình tập tành này: 
1. Một chút những viên đá nhỏ hợp thành ngọn núi lớn
Một chút những bước chân đi xa về muôn lối
Một chút những phút ủi an dịu xoa ngàn nỗi sầu
Chỉ một chút khởi đầu tương lai sẽ đẹp màu 
ĐK - Một chút trong đời chỉ một chút chút xíu thôi
Nhiều chút chút bé nhỏ mà làm cho đời thêm mới
Một chút trong đời trở thành một chút thật tuyệt vời.
Chắt chiu từng chút ấy cho đời này thêm sáng tươi. 
2. Một chút cánh tay kết liền tạo thành vòng nối lớn
Một chút ánh sáng thôi cho lui dần đêm tối
Một chút những phút ước mơ đời thơ trẻ muôn vàn
Chỉ một chút ân cần xa xôi cũng thành gần.
3. Một chút những cơn gió nhẹ hội về thành bão lớn
Một chút những phút giây nên xoay vần năm tháng
Một chút những phút thứ tha rộn vui mà lắng đọng
Chỉ một chút hy vọng tin yêu sáng ngập lòng
Một chút những viên đá nhỏ, một chút cánh tay khép liền
Một chút, chỉ một chút, chút xíu thôi....
Nguồn: hdgmvietnam.com
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log