Thứ bảy, 23/11/2024

Vấn đề dạy giáo lý tại Việt Nam

Cập nhật lúc 15:36 28/09/2012
 

Logo_GLV_toan_quocNhân dịp chuẩn bị Năm Đức Tin, trang web giaolyductin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bản báo cáo của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục giáo phận Mỹ Tho, Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin cho Bộ Giáo lý Đức tin, nhân chuyến viếng thăm Ad limina năm 2009 về Vấn đề dạy Giáo lý tại Việt Nam.

Một trong những nỗ lực rất lớn của Giáo hội tại việt Nam là cố gắng không ngừng giáo dục đức tin cho các thành phần Dân Chúa, đặc biệt là tại các xứ đạo.

Việc dạy giáo lý chiếm một phần lớn thì giờ của các linh mục tại các giáo xứ, cho dù các linh mục có nhiều cộng sự viên là các nữ tu hoặc các giáo lý viên. Ngoài giáo lý các lứa tuổi, giáo xứ còn phải đảm nhận giáo lý dự tòng, giáo lý hôn nhân.

Giáo lý cho thiếu nhi , phần lớn trong các xứ đạo được bảo đảm từ giáo lý rước lễ lần đầu, tới giáo lý thêm sức, tới giáo lý bao đồng. Tại một số rất ít giáo xứ có các lớp giáo lý kinh thánh sau bao đồng, hoặc giáo lý cho người lớn. Trong một số trung tâm mục vụ của các gíao phận, có dạy Kinh thánh và Thần học cho giáo dân.

Vì Việt Nam là một quốc gia xã hội chủ nghĩa, nên không được phép dạy tôn giáo trong các trường học, vả lại không còn một trường công giáo nào. Cho đến nay, Giáo hội chỉ được phép mở trường mẫu giáo, nhưng trong đó không được nói về tôn giáo. Ngày Chúa Nhật , các em thỉnh thoảng phải tham gia các sinh hoạt ở trường, hoặc phải học kèm riêng, nên còn rất ít thì giờ cho các sinh hoạt tôn giáo ở xứ đạo.

Vì lý do đó mà Giáo hội phải cố gắng rất nhiều, để có thể chu toàn bổn phận giáo dục đức tin cho các em. Một trong những cố gắng ấy là "đào tạo các giáo lý viên", để có đủ người giúp các linh mục trong công việc huấn giáo. Rất nhiều giáo phận có "Trung tâm mục vụ", trong đó hàng năm có tổ chức các khoá 'đào tạo giáo lý viên", hoặc các khoá "Thường huấn cho các thành phần Dân Chúa, đặc biệt là cho các giáo lý viên.

Để hỗ trợ cho việc đào tạo các giáo lý viên và việc dạy giáo lý, UBGLĐT đã dịch quyển "Hướng dẫn tổng quát cho việc dạy giáo lý" của Bộ Giáo sĩ, xuất bản năm 1997, và quyển "Chỉ dẫn dành cho giáo lý viên" của Bộ Truyền giáo, xuất bản năm 1993, tông huấn về việc dạy giáo lý"Catechesi tradendae"của ĐTC Gioan Phaolô II. "Tiểu ban Giáo lý"cũng đã biên soạn một bộ "Giáo lý hôn nhân" gồm 2 quyển: một cho các giáo lý viên, và một cho các học viên, xuất bản năm 2004. Ngoài ra còn đang nghiên cứu và biên soạn một chương trình đào tạo giáo lý viên cho toàn thể Giáo hội tại Việt Nam.

Chưa có thủ bản giáo lý chung cho cả Nước. Mỗi giáo phận có thể chọn thủ bản giáo lý mà mình thích. Có 3 thủ bản mà các giáo phận dựa vào nhiều hơn cả là "Giáo lý Tân Định" của giáo phận Saigon, "Giáo lý phổ thông"của giáo phận Nhatrang, và "Giáo lý hồng ân"giáo phận Xuân Lộc.

Gần đây, UBGLĐT có dịch "Bản Toát Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo" của Bộ Giáo lý Đức Tin, và đã in khoảng 20 ngàn cuốn, và tiêu thụ rất nhanh, dù chưa được hoàn hảo. UBGLĐT đang cho sửa chữa để kịp ra mắt kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt nam. Trong tương lai gần, UBGLĐT sẽ soan một quyển toát yếu Giáo lý hoàn toàn dựa trên Bản toát yếu của Toà Thánh. Nhân dịp này UBGLĐT cũng muốn ra mắt bản dịch chính thức của "Sách Giáo Lý chung của Hội Thánh Công Giáo".

Cách dây 3 năm, ngày 25 tháng 04 năm 2006, chúng tôi đã có trình lên Bô Giáo Lý Đức Tin Bản dịch"Sách Giáo lý chung của Hội Thánh Công giáo", để được duyệt xét và công nhận. Nhưng vì còn một số khuyết điểm , nên Bộ đã yêu cầu chúng tôi trao cho một người duy nhất sửa lại theo các góp ý của Bộ, trong lá thư đề ngày 30 tháng 6 năm 2006 của Đức Hồng Y Levada. Chúng tôi đã làm điều đó một cách rất kỹ lưỡng trong vòng 3 năm, hoàn toàn dựa trên những chỉ dẫn và góp ý của Bộ. Giờ đây chúng tôi nộp lên để xin Bộ chính thức phê chuẩn.

Trong UBGLDT, còn có một "tiểu ban thần học"nhằm nghiên cứu và phiên dịch các văn kiện chính thức của Huấn Quyền Roma. Gần đây nhất, chúng tôi đã dịch các thông điệp của ĐTC Benôit XVI " Deus Caritas est", "Spe salvi", tông huấn "Sacramentum Caritatis", chúng tôi đã có tổ chức thuyết trình để phổ biến các văn kiện trên.

Chúng tôi cũng có chương trình hoàn chỉnh bản dịch "các văn kiện Công đồng Vatican II" trước đây đã được các sinh viên Giáo hoàng học viện Piô X dịch, chúng tôi hy vọng kịp xuất bản năm 2010. Ngoài ra còn có chương trình duyệt lại và cho xuất bản các thông điệp của ĐTC Gioan Phaolô II.

Tiểu ban này còn có nhiệm vụ soi sáng và nhắc nhở, khi có tác phẩm quan trọng có liên hệ đến đời sống đức tin hay phim ảnh có hại trầm trọng cho đức tin kitô giáo, như phim"Da Vinci Code" chẳng hạn.

Gần đây nhất "tiểu ban" này đã được trao trách nhiệm soạn thảo "Đề cương" Giáo hội tại Việt Nam, Mầu nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ" để chuẩn bị cho "Đại hội Dân Chúa" tại Việt Nam vào năm 2010.

Ngoài ra, vì nhu cầu thống nhất từ ngữ thần học và loan báo Tin mừng, "tiểu ban soạn thảo từ vựng công giáo"được thiết lập để biên soạn một quyển "từ vựng công giáo phổ thông" nhằm cung cấp cho Dân Chúa và "đồng bào Việt nam" khái niệm chính xác" về các từ mà Giáo hội Công giáo tại Việt Nam đang hoặc đã dùng để giới thiệu giáo lý hoặc rao giảng tin mừng trong sách vở báo chí Công giáo.

Hiện nay, tại Việt Nam, chúng tôi gặp rất ít khó khăn về tín lý. Các tư tưởng sai lạc không có nhiều. Ít khi Hội đồng Giám mục Việt nam phải lên tiếng về phương diện này. Nhưng chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về phương diện luân lý, về các vấn đề ngừa thai, phá thai chẳng hạn, nói chung là các vấn đề liên hệ tới "sự sống". Ở Việt nam, phải rất can đảm và kiên trì mới có thể bênh vực cho nền "văn hoá sự sống". UBGLĐT đã dịch Huấn thị "Dignitas personae" của Bộ GLĐT, đã trao cho các giám mục giáo phận và phổ biến trên internet.

Hiện tượng "thế tục hoá" cũng đang ảnh hưởng khá nhiều vào đời sống đức tin ở Việt nam, đặc biệt là đối với giới trẻ sống trong các đô thị. Chủ nghĩa Duy Vật bào mòn "những giá trị thiêng liêng " trong lòng nhiều người. Yếu tố "lợi nhuận" dần dần trở thành giá trị cao nhất, tiêu chuẩn số một cho các quyết định của con người, cá nhân cũng như tập thể. Giáo hội phải cố gắng rất nhiều trong việc giáo dục lương tâm cho người kitô hữu, đồng thời hoàn toàn phó thác vào Tình thương và Quyền năng của Thiên Chúa. Bài học "Đức Trông cậy' vẫn là bài học quan trọng nhất đối với Giáo hội tại Việt nam.

Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc

Giám Mục Giáo phận Mỹ Tho

Chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin.

Nguồn: giaolyductin





Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log