Thứ ba, 07/01/2025

Giải đáp thắc mắc: Câu hỏi số 4

Cập nhật lúc 09:53 02/02/2017
Thưa Đức cha, cho con hỏi về vấn đề hôn nhân đồng tính. Theo con được biết, pháp luật Việt Nam không thừa nhận hôn nhân đồng tính. Khi tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, kể cả tiếp xúc, gặp gỡ họ, con nhận thấy họ là những người bình thường có tình cảm, biết vui, buồn và họ cũng muốn tìm cho mình một người bạn đời cùng giới, nhưng xã hội không chấp nhận điều đó. Con được biết Giáo Hội Công giáo cũng không chấp nhận hôn nhân đồng tính, bởi vì từ thuở ban đầu Thiên Chúa đã tạo ra một người nam và một người nữ để họ kết hợp với nhau thành hôn nhân và lưu truyền sự sống. Nên hôn nhân đồng tính đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa.
Con cảm thấy họ bị tổn thương, khi xã hội và giáo hội đối xử với họ như vậy, bởi họ không muốn như vậy và không ai có quyền quyết định ngoại trừ Thiên Chúa. Xin đức cha cho chúng con những lời chia sẻ về vấn đề này. Chúng con xin cảm ơn đức cha.
 
 
Giải đáp:
Cám ơn bạn đã đề cập tới một vấn đề luân lý tế nhị, nhạy cảm của thời đại, kể cả ở Việt Nam, vì càng ngày cao trào đồng tính đang lan tràn, người ủng hộ xem ra gia tăng. Tôi đọc được trên mạng một bài viết nhan đề “Viết cho em, một người đồng tính” của cha Phạm Đình Ngọc, tôi xin đăng nguyên văn lá thư này để bạn hiểu vấn đề theo đúng với Giáo Hội Công giáo.
 
Em thân mến,
Cuộc đời là một dòng chảy nghiệt ngã mà có khi ta phải vật lộn với nó để tìm lối thoát cho mình. Cứ như một sự tình cờ, chúng ta được hiện diện trong dòng chảy ấy để rồi từ đó chúng ta tận hưởng mọi nỗi sướng khổ buồn vui.
Em nặng lòng khi chia sẻ với tôi rằng em là một người đồng tính và em đang vật lộn với dòng chảy của phận người vốn đã khắc nghiệt lại càng nan giải cho số phận của em. Em là một người Công Giáo luôn thao thức và lắng nghe tiếng nói lương tâm để hành xử cho phải đạo. Tư cách là người Công Giáo ấy dường như càng làm cho em càng dằn vặt hơn. Em chia sẻ rằng em đang yêu một người cùng giới. Sức hút của tình yêu ấy có vẻ đang sôi sục trong em, chiến đấu với tiếng nói của luân thường đạo lý trong em. Tình yêu ấy cũng mang đến cho em nhiều nỗi sợ: em sợ kỳ thị của xã hội, em sợ xúc phạm tới Thiên Chúa. Tất cả những tâm tư ấy làm cho em đau khổ quá chừng.
Em thân mến,
Tôi cảm thông và tôn trọng em; dù trong hoàn cảnh nào đi nữa chúng ta luôn là những người bạn trong Chúa. Tôi là gì mà dám phán xét hay kỳ thị em? Tôi là ai mà có quyền cấm đoán em không được yêu hay được phép yêu một người nào đó? Tôi viết cho em lá thư này với tâm tình của một người bạn đang lắng nghe những nỗi niềm của em. Thế nhưng, trân trọng và yêu thương em là một chuyện đương nhiên; còn việc ủng hộ, tán thành cho lối sống đồng tính lại là chuyện khác. Chúng ta là người Công Giáo nên chúng ta tin rằng Chúa thể hiện ý của Người nơi những giáo huấn của Giáo Hội. Làm theo những gì Giáo Hội dạy, dù có khi làm chúng ta khó chịu, nhưng chắc chắn sẽ đưa chúng ta tới bến bờ hạnh phúc, vì Mẹ Giáo Hội chỉ luôn mong muốn cho con cái mình được sống bình an và triển nở trong tình yêu của Chúa mà thôi.
Em biết đấy, cả Giáo Hội và khoa học đều đã xác nhận rằng đồng tính không phải là một căn bệnh nên nó không có thuốc chữa trị. Hiểu nôm na, nó là những liên hệ giữa những người đồng phái, cảm thấy một sự hấp dẫn tính dục, độc chiếm hoặc vượt trội đối với nhau. Hiện tượng này đã có từ lâu trong lịch sử nhân loại chứ không phải là hậu quả của lối sống tục hóa ngày nay. Chẳng qua là khi con người sống cởi mở hơn thì những người trong cuộc mới dám khảng khái thừa nhận xu hướng tình dục của mình. Các nhà khoa học còn cho biết ngay cả ở động vật cũng có xu hướng này. Vì thế, em đừng nên mặc cảm vì có vẻ mình hơi “khác người bình thường” chỉ vì em bị rung động bởi một người cùng giới tính. Em vẫn là hình ảnh của Thiên Chúa, em vẫn là con cái của Người, vẫn được giá máu của Đức Kitô cứu chuộc, và vẫn được mời gọi để đồng thừa kế Vương Quốc vĩnh cửu của Đấng Tối Cao.
Nhưng em biết đấy, chẳng ai trong chúng ta là người hoàn hảo cả. Mỗi người sinh ra trong cuộc đời đều được trao cho một cây thập giá. Và để được thừa hưởng niềm hạnh phúc miên viễn của Thiên Chúa, chúng ta phải vác cây thập giá ấy lên tận đỉnh đồi cao như Giêsu đã làm. Đối với một số người, đó có thể là bệnh tật. Người khác có thể là bất hạnh trong gia đình. Người nọ có thể là nỗi cơ cực của kiếp mưu sinh… Hẳn là em cũng đồng ý với tôi rằng đâu phải ai yêu nhau cũng đến được với nhau, sống hạnh phúc với nhau trọn kiếp trọn đời, phải không? Đó cũng là một kiểu thánh giá dành cho họ. Chúng ta không có tự do tuyệt đối như Thiên Chúa, nên chúng ta phải chấp nhận những gì Tạo Hóa dành cho chúng ta. Gồng mình lên để kháng cự thì chỉ làm ta thêm đau khổ, còn xem nó là một “món quà”, thì ta sẽ dễ thở hơn rất nhiều, dù thật khó để có một thái độ như vậy. Vâng, thập giá là món quà em à, vì nó giúp chúng ta được nên giống Chúa. Xu hướng đồng giới của em đích thực là một thập giá, nhưng có bao giờ em nghĩ rằng đó cũng là một món quà chưa?
Mẹ Giáo Hội dạy chúng ta rằng quan hệ tình dục đồng tính xúc phạm đến điều răn thứ Sáu trong Mười điều răn, và đi ngược lại mục đích của hôn nhân Kitô giáo. Giáo Hội yêu mến và cưu mang em, Giáo Hội cũng không thể bắt con tim của em ngừng yêu một ai đó, nhưng Giáo Hội buộc phải từ chối một kiểu hôn nhân và quan hệ tình dục đồng giới bởi vì nó “tự bản chất là vô trật tự. Chúng nghịch với luật tự nhiên. Chúng khép kín hành vi tính dục khỏi việc ban tặng sự sống. Chúng không phát xuất từ tính bổ sung thật sự về tình cảm và tính dục.” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 2357). Hành vi tình dục phải được diễn tả trong môi trường hôn nhân có tình yêu để hướng đến việc trao ban sự sống. Thế nên, ngay cả những người dị giới mà quan hệ tình dục vô lối và ngoài hôn nhân cũng là điều không nên rồi.
Giáo Hội luôn hiểu cho hoàn cảnh của những người giống như em nên không ngừng căn dặn con cái mình rằng: “Một số không nhỏ những người nam và người nữ có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Đối với đa số những người này, sự nghiêng chiều vô trật tự một cách khách quan đó, là một thử thách. Họ phải được đón nhận với sự tôn trọng, thông cảm và tế nhị. Phải tránh bất cứ dấu hiệu phân biệt đối xử bất công nào đối với họ. Những người này được mời gọi thực thi ý Chúa trong đời sống của mình, và nếu là Kitô hữu, họ được kêu gọi kết hợp các khó khăn của họ có thể gặp phải do hoàn cảnh của mình, với hy lễ Thập giá của Chúa.”(Sđd, số 2358). Lại một lần nữa, Giáo Hội nhắc đến khó khăn mà em đang trải qua là một kiểu thập giá. Gọi là thập giá bởi vì nó đòi hỏi em phải đánh đổi, phải chịu đau khổ, phải hy sinh, phải từ bỏ. Nhưng sẽ là vô ích nếu như em gánh chịu những điều này mà chẳng để làm chi. Giáo Hội khẳng định với em rằng chỉ cần em kết hợp thập giá này của em với thập giá cứu chuộc của Chúa, em cũng sẽ được sống hạnh phúc với Người trong Nước Trời.
Em đã rất can đảm khi mạnh dạn đương đầu với dòng chảy cuộc đời trớ trêu này. Hy vọng em cũng dám đối diện để đứng trên đôi chân của mình và mở lòng để ân sủng của Thiên Chúa đến với em. Giáo Hội kêu gọi em hãy “sống khiết tịnh. Các nhân đức giúp tự chủ sẽ dạy cho em biết sự tự do nội tâm, và có khi nhờ sự nâng đỡ của tình bằng hữu vô vị lợi, nhờ việc cầu nguyện và ân sủng bí tích, chính em có thể và dần dần cương quyết tiến đến sự trọn hảo Kitô giáo”(sđd, số 2359).
Em có thể gào lên vì những bức bối dày xéo con tim hay vì những kỳ thị bất công của bao người nhìn về chính em! Con người có thể đối xử tệ bạc với em nhưng Chúa thì không bao giờ như vậy. Giáo Hội của Chúa luôn đón nhận, yêu thương và chăm sóc em, giúp em có được niềm hạnh phúc đích thực. Mục đích của tôi và của em trong dòng chảy cuộc đời này là gì nếu không phải là mưu cầu hạnh phúc mà Đấng là Tình yêu, là Đường và Sự thật có thể ban cho? Đường lối – Luật lệ của Thiên Chúa chắc chắn sẽ cho em một lối thoát cho những ách tắc của em lúc này. Chẳng phải Thiên Chúa ngay từ đầu đã tạo nên chúng ta là một giống loài thánh thiêng đó sao? Đối với Người, em thật quý giá biết bao dù em có thế nào đi chăng nữa. Ngay lúc này đây, Thần Khí Chúa vẫn đang hoạt động trong em, cho em được sinh sống, hít thở và mời gọi em bước tiếp trên đường lành. Mỗi người chúng ta đều lãnh nhận từ nơi Chúa một lời mời gọi. Có người được Người trao cho khả năng sinh sản để cho mặt đất này thêm phần hương sắc. Có người được mời gọi để sống khiết tịnh suốt cuộc đời. Em hãy luôn biết tin tưởng phó thác trong tình yêu của Người để vươn lên và sống trong dòng chảy tuy nghiệt ngã những thú vị này, em nhé!
Chúc em bình an và can đảm.
Phạm Đình Ngọc, S.J
 
Để các bạn trẻ hiểu thêm, xin trích sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo về hôn nhân đồng tính (số 2357- 2359).
 
Ðức khiết tịnh và sự đồng tính luyến ái
2357. Ðồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hay nữ cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái. Ðồng tính luyến ái xuất hiện trong nhiều thời đại và văn hóa, với nhiều hình thức khác nhau. Cho đến nay, người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân tâm thần của hiện tượng này. Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1Tm 1,10), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn” (x. Bộ Giáo lý đức tin, Tuyên ngôn “Persona humana” 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.
2358. Ðừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Ðối với đa số những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống và, nếu là Kitô hữu, họ nên kết hợp các khó khăn gặp phải do hoàn cảnh đặc biệt của mình với hy tế thập giá của Chúa.
2359. Những người đồng tính luyến ái cũng được mời gọi sống khiết tịnh. Họ có thể và phải cương quyết tiến dần đến sự toàn thiện Kitô giáo nhờ kinh nguyện và ân sủng bí tích, nhờ biết tự chủ để củng cố tự do nội tâm và nhờ sự nâng đỡ của một tình bạn vô vị lợi.
 
Kết luận: Người công giáo chúng ta có hai thái độ sau đây trước vấn đề hôn nhân đồng tính:
  1. Cảm thông, tôn trọng, không phân biệt đối xử, khinh thị những người sinh ra đã chịu khuynh hướng đồng tính ; nhưng thận trọng vì có những người đồng tính vì lệch lạc, chạy theo mốt, để sống phóng túng về luân lý…
  2. Không chấp nhận hôn nhân đồng tính, vì nó đảo lộn trật tự tự nhiên của hôn nhân, vốn phải là một nam một nữ, và hướng đến sinh sản.
Trở về danh mục câu hỏi
ĐGM Anphong Nguyễn Hữu Long
Thông tin khác:
Câu hỏi số 01 (12/12/2016)




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Giáo lý viên Giáo hạt Nghĩa Lộ tổng kết mục vụ và hành hương Năm Thánh
Giáo lý viên Giáo hạt Nghĩa Lộ tổng kết mục vụ và hành hương Năm Thánh
Sáng ngày 06.01.2025, Ban Giáo lý Đức tin Giáo hạt Nghĩa Lộ đã long trọng tổ chức ngày tổng kết mục vụ giáo lý năm 2024 và hành hương Năm Thánh tại Giáo xứ Vĩnh Quang.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: MIP™ (www.mip.vn - mCMS).
log