Thứ bảy, 20/04/2024

Giáo xứ Kim Ngọc tổ chức mừng thọ nhân dịp tết Nguyên Đán

Cập nhật lúc 17:32 11/02/2013

 

Description: E:\TẾT 2013\mung tho copy.jpgChúc thọ các cụ ông cụ bà trên 70 tuổi vào lễ sáng Mồng Hai Tết là một nét đẹp của truyền thống văn hóa ở Kim ngọc. Giáo xứ có hơn 120 cụ ông cụ bà bước qua ngưỡng “thất thập cổ lai hy”.

Có lẽ từ rất lâu trong dòng lịch sử 266 năm, Giáo xứ đã có truyền thống ấy. Ngay cả các bậc cao niên cũng không nhớ đã bắt đầu từ khi nào. Mỗi năm đều có thêm những nét đẹp của lòng hiếu thảo nơi đoàn con cháu. Dịp này, Giáo Xứ luôn mời đại diện các họ tộc lương dân trong địa phương đến dự lễ và cùng dâng hương trước bàn thờ kính các Bậc Tổ Tiên.

Description: E:\TẾT 2012\New folder\New folder\DSC01728.JPGDescription: E:\TẾT 2012\New folder\New folder\DSC01723.JPG “Theo một cách sắp xếp tuổi thọ trong văn hoá Việt Nam thì 60 tuổi là hạ thọ, 70 tuổi là trung thọ, 80 là thượng thọ, 100 là đại thọ. Nhưng người ta cũng thường coi tuổi bảy mươi đã là tuổi thượng thọ rồi. Sống thọ là một ơn Trời và là một phúc lớn. Phúc lớn ấy trước nhất là của chính người cao tuổi nhưng đồng thời cũng là cho con cháu, bởi vì cha mẹ có sống lâu, con cháu mới được phụng dưỡng và thể hiện lòng hiếu thảo. Dù không phải là một điều bắt buộc nhưng mừng thọ là một tập tục thật đáng quí chuộng trong thời buổi toàn cầu hoá, thực dụng và duy vật chất ngày nay!” (Lm Nguyễn Hồng Giáo).

Ông THỌ (còn gọi là ông Đa Thọ) tượng trưng cho sự sống lâu với hình ảnh là một cụ già râu tóc bạc phơ, trán hói và dô cao, tay cầm trái đào tiên, bên cạnh thường có thêm con hạc. Ông tên là Đông Phương Sóc, làm quan đời nhà Hán. Ông hưởng thọ 125 tuổi. Khi ông viên tịch, con cháu của ông đều chết cả. Cháu tứ đại (4 đời) phải thay bố lo tang chế cho cụ cố.

Kính lão đắc thọ. Người cao tuổi được tôn kính trọng vọng. Người cao tuổi là người từng trải, kinh nghiệm và khôn ngoan. Sách Lêvi nhắc nhở: “Thấy người đầu bạc, ngươi phải đứng lên, ngươi phải kính trọng người già cả, như vậy là ngươi kính sợ Thiên Chúa của ngươi” (Lv 19,32).

Description: E:\TẾT 2012\New folder\New folder\DSC01680.JPGKinh Thánh rất trân trọng người cao tuổi. Dù đời người không thiếu đau khổ và luôn bị cái chết đe doạ nhưng sự sống vẫn luôn là một ân huệ Chúa ban. Con người mong được sống lâu, sống thọ: “Cho dù con gặp bước ngặt nghèo, Chúa vẫn bảo toàn mạng sống con” (Tv 138,7); “Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm” (Tv 118,17). Được sống thọ cũng như được đông con nhiều cháu và giàu có sung túc là những dấu hiệu được Chúa chúc phúc (x. Cn, 3,16; 10,17; 13,21-23; 16,31 và 17,6). Trong Kinh Thánh Cựu Ước, các Tổ phụ trước thời Lụt hồng thuỷ sống rất thọ như Ađam đến 130 tuổi mới sinh con là Seth, sau đó còn sống 800 năm nữa, tổng cộng 930 năm! Hay Seth sinh ra Ênốc ở tuổi 105, rồi sống thêm 807 năm nữa. Chiếm kỷ lục sống thọ là cụ Mêthusala sống đến 969 năm, hơn chín thế kỷ rưỡi! Các số tuổi khó tin này chắc không thể hiểu theo nghĩa đen được…

Kinh Thánh dạy: Con cái phải tôn kính hiếu thảo với cha mẹ, nhất là khi cha mẹ già nua; khi làm như thế, chính con cái cũng sẽ được phúc lành trường thọ (x. Hc, 3,2-6,12-14; Ep 6,2-3); “Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng” (Hc 3,16). “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi” (Đnl 5,16). Điều răn thứ bốn dạy thảo kính cha mẹ được đặt ngay sau ba điều răn về Thiên Chúa. Sách Giảng viên dạy: thảo kính cha mẹ là thảo kính Chúa, tôn kính cha mẹ là tôn kính Chúa.

Sống thọ là một điều đáng ước ao. Nhưng theo Kinh Thánh, điều quan trọng hơn nữa là cuộc sống công chính, thánh thiện, đẹp lòng Chúa để đáng được Người ban cho đời sống vĩnh cửu. Kính sợ Chúa sẽ được sống thọ: “Ai kính sợ Đức Chúa sẽ được trường thọ, còn tuổi đời đứa ác bị rút ngắn đi” (Cn 10,27). Kính sợ Chúa sẽ được hưởng phúc: “Kính sợ Đức Chúa khiến tâm hồn sung sướng, cho con người được hoan hỷ mừng vui và an khang trường thọ” (Hc 1,12). Sống trung thực sẽ được hưởng thọ: “Ai khinh chê lợi lộc bất chính sẽ được trường thọ” (Cn 28,16). Thánh Vịnh diễn tả tâm tình của người chính trực: “Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Libăng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta; già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn” (Tv 92,13-15).Yêu mến Chúa sẽ được khôn ngoan: “Gốc rễ của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa, cành lá của khôn ngoan là cuộc đời trường thọ” (Hc 1,20). Đức Cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận đã nói: "Chiều cao của đời tôi là gì? Là trung thành với Thiên Chúa, với Hội thánh, với Tổ tiên, với Tổ quốc. Chiều rộng của đời tôi là gì? Là trưởng thành đối với gia đình, cộng đoàn và xã hội. Chiều dài của đời tôi là gì? Là tín thành với bằng hữu, với mọi người" (x.Thập đại thành công).

Hạnh phúc của tuổi già là được sống bình an, thanh thản và hạnh phúc giữa đàn con cháu. Sách Châm Ngôn viết: "Triều thiên của người già là đàn con cháu, vinh dự của con cái là chính người cha". (Cn 17,6). Người cao niên giống như "người tôi tớ luôn tỉnh thức sẵn sàng chờ đợi chủ trở về", luôn sẵn sàng, Chúa có thể gọi bất cứ lúc nào nên sống thư thái và phó thác.

Các cụ ông cụ bà là những tấm gương đạo đức cho con cháu noi theo. Đặc biệt là lời cầu nguyện của các ngài rất hiệu năng trước nhan thánh Chúa. Thánh nữ Têrêsa Hài đồng, mặc dù đi tu trong dòng kín, nhưng được Giáo hội chọn làm Quan thầy các xứ truyền giáo. Thánh nhân luôn sốt sắng cầu nguyện. Bằng lời cầu nguyện mà ngài đã mang lại nhiều ơn ích cho Giáo hội. Giáo xứ càng ngày càng vững mạnh cũng chính là nhờ lời cầu nguyện của các bậc cao niên.

Ngày Tết, mừng thọ ông bà trọng tuổi là dịp tốt để nhắc nhớ con cháu suy nghĩ về tuổi già, về đạo hiếu, về lòng biết ơn. Chính đạo hiếu là nền tảng cho tâm đức kính trọng tuổi già.

Dưới ánh sáng đức tin, đạo hiếu không chỉ là một hành động luân lý, đạo đức xã hội mà còn là một giới luật được Thiên Chúa truyền dạy, một giới răn chỉ đứng sau ba giới răn dành riêng cho Thiên Chúa. Người Công Giáo thảo hiếu, kính trọng cha mẹ không chỉ theo ảnh hưởng của văn hóa, xã hội, tâm lý, mà còn đặt trên niềm tin tôn giáo. Thảo kính cha mẹ là điều làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Lạy Chúa là Cha rất nhân từ,Chúa dạy chúng con phải giữ lòng hiếu thảo. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới Quý Tỵ. Chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc đã sinh thành dưỡng dục chúng con,và giúp chúng con luôn sống cho phải đạo đối với các ngài. Amen (Lời nguyện nhập lễ, Mồng Hai Tết).
 

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log