Thứ sáu, 26/04/2024

Đồng hành Khôi Bình tháng 02-2016

Cập nhật lúc 08:25 05/02/2016

Lời ngỏ
Anh chị em Khôi Bình thân mến,
Năm nay, Mồng Ba Tết Bính Thân trùng với ngày Thứ Tư Lễ Tro. Một trong những ngày đầu năm mới lại trùng với ngày đầu Mùa Chay Thánh. Sự trùng hợp này có một chút bất tiện phải giải quyết, là làm sao vui xuân trọn vẹn mà vẫn chu toàn luật lệ của Giáo hội. Giải pháp đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam đề ra là: Thứ Tư Lễ Tro, mùng ba Tết, tín hữu vẫn tham dự thánh lễ và nhận xức tro như thường lệ; chỉ có việc kiêng thịt là dời vào thứ Sáu tuần sau, tức là ngày thứ Sáu 19/2/2016. Tuy nhiên, sự trùng hợp giữa một trong những ngày khởi đầu của năm mới với ngày khởi đầu của Mùa Chay lại đem đến cho ta những diệu cảm bất ngờ: Mùa Chay cũng là một Mùa Xuân.
Nếu Mùa Xuân được mọi người mong đợi chào đón như một khởi đầu cho chu kỳ năm mới, với cảnh sắc hân hoan hứa hẹn một tương lai phong phú, thì Mùa Chay cũng được các tín hữu chào đón như một thời gian cao điểm canh tân giúp đón nhận hồng ân của mầu nhiệm Phục sinh. Tương tự như Mùa Xuân đến khôi phục sự tươi trẻ của cảnh vật cho phù hợp với lẽ xoay vần của thời tiết, Mùa Chay đến với 40 ngày giúp tín hữu đổi mới tâm hồn và đời sống cho phù hợp với mầu nhiệm cử hành.
Và nếu Mùa Xuân là cơ hội gia đình sum họp quây quần nối kết tình thân họ hàng ruột thịt, thì Mùa Chay cũng là thời điểm thuận lợi để thực hiện những cuộc trở về: những ai đã xa rời giáo lý tinh tuyền của Chúa biết tìm về hoán cải; những người đã dẫn vào đời mình cách sống xa lạ với giới luật yêu thương của Tin Mừng biết hoà giải tha thứ, vun đắp công bình và xây dựng hoà bình. Phụng vụ vẫn nhắc nhở về ý nghĩa Mùa Chay: "Đây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ"; hoặc cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim tinh tuyền." Còn chúng ta, trong Mùa Chay này, hãy quyết tâm có những hành vi thiết thực: Canh tân hoà giải, sám hối và lòng rộng trải yêu thương.
Trong nhãn giới Năm Thánh Lòng Thương Xót, kính chúc anh chị em một Mùa Xuân cảm nghiệm rõ hơn tình thương của Chúa trong đời mình, để ngày ngày biết đón nhận và đáp ứng bằng con tim quảng đại hiến dâng. Xin ký thác anh chị em và gia đình cho Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của Lòng Thương Xót.
Trung kiên với Khôi Bình,
Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn
LMĐHKB. Hưng Hoá
 
I. CHIA sẺ LỜI CHÚA: CHỦ NHẬT I MÙA CHAY
Đnl 26, 4-10; Rm 10, 8-13; Lc 4,1-13
Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca kể lại việc Chúa Giêsu đã vào sa mạc và chịu ma quỷ cám dỗ 40 ngày. Sự kiện này có ý nghĩa gì và có liên hệ gì đến cuộc sống chúng ta hôm nay?
1. Dân Chúa trong sa mạc
Sa mạc là nơi mà dân Do Thái ngày xưa đã hành trình 40 năm trường trước khi vào Đất hứa.
Nơi thử thách: Trong thời gian ấy dân Do thái đã phải chịu nhiều thiếu thốn, họ đã phải đói, phải khát, phải gặp nhiều nguy hiểm như rắn, bò cạp v.v.
Nơi được cảm nghiệm tình thương Thiên Chúa: Tuy nhiên họ đã được chứng kiến rất nhiều dấu lạ của Thiên Chúa. Người đã muốn tỏ cho họ thấy sự quan phòng đầy tình thương của Người. Người đã cho họ ăn manna, thịt chim cút, uống nước từ tảng đá chảy ra. Hoàn cảnh sa mạc càng khô khan cằn cỗi, thì các việc Chúa làm càng biểu lộ quyền năng vô biên và tình thương bao la của Người.
Nơi dân Do thái đã sa ngã: Nhưng dân Do thái đã không bao giờ hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa. Khi phải đói và khát, họ liền bất mãn, rồi phàn nàn và càm ràm chống lại Thiên Chúa. Họ còn thờ phượng con bê vàng, giống như các dân ngoại khác.
2. Chúa Giêsu trong sa mạc
Chúa Giêsu “đã được Thần Khí đưa vào sa mạc, chịu ma quỷ cám dỗ 40 ngày.” Người đã muốn sống lại cái kinh nghiệm của Dân Chúa ngày xưa: chịu đói, chịu khát, chịu cám dỗ. Để cứu chuộc nhân loại, người đã muốn chia sẻ trọn vẹn thân phận làm người, kể cả việc bị cám dỗ. Tác giả của thư gửi tín hữu Do Thái viết: “Trong mọi sự Người giống anh em Người, để trở thành vị thượng tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương vừa trung tín, cốt để lo tạ tội cho dân. Vì đã trải qua thử thách bằng đau khổ, thì Người có thể đáp cứu những ai chịu thử thách” (Dt 2,17-18).
Trong hoàn cảnh đói, khát, túng thiếu, bị ma quỷ cám dỗ, Người đã không sa ngã như dân Do Thái, nhưng Người đã chiến thắng. Người đã sống tâm tình con thảo, tuyệt đối tuân phục Chúa Cha và chỉ tìm kiếm vinh quang Chúa Cha mà thôi.
Trong cơn cám dỗ thứ nhất, ma quỷ đề nghị Chúa hãy dùng quyền riêng của mình để biến những hòn đá trở thành bánh để ăn. Chúa đã có thể làm, nhưng Chúa không làm. Chúa trả lời: “Người ta sống không chỉ nhờ bánh” (Lc 4, 4). Đối với Chúa Giêsu có thứ bánh khác quan trọng hơn, đó là thi hành Thánh ý của Chúa Cha, như sau này có lần Người nói: “Lương thực Ta dùng là thi hành ý muốn của Cha Ta” (Ga 4, 34). Đàng khác Chúa muốn dùng quyền bính mà Chúa Cha ban cho Người, không phải để tìm kiếm tư lợi cá nhân, nhưng để phục vụ người khác.
Sau này, Chúa Giêsu sẽ làm phép lạ, hóa bánh ra nhiều, để muôi 5.000 người ăn. Người đã hóa bánh và rượu thành Mình và Máu của Người để làm lương thực cho ta.
Trong cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ hứa cho Chúa Giêsu uy quyền và vinh quang, nếu Chúa chấp nhận bái lạy nó (Lc 4, 6). Chúa từ khước ngay.
 
Trước hết, vì bổn phận của con người là chỉ thờ phượng Thiên Chúa mà thôi, không thờ phượng một ai khác cho dẫu người ấy mang lại một mối lợi to lớn. Sau nữa, khi đến trần gian này, Người muốn chọn thân phận làm người tôi tớ để phục vụ, chứ không muốn làm một ông hoàng quyền thế và vẻ vang để người ta phục vụ mình.
Trong cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đề nghị Đức Giêsu hãy nhảy từ nóc Đền thờ xuống đất, không phải vì một lý do quan trọng nào cả, mà chỉ để thử quyền năng của Thiên Chúa thôi. Lẽ dĩ nhiên Thiên Chúa luôn luôn săn sóc che chở người công chính: ma quỷ biết điều đó nên nó nêu câu thánh vịnh 91 ra: “Vì ngươi, Thiên Chúa sẽ ra lệnh cho các thiên thần gìn giữ ngươi, họ sẽ nâng ngươi trên bàn tay họ, kẻo ngươi lỡ vấp chân vào đá.” Nhưng con người không được lợi dụng tình thương và quyền năng của Thiên Chúa, để bắt Người phục vụ ý đồ riêng của mình. Nên Chúa Giêsu đã nêu câu Kinh thánh khác: “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa.”
Qua 03 câu trả lời, Đức Giêsu cho thấy Người muốn: Chấp nhận hoàn toàn thân phận con người, chịu đói khát và mọi thứ thiếu thốn để phụng sự Thiên Chúa và thực hiện Thánh ý Người. Người muốn sống trong thế gian như một người tôi tớ, tìm cách phục vụ tha nhân chứ không phải để được phục vụ.
Thánh Luca kết thúc bằng câu: “Khi ma quỷ đã xong mọi chước cám dỗ, thì nó lìa bỏ Người mà đợi dịp.” Và dịp cuối cùng là ma quỷ đã xúi dục các nhà chức trách Do Thái để đóng đinh Người. Dưới chân thập giá các thủ lãnh sẽ nói với Chúa Giêsu theo giọng điệu của ma quỷ: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” (Lc 23, 35). Và trên thập giá, Chúa Giêsu sẽ chiến thắng bằng niềm tin tuyệt đối vào Chúa Cha và chương trình cứu rỗi của Người.
3. Cuộc sống của chúng ta
Cuộc sống chúng ta trên trần gian là một cuộc hành trình tiến về quê hương đích thực là Nước Trời. Trần gian này có thể được ví như chốn sa mạc. Trên trần gian này chúng ta được chứng kiến bao dấu lạ kỳ diệu của Thiên Chúa, nhưng cũng phải gặp nhiều thiếu thốn về phần vật chất và tinh thần. Hoàn cảnh thiếu thốn và khó khăn ấy có thể tạo ra cho chúng ta nhiều chước cám dỗ: có thể bị cám dỗ chỉ tìm kiếm của ăn vật chất và lãng quên của ăn tinh thần, tức là Lời Chúa và Thánh ý của Người; tệ hơn nữa, chúng ta có thể bị cám dỗ từ bỏ Thiên Chúa tôn thờ ma quỷ để nó mang lại cho chúng ta các thứ lợi lộc và nhất là quyền hành và vinh quang ở trần gian này; sau hết, chúng ta bị cám dỗ "thử thách Thiên Chúa", nghĩa là không muốn tuân phục Thiên Chúa, lại còn muốn Người dùng quyền năng của Người để thực hiện những ý đồ riêng tư của chúng ta.
Chúng ta biết rằng Đức Giêsu đã chiến thắng ma quỷ. Chúng ta hãy tin vào Người, rồi xin Người hãy ban cho chúng ta sức mạnh Chúa Thánh Thần, nhờ đó chúng ta có thể cùng với Người chiến thắng mọi chước cám dỗ trong đời sống chúng ta, và luôn luôn đặt vào trung tâm đời sống chúng ta giới răn cơ bản là "yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực" (Đnl 6, 6), vì chỉ một mình Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi thiện hảo cho chúng ta ở đời này và đời sau ./.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
  1. Qua việc Đức Giêsu chịu cám dỗ, anh chị nhận ra được những đức tính và tinh thần nào để giúp anh chị chiến đấu với các cơn cám dỗ hằng ngày trong đời sống?
  2. Anh chị có những kinh nghiệm gì về những cám dỗ và về việc chống trả các cám dỗ trong đời sống của anh chị?
  3. Bài Tin mừng này giúp gì cho anh chị trong tinh thần Mùa Chay?
II. GỢI Ý MỤC VỤ TRONG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT
Đề tài 03: Phẩm giá con người do Lòng Thương Xót
“Mọi sự của cha đều là của con” (Lc15, 32).
Bước vào Mùa Chay, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm về phẩm giá làm con Chúa bởi ân sủng vô điều kiện của Tình Thương – Lòng Thương Xót của Chúa.
 

1. Tội lỗi làm mất phẩm giá làm con Thiên Chúa

“Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói(Lc 15,17). Con người là thọ tạo được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1, 27) Tình Yêu, là Cha, Con, và Thánh Thần. Con người (ađam) được tạo dựng từ đất (ađamah) và có sự sống nhờ được thần khí (ruah) Thiên Chúa linh hứng. Nhưng ngay từ đầu dòng lịch sử, con người đầu tiên đã nghe lời dụ dỗ của thần dữ mà phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa, tự do bị lạm dụng vì giả trá đã thay thế sự thật. Từ đó, “là bụi đất người phải trở về với bụi đất.” Mọi người từ đó sinh ra đời để chết (Sein zum Tode – M. Heidegger). Tội lỗi thâm nhập trần gian, con người và toàn thể loài người phải chết.
Tình cảnh đó phản chiếu qua hình ảnh “người con hoang đàng” của dụ ngôn Lc 15, 11- 32. Khi xin cha chia phần gia sản để đi xa, người con tội lỗi ấy đã không ý thức được sự mất phẩm giá làm con. Chỉ sau khi tiêu tán hết gia tài rơi vào tình cảnh cùng cực đói khổ, người con tội lỗi đó mới tự nhận ra: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói.” Dưới bề mặt những lời nói này, người ấy tự đo lường theo mức độ những của cải mình đã mất, ẩn khuất bi kịch phẩm giá đã đánh mất, người ấy le lói ý thức tư cách làm con của mình đã hỏng. “Theo một nghĩa nào đó, người con này là con người mọi thời đại, kể từ người đầu tiên đã làm mất gia tài ân sủng và sự công chính nguyên thủy”[1].Tội lỗi đã làm con người mất phẩm giá làm con Thiên Chúa.

2. Ơn tha thứ trả lại cho ta phẩm giá làm con Thiên Chúa

“Vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay tìm lại được” (Lc 15, 32). Nhưng Tình yêu, vốn là bản thể của Thiên Chúa, bày tỏ ra bởi Lòng Thương Xót, ngay lập tức tiến hành kế hoạch nhập thể cứu độ. Đến thời viên mãn,  Con Thiên Chúa đã sinh hạ làm con một người phụ nữ Do thái, đã đến trần gian mạc khải Dung mạo của Lòng Thương Xót (Misericordiae Vultus) qua chính cuộc sống, qua lời nói và hành động, cái Chết và sự Phục sinh của Người. Người Con Một ấy, vì “loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta”, đã không được miễn chước khỏi đau khổ khủng khiếp của Thập Giá. Tất cả chiều sâu của mầu nhiệm Thập giá và chiều kích thần linh của thực tại cứu chuộc được bày tỏ qua lời thánh Phaolô: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr  5,21). Thánh Gioan Phaolô II dạy, vì tội lỗi có trong thế gian này, mà “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban người Con Một” (Ga 3,16), cho nên “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4, 8.16) chỉ có thể tự mạc khải là lòng thương xót mà thôi. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là vô cùng vô tận. Như vậy, sự mau mắn sẵn sàng của Chúa Cha cũng vô cùng vô tận để đón nhận những người con hoang đàng trở về nhà. Sự mau mắn và quyền năng của ơn tha thứ không ngừng tuôn trào từ của lễ hy sinh vô giá của Chúa Con cũng vô cùng vô tận. Không tội lỗi nào của con người trổi vượt hơn quyền năng này và giới hạn lại quyền năng này. Ơn tha thứ này chỉ bị giới hạn từ phía con người thiếu thiện chí, không sẵn sàng sám hối, tức là ngoan cố thường xuyên chống lại ân sủng và chân lý, đặc biệt khi đứng trước Thập giá và sự Phục sinh của Đức Kitô.[2]
Sự ăn năn sám hối của tội nhân dù “không trọn” (như “người con hoang đàng” trở về nhà cha chỉ vì để giải quyết cái đói cùng cực) nhưng ý thức mình không xứng đáng và mất quyền làm con, ý thức đầy đủ về lẽ công bình mình đáng chịu những hậu quả do mình gây ra, lại được bảo đảm bởi Tình thương biến thành lòng thương xót của Chúa Cha. Người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng mạc khải Thiên Chúa là Cha, trung thành với tư cách làm cha, trung thành với tình thương tràn trề luôn dành cho con. Chúa Cha vui, cả thiên đàng vui, ăn khao thật hào phóng để mừng kẻ hoang đàng trở về “vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay tìm lại được” (Lc 15, 32). Con người tội nhân sám hối được tha thứ được trả lại phẩm giá làm con.

3. Giáo hội làm chứng cho phẩm giá con người trong thế giới

“‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi tặng ban Con Một của mình” (Ga 3,16). Trong khi loan báo Tin mừng cứu chuộc do Lòng Thương Xót của Chúa, Giáo hội làm chứng cho phẩm giá ấy của con người, vừa thuộc bình diện tạo dựng (theo hình ảnh Thiên Chúa - imago Dei) vừa thuộc bình diện cứu chuộc (“đã mất nay tìm lại được” nhờ ân sủng Đức Giêsu Kitô). Trung thành với sứ mạng ấy, Giáo hội dạy rằng: “Ơn cứu chuộc do Đức Kitô mang lại và được giao cho sứ mạng cứu độ của Giáo hội chắc hẳn thuộc trật tự siêu nhiên. Xác định chiều hướng này không phải là đặt giới hạn cho ơn cứu độ, nhưng đúng hơn là muốn diễn tả ơn cứu độ một cách toàn diện. Không được hiểu siêu nhiên như một thực thể hay một địa điểm khởi đi từ nơi mà tự nhiên kết thúc, nhưng phải hiểu siêu nhiên là nâng tự nhiên lên một bình diện cao hơn. Nếu thế thì không có gì thuộc về trật tự tạo thành hay nhân loại mà xa lạ hay bị loại khỏi trật tự siêu nhiên hay trật tự thần học của đức tin và ân sủng, trái lại, tất cả đều tìm thấy trong trật tự này, đều được đảm nhận và nâng cao. “Trong Đức Giêsu Kitô, thế giới hữu hình do Chúa tạo thành cho con người (x. St 1, 26-30) – thế giới ‘đã bị rơi vào tình trạng phù phiếm’ kể từ khi có tội xâm nhập vào (Rm 8, 20; x. Rm 8,19-22) – đã lấy lại mối liên hệ nguyên thuỷ của mình với nguồn mạch Khôn Ngoan và Yêu Thương là Thiên Chúa. Thật vậy, ‘Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi tặng ban Con Một của mình’ (Ga 3,16). Mối liên hệ này đã bị phá vỡ trong con người Ađam, nay được hàn gắn lại trong con người Đức Kitô (x. Rm 5,12-21)”[3].

Câu hỏi chia sẻ và thảo luận:

1. Xin anh chị nếu có thể chia sẻ với cộng đoàn nhỏ của mình một kinh nghiệm nhận được ơn tha thứ và cảm nghiệm về phẩm giá tìm lại được của người con được Thiên Chúa yêu thương.
2. Đâu là ý nghĩa và sự tự do do Tin mừng Chúa Giêsu Kitô mang lại cho con người, cho xã hội?
3. Cộng đoàn hay giáo xứ của anh chị có hiển lộ cho môi trường xã hội (qua phụng tự, qua huấn giáo, dấn thân trong nghề nghiệp, bác ái xã hội …) như một cộng đoàn của Lòng Thương Xót của Chúa không?
Văn Phòng HĐGMVN
[1] Th.Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia, 5.
[2]Ibid., 13.
[3] HTXHCG, 63.
Thông tin khác:




Thánh lễ Truyền Chức Giám Mục Đaminh Hoàng Minh Tiến tại nhà thờ Chính toà Sơn Lộc | 14.02.2022
Liên kết website
Tiêu điểm
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế
Chiều ngày 22.04.2024 Đức Cha Đaminh Hoàng Minh Tiến, Giám mục Giáo phận Hưng Hoá, đã viếng thăm và huấn đức cho quý Thầy Đại Chủng viện Huế. Trong bài chia sẻ này, Đức Cha mời gọi các chủng sinh ước mơ và mong muốn trở thành một linh mục thánh thiện.
Website www.giaophanhunghoa.org được phát triển bởi đơn vị thiết kế web: OnIP™ (www.onip.vn - mCMS).
log